Theo thông tin trên báo Người lao động, từ năm 2006 đến nay có hơn 50.000 ha đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện nhưng chủ đầu tư trồng bù lại chỉ ngót nghét 1.000 ha
Bài báo cho hay, từ cuối năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012. Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.
Tuy nhiên, theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, thực tế tỉ lệ diện tích rừng trồng bù còn thấp hơn rất nhiều. Từ khi thực hiện Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đến nay có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi.
Gỗ quý ở Tây Nguyên đang bị chặt phá |
Năm 2012, Bộ Công Thương đánh giá sự phù hợp về quy hoạch các dự án thủy điện. Trên cơ sở đó, tháng 1/2013, Thủ tướng đã đồng ý loại khỏi các quy hoạch đã được duyệt 117 dự án và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện được sơ bộ xác định qua nghiên cứu quy hoạch. Tiếp đến, tháng 5/2013, Thủ tướng đồng ý loại khỏi quy hoạch 288 dự án và không xem xét bổ sung 16 vị trí tiềm năng. Như vậy, tính đến nay có tất cả 405 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch và không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tất cả các dự án, vị trí tiềm năng vừa bị loại bỏ đều thuộc đối tượng có hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội hoặc do nhà đầu tư trả lại dự án.
Cùng với thủy điện, rừng cũng đang teo tóp dần với các dự án trồng cây công nghiệp. Theo TTXVN, tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su: Cơ hội và thách thức”, do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends và Tropenbos International Việt Nam tổ chức, ông Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, vì lợi ích kinh tế, trong những năm qua, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su đã diễn ra rộng khắp ở nhiều vùng và địa phương. Và, trên thực tế, diện tích trồng cao su đã vượt xa quy hoạch của Chính phủ.
Cụ thể, trong quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 phê duyệt năm 2009, Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800.000 ha, trong đó vùng Tây Nguyên 280.000 ha và Tây Bắc 50.000 ha. Tuy nhiên, mới đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000 ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng, khiến rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng Bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI), nguyên nhân cơ bản của việc “vàng trắng” lấn rừng không phải từ chính sách, mà là do việc quy hoạch, giám sát thực hiện của các địa phương.
Lý giải cho thực tế trên ông Lung cho biết, vì lợi ích kinh tế, không ít chính quyền địa phương đã tỏ ra dễ dãi khi cấp phép cho các dự án trồng cao su. Thậm chí, các địa phương còn buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho một số công ty cao su lợi dụng để chuyển đổi rừng, bao gồm cả những diện tích không đáp ứng với các tiêu chí chuyển đổi.
Từ đó, “nhiều nơi việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su diễn ra ồ ạt, mất kiểm soát, quá trình chuyển đổi đất lâm nghiệp của nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã không tuân thủ các quy định của nhà nước và có hiện tượng lạm dụng chính sách để khai thác gỗ,” ông Lung nhận định.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện Tây Nguyên có hơn 2,848 triệu ha rừng, độ che phủ 51,3%. Trong 8 năm (2005-2012), các tỉnh Tây Nguyên mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm, khu vực này mất khoảng 25.700 ha rừng.