Tiếng cầu khẩn của người mẹ nhìn con đối mặt thần chết

05:59, Thứ ba 30/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Giờ thì con bà chỉ còn là đống xương, nằm thoi thóp. Đáng lẽ có điều kiện, tình hình con bà sẽ khác, nhưng giờ trong nhà chẳng còn gì giá trị. Bà định bán nhà, nhưng bán rồi lấy gì ở? Bà bán đất thì không ai mua.

Giờ thì con bà chỉ còn là đống xương, nằm thoi thóp. Đáng lẽ có điều kiện, tình hình con bà sẽ khác, nhưng giờ trong nhà chẳng còn gì giá trị. Bà định bán nhà, nhưng bán rồi lấy gì ở? Bà quyết định bán đất, người ta chê nhà còn tang, không ai mua. Trong tuyệt vọng bà đành cầu trời khấn phật cho con bà sống được ngày nào hay ngày đó...
[links()]
Tai họa dồn dập

Cái giọng lơ lớ của bà Hồ Thị Ninh (SN 1964), người phụ nữ miền quê quanh năm ngong ngóng vào mấy cây thuốc lào ấy, bên giường bệnh người con trai ở Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu, Nghệ An khiến người ta phải ám ảnh.

Tôi đã nhiều lần về vùng quê Quỳnh Đị (Quỳnh Lưu), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của thuốc lào miền Trung ấy. Mảnh đất đã nóng thì phỏng da mặt, còn khi mưa thì ngập nền nhà. Ở đó người ta trồng không loài nào khác ngoài cây thuốc lào.

Lẽ tất nhiên đồng ra, đồng vào cũng từ thuốc lào mà ra cả. Có ai giàu từ thuốc lào đâu, nhà bà Ninh cũng vậy, quanh năm chỉ đủ ăn thôi, nên ai phải ốm đau thì coi như nhà gặp “đại họa”.

Nhà bà Ninh nằm cuối xóm Yên Ninh, hai mẹ con côi cút. Bà sống với người con út là Nguyễn Văn Phú (SN 1988), đứa con mà bà coi là niềm hi vọng trong đời mình. Bà từng có một gia đình, người chồng cần mẫn và 3 người con đủ trai, gái, ai cũng siêng năng.

Cuộc sống khó khăn, hai ông bà quanh năm cật lực, cũng chỉ nuôi nổi cho Phú học hết lớp 12 mà thôi, hai con đầu không ai được học hành, lệ ở quê lập gia đình sớm. Người chồng bà thì đoản mệnh.

Cách đó chưa đầy 2 tháng, trong một đêm mưa, ông chạy xe vấp vào ổ gà, té ngã, úp sấp mặt vũng nước, ngất xỉu. Người đi đường cũng thấy, nhưng ngỡ đó là say rượu, ở quê nếu say rượu thì dù có té, người qua đường cũng mặc kệ, thế là ông bị hụt hơi mà tử vong.

Phú chỉ còn tấm da bọc xương, nằm thoi thóp chờ chết
Phú chỉ còn tấm da bọc xương, nằm thoi thóp chờ chết

Bà coi đó là số kiếp đen đủi vận vào nhà, cắn răng làm tang ma cho chồng. Mất người đàn ông, coi như gia đình không còn trụ cột, bà gánh thêm trách nhiệm của chồng. Xong ma chay cho cha, Phú bảo:

“Thôi thì nhà mình đã nghèo, nay như vầy là trời bắt khó. Mẹ ở nhà trồng thuốc lào, con sẽ ra ngoài Hà Nội làm thuê, kiếm tiền phụ mẹ, mấy hôm nay ngân hàng đến hối trả nợ rồi”.

Người phụ nữ khắc khổ ấy không ngờ được rằng, hai tháng sau ngày chồng bà mất, từ ngoài Hà Nội, nơi con trai bà làm việc báo về: Phú, bị tai nạn xe máy, hi vọng sống mong manh. Nghe tin, bà chết sững. Cái tang chồng bà chưa đầy 2 tháng, vành khăn sô còn chưa thôi hơi ấm trên đầu.

Trước đó, dòng họ cũng có đến 3 người chết nữa. Đứa cháu bên đằng chồng bà tự đổ bệnh, chết ở tuổi 22, được 1 tháng 5 ngày sau thì đến ông Phú chồng bà. Chồng bà chết được 1 tháng 2 ngày thì đến người em của chồng bà.

Nay con bà đang đứng trên bờ vực sống chết. Đâu phải già nua gì, toàn độ tuổi trẻ trung cả, bỗng dưng gặp họa. Ở quê, quan niệm, dòng họ chết nối là trùng tang, là vận hạn, người ta rất kỵ. Bởi vậy, đến mức bà rao bán đất giá rẻ để lấy tiền thuốc thang cho đứa con, người ta cũng chê rằng nhà có tang chồng tang như thế, mua mà rước họa.

Bi đát cảnh “đầu bạc khóc đầu xanh”

Câu chuyện con bà Ninh bị tai nạn xe máy, được bà kể lại bằng giọng trầm buồn. Công ty của con bà ngoài Hà Nội cách nơi trọ chừng 5 km, đêm đó con bà và một người anh họ đi làm về bằng xe máy. Phú ngồi sau, khi qua cầu thì bánh xe cắm vào ổ gà, Phú bất ngờ văng ra khỏi xe, đầu đập vào thành cầu, bất tỉnh.

Máu chảy thành vũng, 23h đêm, một vài người qua đường trông thấy cũng lạnh lùng vụt qua. Chỉ đến khi một người chạy xe ôm cùng quê trông thấy, con bà mới được chở đi cấp cứu. Để được cấp cứu tức thời, phía bệnh viện yêu cầu 60 triệu đồng. Không có tiền, con bà phải nằm ở hiên cổng bệnh viện, máu chảy ra từ đầu, ướt sũng.

Tình thế cấp bách, sự sống mong manh, có người lục điện thoại trong người Phú bấm thì trúng ngay số của ông giám đốc, nơi Phú làm. Ông giám đốc lập tức lo tiền, cả đêm chạy đến thanh toán cho bệnh viện, Phú mới được bác sỹ “tận tình” cứu chữa.

Bà Ninh vẫn tiếp lời: “Tại đây những bác sỹ cấp cứu cho con tôi lại bảo, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện quá chậm. Bị mất quá nhiều máu, hi vọng sống vô cùng mong manh. 17h chiều ngày hôm sau con tôi phải chuyển viện.

Chẩn đoán ban đầu, Phú bị chấn thương sọ não, gãy xương quai hàm, phổi và khí quản bị nhiễm khuẩn quá nặng. Không có thuốc chống khuẩn hữu hiệu, Phú bị chết lâm sàng 6 phút đồng hồ. Với sự nỗ lực của y bác sỹ, một lần nữa Phú sống lại.

Giữa trăm ngàn bệnh nhân, Phú bất tỉnh nằm bơ vơ, rồi một vị bác sỹ tốt bụng, thương tình mua thuốc ở nước ngoài về cho Phú uống mới qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Hơn 1 tháng từ Bệnh viện Việt - Đức, đến 2 tháng ở Bệnh viện Thái Hà, chi phí tiền viện đã hơn 170 triệu đồng. Bà Ninh phải nhịn ăn, thuốc thang cho con.

Những ngày ở bệnh viện ngoài Hà Nội, thuốc phải tính bằng tiền triệu, 6-7 triệu đồng một ngày, ròng rã hơn 3 tháng trời, coi như ngốn cạn kiệt tài sản trong nhà. Bà phải bán bò, lợn, gà… chạy thuốc.

Đến khi không còn tiền lo được nữa, bà lại cắn môi gạt nước mắt, xin chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu ở quê nhà, với một lý do: để nhẹ chi phí hơn. Người mắc bạo bệnh, đáng lẽ được điều trị ở bệnh viện có điều kiện tốt, còn bà thì ngược lại.

Bà Ninh cho biết, đến nay tiền điều trị cho Phú đã lên đến 260 triệu đồng. Số tiền khổng lồ mà một gia đình quanh năm quần quật với mấy lá thuốc lào như bà, phải mất đến hàng chục năm trời cũng không thể có được.

Thấy tình cảnh bi đát của gia đình bà, hàng xóm ai cũng thương, người góp cho cân gạo, kẻ giúi chục bạc. Cái tình trong lúc khốn khó, cũng ít nhiều động viên tinh thần bà.

Lời khẩn thiết

Bà Ninh nâng gấu áo, gạt ngang, khóe mắt vẫn đỏ hoe nhìn đứa con. Nãy giờ, con bà vẫn nằm xọp xẹp. Câu chuyện của tôi với bà thi thoảng lại bị ngắt, khi Phú lên cơn ho, Phú không ho được như người bình thường.

Khi lấy hơi, thân hình rúm ró ấy lại khẽ rung lên, từng đợt, tiếng ho khò khè như mèo hen, mỗi tràng ho là một lần lấy đi hết sức bình sinh của Phú. Để cứu Phú, bác sỹ phải mổ một lỗ nơi cổ họng, thông qua khí quản, làm nơi thở tạm cho Phú.

Phú không thể ăn bằng miệng, toàn bộ phải truyền chất dinh dưỡng bằng ống dẫn qua đường mũi. Mỗi lần nhìn con, bà Ninh lại thêm một lần quặn lòng.

Rồi bà Ninh lại nói như khoe: “Ngày chưa tai nạn, Phú cao 1m 73, nặng 64 kg. Cách đó 3 năm, là một trong hai thanh niên cao lớn nhất trong làng, được trúng tuyển trong đợt tuyển quân nhân cho Ban Chỉ huy quân sự Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An”.

Còn bây giờ, con bà chỉ là đống da bọc xương không hơn không kém, nhẹ đến nỗi, một người yếu ốm như bà giờ cũng có thể bê nổi. Bà bảo, nếu có tiền thì Phú đã không đến nông nỗi phải sống thực vật như vậy.

Vì một vị bác sỹ uy tín ở Hà Nội bảo, Phú đã sống được đến ngày hôm nay là một kỳ tích rồi, nên có hi vọng. Nếu có điều kiện chữa trị tốt hơn thì con bà có khả năng hồi phục 80 % sức khỏe. Nghe đến đó bà như chết đuối vớ được cọc, thế nhưng mặt bà lại tối sầm: tiền đâu?

Chỗ có thể vay được, bà đã vay. Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ở xã, nơi bà vay, nay sắp đến kỳ trả lãi, giấy tờ nhà đất bà cũng mang đi cầm. Mướn thêm giấy tờ một người bà con, cả 2 cái sổ đỏ bà cũng chỉ vay vỏn vẹn được 40 triệu đồng. Vậy mà số tiền đó cũng như mang muối bỏ biển.

Anh em họ hàng thương lắm, giờ cũng lắc đầu. Bí quá bà mang đất rao bán giá rẻ, người ta cũng chê, vì đất nhà bà ở chỗ trũng, không đáng đồng tiền. Không những thế, trong lúc nhà còn tang ma, có cho thêm tiền, người ta cũng chẳng muốn ngó ngàng làm gì.

Bà Ninh gạt nước mắt: “Giờ tôi đã vào bước đường cùng rồi, ngôi nhà rỗng trước hổng sau không còn gì đáng giá, con tôi lại cần uống thuốc từng ngày”. Thôi thì bà lấy niềm tin và hi vọng làm động lực và dành trọn tình thương để nuôi đứa con tội nghiệp.

Trong câu chuyện chan nước mắt với tôi, bà Ninh thi thoảng lại liếc nhìn chiếc vòng nhà Phật mà bà treo trên tay con mình. Tôi biết, bà đang hi vọng từ sự màu nhiệm của Phật pháp rằng một ngày nào đó con bà sẽ bình phục.

Trao đổi với chúng tôi, Bác sỹ Hồ Văn Chính - Trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Văn Phú bị tổn thương não quá nặng, phần phổi và khí quản có khả năng bị nhiễm khuẩn. Hiện, Phú có tiến triển hơn so với ngày mới tiếp nhận.

Tuy nhiên, Phú cần những loại thuốc ngoại chuyên trị, rất đắt tiền và điều kiện chăm sóc tốt hơn. Bệnh viện chúng tôi còn hạn chế, không có máy móc chuyên dụng để chăm sóc đúng yêu cầu đối với tình trạng bệnh nặng như Phú.

Tuy nhiên, hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình có nguyện vọng nán lại, bệnh viện cũng thể theo nguyện vọng của gia đình”.


Mọi giúp đỡ xin liên hệ: Bà Hồ Thị Ninh, ở xóm Yên Ninh, xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. ĐT: 01687935649

  • Uyên Uyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc