Gia đình Việt Nam nhà nào cũng vậy, mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất. Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm một lúc cho vui vẻ, đầm ấm. Con cháu cầm bát cơm lên, trước hết mời ông bà, cha mẹ, chờ ông bà, cha mẹ rồi mới bắt đầu dám ăn.
Có nơi xới bát cơm lần thứ hai còn mời nữa. Nếu có khách, trước khi buông bát đũa đứng dậy còn phải xin phép và mời khách tiếp tục xơi cơm. Cuộc sống gia đình đang vui vẻ, êm đẹp như vậy, vắng mặt trong bữa cơm còn nhắc, huống chi vĩnh viễn đi xa. Do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ đấy, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong. Thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong cũng rót chén nước.
Thờ cúng vong linh cũng giống như đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, "Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương".
Nhưng tại sao lại cúng 100 ngày?
- Cũng tuỳ địa phương, có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức là Lễ chung thất). Theo thuyết của Phật giáo: Qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); Sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức Lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.
Chúng tôi cho rằng, phong tục này có căn cứ khoa học: Theo thuyết Thần giao cách cảm, ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường.
Người ta bảo chết là hết. Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm chí người sống. Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị huỷ, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng âm hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát.
Chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình chia sẻ trên Tuổi Trẻ Thủ Đô: “Ta thường thấy có những người khi sống bị coi như bát nước bỏ đi, nhưng khi chết lại được tang lo cũng lễ linh đình. Ngược lại có nhiều người khi chết được lo lắng nhớ thương, lo cho người chết không biết được lên thiên đường hay xuống địa ngục, có nhiều gia đình có tổ chức cúng 100 ngày với mong muốn hành động đó trợ giúp cho người mới khuất. Còn trợ giúp được gì thì đúng là không mấy ai biết.
Chuyên gia cũng đã chứng kiến có trường hợp không cúng 100 ngày hay 49 ngày. Tất cả chỉ gói gọn trong 3 ngày là xong. Theo thầy thì việc cúng lễ mà thầy hay làm chỉ đóng vai trò chia sẻ, hỗ trợ, nâng đỡ. Còn thức tỉnh, giải thoát được hay không phụ thuộc vào nội lực của chính người đã khuất.
Và tất cả đều phải tôn trọng luật tự nhiên, tôn trọng nhân quả người đã khuất, trường hợp cúng 3 ngày xong này, theo thầy đó là do người ấy đã đi nhẹ, cũng chẳng biết về những chuyện người sống đang làm. Nếu có cúng thêm cho đúng bài thì cũng chỉ là thỏa mãn ý muốn người nhà thôi.”
“Thật ra, cúng lễ, quan sát sự chết để nhận ra sự sống. Bạn thân mến, vị tăng sư nổi tiếng của Mật tông người Ấn Độ, ngài Liên Hoa Sinh đã truyền dậy các phương pháp hướng dẫn tâm linh liên quan đến các bước chuyển hóa sau cái chết vật lý. Người truyền kiến thức qua cuốn Tử thư tây tạng, (là một trong những chuẩn mực tham khảo) , xem kỹ cũng không thấy có thông tin liên quan đến lễ cúng 100 ngày.
Đại sư chia sẻ thông điệp về linh hồn là bất tử, không có cái chết và không phải lo lắng về cái chết. Chúng ta cần mạnh dạn đối diện, quan sát và tìm hiểu “cái chết” để nhận ra “cái sống”, nhận ra sự sống. Từ đó liên hệ được với tổ tiên, cội nguồn trong sâu tận lòng mình, trở thành người có Tâm, có tổ tiên trong lòng.”