Kỳ tích của hôn lễ này, phải làm rõ mới hiểu hết tầm quan trọng và vai trò của Hoàng hậu Nam Phương từ khi quen biết Bảo Đại đến khi trở thành Hoàng hậu triều Nguyễn, một triều đại có lịch sử tồn tại hơn 100 năm với bao thăng trầm, sóng gió.
Giữa thế kỷ 19, đã có những nhà có ý tưởng cách tân lỗi lạc như Nguyễn Trường Tộ đã phải gánh chịu thất bại. Sau gần 2 năm du học tại Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã tiếp nhận nền văn minh phương Tây và sự phát triển của khoa học kỹ thuật thời đại. Ông tranh thủ tham quan, tìm hiểu ở các quốc gia khác như Ý, Singapore... nhưng mọi tấu trình cải cách, đổi mới kinh tế, ngoại giao, quân sự của Nguyễn Trường Tộ dâng lên vua, đều bị gác lại vì sự phản đối của các đại thần cổ hủ, lạc hậu. Thậm chí, họ còn kịch liệt chống đối ông và cho rằng ông mắc bệnh hoang tưởng. Có lần, suýt nữa ông bị chém đầu vì đã dám kể lại với triều đình những điều tai nghe, mắt thấy ở Paris.
Nguyễn Trường Tộ đã ngậm ngùi viết:
“Một lỡ bước đi, muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm”.
Huy hoàng ngày cưới, hiu hắt ngày thoái vị
Vua Khải Định và thái tử Vĩnh Thụy- Bảo Đại năm 1922 |
Lần đầu tiên trong cung điện Huế, có một hoàng hậu xinh đẹp tuyệt trần mới 19 tuổi xuất hiện giữa triều đình. Đám cưới của vị vua hào hoa Bảo Đại lúc 21 tuổi và một thiếu nữ tràn trề hương sắc miền Nam Nguyễn Hữu Thị Lan mới lên 19 tuổi đã diễn ra tại Huế ngày 23/4/1934, trước sự hiện diện của quần thần và đại diện nước Pháp tại Điện Cần chánh.
Cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan, mặc áo thụng, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính 9 con Phượng bằng vàng thật và nhiều ngọc ngà châu báu óng ánh, tự tin bước đi giữa tấm thảm, tất cả quần thần đều cúi gập đầu vái chào, tung hô vạn tuế.
Với một vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa, tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan chào đáp lễ, ban ân đức mời các quan thần đứng dậy rồi đi thẳng vào phòng lớn, nơi đức Vua đang ngồi trên ngai vàng chờ đợi sẵn. Sau đó, Hoàng đế và Hoàng hậu sánh vai bước bên nhau đi trong tiếng nhạc mừng báo hỷ rộn rã qua Tử Cấm Thành để vào Điện Kiến Trung, nơi ở và làm việc của Hoàng đế Bảo Đại.
Ngay ngày hôm đó, thực thi lời giao ước hôn lễ, cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương.
Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng hậu ngay sau lễ cưới là một biệt lệ, đúng hơn là một ân huệ đầy khó khăn và đã thành công duy nhất đối với các bà vợ vua thuộc vương triều Nguyễn. Vì 12 đời vua nhà Nguyễn trước Bảo Đại, các bà vợ vua chỉ được phong tước Hoàng Phi, Vương Phi, Thứ Phi và đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
Lần đầu tiên, trong hoàng cung triều đình nhà Nguyễn, vóc dáng một người phụ nữ quý phái, xinh đẹp và đoan trang như một làn gió mới đem lại những nét đổi mới, mát mẻ trong sinh hoạt vốn dĩ đầy những nghi lễ phức tạp, cầu kỳ của cung đình: giản dị hóa lễ nghi, giản dị hóa những tương quan giao tiếp giữa vua tôi, tư tưởng phóng khoáng, ngay thẳng, ghét những xum xoe xu nịnh, những lời đàm tiếu. Nam Phương Hoàng Hậu là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên cùng vua tiếp đón các nguyên thủ quốc gia khác trong vai trò đệ nhất phu nhân, đây là điều cấm kỵ trong các triều đại phong kiến trước đó.
Toàn quyền Decoux đã hết lời khen ngợi bà Nam Phương là người đức hạnh, nề nếp, một sự tổng hợp hài hòa của hai nền văn hoá, văn minh Đông -Tây. Bà được ví như một viên kim cương tỏa sáng giữa cung điện Huế, mang lại sự tươi trẻ, hiện đại, văn minh theo phương Tây.
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công. Đế quốc Nhật Bản và phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh, kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần II nhiều tổn thất, ác liệt và tàn bạo nhất trong lịch sử con người. Ngày 25/8, Chính phủ lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và Mặt trận Việt Minh đã liên hệ với Vua Bảo Đại yêu cầu ông ban dụ thoái vị.
Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng tổ chức tại Ngọ Môn - Huế, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho ông Trần Huy Liệu, đại diện của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhà thơ Cù Huy Cận khi đó 26 tuổi, làm Bộ trưởng Bộ Canh nông và Phó Ban Thanh tra đặc biệt đầu tiên của Chính phủ Cách mạng, một nhân chứng lịch sử đặc biệt trong ngày Vua Bảo Đại thoái vị đã kể lại: “Trưa hôm đó, ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Văn phòng của triều đình chuyển lời Vua Bảo Đại mời chúng tôi vào tiếp kiến. Đoàn xe cắm cờ đỏ sao vàng của chúng tôi nhằm cổng chính Ngọ Môn tiến vào.
Xưa nay, chỉ có nhà vua, các viên Toàn quyền và Khâm sứ Pháp mới đi cổng chính này, còn tất cả quan lại khác của triều đình đều đi cửa ngách. Trên lầu Kiến Trung, Bảo Đại bận áo xanh, đi giày cườm đã chờ sẵn để đón đoàn. Buổi tiếp diễn ra khá thoải mái. Bảo Đại bày tỏ niềm vui sướng được tiếp Phái đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trưởng đoàn Trần Huy Liệu cũng bày tỏ vui mừng vì nhà Vua đã chấp nhận thoái vị.
Vẻ mặt bùi ngùi, Bảo Đại nói với giọng ngậm ngùi như ân hận: "Thưa Phái đoàn, thực ra trong hai mươi năm làm vua, tôi cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay, vì có nhiều việc muốn làm cho dân cho nước mà người ta không cho làm...".
Sau đó, Bảo Đại đã đề nghị với đoàn ba nguyện vọng: một là, xin Chính phủ cách mạng xem mọi người trong Hoàng gia như những công dân bình thường khác (ý nói không phân biệt đối xử); hai là, cũng xin chính phủ xem các quan lại trong triều như mọi đồng bào khác và được tham gia vào những công việc cứu nước tùy khả năng và hoàn cảnh của từng người và cuối cùng, xin Chính phủ cách mạng đối xử với lăng tẩm, đền miếu của triều Nguyễn cho có sự thể.
Hoàng Hậu Nam Phương và các con |
Lễ thoái vị chính thức được tổ chức vào chiều 30/8/1945, với sự có mặt của năm, sáu vạn người dân Huế đứng tràn ngập trước Ngọ Môn. Nhà vua bận triều phục đại lễ, áo hoàng bào, khăn vàng, đi giày cườm vàng. Theo nguyện vọng của nhà vua, lá cờ vàng của triều đình được kéo lên một lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong tuyên bố thoái vị thì kéo xuống để kéo lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên đỉnh Ngọ Môn.
Sau khi Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, tới nghi thức trao ấn kiếm. Chiếc kim ấn làm bằng vàng ròng, nặng ngót 10 kg, anh Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi, còn tôi dĩ nhiên với cái tuổi 26 thì mươi cân cũng nhẹ nhàng thôi. Bảo Đại nói: "Thưa Phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của nước độc lập, xin Phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này". Ý kiến quá bất ngờ, ngoài dự liệu của mọi người.
Chúng tôi hội ý và tôi nhanh tay rút chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà UBND cách mạng Thừa Thiên - Huế tặng Phái đoàn và cài lên ngực Bảo Đại, đoạn nói to: "Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy”. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Bảo Đại thực sự cảm động và lặng lẽ rút lui.
Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã ra đi trong cảnh chợ chiều, tôi nhìn quanh chỉ thấy Hoàng thân Vĩnh Cẩn và một vài quan lại thưa thớt. Trong khi đó, dưới kia, cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc diễu hành biểu dương lực lượng khổng lồ của quần chúng cách mạng Huế. Ấn tượng thật hùng vĩ”.
Tháng 9/1945, ông Vĩnh Thụy ra Hà Nội nhận chức "Cố vấn tối cao" trong Chính phủ. Ngày 16/3/1946, ông tham gia Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Trùng Khánh, Trung Hoa, nhưng sau đó bỏ đi luôn không trở về nước. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế.
Nam Phương Hoàng hậu được nhiều người đánh giá là người có tinh thần yêu nước, yêu dân tộc rất thiết tha. Khi lịch sử thay đổi, hơn ai hết, Nam Phương Hoàng hậu là người cùng với Vua Bảo Đại từng du học tại Pháp từ nhỏ, nên biết diễn biến của cuộc cách mạng Pháp, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản và thuộc địa Pháp rất quyết liệt.
Một Bảo Đại hay một Nam Phương Hoàng hậu Tây học cũng khó mà thay đổi và không thể cản ngăn bánh xe quay của lịch sử nhân loại. Theo tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do NXB Guy Boussac ấn hành năm 1949: “Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam, lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại cung An Định bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á Châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ:
"Kể từ tháng 3/1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của Khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi"
Ký tên: Bà Vĩnh Thụy
(tức Hoàng hậu Nam Phương.)
Hoàng hậu Nam Phương cũng là người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ rất nhiệt tình với “Tuần lễ Vàng” do Mặt trận Việt Minh phát động tại Huế. Hôm ấy, ngày 17/9/1945, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ tháo hết số hàng trang sức bằng vàng, ngọc đang mang trên người ủng hộ Tuần lễ vàng. Sau đó bà được gắn một huy hiệu cờ đỏ sao vàng.
Biết ông Cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) từ khi rời ngai vàng vương giả, xa cuộc sống đế vương rời Huế ra Hà Nội sinh sống và làm việc trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xa gia đình, Bảo Đại lao vào con đường cờ bạc, lang chạ hết với nhiều người đàn bà khác, nên những người có trách nhiệm đã cho mời bà Nam Phương đem các con ra đoàn tụ chúng sống với chồng.
Là người vợ rất mực thủy chung, yêu chồng, một nách 4 đứa con còn nhỏ, với bất kỳ ai cũng chọn lấy hạnh phúc gia đình, nhưng cựu Nam Phương Hoàng hậu đã khéo léo từ chối vì sợ rằng đất nước mới giành độc lập, còn nhiều khó khăn, ngân khố Chính phủ còn nghèo, sợ lại làm phiền hà cho Chính phủ. Hành động ứng xử của bà đã khiến người đời ngạc nhiên lẫn kính trọng.
Sau 11 năm ngồi trên ngai vàng từ tuổi 19 xuân xanh phơi phới, tột đỉnh vinh quang, đã trở thành một công dân bình thường, là mẹ của 4 đứa con nhỏ, lại gốc gác phụ nữ Nam Bộ, học trường Tây, luôn thấu hiểu sự thay đổi của lịch sử. Bà chọn con đường đi lặng lẽ, bình dị nhất của một bậc mẫu nghi thiên hạ trong giờ phút cuối cùng lịch sử vương triều phong kiến tồn tại 143 năm, với bà có lẽ đã quá đủ.
Nam Phương biết rất rõ những thói hư, tật xấu của Bảo Đại chồng bà, là người đàn ông đào hoa, quen thói ăn chơi, thích thể thao, săn bắn, du hí đó đây… hơn là làm việc, nên bà cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Dù có mặt bà hay không có mặt cũng không thể làm thay đổi, tu nết cho Bảo Đại được.
Bà không chút ngạc nhiên nào khi biết tin Bảo Đại – Cố vấn Tối cao tháp tùng đoàn công tác của Chính phủ sang Trùng Khánh - Trung Quốc, ông đã tự ý ở lại giao tiếp với chính quyền sở tại Hồng Kông, Pháp mà không trở về Việt Nam. Chính phủ Pháp vẫn muốn nắm lấy Bảo Đại để một lần nữa đưa ông trở lại vị trí đứng đầu chính phủ tay sai, nhưng lần này là ghế Quốc trưởng sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Thực ra cũng từ khi Bảo Đại trốn ở lại Hồng Kông, Pháp đưa ông trở về vị trí đối lập với Chính phủ bấy giờ, khiến tâm trạng bà Nam Phương đã có những hụt hẫng, thay đổi.
Thời điểm này, những người thân cận thấy bà ít xuất hiện cùng Quốc trưởng Bảo Đại. Sinh hoạt hàng ngày của bà càng lặng lẽ, tránh xa hầu hết mọi sự nhòm ngó của người ngoài, chủ yếu là chăm lo cho các con, dạy các con chơi đàn, đọc sách báo, hoặc ra vườn tưới hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích đánh đàn dương cầm hoặc kể chuyện cổ tích cho các con nghe. Còn Bảo Đại từ khi lao vào con đường ăn chơi với nhiều người đàn bà khác, ông ta cũng không còn quan tâm mấy tới người vợ hiền thục nơi kinh đô Huế.
Con số 13 “xui xẻo” của nghiệp đế vương Bảo Đại
Cuộc đời Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn sau 143 năm tồn tại gắn liền với con số 13 "xui xẻo". Có thể đây cũng là số phận của vị vua thứ 13 triều Nguyễn, chỉ cần tâm linh một chút là nhận ra ngay điều ấy.
Khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, các mốc thời gian lịch sử về vua Bảo Đại, người ta phát hiện ra rằng, cuộc đời ông có nhiều sự kiện gắn liền với con số 13. Trong khi trên thế giới, có rất nhiều quốc gia và rất nhiều người kiêng kị con số 13 vì cho rằng đó là một con số tiềm ẩn những rủi ro...
Người theo đạo Thiên Chúa đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, Úc rất kỵ con số 13 và thứ sáu ngày 13. Người Tây phương kỵ số 13 do nhiều hoàn cảnh có liên hệ đến “số 13” bị loại bỏ hoặc liên can đến những biến cố đã xảy ra được xem là bất hạnh. Nguyên thủy của môn bói toán Zodiac có 13 con giáp: con giáp thứ 13 này có tên là “Ophiuchus Serpentaius – hình một người cầm hai con rắn.” Người Hi Lạp gọi “Ophiuchus” là “Alpheichius – nghĩa là thần sáng tạo” (theo một tên của một thầy thuốc trong huyền thoại Hi Lạp có khả năng làm người chết sống lại). Hai con rắn mà “Ophiuchus” cầm ở tay sau này được ngành y khoa dùng làm biểu tượng cho ngành bào chế thuốc tây để chữa bệnh (hình 2 con rắn quấn chung quanh cái ly).
Còn ở Việt Nam, năm 1922 vua Khải Định được mời sang Pháp tham dự một hội đấu xảo, trong lần đi này vua Khải Định đã đem theo con trai của mình là Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sang nhờ vợ chồng ông Charles - nguyên là Khâm sứ ở Trung Kỳ nuôi dạy theo nền văn minh phương Tây. Sau đó Khải Định trở về nước, còn Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy ở lại Pháp theo sự sắp đặt này.
Đến ngày 16/11/1925, vua Khải Định mất, triều đình đã rước Vĩnh Thụy về nước để lên ngôi Hoàng đế thay vua cha. Lễ tấn tôn được tổ chức vào ngày 8/1/1926 với niên hiệu là Bảo Đại. Và từ đó, con số 13 bắt đầu được ghi nhận luôn có mặt trong cuộc đời vị vua non trẻ này.
Vua Bảo Đại sinh ngày 22/10/1913, tức 23/9 Âm lịch năm Quý Sửu là khởi sự của con số 13 tiềm ẩn. Đến năm 1926, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên ngôi Hoàng đế, cũng đúng 13 tuổi.
Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương năm 1953 |
Triều nhà Nguyễn thành lập năm 1802 với vị vua đầu tiên là Nguyễn Ánh- Gia Long, trải qua các đời vua Minh Mạng (2), Thiệu Trị (3), Tự Đức (4), Dục Đức (5), Hiệp Hòa (6), Kiến Phúc (7), Hàm Nghi (8), Đồng Khánh (9), Thành Thái (10), Duy Tân (11), Khải Định (12) và kết thúc tại đời Bảo Đại là đúng 13 vị vua. Như vậy khi lên ngôi, Bảo Đại là ông vua thứ 13 của triều nhà Nguyễn, và cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam sau hàng ngàn năm tồn tại.
Chưa hết, nếu tính từ khi Bảo Đại lên ngôi năm 1926 đến khi thoái vị năm 1945 là 19 năm, nhưng sau khi lên ngôi, ông trao quyền lại cho Phụ chính triều đình là Tôn Thất Hân nắm giữ quyền bính, điều hành bộ máy triều đình, còn Bảo Đại quay trở lại Pháp để tiếp tục việc học đang dở dang. Mãi cho đến ngày 8/9/1932, ông mới hồi loan chính thức trị vì đất nước và cũng là lần tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan về nước cùng một con tàu định mệnh duyện nợ sau này.
Sang tháng 8/1945, trước cao trào cách mạng của nhân dân, Bảo Đại đã thoái vị ngày 30/8/1945 và trao lại ấn kiếm cho các đại diện Chính phủ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ tại Việt Nam. Như vậy Bảo Đại thực sự trị vì đất nước chỉ 13 năm.
Ngày 1/8/1997, Bảo Đại qua đời tại Trung tâm Y tế Van-de-grace, đến ngày 6/8/1997 ông mới được đem chôn cất tại nghĩa trang Thiên Chúa giáo Passy (Paris - Pháp). Theo lời kể lại: tháng 8, mùa thu ở Paris trời bao giờ cũng trong xanh tuyệt đẹp, nhưng khi thi hài ông sắp được hạ huyệt theo giờ tốt đã được chọn trước thì trời đột ngột đổ mưa lớn trái mùa làm tất cả những người dự đám tang đều ướt đẫm.
Trời mưa làm huyệt mộ ngập nước nên không thể nào tiến hành nghi lễ hạ huyệt, nhưng giờ lành lại không đợi ai bao giờ, nên mọi người dốc hết sức tát cạn nước vì sợ giờ tốt qua đi. Nhưng kỳ lạ thay, khi nước được tát cạn, trời đã bớt mưa thì đồng hồ điểm đúng 13 giờ… Như vậy ông vua cuối cùng của 13 vua triều Nguyễn sinh năm 1913, lên ngôi lúc 13 tuổi, làm vua thật sự 13 năm, lúc tử được hạ huyệt lúc 13 giờ.
Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, trong cuốn “Giai thoại và sự thật về Bảo Đại, vua cuối cùng triều Nguyễn” (NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2006), thì những người vợ và tình nhân của vua Bảo Đại gồm:
1/ Nam Phương Hoàng hậu, quê Gò Công, Tiền Giang, có 5 người con là Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng, các Công chúa Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên.
2/ Thứ phi Bùi Mộng Điệp, quê Bắc Ninh, không hôn thú, có 3 người con là Hoàng nữ Phương Thảo, hai Hoàng nam Bảo Hoàng và Bảo Sơn.
3/ Lý Lệ Hà, quê Thái Bình, vũ nữ, không hôn thú, không có con.
4/ Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong), vũ nữ Trung Hoa lai Pháp, không hôn thú, có 1 con gái.
5/ Thứ phi Lê Thị Phi Ánh ở Huế, không hôn thú, có 2 người con là Hoàng nữ Phương Minh, Hoàng nam Bảo An.
6/ Vicky (Pháp), không hôn thú, có 1 con gái là Phương Từ.
7/ Clément (?), vũ nữ và buôn lậu ở xóm Cigalle (Pháp), không hôn thú.
8/ Monique Marie Eugene Baudot (Pháp), có hôn thú, không có con.
Sinh thời, bà Thứ phi Mộng Điệp còn cho biết trong sổ gia đình của Bảo Đại do bà Từ Cung Thái hậu giữ còn một người con nữa nhưng không ghi mẹ là ai. Như thế, tổng cộng Bảo Đại có 13 người con chính thức được ghi nhận. Dù tin hay không cũng được, nhưng rõ ràng trong đời Vua Bảo Đại con số xui xẻo 13 luôn có những huyền cơ, trùng hợp khá kỳ lạ.
Kỳ 4 : Cựu hoàng Bảo Đại và những canh bạc đế vương
Nam Yên