Chúng ta làm những gì suốt quãng đời sinh viên? Chúng ta là ai khi bước ra khỏi cổng trường đại học?... - những câu hỏi đầy trăn trở của một bạn trẻ gửi đến chúng tôi trong những ngày cuối năm.
Chúng ta làm những gì suốt quãng đời sinh viên?
Có lẽ ngày đầu tiên, khi bước chân vào cổng trường đại học, cao đẳng chúng ta - những người trẻ đang hừng hực nhiệt huyết vì đã vào được chuyên ngành, trường học mình mong muốn.
Tất cả những gì tự hứa với bản thân chính là sẽ học thật tốt, cố gắng ra trường để có thể theo đuổi ước mơ về sự nghiệp bản thân trong tương lai. Cố gắng vạch ra định hướng của mình để có thể làm theo, nỗ lực hết mình để đi đúng hướng!
Nhưng...
Tranh minh họa. |
Trong suốt 4 năm học đại học hay 3 năm học cao đẳng chúng ta thay đổi như thế nào?
Trong suốt những năm ngồi trên giảng đường, những suy nghĩ của chúng ta đang đi dần dần lệch ra khỏi quỹ đạo mà chúng ta đã định sẵn kèm với đó là những suy nghĩ chán chường, càng học càng thấy mông lung không biết tương lai mình ra sao?
Có những người mệt mỏi, quyết định dừng lại, dang dở việc học hành của mình để đi làm, để khởi nghiệp, có người dừng lại để đi vào những con đường dành cho những con người có lối sống lệch lạc, sai lầm và trượt dài trong đó...
Có những người trong chúng ta thì chợt giật mình tự hỏi bản thân: "Mình học ngành này thì được gì? Mình ra trường sẽ làm những gì? Cuộc sống mình sau này về đâu? Hình như ngày xưa mình chọn ngành này là sai lầm thì phải?".
Sự thật là nhiều người trong chúng ta lúc đó vẫn phải cố gắng, cố gắng không phải là để theo đuổi ước mơ, mà cố gắng nhanh nhanh để ra trường, để có 1 tấm bằng mà khi cầm trong tay tấm bằng đó chúng ta lại lạc lối giữa cuộc sống này không biết đi đâu, về đâu, làm gì?
Đơn cử như tôi - ngày xưa ngành Tài chính - Ngân hàng đang "hot", tôi cố gắng hết sức mình nhưng vẫn chỉ dừng lại tại 1 cổng trường đại học dân lập và trong suốt 4 năm học tôi đã, đang và vẫn hỏi mình những câu hỏi trên.
Và sự thật đau lòng hơn nữa khi mà bố mẹ hỏi tôi khi tôi ra trường tôi sẽ làm được gì?
Giật mình nhận ra có rất nhiều kiến thức mà tôi học ở trường hinh như không áp dụng được cho tôi trong cuộc sống sau này!
Những kiến thức về kinh tế về ngân hàng tôi được thật sự là có ích.
Nhưng điều đầu tiên tôi học được khi vào đời không phải là áp dụng những kiến thức đó mà là dựa vào những mối quan hệ của tôi để đi mở thẻ ngân hàng, đến lúc các mối quan hệ đã cạn thì tôi lại bị "đá" đi như chưa bao giờ bước chân vào đó!
Nhiều anh chị ra trường trước tôi nhờ có chút địa vị, có chút "cửa sau" có thể có 1 số vị trí nhất định trong ngân hàng nhưng rồi cũng chỉ tồn tại được vài năm sau đó lại phải chuyển ra ngành ngoài để làm!
Có rất nhiều, rất nhiều ngành nghề cũng đang tồn tại như vậy!
Tôi tự hỏi: "Liệu khi tôi ra trường tôi có rơi vào tình trạng như vậy không? Tôi sẽ làm được gì sau khi mình tốt nghiệp?"
Chúng ta là ai khi bước ra khỏi cổng trường đại học?
Bởi, người ta cần là kinh nghiệm. Hầu hết những công ty, xí nghiệp đều muốn tuyển người có kinh nghiệm 1, 2 năm làm việc (trừ làm lao động phố thông).
Sinh viên vừa chân ướt, chân ráo ra ngoài đời sao đáp ứng được điều kiện này!
Một vòng luẩn quẩn. Chúng ta phải chấp nhận một là chịu đi làm trái ngành, trái nghề, hai là chúng ta phải chấp nhận công việc đúng ngành, đúng nghề nhưng với một mức lương cực thấp.
Điều chúng ta nhận được thật sự là "đắng" là "chua" là "cay", là những con người dù có nhiệt huyết bao nhiêu nhưng rồi chính chúng ta bị cuộc sống đưa đẩy để rồi lại một lần nữa lạc lối giữa những con đường mà chúng ta đã từng lựa chọn.
Quan trọng là tôi, bạn và chúng ta có đầy đủ bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống này hay chúng ta sẽ gục ngã trên chính những con đường mà chúng ta đã chọn?
Vì cuộc sống là không chờ đợi, hãy làm tất cả những gì mà chúng ta có thể ngày hôm nay, phấn đấu hết mình để có thể tiến bước tời thành công!
Không có con đường nào dẫn đến thành công mà trải hoa hồng cho người trẻ chúng ta mà chính chúng ta sẽ là người biến những con đường đầy gian khó, chông gai thành hoa hồng nếu cố gắng hết mình!
Bài viết này chỉ là ý kiến chủ quan của tôi - một người trẻ!
70% ông đồ thi trượt: Chuyện đâu chỉ mấy con chữ Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn. |