Dịp nào cũng nhậu
Việt Nam hiện đang nằm trong top 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới với 3 tỉ lít bia được tiêu thụ mỗi năm. Theo dự đoán của Bộ Công Thương, con số này vào năm 2015 có thể lên đến 4.5 tỉ lít. Dường như đi nhậu đã trở thành thú vui không thể thiếu của mọi tầng lớp người dân Việt Nam trong bất cứ dịp nào, không kể ngày lễ tết.
Các quán nhậu như thế này luôn đông khách và rất dễ thấy trên các nẻo đường Hà Nội, Sài Gòn. |
Đi trên bất cứ nẻo đường nào của Hà Nội hay Sài Gòn, chúng ta đều có thể rất dễ dàng tìm được một quán nhậu. Quán nhậu không nhất thiết cứ phải là quán bia. Đó có thể là một quán lẩu, nướng vỉa hè hay sang trọng hơn là một nhà hàng nào đó. Đặc điểm của các quán nhậu là luôn luôn chật cứng. Mùi thức ăn thơm lừng và những tiếng “một, hai, ba, dô” vang lên không dứt. Đi vào một quán bất kì kiểu này, chúng ta có thể kiếm được hằng hà sa số những lý do người ta đi nhậu: nhân dịp có người yêu, nhân dịp một thằng trong nhóm thất tình, nhân dịp lên chức, nhân dịp mất việc… Ở những quán nhậu xung quanh các trường đại học, một trong số những lý do hay được đem ra để nhậu chính là… nhân dịp kết thúc kì thi cuối kì.
Và những hệ lụy sau cuộc vui tàn
Chúng ta hào hứng đi nhậu, hào hứng chúc tụng nhau công thành danh toại, tình yêu mĩ mãn, gia đình hạnh phúc bên bàn nhậu. Chưa biết những lời chúc ấy có thành sự thật hay không, nhưng hệ lụy do nhậu gây ra đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới xã hội và gia đình mỗi người.
Chúng ta hào hứng chúc tụng nhau bên bàn nhậu mà không biết điều gì đang chờ đợi sau cuộc vui. |
“Cha giết con khi say rượu”, “Say rượu giết hàng xóm vì sang mượn đồ không đúng lúc”, “Hai cán bộ sở say rượu đánh nhau khiến một người nhập viện”…, những dòng tít vẫn hiện ra đều đặn trên mặt báo khiến chúng ta phần nào nhận thấy được tác hại to lớn của rượu. Uống không tự chủ có thể gây ra những hậu quả khôn lường như xô xát, tai nạn giao thông mà khi chúng ta nhận ra thì đã quá muộn.
Nhậu còn gây tác động xấu tới giới trẻ. Thay vì đọc sách, tập luyện thể thao, tham gia các hoạt động xã hội, nhiều bạn trẻ đang xem nhậu như một phương thức giải trí thường xuyên chứ không cần phải có một dịp lễ hay một nguyên nhân cụ thể nào. Nhậu vào cuối tuần. Nhậu sau giờ làm việc. Bạn bè lâu ngày không gặp, chưa nói chuyện vội, cứ… nhậu đã! Mà đã nhậu là phải say, không say là không coi anh em ra gì. Thế nên, trong kì khám sức khỏe ở trường đại học, nhiều bạn mới hai mươi hai mốt đã gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ gan… Nghe mà thấy rùng mình ớn lạnh.
Nhiều người hay vin vào cái cớ duy trì quan hệ để biện minh cho cái sự hay nhậu của mình. Rồi thì bạn bè gặp nhau không đi nhậu thì biết đi đâu? Phụ nữ còn có thể đi shopping còn đàn ông thì chỉ có nhậu. Đành rằng có những lúc chúng ta không thể từ chối những cuộc nhậu. Và đúng là có những cuộc họp mặt mà chỉ có nhậu là phương án mà tất cả mọi người có thể tham gia. Nhưng uống bao nhiêu, bao lâu uống một lần thì nêm nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Chơi thêm một môn thể thao, bớt đi vài cuộc nhậu và sống khỏe mạnh hơn hay vùi đầu vào bia rượu và chờ ngày bệnh tật ghé thăm. Đó hoàn toàn là lựa chọn của bạn.