(Đời sống) - Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo đang lấy ý kiến các bộ, ngành, từ 1/7 tới đây, những người "hôi của" của người bị nạn sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng.
[links()]
Thực tế, gần đây ở Việt Nam xảy ra rất nhiều vụ hôi của. Từ hôi dưa, hôi bia, cướp lợn khi chủ nhân chúng gặp nạn…đến cướp tiền, cướp điện thoại.
Những hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng người bị nạn, người gây ra tai nạn giao thông sẽ bị phạt nặng. Ảnh: DT |
Mới đây, 25/2, chị Đặng Thanh Hiền (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đi xe máy đến ngã tư Hàng Trống - Hàng Gai bị xe máy do một thanh niên điều khiển va phải, làm chị Hiền ngã ra đường. Cùng lúc, một phụ nữ đi xe máy chở theo Nguyễn Thị Xương (47 tuổi, hộ khẩu ở phường Đông Ba, TP. Huế) áp sát thò tay móc điện thoại iPhone 5 của chị Hiền. Chị Hiền hô hoán, cùng người dân đuổi tới trước nhà 90 Hàng Trống thì bắt được Xương.
Trước đó, vào trưa ngày 7/5/2012, chiếc xe bồn chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình do mất lái đã bị lật nghiêng trên QL 1A khiến xăng chảy lênh láng ra đường.
Do sợ nổ nên cả trăm người dân địa phương cầm theo xô, chậu chỉ dám đứng từ xa. Nhưng khi cảnh sát dùng xô, can nhựa hút bớt xăng từ bồn ra đề phòng cháy nổ, người dân lập tức xông tới mang xô, chậu, can để hứng bất chấp sự ngăn cảm của chủ hàng và cảnh sát.
Đến giữa trưa, khi lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết, cộng với thời tiết nắng nóng, người dân mới chịu rời khỏi hiện trường.
Vụ việc tương tự cũng diễn ra tại TP.HCM vào lúc 9h30 ngày 9/8, khi anh Vũ Văn Khởi điều khiển xe container BKS 57L-4717 kéo theo đầu kéo chở hàng trăm thùng bia lưu thông trên cầu vượt Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh để về đường Võ Văn Kiệt, do tránh 3 xe máy tạt ngang đầu, lực thắng gấp đã làm hàng trăm thùng bia trên xe anh rơi xuống lòng đường.
Theo anh Khởi, ngay sau khi sự cố xảy ra, một số người đã tranh nhau hôi của.
Ngoài việc lên án đây là hành động vô cảm trước hoạn nạn của người khác, theo các chuyên gia luật, xét về pháp lý, hành vi hôi của trong các vụ nêu trên là “công nhiên chiếm đoạt tài sản” ở chỗ các đối tượng ngang nhiên chiếm đoạt tài sản đang do người khác giữ mà không chạy trốn.
Theo Điều 137 Bộ luật Hình sự, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội này nếu tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức “phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng” theo Khoản 1b Điều 18 Nghị định 73/2010 của Chính phủ.
- Thường Xuân (Tổng hợp)