Thiếu tướng Nay Phao trong ký ức của những người con

06:20, Thứ năm 20/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Tự hào là cảm xúc đầu tiên tôi cảm nhận qua ánh mắt lấp lánh của những người con trai, con gái Thiếu tướng Nay Phao – Nguyên chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lăk khi nhắc nhớ về ba mẹ mình.

Tự hào là cảm xúc đầu tiên tôi cảm nhận qua ánh mắt lấp lánh của những người con trai, con gái Thiếu tướng Nay Phao – Nguyên chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lăk khi nhắc nhớ về ba mẹ mình.

Anh Nay Phi La, hiện đang là Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột không giấu diếm niềm xúc động khi nhắc về ba mẹ và những kỉ niệm ấm áp, giản dị của họ. “Ba và mẹ tính tình trái ngược nhau. Ba điềm tĩnh, chậm dãi, nhẹ nhàng, còn mẹ lại sắc sảo, có phần “dữ” hơn ba.

Có lẽ, vì đó mà ba và mẹ là mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau. Cả cuộc đời gắn bó bên nhau, chúng tôi chưa một lần thấy ba mẹ to tiếng, nặng lời. Ba mẹ có sự đồng thuận, nhất trí trong sự phấn đấu cho lý tưởng chung của Dân tộc cho tới quan điểm nuôi dạy con cái.”

Cậu bé Nay Phao mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong sự bao bọc, cưu mang của dì và các sơ. Vốn là đứa trẻ thông minh, ham học hỏi, khao khát cái chữ, Nay Phao được cho ăn học chỉn chu và tới năm 1945, cậu đi theo tiếng gọi của Cách mạng.

Chàng trai Nay Phao vinh dự là người đầu tiên của Tây Nguyên được đào tạo chính quy tại trường sĩ quan ở Việt Bắc (trường Sĩ quan lục quân I). Ở bất cứ đơn vị nào, Nay Phao đều được bạn bè, đồng đội yêu mến bởi đức tính hiền lành, thật thà, chất phác đặc trưng của người đồng bào, và bởi sự tài tình, nhanh nhạy trong chiến đấu.  

Thiếu tướng Nay Phao và vợ - bà H'Lan
Thiếu tướng Nay Phao và vợ - bà H'Lan

Trong một lần đang trực chiến tại đơn vị E205, Trung đoàn Thông tin, Thủ trưởng dẫn tới một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, có làn da bánh mật khỏe mạnh và giới thiệu: “Đây là cô H’Bhôk Byă, đồng hương với cậu. Hai người làm quen với nhau nhé”.

Liền ngay đó, Thủ trưởng kể một loạt chiến tích vẻ vang mà người con gái bé nhỏ gặt hái được trong kháng chiến. Cô ấy được phong tặng dũng sĩ diệt Mỹ, mới đi dự Đại hội Festival Xô – Phi – a ở Liên Xô về, hiện thời đang theo học năm thứ nhất Đại học Y.

Nghe những lời của Thủ trưởng kể, cảm xúc nể phục người con gái nhỏ nhắn trước mặt âm thầm bừng lên trong lòng anh.

Và trong lòng cô gái dũng cảm H’Bhôk đã thầm cảm phục chàng trai Nay Phao, bởi đi tới đâu cô cũng nghe đồng đội, anh em chiến sĩ rỉ tai nhau, trầm trồ người chiến sĩ gan dạ, thông minh và đặc biệt có năng khiếu hài hước Nay Phao.

Sau một thời gian làm quen, tìm hiểu, họ tìm được nhịp đồng điệu trong tâm hồn, lý tưởng, tình yêu đến như một điều tất yếu. Không lâu sau đó, đám cưới giản dị diễn ra ngay tại Ủy ban Dân tộc ở phố Ngọc Hà, Hà Nội, do chính đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chủ hôn.

Buổi lễ hôm ấy chú rể rắn rỏi, oai phong trong bộ quân phục, cô dâu mặc áo dài trắng, kết vòng hoa trắng trên đầu. Chỉ dăm chiếc kẹo lạc, vài chén trà xanh đã đủ ấm nồng tình đôi lứa.

Sau đám cưới, chú rể đèo cô dâu trên chiếc xe đạp Thống Nhất ra công viên Thống Nhất chụp ảnh kỉ niệm – những tấm ảnh đen trắng ấy hiện nay vẫn được những người con của họ nâng niu, gìn giữ và coi như kỉ vật thiêng liêng, ghi dấu khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời của ba mẹ họ.

Năm 1968 kết hôn, tới năm 1969, người con đầu tiên chào đời và được đặt tên là Nay Phi La. Sau ấy, ông đi miết, tới năm 1972 về nhà thăm vợ con được một tối rồi lại vội vã lên đường làm nhiệm vụ. Người con thứ hai chào đời trong sự gặp gỡ vội vàng, nhưng ấm áp đó.

Thiếu tướng Nay Phao chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thiếu tướng Nay Phao chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ ngày thêm cô con gái Hương Giang, niềm hạnh phúc đồng hành cùng nỗi khó khăn nhân lên gấp bội, đổ dồn xuống đôi vai bé nhỏ của mẹ. Trong kí ức mỏng manh của cậu con trai Phi La:

"Tôi còn nhớ, ngày ấy 3 mẹ con được bố trí cho ở Khu tập thể của Trường Dân tộc nội trú ở khu Thanh Xuân Bắc, căn phòng rộng 16m2 chứa đựng tất cả sinh hoạt của ba mẹ con từ ăn, ngủ, nấu nướng, vệ sinh…

Ban ngày mẹ đi làm, hai anh em bị nhốt trong nhà tự chăm lo cho nhau một cách đầy vụng về, sơ sài, nhìn ra ngoài khung cửa sổ và thèm khát được tự do bay nhảy, khám phá thế giới rộng mở ngoài kia. Cả tôi và cô em thứ hai đều không biết mặt ba, có chăng được gặp ba qua lời kể của mẹ và tấm ảnh cưới chụp chung của hai người.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó, đang chơi ngoài sân khu tập thể, tôi thấy trên trời xuất hiện hàng vạn mảnh giấy bướm mỏng tựa như sao trên trời rơi xuống đất. Tò mò con trẻ, nhặt tờ giấy ấy đưa cho mẹ chợt thấy mẹ ôm chầm lấy tôi và vừa khóc vừa cười: “Giải phóng rồi! Đất nước giải phóng rồi”.

Còn quá nhỏ để cảm nhận được giây phút tuyệt diệu ấy, nhưng thấy mẹ cười, tôi biết đó là điều may mắn và trong đầu tôi lúc ấy, một suy nghĩ vụt xuất hiện: “Đất nước hòa bình tức là ba sắp được trở về”.

Vậy mà, chừng hơn một tháng sau ba trở về, tôi và cô em gái Hương Giang khóc ầm ĩ, giẫy nảy, và chằn ra khỏi vòng tay của ba. Một hai vẫn kiên quyết gọi “chú bộ đội” vì suốt 7,8 năm nay, chúng tôi đâu được gặp ba, đâu biết mặt ba.

Sau này nhớ lại khoảnh khắc ấy, vừa thương ba, vừa thương cho những đứa trẻ thế hệ tôi lúc ấy, thiếu vắng tình cha suốt một quãng đời thơ ấu”.

ở nhà được một tuần, sau đó, vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn thông tin thuộc Quân đoàn 3 tiếp tục trở lại miền Nam, đảm đương trọng trách mới. Anh Nay Phi Hà – người con thứ ba của Thiếu tướng Nay Phao tiếp lời:

“Suốt bao nhiêu năm chiến tranh, ba và mẹ sống xa nhau. Cho tới sau này, khi đất nước đã giải phóng, tưởng rằng ba mẹ có thể đoàn tụ, xum vầy, nhưng hạnh phúc và mong mỏi giản đơn ấy không dễ dàng có được.

Và hình như, cũng vì điều ấy, sau này có cơ hội trở về đoàn tụ với vợ con, dù đã một vị tướng, ba vẫn giản dị, đơn sơ, chiều chuộng người bạn đời và các con – giống như một cách đền bù ấm áp, ngọt ngào cho những năm tháng chiến tranh xa cách, thiếu thốn.

Sống ở thời bao cấp, đồng lương của ba không đủ nuôi các con học hành, mẹ “huy động” cả nhà cùng lao động, tăng gia sản xuất ngoài giờ, tự trang trải cuộc sống hàng ngày.

Đều đặn, mỗi chủ nhật hàng tuần mẹ đều họp gia đình lại, phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình và đến chủ nhật tuần sau sẽ nghe báo cáo của từng người, xem xét tình hình hiệu quả lao động trong tuần vừa qua.

Mẹ luôn bảo, tổ ấm là do tất cả mọi người đồng lòng chung tay vun vén, khi cả nhà cùng lao động sẽ cảm nhận được khí thế, tinh thần hăng hái, tích cực và cũng là cách dạy chúng tôi sống có trách nhiệm với gia đình trong từng việc nhỏ nhất.

Ở đơn vị, ba là lãnh đạo, nhưng về nhà ba nhường chức “tướng” ấy cho mẹ. Cởi bỏ bộ quân phục, ba khoác trên mình tấm ảo trắng mỏng, xắn tay cùng vợ hái rau lang, băm rau chuối cho lợn. Với ba, hình như nhìn thấy nụ cười trên môi mẹ và chúng tôi là niềm hạnh phúc giản dị ông luôn muốn thắp lửa.

Trong bữa cơm, chưa bao giờ chúng tôi ngớt tiếng cười trước những câu chuyện nho nhỏ, hài hước với lối kể chuyện chậm dãi, đủng đỉnh của chất giọng khàn khàn, trầm trầm của ba.

Quãng thời gian 1985 – 1986 là đỉnh cao của công cuộc truy quét FULRO, và đó cũng là quãng thời gian “sóng gió” nhất trong gia đình. Nhiều lần, bốn mẹ con ôm nhau chạy lên tỉnh đội khóc nức nở vì nghe tin ba hi sinh.

Nhưng, vài ngày sau ba may mắn trở về, mấy mẹ con chỉ biết khóc trong hạnh phúc khiến ba vừa ngạc nhiên, vừa xót lòng.

Người ta đi chiến đấu, có khi mang về cho vợ con tấm vải, chiếc bình tông…- chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh, còn ba, mỗi lần về, quà cho mẹ là chiếc rổ, chiếc rá ba tranh thủ đan lát khi rảnh rỗi để mẹ đựng củ mì, củ khoai…

Với chúng tôi, ba là một người vĩ đại, có tâm hồn khoáng đạt, yêu tự do. Ba dạy chúng tôi những điều nhỏ nhặt, bình dị, giản đơn như việc phải quan sát kỹ con đường đi phía trước, lùa cây vào bụi rậm đánh động cho những động vật nguy hiểm trước khi tiến tới, sâu xa hơn là cách nhìn nhận cẩn trọng về thế giới xung quanh; dạy chúng tôi biết quý trọng thời gian, nâng niu và tận hiến từng khoảnh khắc đi qua trong đời…

Còn mẹ - một người phụ nữ âm thầm song hành bên cạnh cuộc đời ba, đứng sau những chiến công của ba.

Mẹ dạy chúng tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, quý trọng từng cơ hội gõ cửa, xóa bỏ mặc cảm là người Dân tộc không dám bộc lộ con người, tài năng của bản thân – thứ suy nghĩ từ lâu hình thành trong ý niệm của không ít người.

Phía sau thành công của ba, của anh em chúng tôi, phần lớn là công lao lặng lẽ, âm thầm của mẹ…”

Sau này, khi Thiếu tướng Nay Phao bị tai biến, đau ốm và không thể đi lại được, bà H’Bhok (hay còn gọi là H’Lan) trở thành đôi bàn tay, đôi bàn chân ông. Bạn bè, hàng xóm tới thăm đều không khỏi nể phục sự chăm sóc tận tình, chu đáo của bà dành cho ông.

Nhưng, cuộc đời luôn có những khúc ngoặt bất ngờ và con tạo vốn hay trêu ngươi người khó. Sau khi nghỉ hưu, không còn công tác ở bệnh viện Buôn Ma Thuột, bà dành hết thời gian chăm lo sức khỏe cho người bạn đời, nhưng không lâu sau đó, bà lâm trọng bệnh.

Năm lần bảy lượt các con khuyên bà H’ Lan ra Hà Nội khám bệnh nhưng bà một mực từ chối, chỉ vì: “Mẹ đi, lấy ai chăm lo cho ba. Các con chăm sóc ba, mẹ cảm thấy không yên tâm”.

Sau phải kèm theo lý do thuyết phục mẹ ra thăm lại bạn bè cũ cùng chung Đại học Y năm xưa, mẹ mới chịu lên đường, nhưng chỉ đi được 5 hôm, bà đã nằng nặc đòi trở về.

Con trai Phi La từng học qua trường Y, nhìn vào kết quả chụp chiếu của mẹ, anh biết mẹ đang lâm bệnh nặng. Mấy anh em bàn nhau giấu mẹ, nhưng bản thân bà H’Lan cũng là một bác sĩ, bà hiểu rõ bệnh tình của mình và không muốn là gánh nặng cho các con.

Quãng thời gian con trai Nay Phi Đô học ngoài Hà Nội, bà vẫn đều đặn điện thoại hỏi han sức khỏe, dặn dò con học hành chăm chỉ, cố gắng công tác tốt, dù bà đang bị bệnh tật giày vò, nhưng chưa một lần, chưa bao giờ bà mang đau đớn ra kêu ca, phàn nàn với các con.

Đều đặn, cần mẫn như bao nhiêu năm lặng lẽ chăm sóc chồng khi ông bị tai biến, bà vẫn giữ thói quen ấy mặc cho căn bệnh tàn phá từng tế bào trong cơ thể. Song, bàn tay số phận đã an bài, căn bệnh ung thư phổi đã đưa bà rời xa cõi tạm, và đây là cuộc chia ly lớn nhất trong cuộc đời bà và Thiếu tướng Nay Phao.

Người ta vẫn nhớ, trong buổi tiễn đưa bà H’Lan hôm ấy, có một người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn, chân tay bất động, đôi môi run rẩy muốn thốt lên bao điều với người bạn đời đồng cam cộng khổ hơn nửa chặng đời, nhưng ông không thể nói nên lời, chỉ có đôi mắt buồn vô hạn rỉ ra những giọt nước mắt tiếc thương, đau đớn.

Và, vào một ngày buồn năm 2009, 5 năm sau ngày bà H’Lan qua đời, hai ông bà đã được đoàn tụ ở cõi vĩnh hằng xa xôi, nhưng trong tâm thức của những người con trai, con gái của họ:

“Ba mẹ vẫn dõi theo từng bước chân anh em tôi trên mỗi chặng đường đời”. Có một người cha, người mẹ như vậy, hỏi làm sao họ không yêu mến, tự hào?

  • Du Mục

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc