Bắt gặp vợ bỗng dưng nằm trong chòi cá của người đàn ông khác khiến cho Nguyễn Công Hùng (SN 1964, trú tại xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) tức tối. Gã ta hậm hực rồi liên tục giáng vào vợ những trận đòn vô cớ. Không chịu được cảnh chồng hành hạ, vợ Hùng viết đơn ly hôn với chồng. Lúc này, Hùng lại cố níu kéo và ra sức nịnh vợ để được hàn gắn, nhưng vợ Hùng đã cự tuyệt. Bi kịch xảy ra khi Hùng không làm chủ được bản thân trước cơn nóng giận…
Với ánh mắt buồn và giọng nói đều đều, khi tiếp xúc với phóng viên trong trại giam, Hùng đã kể lại về cuộc đời không mấy bình lặng và cái gia đình nhỏ vốn là hạnh phúc mà giờ đây lại trở thành quá khứ đau buồn của anh ta.
Lận đận cảnh nghèo
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, trong một gia đình đông anh em. Thế nên tuổi thơ của Hùng không được hạnh phúc như những đứa trẻ khác, sớm phải bươn trải, lăn lộn ngoài đời để kiếm sống, vì thế hơn ai hết, Hùng đã quá thấm thía nỗi vất vả nhọc nhằn.
Hết lớp 7, Hùng nghỉ học, rồi lang thang nay đây mai đó, làm thuê đủ thứ để kiếm tiền. Năm 18 tuổi, Hùng đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 1985, Hùng ra quân. Ngay năm đó, hạnh phúc đã mỉm cười với Hùng khi duyên số đã đưa Hùng đến với người con gái cùng xã hơn mình 2 tuổi mang tên Phạm Thị Lụa (tên nhân vật đã được thay đổi – PV).
Vợ Hùng, cũng giống như Hùng, xuất thân trong một gia đình chẳng khá giả gì, lại không có nghề nghiệp ổn định. Vì thế, lấy nhau về, Hùng và vợ đầu tắt mặt tối bươn trải, làm thuê làm mướn để xây dựng cho tổ ấm gia đình.
Nhưng rồi cuộc sống vẫn nhiều khó khăn khi ba đứa con Hùng lần lượt ra đời. Và để giải quyết vấn đề kinh tế cho gia đình, Hùng quyết định để lại con cái cho vợ cáng đáng và anh ta theo cánh thợ trong làng đi làm cho các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Phạm nhân Nguyễn Công Hùng trải lòng trong trại giam |
Năm tháng trôi đi, những đứa con của Hùng dần dần lớn, có thể giúp đỡ mẹ công việc nhà khiến Hùng yên tâm làm ăn nơi xa. Cùng với tình thương yêu dành cho vợ con nơi quê nhà, Hùng cố gắng chắt chiu dành dụm, gửi tiền về cho gia đình.
Số tiền ấy không những đủ nuôi vợ, nuôi con, mà còn cất được căn nhà khang trang kiên cố. Hai đứa con trai lớn của Hùng phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần thương bố mẹ vất vả, nên học hết cấp 2 đều nghỉ học, xin bố mẹ cho vào Nam lập nghiệp, làm công nhân, kiếm tiền giúp đỡ gia đình.
Tưởng rằng hai đứa con lớn đi làm, gia đình sẽ bớt khó khăn, gánh nặng cơm áo đè lên vai Hùng sẽ nhẹ nhàng hơn, gia đình sẽ đầm ấm, hạnh phúc hơn. Nhưng ngờ đâu, những mâu thuẫn mới lại nảy sinh trong gia đình.
Hùng làm xây dựng, thường phải đi theo công trình, nay đây mai đó, có khi vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, thậm chí vào cả Sài Gòn. Nhưng Hùng vẫn dành tình thương yêu và sự tin tưởng tuyệt đối cho vợ con nơi quê nhà.
Hùng chia sẻ: “Biết các con vắng nhà, vợ sẽ buồn nên khi công trình vãn việc, tôi thường tranh thủ ghé qua nhà. Tuy nhiên, tôi thấy vợ có những biểu hiện rất khác. Thường né tránh mỗi lần tôi gần gũi. Những lần ấy tôi cứ nghĩ vợ ốm nên ra sức động viên an ủi nhưng tình thế cũng không được cải thiện…”.
Rồi những ngày sau đó, Hùng lại tiếp tục lên đường theo những công trình, thỉnh thoảng anh ta cũng về thăm nhà và dần dần Hùng đã nhận ra sự thay đổi thái độ của vợ. Cứ mỗi lần gã muốn gần vợ là một lần Hùng lại bị vợ cự tuyệt, hờ hững.
Rạn nứt tình chồng vợ
Ngày 13/5/2009, khi đang làm công trình ở Quảng Bình, con gái Hùng ở nhà gọi điện nói rằng con trâu bị chết. Đó là tài sản lớn của cả gia đình, nên ngay lập tức, Hùng tạm ứng tiền công trở về nhà giải quyết công việc.
Con trâu bị chết mà đối với một gia đình làm nông thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, không có trâu kéo cày thì đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn thu lớn. Vì thế, ngay sau đó, Hùng đã thêm tiền với vợ đi mua ngay một con trâu khác.
Cũng theo lời Hùng thì tối hôm ấy, sau khi mua trâu về, nhà Hùng có người bạn đồng hương đi thoát ly lâu năm mới về và anh ta có mời bạn ở lại ăn cơm và giục vợ chuẩn bị bữa tối. Khác với những lần trước, vợ Hùng biểu hiện không đồng ý ra mặt và không nấu bữa tối.
Khi Hùng và bạn ngồi chuyện trò đã lâu, Hùng xuống bếp, thấy mọi thứ vẫn lạnh tanh. Ngại với bạn, Hùng đành rủ người bạn đồng hương sang một nhà bạn khác ngồi nhậu.
“Nào ngờ, khoảng 20h tối cùng ngày, vừa bưng chén rượu lên, tôi đã nhận được điện của con nói về ngay, trâu bị mất. Tôi cuống cuồng buông bát, tá hỏa chạy đi tìm trâu. Khi bơi qua một con suối, tôi không tin vào mắt mình khi phát hiện thấy vợ mình đang nằm một mình trong chòi vịt của người đàn ông cùng xã ở giữa cánh đồng.
Lòng tôi lúc ấy như có lửa đốt vì chủ cái chòi vịt ấy từng có hành vi mất hết đạo đức với cả con dâu mình, khiến cô này có bầu. Lúc ấy, tôi cũng có hỏi vợ ra đây làm gì giữa đêm hôm tối tăm này? Thì cô ấy trả lời tôi là: “Ra đó hóng mát!”, Hùng tâm sự.
Người đàn ông cay đắng tiếp tục kể chuyện của mình: “Thế rồi, tôi thấy con trâu của gia đình chạy lung tung ở đó nên xót của, tôi đã đưa trâu về nhà và cả đêm tôi không thấy vợ về. Uất ức, sáng hôm sau, tôi đi tìm vợ thì thấy cô ấy ở nhà một người quen cùng xóm.
Tôi lôi cô ấy về và rút thắt lưng dạy cho vợ một bài học. Lúc đó, cô ấy đã gọi điện cho hai đứa con ở Sài Gòn về và quyết đòi ly hôn”, Hùng kể lại. Sau hôm đó, mâu thuẫn gia đình càng căng thẳng khi vợ Hùng một mực đòi ly hôn nhưng Hùng thì không chịu, bởi anh ta còn nghĩ đến các con, lại vẫn chưa hết yêu vợ.
Những ngày sau đó, nghi ngờ của Hùng về việc bị vợ “cắm sừng” càng lớn hơn khi anh ta đã bắt gặp nhiều cuộc gọi của đàn ông vào máy của vợ mình. Ghen tuông nổi lên, Hùng một mực cho rằng, trong thời gian mình đi vắng, vợ cặp kè với người đàn ông khác và định ruồng bỏ mình để đến với người ta.
Từ đây, những trận đòn thừa sống thiếu chết liên tiếp dội lên người vợ Hùng, rồi anh ta tự hô hoán rằng vợ đánh mình.
Bi kịch đau lòng vì ghen tuông
Những tháng ngày sau đó, cơn ghen của chồng khiến vợ Hùng liên tiếp phải sống trong cảnh đòn roi vô cớ. Cho đến một ngày định mệnh, vào khoảng 13h ngày 29/10/2009, ăn cơm trưa xong, cô con gái út của Hùng đi học, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng, Hùng nằm xem tivi, nhưng lại nghĩ tới những mâu thuẫn và căng thẳng của gia đình trong những tháng ngày qua.
Lúc này, anh ta mới nhận thấy, những trận đòn roi với vợ là vô cớ, thấy mình đã sai, nên đã mon men sang giường vợ nằm với mục đích làm lành và xin lỗi vợ để mong hàn gắn tình cảm. Hắn quay sang ôm vợ và nịnh:
“Thôi mẹ mày à! Cha nghĩ cha đã sai, mẹ cho cha xin lỗi nhé và đừng gửi đơn ly hôn làm gì mà khổ con cái và hàng xóm láng giềng người ta cười cho…”. Nói rồi, Hùng ôm chầm lấy vợ và đòi được “gần gũi”…
Cứ tưởng vợ sẽ tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi nhưng không ngờ, vợ Hùng không những không đồng ý mà còn phản ứng gay gắt và đạp mạnh vào người làm cho Hùng rơi từ trên giường xuống sàn nhà. Quá bực tức, Hùng vùng dậy định đánh chị Lụa thì bị vợ cầm gối ném vào mặt.
Uất ức và không thể kiềm chế nổi, anh ta chạy ra bàn uống nước lấy con dao gọt hoa quả tự đâm vào bụng rồi hét lên: “Trời ơi! Vợ đâm tao”. Thấy vậy, nhưng chị Lụa vẫn lạnh lùng bảo: “Mày đâm thì mày tự chịu, tao không biết…”.
Nghe vợ nói vậy, Hùng chạy ra chốt hết cửa ra vào nhà trên và chạy xuống bếp lấy con dao bầu, xông vào tấn công vợ. Quá hoảng sợ, chị Lụa đã chạy ra ngoài nhưng cửa bị chốt nên đã bị gã chồng đuổi kịp và tấn công tới tấp vào vùng đầu khiến người vợ gục ngay tại chỗ.
Gây án xong, gã ta lấy một đoạn dây điện buộc lên xà gỗ trong nhà treo cổ tự vẫn. Tuy nhiên, hành vi của Hùng đã bị lực lượng công an và nhân dân phát hiện, kịp thời ngăn chặn và bắt giữ.
Từ một gia đình hạnh phúc và đầm ấm, Hùng đã tự mình đánh mất tất cả. Có lẽ, đối với Hùng việc đối mặt với mức án Chung thân về hành vi giết người cũng không thể đau khổ bằng sự ghẻ lạnh của ba người con đối với gã.
Bởi chính gã đã cướp đi người mẹ tảo tần, chỗ dựa tinh thần của chúng. Phiên tòa hôm ấy, các con Hùng cũng có mặt, nhưng không phải để động viên, để làm chỗ dựa tinh thần cho người cha tội lỗi đang đứng trước vành móng ngựa mà chúng đến để đòi cha phải bồi thường thiệt hại cho mẹ, bồi thường tiền mai táng mà chúng đã làm tang cho mẹ và đòi người cha trong chốn lao tù ấy vẫn phải có trách nhiệm nuôi đứa em út của chúng ăn học đến năm 18 tuổi.
“Hôm ấy, tôi hận cuộc đời, hận tất cả. Nhưng rồi, khi bình tâm lại, tôi nghĩ tất cả những bi kịch ấy đều một tay tôi chuốc lấy. Âu cũng là cái giá của tôi phải trả cho những lỗi lầm đã gây ra cho vợ và cho con…”, Hùng ngậm ngùi chia sẻ.
Hơn ba năm trôi qua, hôm gặp tôi ở trại giam, Hùng mừng mừng tủi tủi khoe rằng, những đứa con của gã thời gian qua cũng đã nghĩ lại và cũng đã tha thứ cho bố. Chúng đã thay nhau vào thăm gã mỗi dịp lễ, tết.
Hùng bảo: “Đối với tôi như thế là đã mãn nguyện lắm rồi. Nhìn những đứa con lỉnh kỉnh mang đồ lên thăm và tiếp tế cho tôi, tôi lại thấy mình có lỗi với chúng quá.
Mỗi hôm như thế, về tới phòng giam, đối mặt với bốn bức tường lạnh lẽo, lương tâm của một người bố như tôi lại thổn thức. Và tôi cũng đã hứa với chúng rằng sẽ cải tạo thật tốt, để về làm lại cuộc đời, sám hối tội lỗi với các con…”
- Bảo Nam
[links()]