(Phunutoday) - Vào tù là thời điểm chị chông chênh, bơ vơ, mất phương hướng nhất về tương lai cũng là lúc chồng chị gửi đến tay chị một lá đơn ly hôn đã có sẵn chữ ký. Chị không dám trách gì anh, bởi chị biết, cơ sự đến nông nỗi này hoàn toàn là lỗi của chị. Chị không có quyền trách cứ hay phán xét chồng, chị chỉ có quyền trân trọng những gì vợ chồng đã có với nhau sau ngần ấy năm gắn bó.
Chồng chị có lý lẽ riêng của mình. Người ta bảo ‘‘Giàu vì bạn, sang vì vợ’’, chị chưa một ngày làm cho anh ấy mở mày mở mặt với chúng bạn, thì bất ngờ giáng xuống đầu anh một nỗi ô danh ‘‘chồng của một người tù tội’’. Chị không dám than trách, chỉ tiếc những gì đã qua, tiếc cho chính mình đánh rơi hạnh phúc đáng lẽ rất vẹn tròn, viên mãn. Nhưng sự thật không đơn giản như những gì hiện ra trước mắt…
Người đàn bà ấy có đôi mắt hun hút, buồn đến tê tái. Tôi để ý tới chị từ lúc đi ngang qua khu lao động sản xuất của trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù trời nắng, buộc những phạm nhân lao động như chị phải đội một chiếc mũ sùm sụp trên đầu, nhưng không hiểu sao đôi mắt u uẩn, não nề của chị ám ảnh tôi nhiều đến thế. Lúc sau gặp được chị, cởi bỏ chiếc mũ cũ kỹ trên đầu, điệu bộ của chị tỏ ra hết sức lúng túng, vụng về. Vì như chị giải thích: ‘‘Lâu lắm rồi tôi không có ai tới thăm. Đã quen sống với cảnh cô đơn một mình. Một ngày đột nhiên có nhà báo tới thăm, thật tình tôi cũng có một chút bỡ ngỡ’’.
Chị bị bắt và đi tù vì tội tham ô tài sản, làm thất thoát tài sản, ai ai trong xã cũng không thể giấu nổi nỗi ngạc nhiên (Ảnh minh họa) |
Chị kể, chị vừa đi lao động về, mồ hôi mẹ mồ hôi con vẫn rịn trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ tóc đã điểm sương. Chị tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi được các cán bộ quản giáo thông báo có nhà báo tới gặp, vì từ rất lâu rồi, chưa có ai tới thăm chị và tôi nhìn thấy điều ấy trong đôi mắt còn nguyên nét u uẩn xen lẫn ngỡ ngàng của chị.
Cuộc đời chị thật sự bi đát nếu không muốn nói là vô cùng bất hạnh, nhưng tôi không nhìn thấy nước mắt chị rơi xuống giống như rất nhiều nữ phạm nhân khác khi họ chia sẻ về nỗi đau số phận đưa đẩy họ vào con đường lầm đường lạc lối. Nói về nỗi đau, đôi mắt chị trở nên vô hồn, các nét trên gò má sạm không một chút bộc lộ cảm xúc. Thú thật, khi ấy tôi thật sự cảm thấy chua xót cho chị. Có lẽ, khi người ta không thể rơi được nước mắt là vì nỗi đau ấy đã chảy tới tận cùng, biến chủ nhân của bất hạnh trở nên lãnh cảm, chai sạn.
Đem thắc mắc này hỏi chị, chị cười buồn, nụ cười khó khăn lắm mới có thể nở trên môi cốt sao che đậy được phần nào cảm xúc vụn vỡ của mình: ‘‘Ngày xưa tôi thật yếu đuối, động chút gì là khóc ngay được. Buồn vu vơ- khóc, giận hờn - khóc… và ngày ấy nỗi đau đi qua thật nhẹ nhàng sau mỗi lần được khóc như thế. Bây giờ, sau bao năm bươn chải với cuộc sống, hình như tâm hồn chai sạn rồi.
Khi đối mặt với nỗi đau, khó khăn… quen với việc không có ai chia sẻ, cũng có lúc thèm thuồng được khóc cho vơi đi những uất ức trong lòng, khóc cho quên đi mọi đau đớn, tủi hờn, để không còn phải kìm nén cảm xúc, không phải kìm nén nỗi căm giận trong lòng, muốn giải tỏa hết mọi cặn bụi trong cuộc sống này mà sao khó quá, sao không thể khóc nổi? Chẳng biết mình đã trưởng thành hơn, can đảm hơn sau những va vấp, tổn thương, mất mát hay vì nỗi đau ấy quá lớn, tổn thương quá lớn đành nuốt vào trong lòng?’’.
Chị từng có một gia đình hạnh phúc. Chị làm chủ nhiệm hợp tác xã, chồng chị lái thuê xe khách đường dài, vợ chồng chị có một cậu con trai ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ. Trong công việc, chị là một người cực kỳ tỉ mỉ và thanh liêm. Chưa bao giờ chị mảy may tơ hào một đồng một cắc của bà con nông dân trong xã, bởi chị luôn nghĩ, đời sống của người dân vùng cao quê chị còn bộn bề nghèo khó, nỡ lòng nào chị lấy đi dăm xu, ba đồng của họ để làm giàu cho bản thân.
Chị sực tỉnh sau những cơn mơ ấy, chị đã sống không xứng đáng với kỳ vọng của người đã khuất (Ảnh minh họa). |
Thế nên, hay tin chị bị bắt và đi tù vì tội tham ô tài sản, làm thất thoát tài sản, ai ai trong xã cũng không thể giấu nổi nỗi ngạc nhiên. Và đối với chồng chị, đó gần như một cú tát trời giáng vào lòng sĩ diện và tự trọng của anh. Tìm hiểu cội nguồn khiến chị phạm tội, T nói khẽ khàng: ‘‘Tôi là một người luôn tin tưởng vào bàn tay và sức lao động của bản thân.
Tôi luôn cho rằng số phận là do chính ta chủ động sắp đặt, do chính ta quyết định, nhưng khi lâm vào hoàn cảnh ngày hôm nay, sự tự tin năm xưa đã không còn nữa. Có thể nói nó đã tắt ngấm. Mới đầu tôi đổ lỗi cho hoàn cảnh, tôi bao biện vì quá thương chồng, yêu con nên bàn tay tôi có thể làm những điều tội lỗi, nhưng bình tâm và công bằng nhìn lại, mọi thứ đều là do sự yếu kém của tôi mà ra’’. Năm ấy, chồng chị đột nhiên bị đau lưng.
Căn bệnh liên tục đày đọa anh khiến anh rơi vào trạng thái nhiều đêm liền mất ngủ. Ban đầu hai vợ chồng chị nghĩ, có lẽ vì anh ngồi lái xe nhiều năm nên lưng bị đau nhức. Nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng và khi hai vợ chồng dắt díu nhau xuống Hà Nội kiểm tra, người ta phát hiện anh bị thoát vị đĩa đệm. Thương chồng, chị bán đi toàn bộ gia sản nhiều năm hai vợ chồng ki cóp để chạy chữa cho anh. Đến cả chiếc dây chuyền là kỉ vật của mẹ chị trước lúc mẹ qua đời, bần cùng chị cũng phải mang đi cầm cố.
Đến lúc ngôi nhà chị chẳng còn bất cứ thứ gì có giá trị, gió thông thống ùa qua cửa sổ, xồng xộc tỏa khắp ngôi nhà lạnh lẽo cũng là lúc bệnh tình anh có chiều hướng nặng dần. Bác sĩ bảo, nếu không chịu khó chạy chữa, thu xếp phẫu thuật, rất có thể anh vĩnh viễn không thể đi lại được. Trong hoàn cảnh túng bấn ấy, chị buộc lòng làm một điều phi đạo đức, đi ngược lại với chính lý tưởng chị theo đuổi cả đời. Chị đã rút tiền của hợp tác xã nông nghiệp, lấy tiền chạy chữa cho chồng. Sự việc bị bại lộ và chị phải trả giá cho sai lầm của mình nơi phía sau song sắt.
Chị nhớ, khi chị mới bước chân vào tù, không lâu sau đó chị nhận được lá đơn xin ly hôn của chồng. Chị thật sự sốc. Chị không dám tin sự thật đang phơi bày trước mắt. Lúc nhận thông báo của cán bộ trại giam, chị cầm lá đơn về phòng trong trạng thái của một người ê chề tuyệt đối, đắng cay tuyệt đối. Chị vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy, toàn thân rệu rã như nhánh cây thủy tiên vì dập vùi sau cơn bão.
Chị chới với bước về phòng giam trong ánh nhìn tột cùng lo lắng của các nữ phạm nhân cùng phòng. Nỗi đau dần nguôi ngoai và chị buộc phải chấp nhận sự thật phơi bày trước mắt. Chị còn duy nhất một khát vọng cuối cùng: Cố gắng cải tạo để trở về với con trai. Chính vì ý thức được điều này, chị cải tạo luôn ở tốp dẫn đầu và được giảm án về trước thời hạn. Không giống như những phạm nhân khác, ngày ra tù có người nhà, có chồng, con tới ôm ấp, quấn quýt chào đón, còn chị lặng lẽ trở về một mình lẻ bóng.
Nhưng điều bất ngờ, xen lẫn cả nỗi hạnh phúc dành cho chị, vẫn ngôi nhà trống hoác ấy, chồng và con trai chị đã sửa soạn mâm cơm hội ngộ chào đón chị trở về. Trong bữa cơm, anh mang lá đơn ly dị có chữ kí của chị ra và dịu dàng nói với vợ: ‘‘Anh tin đau khổ sẽ biến em trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn. Hơn 2 năm anh và con không tới thăm em, mà chỉ có các chị em gái của em tới thăm, điều ấy không có nghĩa anh và con bỏ rơi em. Sự phũ phàng đôi khi là liều thuốc quý giá khiến con người trở nên mạnh mẽ và có ý chí, chẳng phải chính em đã chứng tỏ được điều ấy.
Còn tình nghĩa vợ chồng mình, ngần ấy năm chung sống, làm sao anh có thể đánh rơi hạnh phúc của mình’’. Anh xé lá đơn ly hôn trước mặt chị. Chị chỉ còn biết khóc vì xúc động và hạnh phúc. Yêu anh đã là một điều khác biệt, và cách đón nhận tình yêu của anh cũng vô cùng khác biệt. Điều ấy lý giải vì sao trong những đợt thăm nom chị, các chị em ruột của chị lần nào cũng ấp úng định nói điều gì đó nhưng cuối cùng họ đều im lặng.
Thậm chí, sau này chị mới biết anh ki cóp từng đồng nhờ các chị chuyển tới trại giam đóng tiền căng tin cho vợ, nhưng dặn dò tuyệt đối không để cho chị biết. Những ân tình ấy của anh thật sự khiến chị cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn nhất thế gian này.
Thế nhưng hạnh phúc vuông tròn chưa được bao lâu, anh đột ngột ra đi trong một vụ tại nạn giao thông cùng với đứa con trai duy nhất của chị. Chị không dám tin hạnh phúc chưa kịp hồi sinh tròn trặn lại rời bỏ chị nhanh chóng như thế. Chị như người mất hết hồn vía, như một xác cây khô cằn đang nghiêng ngả trong cơn cháy nắng. Chẳng còn thiết tha với bất cứ ràng buộc nào trong cuộc đời khổ hạnh, chị nghe theo lời bạn rủ rê đi bán lẻ ma túy tổng hợp, cốt sao để thoát khỏi cảm giác nhàn rỗi.
Bởi khi một mình, hồi ức về gia đình lại sáng bừng, quay quắt trong lòng chị. Chị bị bắt và đi tù lần thứ hai. Chị không hề khóc. Song có một điều ám ảnh, đêm nào chị cũng mơ thấy chồng và con chị trở về, họ đứng nhìn chị với đôi mắt rạn vỡ, hoang hoải. Chị sực tỉnh sau những cơn mơ ấy, chị đã sống không xứng đáng với kỳ vọng của người đã khuất.
Có một thứ tình yêu kỳ lạ sau song sắt. Không phải tình yêu của những người còn sống, đang sống dành cho nhau. Mà là tình yêu của hai thế giới khác biệt âm - dương hướng về nhau, thứ tình yêu vĩnh viễn chỉ có thể cảm nhận được chứ không bao giờ sở hữu được. Anh không thể chăm lo cho chị, không thể gửi cho chị những nhu yếu phẩm cần thiết một cách âm thầm và lặng lẽ, nhưng chị tin chắc một điều: chồng chị sẽ vẫn dõi theo chị, theo chân chị từng giây từng phút.
Chính vì tình yêu lạ lùng ấy khiến chị níu đời, tiếc đời mà gắng gượng sống, gắng gượng cải tạo để làm lại cuộc đời sau những ngày chuộc lỗi. Có điều, không biết bao lâu nữa, ánh mắt ấy vợi bớt nỗi u hoài, phiền muộn…
Điệp Thi