4 "quy tắc vàng" mẹ nào mang bầu cũng cần học thuộc để có thai kỳ hoàn hảo

( PHUNUTODAY ) - Bộ “bốn quy tắc vàng” giúp thai kỳ khỏe mạnh dưới đây, là những quy tắc đã được bác sĩ sản khoa xác nhận và được đông đảo mẹ bầu chứng minh là có hiệu quả. Mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm áp dụng.

Chọn thực phẩm hữu cơ

Empty

Thực phẩm bạn ăn phần nào phản ánh con người bạn. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, đứa trẻ có sở thích thực phẩm của mình ngay từ thời điểm đang ở trong bụng mẹ. Vì thế, việc vô cùng quan trọng mà bạn cần làm là kiểm tra tất cả những gì bạn ăn khi đang bầu bí. Hãy chọn các thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, tươi sạch, không chứa chất bảo quản hoặc có dư lượng hormone tăng trưởng để thêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của bạn.

Ngoài ra, hãy ăn uống một cách thông minh. Trong bữa ăn của bạn, nhất thiết phải có mặt của các dưỡng chất là: axit folic, sắt, canxi, protein, đặc biệt là canxi, bởi cơ thể mẹ không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết thì bé sẽ hấp thụ canxi từ xương và răng của mẹ, khiến mẹ tăng nguy cơ loãng xương.

 “Tẩy chay” những thực phẩm có hại như: đồ sống hay chín tái, sữa chưa tiệt trùng, gan động vật, các loại cá có chứa thủy ngân… và chú ý bổ sung thêm vitamin cùng khoáng chất. Nếu bạn không chắc liệu mình có bổ sung đủ dưỡng chất hay không thì có thể uống thêm thuốc, nhưng phải được sự chỉ định của bạn sĩ.

Kiểm soát cân nặng

Empty

Trên thực tế, tùy vào cơ địa của mỗi người mà việc tăng cân khi mang thai là khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào số cân nặng của bạn trước khi mang bầu. Tuy nhiên, bạn có thể dựa trên chỉ số BMI của cơ thể trước khi mang thai để tìm hiểu cân nặng của bà bầu như thế nào là thích hợp.

– Nếu quá gầy, chỉ số BMI thấp hơn 18,5: mẹ sẽ cần tăng từ 12 đến 18 kg trong suốt thai kỳ.

– Nếu thừa cân, chỉ số BMI từ 26 đến 29: mẹ nên tăng từ 7 đến 12 kg để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh.

– Nếu béo phì, tức là chỉ số BMI cao hơn 29: mẹ chỉ nên tăng từ 6 đến 11 kg, thậm chí ít hơn.

– Nếu chỉ số BMI ở mức trung bình, tức là từ 18,5 đến 26: mẹ nên tăng từ 10 đến 12 kg, đây cũng là tiêu chuẩn tăng cân trung bình của phụ nữ mang thai.

Tùy vào từng thời điểm của thai kỳ mà mẹ bầu cũng cần tăng cân thích hợp. Cụ thể, mẹ nên tăng cân ít trong 3 tháng đầu, khoảng 1 – 2 kg. Sau đó tăng từ từ khi đến 3 tháng giữa khoảng 4 – 5 kg và khi đến kỳ tam cá nguyệt thứ 3 nên tăng khoảng 5 – 6 kg. Có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân trong 3 tháng đầu thai kỳ vì bị nghén nhưng phần lớn vẫn tăng được 0,9 – 1,8kg. Trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ nên tăng trung bình 0,3 – 0,5kg/tuần.

Tập thể dục đều đặn

Empty

Lợi ích của việc tập thể dục đều đặn là không thể phủ nhận. Nếu bạn đã từng là một người đam mê thể dục trước khi mang thai, hãy tiếp tục làm như vậy nhưng để đảm bảo an toàn cho cả bạn và bé yêu thì cần cân đối hợp lý “sức nặng” của các bài tập. Trước khi tham gia tập luyện, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và tránh một số vấn đề sau:

–  Không tập luyện khi thấy không khỏe trong quá trình mang thai.

–  Tuyệt đối không tham gia các môn thể thao đối kháng hoặc các môn thể thao đồng đội.

–  Không tập các bài thể dục có các động tác nhảy trong suốt thai kì.

 – Nếu bạn dự định tập aerobic trong khi mang thai, bạn chỉ nên tham gia ở cấp độ thấp.

 – Sau khi kết thúc 3 tháng đầu thai kì, cần tránh các bài tập thể dục đòi hỏi bạn phải nằm nhiều vì nó có thể gây trở ngại cho tuần hoàn máu.

 – Trong thời gian mang thai, bạn cần xác định mục tiêu tập thể dục là để giữ sức khỏe chứ không phải để giảm cân. Vì vậy, bạn không nên tham gia các bài tập giảm béo và không tập quá sức để không làm ảnh hưởng đến bản thân và thai nhi.

 – Không tập thể dục khi mang thai vào những ngày quá nóng. Ngay cả vào những ngày thời tiết bình thường, cần đảm bảo rằng tập thể dục vào những khoảng thời gian mát như sáng sớm hoặc sau 4 giờ chiều.

 – Nhớ uống đủ nước khi tập thể dục.

 – Mặc những bộ đồ tập tạo cảm giác thoải mái.

 – Luôn khởi động trước khi bắt đầu và hạ nhiệt thư giãn sau khi kết thúc bài tập.

– Hãy nhớ luôn lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện. Nếu cảm thấy chóng mặt hay bị ngất, đau đột ngột ở lưng hay ngực, hay thấy ra máu, hay tim đập quá nhanh, chứng tỏ bạn đang tập quá sức và nên dừng lại. Cần gọi cho bác sĩ nếu bạn thấy bất kì triệu chứng nào trên đây để được kiểm tra kịp thời.

 – Bạn không nên tập thể dục trong suốt thai kì nếu trước đây đã từng sẩy thai hoặc sinh non. Bác sĩ sẽ hiểu rõ nhất bạn nên nằm dưỡng thai hay có thể tham gia tập thể dục. Như vậy việc kiểm tra điều kiện sức khỏe trước khi tham gia tập thể dục là vô cùng quan trọng.

Tránh dùng thực phẩm không an toàn khi mang thai

Empty

Một điều vô cùng quan trọng bà bầu cần lưu ý là tránh dùng những thực phẩm không an toàn khi mang thai. Những thực phẩm cần tránh khi mang thai cụ thể là:

- Thực phẩm tái sống: Bà bầu không nên ăn thịt gia súc, gia cầm sống hoặc tái, thức ăn để lạnh, các loại thực phẩm có chứa thành phần trứng sống, phô mai mềm chưa tiệt trùng, pate đông lạnh vì chúng có chứa vi khuẩn gây hại đến sự phát triển của thai nhi.

- Tránh tối đa các loại cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình vì chúng có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao, ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi.

- Không nên ăn thực phẩm chứa nhiều muối vì có hại cho thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ

- Không nên ăn nhiều đường, vì ăn nhiều đường sẽ dẫn đến bệnh đái đường thai kỳ và thai nhi quá to, làm tăng thêm sự nặng nề của người mẹ, dẫn đến khó sinh con

- Hạn chế ăn rau răm, ngải cứu, rau ngót, rau sam, dứa, nhãn, đu đủ xanh, nước dừa, mướp đắng… trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

- Loại bỏ rượu bia hoặc các loại nước uống có caffein, ga, đường ngọt…

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn