“Thi sĩ”- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

14:28, Thứ ba 27/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Ít ai nghĩ Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là nhà thơ và cũng chẳng bao giờ ông cho mình là nhà thơ. Như chính ông đã đúc kết đời mình, rằng: “Tôi khảo cổ chính tôi và thấy/ Một xấp dày ngu ngơ”.

(Phunutoday) - Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, là người có đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam vào tháng 11/2006.
[links()]
Cũng vào năm này, ông được khán giả của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) bình chọn là nhân vật tiêu biểu nhất của năm. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển.
Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển.

Không phải ngẫu nhiên mà ông được Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ là Nguyễn Văn An khen ngợi trong các kỳ họp. Cuộc đời của vị Bộ trưởng này gắn liền với những câu chuyện “gàn dở” nhưng thanh liêm, giản dị đến chân chất, mộc mạc và đã trở thành giai thoại.

Chính những điều này đã làm nên thương hiệu của một lãnh đạo hết lòng vì dân.  

Ông Trương Đình Tuyển sinh năm 1942 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngoài hình mẫu là người nổi tiếng cương trực, thẳng thắn và rất quyết đoán trong công việc, ông còn được biết đến là một thi sĩ đầy lãng mạn.

Ông từng có thời gian làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex và đến tháng 7/1997 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Tháng 2/2000, Bộ Chính trị điều ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An. Chính quãng thời gian này, giữa đời thường đã tái hiện chân dung của một Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc chứ không phải qua phim ảnh, khi ngày ngày ông tự đi chợ và về tự nấu ăn, thức ăn chủ yếu là rau muống luộc và đậu phụ mắm tôm. Mỗi lần về quê, ông đều tự đi xe đò.

Tháng 8/2002, Trương Đình Tuyển lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại thay cho ông Vũ Khoan được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và ông đã đóng vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.

Cuộc đời của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã được chính ông tự phác hoạ bằng hai câu thơ: “Không đa mang cũng phong trần/ Không đam mê cũng đôi lần liêu xiêu”.

Ông “đồ gàn xứ Nghệ”

Xin được mở đầu chuyện của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bằng những câu chuyện “khác người” của ông trong những năm tháng được điều về giữ chức Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Đây là quãng thời gian người viết bài đã có dịp tiếp xúc, đàm thoại và nghe ông chia sẻ nên càng hiểu hơn những tố chất “gàn” rất Nghệ của ông.

Gần 3 năm đứng đầu cả một tỉnh có địa giới hành chính rộng nhất nước này, “tư dinh” của ông là một căn phòng tập thể trên tầng 2 nằm trong khuôn viên Trụ sở tỉnh ủy.

Căn phòng nhỏ ấy lúc nào cũng bộn bề sách vở, tài liệu và đặc biệt là luôn sực nức mùi cá khô, thứ thực phẩm mà ông vẫn ưa thích trong những ngày xa vợ con vì tiện dụng.

Sáng dậy cho vo gạo, cắm phích, cơm chín, cho thêm mấy con cá khô vào thành bữa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng, thế là thành bữa trưa, bữa tối. Suốt 3 năm, lịch trình của những bữa ăn không tiệc tùng, khách khứa của ông chỉ đơn giản là thế.

Nhắc lại chuyện ăn ở của vị Bí thư tỉnh ủy này, quan chức Nghệ An qua các thời kỳ vẫn truyền nhau giai thoại có thật.

Rằng, khi ông Tuyển nhận quyết định về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đã có ý định phân đất và xây nhà cho đồng chí Bí thư, nhưng ông kiên quyết từ chối:

“Ở Hà Nội tôi đã có nhà rồi!”, và chỉ đề nghị tỉnh bố trí cho một phòng vừa ở vừa làm việc ngay trong cơ quan.

Lại nữa, ở Nghệ An, mùa hè thời tiết khá nóng nực nên văn phòng Tỉnh uỷ có trang bị cho ông một cái tủ lạnh nhưng ông cũng không nhận mà chỉ đề nghị mua cho ông 1 bình ga, 2 cái xong nhỏ.

Sau khi sắm đủ những vật dụng này, ông cũng không cho dùng tiền công quỹ mà trừ cả vào tiền lương tháng của ông.

Cũng trong thời gian này, người dân TP Vinh và đặc biệt là bà con tiểu thương tại chợ Quán Lau (nơi gần cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An) đã rất quen thuộc với hình ảnh một vị bí thư quần xắn ngang bắp, chân đi dép tông tự đạp xe đạp Thống Nhất cũ kỹ đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn, mọi cái đều tự biên tự diễn. Nấu một bữa, ăn cả ngày.

Ngày nghỉ cuối tuần, nếu không họp hành gì, ông nhảy tàu hoả ra Hà Nội với vợ con.

Trên cương vị là Bí thư tỉnh Nghệ An, có thể nói ông đã làm một cuộc “cải tổ” có một không hai trong lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh này. Chỉ cần những lãnh đạo cũ yếu kém, làm sai trái hoặc thiếu bản lĩnh là ông ra quyết định thay ngay.

3 năm, ông cương quyết cho 9 Bí thư huyện ủy thôi chức, trong đó có cả ông Bí thư huyện ủy huyện Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân tình, nhưng vì việc chung, ông vẫn kiên quyết không có ngoại lệ.

Kiên quyết nhưng Trương Đình Tuyển cũng là người rộng lượng, vị tha. Còn nhớ vụ giám đốc một công ty thương mại nổi tiếng có mối quan hệ rất rộng ở Vinh, nên khi vị này treo một khoản nợ “khó đòi” 47 tỷ đồng với đối tác, trong khi không ai dám cách chức ông ta thì Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đình Tuyển đã đình chỉ công tác ông giám đốc này để thu hồi công nợ.

Hàng loạt sức ép từ Trung ương đến địa phương giáng xuống, ông vẫn giữ nguyên quyết định và hứa thu hồi công nợ xong, ông cho vị giám đốc này phục chức. Xong việc, ông Tuyển đã giữ đúng lời hứa của mình.

Dịp Đại hội Đảng bộ các huyện miền núi, văn phòng tỉnh uỷ bố trí xe riêng cho Bí thư, còn anh em chuyên viên thì đi chung. Đến giờ, thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông biết chuyện liền bắt các xe con về, còn tất cả lên xe chung loại 16 chỗ.

Dự Đại hội xong là ông “chuồn” thẳng, vì ngại cơ sở phải mời cơm. Dọc đường về, ông rủ anh em vào quán ăn trưa. Khi ăn xong, bao giờ ông cũng giành “quyền” trả tiền vì: “Lương tôi cao hơn các cậu”.

Đó là những câu chuyện thật đã thành giai thoại về Trương Đình Tuyển mà các lão thành Cách mạng Nghệ An rất hay kể, và có được dân tin yêu thế nào, phải là “chất quan” thế nào mới có nhiều giai thoại đọng lại trong lòng dân như thế.

Thi sĩ Trương Đình Tuyển

Ngoài việc chính trường, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển còn được người ta biết đến như là một nhà thơ, bởi ông là người có tâm hồn thi sĩ.

Với ông, làm thơ không phải để vinh danh, mong được nổi tiếng hay đơn giản là mưu sinh, mà ông làm thơ “là để làm mềm bớt cái khô của công việc và làm cuộc sống thêm thăng hoa”.

Ông có những câu thơ đặc sắc có thể xếp ngang hàng với các thi sĩ tài danh: “Không đa mang cũng phong trần/ Không đam mê cũng đôi lần liêu xiêu…”.

Một lần sang Nga, đi bên sông Nheva gặp cô gái Hồi choàng khăn che mặt, ông đã ngay lập tức xuất khẩu thành thơ: “Mắt mồ côi anh gặp mắt em rồi”.

Nhân chuyện này, lại nhớ đến câu chuyện thi sĩ rung rinh nhịp tim vì cô gái trẻ, một câu chuyện có thật được chính ông kể lại cho bạn bè sau những giây phút căng thẳng trên chính trường.

Ngày ấy, cách đây đã hơn 40 năm, khi đang là một anh chàng sinh viên nhút nhát, Trương Đình Tuyển đã thầm yêu một cô bạn cùng lớp. Nhưng anh chỉ dám thầm thương nhớ trộm, yêu đơn phương suốt 4 năm trời mà không một lần dám thổ lộ.

Chiến tranh, Trương Đình Tuyển lên đường ra trận và họ bặt tin nhau từ đấy. Mãi đến một buổi chiều cuối năm 1979, bất ngờ gặp lại nhau, dù rằng giờ đây mỗi người đã có cho mình một mái ấm riêng, nhưng cô gái ấy mới dám thú nhận, rằng ngày xưa cô cũng rất yêu anh, chỉ chờ đợi anh ngỏ lời mà không hiểu sao anh cứ im lặng.

Bần thần trước lời thú nhận chân tình đó, suốt đêm, Trương Đình Tuyển đã viết riêng cho người con gái ngày xưa một bài thơ chưa kịp đặt tên:

“Tuổi hai mươi đôi môi đỏ mọng/  Em trao cho ai những chiếc hôn đầu/ Dẫu rất yêu em/ Anh chỉ được hôn lên mái tóc/ Cái e ấp này chẳng tại anh đâu…”. Ngoài ra, ông còn rất nhiều bài thơ tình khác cũng rất đáng yêu như: “Vụng về và chậm muộn/ Sao cứ nhiều đam mê/ Thu có còn đủ nắng/ Cho xôn xao mùa về…”,…

Khi ông mới lên bộ trưởng, ông rất đối trọng với dân văn chương, đã từng mời nhà văn Phùng Quán đến cơ quan Bộ Thương Mại đọc thơ.

Ông cũng có rất nhiều bài thơ, nhưng không phải là “thơ lãnh đạo” mà rất tâm trạng, da diết và trí tuệ. Trong chuyến đi thăm lăng mộ Taj Mahal, Di sản thế giới ở Ấn Độ ông có bài thơ “Viết ở lâu đài Batmahal”.

Dù chỉ là một thi sĩ ngẫu hứng “nửa mùa”, nhưng những vần thơ của ông giàu chất nhân văn và thực sự không hề thua kém các nhà thơ chuyên nghiệp: “Tôi đến thăm lâu đài Batmahan/ Đọc những trang văn trên nền đá trắng/ Tôi bồi hồi nghe bao chuyện buồn vui/ Đã truyền đi tiếng vọng kiếp người/ Bátmahan sừng sững giữa trời/ Pho sử đá ghi cảnh đời nghịch lý/ Vua khóc vợ xây đền đài kỳ vĩ/ Tôi khóc người thợ đá, đá ơi/ Và sông Hằng nước mắt cứ đầy vơi”.

Ngoài ra, Trương Đình Tuyển có cả một tập thơ tình yêu không đề. Chính ông cũng thừa nhận, rằng trong tất cả các lĩnh vực, ông đều mạnh dạn nhưng trong chuyện tình yêu lại rất nhút nhát.

Mọi cái còn có thể đo đạc, tính toán và còn đặt quyết tâm được chứ trong tình yêu thì chịu, vì nó chẳng bao giờ phụ thuộc vào ý chí chủ quan nên không biết thành hay bại, nên mang tâm sự gửi cả vào nàng thơ, dù ít ai nghĩ Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là nhà thơ và cũng chẳng bao giờ ông cho mình là nhà thơ.

Như chính ông đã đúc kết đời mình, rằng: “Tôi khảo cổ chính tôi và thấy/ Một xấp dày ngu ngơ”.
 

  • Tĩnh Nhi

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc