Trước quá nhiều tác động tiêu cực, Ban chỉ đạo Tây nguyên đã đề nghị tạm ngưng xây mới các dự án thủy điện ở Tây nguyên trong hai năm 2013 và 2014.
Thủy điện cũng gián tiếp góp phần gây ra tình trạng phá rừng – tờ Tuổi trẻ dẫn báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá.
Giải thích cho đề xuất tạm ngưng xây mới các dự án thủy điện ở Tây nguyên trong hai năm 2013 và 2014, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: “Quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện đã tác động ảnh hưởng đến môi trường, làm ngập nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư, thu hẹp không gian sống của đồng bào thiểu số...”.
Cụ thể với 25 công trình thủy điện lớn đã và đang thi công tại Tây nguyên đã chiếm dụng hơn 68.000ha đất, ảnh hưởng hơn 25.700 hộ dân.
Một đoạn đập dài 40m, cao 20 m (từ đáy sông lên mặt đập) của thủy điện Ia Krel tại làng Mok Den, xã Ya Tom, huyện Đức Cơ, Gia Lai bị vỡ hoàn toàn vào sáng 12/6. Ảnh: TTO. |
Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa phù hợp với lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp nên gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu.
Thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận định các thủy điện sau khi đi vào vận hành khai thác còn để lại cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng không ít khó khăn, phải tiếp tục giải quyết trong nhiều năm.
Ngoài ra, thủy điện cũng gián tiếp góp phần gây ra tình trạng phá rừng.
Cũng theo Ban chỉ dạo, tính đến nay mới chỉ có 757,3 ha (3,33%) diện tích rừng thay thế được trồng trên tổng số diện tích phải trồng rừng thay thế là hơn 22.700 ha.
Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng vào tháng trước, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên đánh giá: “Cần phải tính toán về môi trường thật kỹ”, bởi Tây nguyên là khu vực có vị trí cực kỳ nhạy cảm cả về địa chiến lược, tài nguyên, nguồn nước, cảnh quan, môi trường, đời sống và bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng.
Ông Hùng đồng tình với chủ trương của Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên về đề nghị bỏ bớt dự án thủy điện: “Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát về quy hoạch thủy điện, dự án nào quá ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh, ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con thì nên cân nhắc, xem xét lại”.
“Dường như chi phí xã hội cho các công trình thủy điện là quá lớn”, Thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận xét.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, trong báo cáo Kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội gửi tới các Đại biểu Quốc hội cũng có đề cập tới tình trạng lợi dụng các dự án thủy điện để phá rừng.
“Tại một số dự án thủy điện, có đối tượng đã lợi dụng quyết định cho mở công trường, đã cho khai quang rừng quy mô lớn hơn yêu cầu của công trường; lợi dụng hạ tầng công trình thủy điện để khai thác khoáng sản trái phép (dự án thủy điện Hủa Na (Nghệ An) đã có hiện tượng khai thác vàng trái phép). Do đó, chưa có số liệu thực sự chính xác về diện tích rừng đã mất của các công trình thủy điện, thực tế diện tích rừng bị mất thường lớn hơn diện tích dự kiến”, báo cáo đánh giá.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban này, có sự lệch nhau trong số liệu trồng rừng thay thế, Bộ NN&PTNT thông kê giai đoạn 2006 – 2012 các chủ đầu tư chỉ trồng rừng thay thế được 735 ha (trên tổng 19.792 ha đã chuyển đổi), đạt 3,7%; trong khi Bộ Công Thương báo cáo có hơn 1.000 ha rừng được trồng, đạt 2,08% tổng diện tích rừng phải chuyển (50.930 ha).
Ủy ban này nhận định, các báo cáo hầu như chưa làm rõ chất lượng rừng trồng thay thế. Có một số trường hợp diện tích rừng đã trồng lại không được công nhận là rừng trồng thay thế do đất trồng không thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, loại cây trồng chưa phù hợp...
Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên, đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND các tỉnh trên địa bàn Tây nguyên đã có phê duyệt quy hoạch hoặc cho phép đầu tư xây dựng 485 dự án thủy điện với tổng công suất thiết kế 9.988,7MW. Trong đó hiện đã hoàn thành 118 dự án, 75 dự án đang thi công. Vì những tác động tiêu cực của thủy điện vừa và nhỏ, hiện Kon Tum đã rà soát và loại bỏ nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ; Lâm Đồng đã loại bỏ khỏi quy hoạch 28 dự án, đồng thời kiến nghị Bộ Công thương loại bỏ thêm 23 dự án khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của bộ; Đắk Lắk cũng thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ khỏi quy hoạch 20 dự án; Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án và loại 11 dự án khác khỏi quy hoạch... |
- P.V (Tổng hợp)