Thiếu tới 40 000 giáo viên nhưng vẫn thừa 16 000 nhà giáo, câu chuyện sư phạm muôn thưở

20:18, Chủ nhật 03/06/2018

( PHUNUTODAY ) - Thống kê trên cả nước, hiện đang thiếu hụt tới 40 nghìn giáo viên bậc mầm non, tiểu học nhưng bậc trung học lại thừa tận 16 nghìn người. Đây là câu chuyện mà ngành giáo dục vẫn loay hoay bấy lâu.

Thừa giáo viên, giáo sinh tốt nghiệp không có việc làm, phải làm việc khác. Những thông tin này liên tục xuất hiện trong mấy năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyển sinh.

Trong báo cáo của Bộ GDĐT trình Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, hiện vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang xảy ra. Bộ GDĐT cho biết, theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và 4.260 giáo viên trung học phổ thông.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở và tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, thừa giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học.

Thực trạng giáo viên thiếu ở cấp học này, thừa ở bậc học kia đang diễn ra suốt nhiều năm nhưng chưa có giải pháp để tháo gỡ

Thực trạng giáo viên thiếu ở cấp học này, thừa ở bậc học kia đang diễn ra suốt nhiều năm nhưng chưa có giải pháp để tháo gỡ

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT - cơ quan thường trực Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực - hiện nay, về tổng quan trên toàn quốc, giáo viên tiểu học, THCS, THPT về cơ bản đã đủ và thừa.

Tuy nhiên, vẫn có chuyện thừa, thiếu cục bộ: thiếu giáo viên ở một số môn học như tin học, ngoại ngữ ở bậc THCS và tiểu học (do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày) và thừa giáo viên mỹ thuật, âm nhạc bậc tiểu học.

Đặc biệt, theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện thiếu hơn 5.300 giáo viên tiểu học, thừa hơn 12.000 giáo viên THCS và gần 4.300 giáo viên THPT. Đối với bậc mầm non, cả nước thiếu hơn 34.600 giáo viên.

Hiện tượng này xuất phát từ nhu cầu gửi trẻ tăng cao, nhưng do đang thực hiện tinh giản biên chế nên tổng biên chế giáo viên của các địa phương có xu hướng giảm. Mặt khác, số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên - đặc biệt THCS, THPT - có xu hướng thừa so với nhu cầu, nên không còn biên chế cho bậc mầm non.

Bộ GDĐT thừa nhận, nguyên nhân của các bất cập này là do việc biến động về quy mô trường/lớp, vì dồn cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định.

Hiện nay, ở các địa phương, Sở GDĐT/Phòng GDĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi nghị định 115/2010/NĐ-CP theo hướng phân cấp, giao các sở, phòng GD-ĐT địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông.

Giáo viên thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non, còn các bậc trung học thì lại thừa khá nhiều

Giáo viên thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non, còn các bậc trung học thì lại thừa khá nhiều

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 13 trường đại học chuyên về sư phạm và 61 trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm. Nếu tính cả đào tạo trung cấp và cao đẳng thì cả nước hiện có khoảng 100 trường được phép đào tạo giáo viên. Hằng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng.

Theo kế hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra.

Bộ thừa nhận những năm gần đây "chất lượng đầu vào sư phạm nhìn chung còn thấp, không thu hút được học sinh xuất sắc theo học ngành sư phạm".

Để giải quyết những bất cập này, cần quy hoạch trường sư phạm theo hướng chỉ còn 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm có uy tín. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, trong đó phân cấp, giao Sở GDĐT/Phòng GDĐT các địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông.

Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đề nghị sớm phê duyệt phương án tiền lương trong Đề án cải cách chế độ, chính sách tiền lương. Trong đó xây dựng hệ thống thang bảng lương nhà giáo theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả của công việc, đảm bảo lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc