Tổng cục trưởng Du lịch ’quên’ cảm ơn tài xế taxi

06:16, Thứ bảy 18/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Với hành động đáng tự hào của mình, anh Phong xứng đáng được Tổng cục trưởng du lịch tới cảm ơn anh nói riêng và những người tài xế trả lại đồ để quên cho khách du lịch nói chung.

Tại sao đại diện ngành du lịch nước nhà chỉ biết nói lời xin lỗi những vị khách ngoại quốc mà quên đi hành động cảm ơn với những người Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho ngành du lịch nước nhà?

[links()]

Trong khi nhiều tài xế xe taxi tìm cách chặt chém khách du lịch thì tài xế Nguyễn Văn Phong của một hãng taxi ở TP.HCM lại vừa giúp cho ngành du lịch được phen mát mặt khi trả lại chiếc túi xách có 10.000 USD, 2 chiếc Ipad và nhiều vật dụng có giá trị khác cho gia đình người Campuchia để quên trên taxi.

Cụ thể, theo báo Dân trí đưa tin, vào khoảng 15h ngày 12/5, anh Phong đón một gia đình người Campuchia đi từ khách sạn Windsor Plaza (quận 5) đến tòa nhà Vincom Center (quận 1). Khi xuống xe, những người khách này đã để quên túi xách trên chiếc taxi của anh Phong. Sau đó, anh tiếp tục bắt hai lượt khách thì được tổng đài thông báo có hành khách bỏ quên hành lý trên khu vực của mình. Anh Phong lập tức xin khách tấp vào lề để kiểm tra, thông báo cho tổng bài có đồ của khách để quên và sẽ đưa về cho khách sau khi phục vụ xong vị khách trên xe.

Đến 17h, anh Phong quay lại tòa nhà Vincom Center để trả lại túi xách cùng đồ để quên cho vị khách người Campuchia có tên Lim Nemo trước sự chứng kiến của nhân viên tiếp thị hãng taxi và nhân viên lễ tân tòa nhà. Bên trong chiếc túi xách có 10.000 USD, 2 chiếc Ipad, thẻ ATM và ví của khách hàng.

Anh Phong xứng đáng được Tổng cục trưởng Du lịch tới cảm ơn vì hành động đáng quý với khách nước ngoài. Ảnh Dân trí.
Anh Phong xứng đáng được Tổng cục trưởng Du lịch tới cảm ơn vì hành động đáng quý với khách nước ngoài. Ảnh Dân trí.

Sau đó không lâu, đêm 16/5 anh cũng trả lại cho hành khách một chiếc Iphone mà vị khách này để quên trên xe khi vội vào nhà. Với những hành động đáng quý trên, tài xế Nguyễn Văn Phong được giám đốc hãng taxi tặng giấy khen và thưởng nóng.

Thời gian qua, báo chí và những đơn vị kinh doanh taxi liên tục tuyên dương những hành động đẹp trả đồ hay giúp đỡ khách du lịch ngoại quốc của các tài xế thì đơn vị quản lý trực tiếp ngành du lịch nước nhà lại không có một chút động thái gì để bày tỏ thái độ của mình với những người đã và đang xây dựng hình ảnh một Việt Nam đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Trước đó, ngày 25/4, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã cùng quan chức ngành du lịch tới thăm và gửi món quà nhỏ để xin lỗi mẹ con vị khách du lịch tới từ Australia khi họ phải trả 1,3 triệu đồng cho 5km đi xích lô. Ông Tuấn bày tỏ đáng tiếc về sự việc xảy ra với vị khách nước ngoài bằng thái độ niềm nở và thân tình.

Cùng với đó, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết dù đang bận họp ở xa nhưng ông vẫn vội vàng vể gặp vị khách du lịch Australia để trao tặng món quà nhỏ thể hiện sự thiện chí và lời xin lỗi.

Việc xin lỗi nhanh chóng và đầy thành khẩn của các đại diện ngành du lịch của nước nhà xứng đáng được khen ngợi nhưng giá như họ biết thể hiện sự cảm ơn tới những người làm đẹp ngành du lịch nữa thì sẽ hoàn hảo biết bao nhiêu!

Tại sao đại diện ngành du lịch nước nhà chỉ biết nói lời xin lỗi những vị khách ngoại quốc mà quên đi hành động cảm ơn với những người như anh Phong và nhiều tài xế taxi khác đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho ngành du lịch nước nhà?

Vẫn biết rằng xin lỗi những vị khách ngoại quốc kia là cần thiết nhưng khi vụ việc đã xảy ra rồi thì ấn tượng để lại trong họ vẫn không mấy tốt đẹp về ngành du lịch Việt Nam trong khi những hành động thiết thực và để lại ấn tượng tốt đẹp về đất nước với khách du lịch nước ngoài lại không được chú trọng. Phải chăng, việc xin lỗi dễ hơn nói lời cảm ơn rất nhiều và vì thế đại diện ngành du lịch nước nhà mới chỉ biết cúi đầu mà xin lỗi chứ chưa biết nói lời cảm ơn?

Công bằng mà nói, những hành động đẹp  và đáng tự hào như của anh Phong và nhiều tài xế khác có giá trị gấp vài chục lần hành động xin lỗi khi việc đã xảy ra rồi kia. Và nếu như chỉ biết xin lỗi mà quên đi việc cảm ơn những người có hành động đẹp thì ngành du lịch nước nhà nên chăng phải đổi khẩu hiệu để quảng bá du lịch là Việt Nam mảnh đất của lời xin lỗi?

  • Phạm Hải (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc