Theo khảo sát xã hội học mới đây của GS Trần Ngọc Thêm, tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%. Thông tin về kết quả nghiên cứu này được đưa ra đã khiến không ít người phải nhìn nhận và giật mình với thực trạng lạ lùng ở nước ta: học sinh Việt Nam càng học cao, nói dối càng nhiều, càng tinh vi.
Nghe công bố, khó có thể ngồi im một chỗ thật. Ai đời, còng lưng làm lụng, chăm cho con cái từng bữa ăn giấc ngủ, lo lắng cho học từ trường thường tới trường chất lượng cao để rồi một ngày nhận ra rằng, càng ngày càng phải nghe nhiều lời nói dối. Công sức bỏ ra rồi nhận lại kết quả như thế nào có khác "công dã tràng".
Mà đã nói dối mà còn nói dối không ra, nói dối lộ liễu đến mức không thể lừa nổi một con gà thì phụ huynh càng thêm đau lòng thắt ruột. Cứ xem cái hệ thống giáo dục thứ bậc bết bát trong khu vực, giáo dục phổ thông chạy dài theo các nước trong khu vực, giáo dục đại học lết bết, bằng cấp chẳng được ai công nhận thì cái mối nguy nói dối lộ liễu ấy hẳn đang hành hạ biết bao gia đình Việt. Thế mới thấy, cái gì có giỏi vẫn hơn. Nói dối tinh vi, tinh vi tới mức không nhận ra được, thế là an tấm lòng già phụ huynh. Sự thật đắng cay nhìn càng rõ thì càng đau mắt, nhói lòng, gấp 1000 lần phiền phức so với cái dịch đau mắt đỏ mà dân tình đang đối phó hiện nay. Nói thì nói vậy thôi chứ bất kể tình huống nào thì bậc làm cha mẹ cũng muôn phần cay đắng.
Học sinh tiên tiến lớp 4 không thực hiện nổi phép chia |
Thế nhưng vẫn có những người lạc quan khi cho rằng, thực trạng nói dối ấy không hề đáng ngại, kết quả đó xét trên một khía cạnh tích cực thể hiện học sinh Việt Nam càng lớn càng khôn đấy chứ. Nhìn quanh ngó quất mà xem, trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, không nói dối, gian lận thì chỉ có mà thiệt thòi thôi ấy chứ.
Này nhé, từ nhỏ đến lớn, xung quanh việc học hành của trẻ toàn những thứ chạy chọt, dối trá, bé tí tuổi đi học cấp 1 thì suốt ngày phải chứng kiến những chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy giáo viên, lớn hơn một chút lên cấp 2 thì chạy điểm, cấp 3 to gan hơn thì chạy tài liệu trong thi cử... Đấy là chưa kể đến chuyện thầy cô nói dối, báo cáo láo để chạy theo bệnh thành tích, cả trường bắt học sinh học để thi chứ không phải để tiếp thu kiến thức...
Ai đời, năm nào tổng kết kỳ thi tốt nghiệp tỷ lệ đậu cũng hơn 90% theo tiêu chuẩn thi an toàn, không có gian lận mà mỗi clip, hình ảnh về kỳ thì tung ra lại thấy học sinh quay cóp ngang nhiên, trắng trợn. Chẳng phải đâu xa, mới đây, "bí mật quốc gia" về khống chế trần tốt nghiệp được công bố khiến dư luận ngã ngửa vì thành tích chống bệnh thành tích của ngành giáo dục đấy thôi.
Chưa hết đâu nhé, vẫn còn rất nhiều sự gian dối trong giáo dục đến từ nhà trường, các thầy cô giáo khiến dư luận không khỏi xôn xao lo ngại. Có lẽ mọi người chưa quên vụ việc em học sinh đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến năm lớp 4, và chuẩn bị tốt nghiệp lớp 5 ở Trường Tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) không chỉ thực hiện các phép tính chia chưa thông thạo, mà thậm chí nhiều học sinh (HS) còn không biết đến các môn học khác như Hình học, Anh văn… Giáo dục như thế, thầy cô trường lớp như vậy thì thật thà ở đâu?
Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, đi học mà có lỡ nói dối ngày càng nhiều, càng tinh vi thì cũng ơn thầy ơn cô đấy. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu mà thầy cô giáo vẫn hay dạy học sinh đấy 'thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Mà giờ được lòng mọi người mới quan trong chứ, được lòng cô thì được ưu tiên, có điểm cao, được lòng bạn thì bạn bè quý mến, thế cho nên học sinh về nhà cũng lựa chọn cách nói dối bố mẹ để bố mẹ được vui lòng.
Đấy nhé, nếu các bậc phụ huynh chưa coi việc bị con cái nói dối đó là "đại hiếu" thì cũng ghi nhận dần đi, con cái thời nay đang thích ứng mà tự lập. Không biết "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" thì ra đời cũng chẳng dễ sống đâu.