Trang Pháp cảm động trong cách dạy con của cha mẹ

( PHUNUTODAY ) - Tôi tin rằng mỗi gia đình đều có những cách giáo dục con cái khác nhau, mỗi cách đều có những cái hay, cái tốt. Nhưng điều quan trọng nhất chính là điểm tương đồng: Cha mẹ luôn dành cho con tình thương vô điều kiện.

Ở nhà, tôi gọi bố là “Cha”. Vì cha nói “Cha” mới là từ thuần Việt. Khi còn nhỏ, bạn bè nghe tôi gọi “cha và mẹ” thì thấy kỳ cục lắm. Nhưng sau này, khi lớn lên, tôi mới nhận ra được sự chất phác của cái từ “cha” thân thương đó. Tôi cũng nhận ra theo thời gian rằng mỗi điều cha nói với tôi ngày bé đều có một ẩn ý nào đó, mà có khi tới hơn một chục năm sau, tôi mới lờ mờ hiểu ra. Đó chính là cái tôi phục ở cách dạy con của Cha và Mẹ. Không dồn dập, không bắt ép, không to tiếng, mà cũng không dễ dãi.
[links()]
Mẹ đi đến thái cực để tìm sự cân bằng  

Tôi từng tưởng rằng cha mẹ tôi là những người đầy mâu thuẫn. Những điều cha mẹ muốn ở tôi không nằm trên một đường thẳng.

Mẹ thích tôi đứng đầu lớp nhưng lại kéo tôi đi mua đồ khi thấy tôi vùi đầu vào sách vở. Cha muốn tôi đánh đàn piano thật giỏi nhưng lại không muốn cho tôi học thường xuyên vì sợ tôi đam mê quá mà theo nghề…

Tôi còn nhớ, ngày đó mới 10 tuổi, mẹ phải đi nhiệm kỳ tại Pháp theo Unesco nơi mẹ làm. Gia đình tách làm đôi, tôi và mẹ đi, còn bố và chị gái ở lại Việt Nam. Một chữ tiếng Pháp bẻ đôi, tôi cũng không biết.

Bước sang một đất nước xa lạ, lạc lõng về ngôn ngữ, về văn hoá, một con bé con 10 tuổi như tôi chỉ mong ngóng cái ngày được đi học, để hiểu xem cái gì mới đang chờ đợi mình. Nhưng thời gian xin học thì phải chờ vài tháng.

Tôi từng tưởng rằng cha mẹ tôi là những người đầy mâu thuẫn. Những điều cha mẹ muốn ở tôi không nằm trên một đường thẳng.
Tôi từng tưởng rằng cha mẹ tôi là những người đầy mâu thuẫn. Những điều cha mẹ muốn ở tôi không nằm trên một đường thẳng.

Trong lúc đó, mẹ bận làm mà ngày nào cũng dành ra vài tiếng đồng hồ dạy tiếng Pháp cho tôi. Lúc nào mẹ cũng nói phải cố học để khi tới trường tôi không bị bỡ ngỡ. Tôi hứng thú lắm.

Tôi vốn là đứa mê học tiếng nước ngoài. Tôi vùi đầu vào sách, vở, cassette tiếng Pháp, tôi nghĩ làm vậy mẹ sẽ vui. Vậy mà khi đi làm về, thấy tôi ôm đống sách mẹ lại kéo tôi lại không cho học nữa và bắt tôi đi mua đồ cùng mẹ.

3 tháng sau, tôi bắt đầu đi học. Có lẽ vì được học tại Việt Nam hết cấp 1 nên khi sang đây, các môn tự nhiên tôi đều giỏi nhất lớp, tôi cũng ngạc nhiên lắm, còn bạn bè trong lớp thì không, họ đùa với tôi: “Khi mình giỏi về một cái gì, sẽ luôn luôn có một bạn châu Á giỏi hơn về cái đó”.

Học kỳ đầu tiên, tôi đã đứng đầu lớp. Mẹ tự hào lắm. Lúc này tôi nghĩ, mình đâu cần cố gắng thêm, điểm như vậy là hài lòng rồi. Vậy mà tới học kỳ sau, mẹ lại nói mẹ thất vọng khi tôi đứng đầu lớp.

Mẹ chỉ vào bảng điểm và nói rằng: “Tất cả các môn con đều đầu lớp, còn môn tiếng Tây Ban Nha thì lại đứng thứ 2”. Tôi giải thích với mẹ rằng người đứng đầu lớp môn tiếng Tây Ban Nha là một người gốc Bồ Đào Nha, 2 thứ tiếng rất giống nhau nên bạn ấy rất giỏi, nhưng mẹ không chấp nhận.

Lúc đó tôi cảm thấy bất công lắm. Rốt cuộc là mẹ muốn tôi phải giỏi tới đâu? Tôi cứ tưởng rằng mẹ chỉ cần tôi học tới một mức nào đó, vì thấy tôi học nhiều là mẹ lại kéo tôi ra khỏi nhà.

Tôi thiết nghĩ, lúc thì mẹ trông mong nhiều quá vào tôi, lúc lại dễ dãi quá với tôi. Nhưng đó là suy nghĩ của một con bé 11 tuổi. Tới khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng, cha mẹ đăt tôi vào thái cực cũng chỉ để tôi nhận ra đâu là sự cân bằng. Khi học thì tôi học quá độ, khi hài lòng với bản thân thì tôi lại xao nhãng.

Tuy vậy, đôi lúc tôi không phủ nhận sự “mâu thuẫn” của mẹ. Mẹ tôi hay lo lắng từ những chuyện nhỏ nhất, quan tâm từ những chuyện bé cỏn con như tôi đi cầu thang có bị vấp không, ngồi cạnh bình hoa có bị dị ứng không…

Nhưng có lúc lại quên ngày sinh nhật của tôi, hay thậm chí là quên mất tôi đang học lớp mấy. Khi tôi học Đại học được gần 6 tháng thì mẹ tôi vẫn đinh ninh rằng tôi còn học cấp ba. Tôi không thấy buồn vì những chuyện đó, vì tôi hiểu, đó là tính cách của mẹ: quan tâm tới những cái thiết thực và gần gũi nhất.

Dù rằng người ngoài có coi đó là việc đi từ thái cực của sự chiều chuộng quan tâm thái quá cho tới thái cực của sự sao nhãng vô tư, thì với cha mẹ tôi, những gì con cái cảm nhận được vẫn là điều quan trọng nhất. Và tôi cảm thấy đó là sự yêu thương vô điều kiện của mẹ mà tôi trân trọng và hạnh phúc khi có được.

Sự khắt khe và im lặng của cha

Cha tôi viết sách rất nhiều. Là Giáo sư ngôn ngữ nhưng cha kiệm lời và coi sự im lặng là cách giao tiếp hiệu quả nhất. Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi cha đã nói là tôi phải suy nghĩ, phải trầm ngâm mất một buổi.

Cha tôi thuộc tuýp người cổ điển. Có 2 điều lớn nhất tôi học được ở cha là sự quan trọng của gia đình và sự cân bằng trong cuộc sống. Cha tôi thờ chữ “Nhẫn” và sống như người “Đắc đạo”.

Cuộc sống đối với cha nhẹ như lông hồng, không điều gì có thể làm cha tức giận, hay bực bội. Vì là người đàn ông duy nhất trong gia đình nên cha giống như người trung hoà tính cách khác biệt của 3 mẹ con.   

Cha cho tôi học tiếng Anh từ lúc 4 tuổi. Nhưng cha không trực tiếp dạy tôi bao giờ, mà luôn để tôi học trò của cha. Cha không muốn tôi có bạn trai cho tới khi học xong Đại học. Đó là điều làm nhiều người cảm thấy khó hiểu, khi cha và mẹ tôi đều là những người tiếp xúc nhiều với bên ngoài.

Nhưng có lẽ chính vì vậy mà cha mẹ càng cố gắng níu giữ những gì truyền thống nhất, cổ điển nhất và đôi lúc là bảo thủ nhất. Chị tôi có bạn trai khi học Đại học năm thứ nhất. Điều đó làm bố mẹ tôi lo lắng và thậm chí hoang mang mất một thời gian đầu.

Điều thứ hai cha mẹ tôi lo lắng, đó là tôi sẽ đi theo nghệ thuật. Từ nhỏ, cha đã nuôi nấng ý nghĩ trong đầu tôi rằng, nghệ thuật là một câu chuyện cổ tích không có thật.

Cha mẹ luôn muốn tôi đặt việc học lên hàng đầu, và cho tới giờ, tôi vẫn thấy đó là một quyết định đúng đắn khi tôi chỉ đến với nghệ thuật khi đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế mà tôi yêu thích.

Tuy vậy, tôi vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng rằng mình đã đi trái con đường cha mẹ chọn cho tôi, khi mà trong cả hơn 20 năm cuộc đời, chưa có điều gì tôi làm trái lời cha mẹ

Điều tôi nhớ nhất ở cha, đó là từ ngày tôi bắt đầu đi học mẫu giáo, cho tới khi vào Đại học, cha luôn là người đưa tôi đi và đón tôi về không trễ một phút. Ngày nào cha cũng dẫn tôi đi ăn sáng, và chờ trước cổng trường tới khi tôi đi khuất vào trong rồi cha mới đi làm.

Tôi từng nghĩ đó là chuyện bình thường, nhưng khi nhìn lại, tôi thấy đó là một sự hi sinh vô bờ bến. Cha tôi từ chối tất cả những chức quyền, những danh vọng được người ta đem tới, chỉ để có thời gian để đơn giản đưa con đi học, đón con về, có thời gian để tối nào cũng có một bữa cơm gia đình.

Tôi không tâm sự nhiều chuyện riêng tư với cha. Cha cũng không bao giờ hỏi. Tôi và cha thường tranh luận về những chuyện mà mẹ thường gọi là “xa vời”. Chuyện trên trời dưới biển, tôi và cha đều tranh luận được.

Tôi không dám nhận mình đã trưởng thành, nhưng tôi hài lòng với những gì mình đã trải qua, và tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống gia đình không thể hạnh phúc hơn.
Tôi không dám nhận mình đã trưởng thành, nhưng tôi hài lòng với những gì mình đã trải qua, và tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống gia đình không thể hạnh phúc hơn.

Về sau lớn lên, tôi mới hiểu rằng cha luôn có ý đẩy tôi vào những cuộc “thảo luận cây nhà lá vườn” đó, để dạy tôi bảo vệ chính kiến của mình, và suy nghĩ thấu đáo trước khi phát ngôn.

Khi nhìn lại, tôi thấy bất kỳ điều gì cha nói, cha làm đều có ngụ ý. Ngay cả những câu chuyện cười vu vơ, có khi tới 10, hơn 10 năm sau, tôi mới hiểu được chủ ý của cha khi kể với tôi.

“Yêu không cho roi cho vọt”

Một điểm chung của cha mẹ tôi là chưa từng bao giờ “cho roi cho vọt”. Bạn bè tôi nhiều người ngạc nhiên, thậm chí không tin rằng cha mẹ tôi chưa từng đánh dù là một cái thật nhẹ vào tay tôi cũng chưa bao giờ.

Còn nhớ hồi lớp 2, tôi bị cô giáo cầm thước kẻ đánh vào tay, cha mẹ vội vàng chuyển cho tôi sang học tại một trường bán công khác. Dù không “tiếng tăm” như ngôi người cũ, nhưng cha mẹ tôi quan niệm “tâm lý trẻ con phải được ổn định”.

Cha mẹ tôi cũng không bao giờ la mắng, to tiếng với tôi. Khi tôi làm sai một điều gì, mẹ khóc rất nhiều và nói rất nhiều với tôi về những hậu quả của việc tôi làm khiến mẹ buồn thế nào. Cha thì sẽ im lặng từ đầu tới cuối, và chỉ lên tiếng để kết luận buổi “xét xử”.

Đối với tôi, đó là hình phạt nặng nề nhất. Nhiều lúc tôi ước gì mẹ la mắng thì tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Những giọt nước mắt của mẹ và sự im lặng của cha luôn luôn làm tôi sợ hơn bất kỳ những roi vọt nào.

Cha mẹ cho tôi giờ “giới nghiêm” là lúc 10h30. Một tháng tôi chỉ được đi chơi một 2 lần buổi tối. Cha tôi để dành một loạt những tin nhắn cho tôi như: “Chuẩn bị về chưa con”, gửi lúc 9h30, “Chuẩn bị về nhé” vào lúc 10h, “Con đi về chưa?” vào lúc 10h15, và “Sao chưa về?” vào lúc 10h30.

Nghe câu chuyện có vẻ hư cấu nhưng cho tới bây giờ, khi nhìn lại những tin nhắn đó của cha, tôi vẫn cảm giác như mới hôm qua. Tôi cám ơn cha mẹ đã khắt khe với tôi khi tôi còn trẻ con, và chỉ dễ dàng hơn một chút với tôi khi tôi biết suy nghĩ đúng dắn.

Mẹ tôi là người mau nước mắt trong khi cha lại là người bình tĩnh và khắt khe. Điều đó làm tôi gặp muôn vàn khó khăn khi bước chân vào showbiz. Từng lời nói, từng bài phỏng vấn, tôi đều phải cẩn trọng.

Tâm lý mẹ tôi yếu, không chịu được những chuyện động trời nên đến với showbiz, tôi như người bước trên bãi mìn. Tôi tự biết mình không phải người có nhiều kinh nghiệm, ít nhiều tôi sẽ phạm sai lầm, hoặc nếu không thì cũng sẽ có những chuyện không hay tự tìm đến.

Tuy vậy, khi tôi sai lầm thì mẹ khóc, cha im lặng, nhưng rồi luôn luôn bỏ qua  và khoan dung cho tôi một cơ hội khác. Đó là điều làm tôi tôn trọng cha mẹ hơn trăm ngàn lần.

Tôi đã từng nghĩ cha mẹ tôi cũng giống như những bậc làm cha làm mẹ khác. Nhưng càng lớn lên, tôi càng nhận ra sự khác biệt rõ rệt so với bố mẹ của những người bạn của tôi.

Tôi tin rằng mỗi gia đình đều có những cách giáo dục con cái khác nhau, mỗi cách đều có những cái hay, cái tốt. Nhưng điều quan trọng nhất chính là điểm tương đồng không thể chối bỏ của mọi gia đình: cha mẹ luôn dành cho con cái một tình thương vô điều kiện, không có hạn chế.

Chỉ nhường đó thôi đủ làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi không dám nhận mình đã trưởng thành, nhưng tôi hài lòng với những gì mình đã trải qua, và tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống gia đình không thể hạnh phúc hơn.

  • Chuyết Nhi (ghi)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn