Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 39,6% đàn ông và phụ nữ sẽ được chẩn đoán có nguy cơ mắc ung thư tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, yếu tố di truyền chỉ chiếm khoảng ½ trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư, các yếu tố môi trường và kinh tế xã hội ngày càng chiếm phần lớn trong các nguyên nhân gây bệnh.
Trong xã hội hiện đại, ung thư nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng nếu nhận thức được các nguy cơ gây bệnh, bạn có thể phòng tránh được "án tử" này.
Thớt gỗ
Những mảnh vụn thức ăn sẽ bám lại trên bề mặt thớt khi chúng ta cắt hoặc chặt xong mà không vệ sinh sạch sẽ. Lâu ngày, những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong số đó, độc tố nấm aflatoxin sinh ra từ nấm mốc được coi là nguy hiểm nhất.
Chất này có thể gây quái thai, ung thư và được coi là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất. Chỉ cần hấp thụ khoảng 2,5mg aflatoxin trong 89 ngày thì 1 năm sau cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng của ung thư gan. Một điều đáng lưu ý là vệ sinh thông thường hay ngay cả đun sôi thớt để vệ sinh cũng không thể loại bỏ được aflatoxin bởi chất này chịu được nhiệt độ lên tới 280 độ C.
Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh tật, tốt nhất sau khi làm vệ sinh, chúng ta nên phơi thớt dưới anh nắng mặt trời cho đến khi khô hẳn.
Đũa mốc
Nhiều gia đình khi thấy đũa bị mốc chỉ rửa bằng nước rồi lại dùng lại, tuy nhiên điều này cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, đũa thường làm bằng tre/ gỗ và thường xuyên tích nước trong môi trường ẩm ướt nên là nơi lý tưởng cho các vi khuẩn như cầu tụ vàng hay E.coli phát triển.
Nếu không được bảo quản tốt, sau một thời gian đũa sẽ biến chất, gây ngộ độc bởi đũa mốc tiết ra chất gây ung thư là aflatoxin. Những hội chứng ngộ độc cấp bao gồm nôn mửa, đau bụng, sưng phổi, co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong do phù não, tim, gan, thận tích mỡ.
Bao bì thực phẩm
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng được khuyến cáo chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ ung thư, nhưng thực tế, bao bì đóng gói đồ ăn nhanh, hộp nhựa, hộp xốp thường chứa các hợp chất perfluor hóa, còn được gọi là PFCs và PFASs.
Hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn, đi vào cơ thể tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề sinh sản, suy giảm chức năng miễn dịch.