Một tuổi thơ đầy "bản kiểm điểm"
Từ ngày bé tôi đã không thích những bản kiểm điểm. Với tôi đó là sự dập khuôn ngớ ngẩn, vì tôi chẳng biết mình có sai phạm gì, hoặc chẳng hiểu lỗi lầm đó đáng trách và gây hậu quả ra sao. Nhưng vì sợ người lớn phạt hoặc quát mắng, vừa để cho xong chuyện, tôi vẫn viết trơn tru, sạch sẽ chẳng gạch xóa gì; cuối mỗi bản kiểm điểm, luôn là một tràng dài xin lỗi. Ngày hôm sau đâu lại vào đó. Bố đánh đòn, tôi còn chưa kịp thấm đau, mẹ xót con đã vội giục "Ra xin bố tha đi".
Các bạn thấy kịch bản này có quen lắm không? Hẳn rồi. Vì nó là những gì quá đỗi thân thuộc trong tuổi thơ mỗi người, vô hình chung gây nên sự thờ ơ về thái độ và trách nhiệm của con trẻ với lời xin lỗi.
Tôi nghĩ, "xin lỗi", bên cạnh "chào hỏi" hay "cám ơn", là một câu nói xinh đẹp của loài người kể từ khi họ cần đến nhau trong xã hội biết giao tiếp và giao cảm. Tôi không bao giờ muốn thế giới "xóa sổ" hai chữ nhỏ nhắn này, cho dù đã lâu nay người ta đồn kháo mãi về tình trạng vô cảm cao độ của xã hội hiện đại khiến mọi người đi qua nhau, gây thương tổn cho nhau mà vẫn lặng lẽ hơn bao giờ.
Dù vậy...
tôi có vài lần muốn cảm thông thay cho câu xin lỗi trót bị vùi đi hoặc đưa ra trễ muộn. Tôi biết, nếu những con chữ thật tâm thì việc bật ra thành lời là rất khó khăn. Đành rằng chắc chắn tồn tại những người bản tính vô trách nhiệm, nhưng căn nguyên lý do khiến người ta lưỡng lự nhận lỗi với nhau thì dễ hiểu lắm: sợ. Sợ bị hắt hủi hay đối xử lạnh nhạt, sợ đối phương xem nhẹ câu xin lỗi của mình.
Nhật Bản là đất nước vô cùng coi trọng sự đáp lễ trong giao tiếp. Lời chào, sự cảm ơn, câu xin lỗi của họ đề thể hiện bằng cái cúi gập người sâu, nghiêm chỉnh và dứt khoát. Thế mà đến nay ngày càng có nhiều người dân Nhật tìm đến công ty thay mặt mình làm công tác “cúi đầu”, nhất là trong những trường hợp họ cảm thấy xấu hổ hoặc không có kiên nhẫn đối diện với người mình cần xin lỗi.
Cho nên với riêng tôi (không phải vì bênh vực cho những ai tự ái đâu) điều khó chấp nhận hơn cả những sự im lặng lại chính là, bạn tin không, buổi sáng mở máy tính ra lướt đọc báo online, thấy trong một ngày có hàng chục "tít" bài nói người này xin lỗi người kia, bày ra lồ lộ.
Ơ hay, internet nó làm cho câu xin lỗi bay đến tai nhau dễ dãi đến thế sao? |
Có những chuyện to tày đình như Thể thao liên tiếp gặp những thất bại có tính hệ thống, cơ quan quản lý vừa xin lỗi vừa đổ lỗi cho nhau. Sự xuống dốc của U23 Việt Nam sau 2008 đỉnh điểm là ở Seagames 26 khiến VFF "muối mặt" xin lỗi và hứa hẹn một nền bóng đá nổi bật hơn, để rồi thất bại thảm hại ngày 11/12 vừa qua trên sân Mỹ Đình trước Malaysia, một lần nữa người ta lại phải nghe Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu chung chung "Cá nhân tôi có lỗi khi để xảy ra sự việc như vừa qua. Chúng tôi đã bị men say chiến thắng làm mất tập trung, thiếu cảnh giác, và nghĩ rằng cầu thủ sẽ không làm bậy giống như trước".
Mới đây nhất là lời xin lỗi của Đài SBS Hàn Quốc vì câu thoại "nhạy cảm" về cô dâu Việt. Không phải lần đầu tiên Hàn Quốc xin lỗi Việt Nam, trước đó, một tờ báo cũng từng xin lỗi độc giả Việt Nam về bài viết “Các cô gái Việt Nam đến miền đất hứa Hàn Quốc” vì gây phản ứng tiêu cực trong dư luận hai nước. Tổ chức “Ủy ban sự thật Hàn Quốc về chiến tranh Việt Nam” cho phát hành đĩa CD “Thành thật xin lỗi Việt Nam” in bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hàn…
Hay chỉ nhỏ tí ti thậm chí rất đáng bỏ qua như chuyện ca sĩ phiêu quá quên lời/sai lời bài hát. Chẳng hiểu vì phép lịch sự thông thường hay "học nhau", giới nghệ sĩ làm dấy lên làn sóng xin lỗi khán giả, từ tên tuổi lớn như Mỹ Tâm, Bằng Kiều đến mới nổi như Trang Trần, Hoàng Tôn. Trong khi đó phần đông khán giả vẫn hiểu đây là những sự cố hiển nhiên, khó loại bỏ và không cần trách móc quá nặng nề.
Ăn theo từ khóa rất "hot" đó là những câu chuyện vô thưởng vô phạt về đời sống như: thư con dâu xin lỗi mẹ chồng, chồng xin lỗi vợ, em xin lỗi anh em chỉ là.... Ai nấy đọc cũng đều thấy hỉ hả.
Có thật sự cần nhiều câu xin lỗi như vậy không?
Bản thân tôi không thích lắm những lời buông ra dễ dãi. Câu "xin lỗi" thường ngắn gọn, người "xin lỗi" thường lí nhí, nhưng đâu phải ai cũng đã cảm nhận hết sức mạnh của nó không phải chỉ nằm ở thời điểm thốt ra, mà chính lại là trước đó. Từ lúc một người trót gây điều gì cho đến lúc họ tự tin để nói về nỗi lòng mình là cả một quãng thời gian đấu tranh tự điều chỉnh nhận thức và hành vi; phần lớn là không dễ dàng. Thế nên ở thời đại Internet, những lời xin lỗi phát đi nhanh chóng, đôi khi giản đơn, tức thời và ngày càng dễ đoán, nó đem lại hai thứ cảm giác khá nhạt nhẽo. Một là, nếu sự việc cần nỗ lực hành động chuộc lỗi trước tiên, lời nói lúc này chỉ có vẻ không cần thiết. Hai là, với những chuyện chưa đến mức phải 'xin lỗi", nói hai chữ này khiến sự việc nhỏ nhặt thành ra khiên cưỡng, nâng tầm quan điểm một cách hơi kì cục.
Xin lỗi xét cho cùng chỉ là cách thức để truyền tải sự hối lỗi, vậy có lẽ nó nên như thế nào đấy để có chút logic với cục diện sau này. Việc tích cực không được lặp lại, cái cũ tốt hơn lên, lỗi lầm được tha thứ, người thêm xích lại bao dung? Hay chuyện tương tự vẫn tiếp tục xảy ra như trước nay vốn cứ thế....
Dù hơi ngược, tôi lại ước người ta đừng xin lỗi quá nhiều, quá nhanh, quá thành khẩn. Tôi ước người ta hãy ngồi xuống, thở chậm hơn, cẩn trọng và chậm rãi trước khi trải lòng....