Trở thành nhà thơ sau 30 năm lừng danh chốn giang hồ

06:26, Thứ ba 27/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Ông ngậm ngùi nói: “Giờ ốm đau thế này, tôi cũng chẳng trách ai cả. Đây là cái giá mà tôi phải trả vì những lỗi lầm trong quá khứ của mình”.

Chúng tôi về Đông Mỹ tìm gặp nhà thơ Đức Tân vào một chiều đông giá rét. Ngỡ ngàng trước mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ giản dị nằm khuất cuối một con ngõ nhỏ, lặng lẽ nằm cạnh những ngôi nhà lầu hiện đại. “Có tôi đây”- một giọng đàn ông yếu ớt, trầm buồn vang lên khiến chúng tôi thoáng chút sững sờ.
[links()]
Bên ấm trà nóng chúng tôi được biết sau tai nạn hồi năm ngoái, sức khỏe ông giờ giảm sút nhiều, không còn nhanh nhẹn như xưa; nhất là chứng mất ngủ triền miên khiến ông thấy khổ sở.

Tên cướp Nguyễn Tích Đức lừng danh Bắc - Nam khi xưa, thi sĩ Đức Tân nổi tiếng với tập thơ “Giang hồ rẽ lối” ngày hoàn lương, giờ ngồi trước mặt chúng tôi, thiểu não và tiều tụy - thở than: “Giờ tôi không ngủ được, cũng không sáng tác thơ được nữa rồi! Chắc ông trời đang phạt tôi về những lỗi lầm thời trai trẻ...”

Túng quá làm liều

Nguyễn Tích Đức sinh năm 1954, là con cả trong một gia đình nghèo ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở đi học, Đức nổi tiếng là thông minh, ngoan ngoãn, có tài “xuất khẩu thành thơ” được thầy yêu bạn mến.

Thuở ấy chú bé Đức cũng hằng mơ ước lớn lên sẽ trở thành thi nhân. Nhưng trớ trêu thay, đang học lớp 7 thì bố Đức bệnh nặng, gia đình đã nghèo nay lại càng khốn khó hơn. Là con cả trong gia đình đông anh em, Đức đành gác “nghiệp bút nghiên” sang một bên, đi kiếm sống phụ mẹ nuôi gia đình và các em ăn học.

Nhà thơ Đức Tân bên đôi câu đối Giáo sư Vũ Khiêu tặng
Nhà thơ Đức Tân bên câu đối GS.Vũ Khiêu tặng

19 tuổi, gia đình cũng chẳng khấm khá hơn, Đức quyết định lấy vợ, mẹ can ngăn nhưng Đức vẫn quyết lấy. Sinh con đầu lòng, gánh nặng gia đình càng đè nặng lên đôi vai Đức, 30 đồng tiền lương ít ỏi lúc bấy giờ không đủ để trang trải cho chi phí sinh hoạt.

Năm 1969, túng quẫn quá, Đức nhận đi tiêu thụ thuốc Bắc cho một đám ăn trộm, bị công an bắt và hưởng 1 năm án treo… Người đàn ông nhỏ bé chợt ngừng dòng hồi tưởng của mình trong giây lát. Ông chậm rãi nói:

“Quãng thời gian sau đó, tôi liên tiếp đi trộm cắp, vì gia đình nghèo quá! Rồi sa vào nghiện hút, lô đề, cờ bạc lúc nào không hay. Rồi bán nhà, đẩy mẹ già và người vợ hiền cùng đàn con thơ dại sống trong cảnh “màn trời chiếu đất…”.

Nói đến đó, người đàn ông đã xấp xỉ lục tuần chợt òa khóc như một đứa trẻ trước mặt chúng tôi. Chỉ là những tiếng “Hức! Hức!” kèm theo tiếng nấc cụt nghẹn ngào đến xót xa.

Năm 1983, vùng Đông Mỹ có hai cô gái xinh đẹp, giỏi võ, cậy mình là con nhà quyền thế, chuyên đi ức hiếp dân lành. Một lần, chúng kéo đến quán nước của vợ Đức, bắt chị phải đưa 300 đồng. Không có tiền nộp, chúng đánh đập vợ anh.

Tức nước vỡ bờ, anh xông vào đánh trọng thương hai “yêu nữ”. Đức bị bắt, nhân dân trong huyện làm đơn xin ân xá cho Đức. Ngày hai cô gái kia ra viện cũng là ngày anh được thả. Cũng kể từ đó, hai “yêu nữ” kia không còn dám lộng hành nữa. Nhân dân trong vùng nể phục anh lắm, họ gọi anh là “Thạch Sanh”.

Năm 1987, sau khi phiêu dạt trên các chuyến tàu Bắc - Nam “hành nghề” móc túi, Đức bị công an Đà Nẵng bắt; sau trốn được, chạy bộ ra đèo Hải Vân, nhảy tàu về quê. Về đến nơi, để có tiền ăn chơi hút sách, Đức nhanh chóng “bắt tay” vào ăn cắp xe đạp - là “món” mà đám lưu manh đã đúc kết: “dễ lấy, dễ bán, dễ bị bắt và dễ được tha”.

Nhà thơ Đức Tân chụp ảnh cùng nhà báo Trường Phước
Nhà thơ Đức Tân chụp ảnh cùng nhà báo Trường Phước

Năm 1988, Đức liên tục bị công an “sờ gáy” vì tội trộm cắp xe đạp nhưng đều trốn chạy được. Một lần, khi đang loay hoay tìm cách “chôm” 4 chiếc xe đạp cùng một lúc thì lực lượng công an ập đến vây bắt, Đức ta hết đường trốn chạy. Lần này, do chịu mức án tổng hợp từ những lần trước nên gã phải ngồi “bóc lịch” 3 năm.

Ăn cơm tù chưa đầy tháng thì cơ hội “tháo cũi sổ lồng” lại đến với Đức trong một lần lao động sản xuất. Ra tù, để trốn tránh lệnh truy nã, Đức mò vào Nghệ An lừa của bố mẹ nuôi 4 chỉ vàng rồi “ẵm” vợ con vào An Giang trốn biệt.

Ở đó, ngày ngày chồng đạp xích lô còn vợ bán đậu phụ kiếm sống nuôi bốn đứa con ăn học. Vài năm trôi qua, nhớ quê, nhớ mẹ, Đức về Hà Nội. Không có vợ bên cạnh, ngựa quen đường cũ, gã lại “chôm” xe đạp để cờ bạc và hút sách.

Năm 1992, gã bị công an “tóm” trong một lần đang tìm cách “nẫng” chiếc xe đạp gần bách hóa Tràng Tiền. Lần này, tòa xử 9 năm tù - giam giữ tại trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên).

Tài năng nảy mầm từ trại giam

Ở trại giam Phú Sơn 4, thời gian đầu, Đức luôn tìm cách trốn trại, thậm chí còn lén lút buôn bán heroin cho bạn tù, đêm đêm lại thức trắng cùng thuốc phiện bên bàn đèn. Một lần bị bắt, những tưởng sẽ bị lĩnh thêm vài năm tù nữa, nhưng cán bộ không đánh, không phạt mà nhẹ nhàng tâm tình, khuyên nhủ, khơi dậy khát vọng hoàn lương trong anh.

Như người tỉnh cơn mê, gã trai ngang tàng bỗng chốc lại thấy “khát thèm cuộc sống ấm êm ngoài đời”, khát khao được sống trong gia đình nhỏ bé của mình, bên cạnh người vợ hiền và đàn con ngoan…

Chẳng thế mà cho đến tận bây giờ khi nhắc đến Trại giam Phú Sơn 4, đôi mắt thi sĩ Đức Tân vẫn lấp lánh niềm vui: “Nhờ ơn Đảng, nhờ có “Đổi mới” mà khi đó phạm nhân chúng tôi cơm ăn ba bữa, no cả ngày.

Anh em phạm nhân được sinh hoạt văn hóa văn nghệ với nhau, với cả cán bộ trại giam mà không hề có sự phân biệt đối xử nào.” Và tài năng thơ Đức Tân được phát hiện kể từ ngày thành lập Đoàn năm 1993.

Hôm ấy, mấy anh công an trẻ vò đầu bứt tóc, mãi mà vẫn không làm được bài thơ nào cho tờ báo tường. Thấy thế, phạm nhân Đức Tân mạo muội đề nghị: “Cho tôi hút thuốc, tôi làm thơ cho”. Sắp đến hạn nộp, chẳng còn cách nào khác, mấy chiến sĩ trẻ đành tặc lưỡi cho Đức một cơ hội thử “trổ tài”.

Và anh làm thật. Và làm tốt nữa là khác. Bài thơ do anh sáng tác đoạt giải nhất trong hội thi báo tường của trại. Cũng kể từ đó, anh bắt đầu viết thơ. Những bản thảo đầu tiên của tập thơ “Giang hồ rẽ lối” (NXB Thanh Niên, 2004) được anh gửi về cho vợ bắt đầu từ thời gian này.

Cả tập thơ là nỗi ân hận, day dứt về quãng đời ăn chơi, tù tội của Đức, là lời sám hối của anh với đời, vợ con, gia đình và người mẹ tảo tần. Tập thơ có tác dụng giáo dục cao và được hầu hết các trại giam mua về để giáo dục phạm nhân.

Nhà báo Trường Phước khi đó đọc được tập thơ này cũng nhận xét: “Tôi ước sao tập truyện thơ tới được tay tất cả thanh niên, nhất là những người đang trong vòng lầm lỗi. Chắc chắn lợi ích giáo dục từ tập thơ này không phải là nhỏ”.

Giáo sư Vũ Khiêu sau khi đọc xong tập thơ này cũng đã tặng Đức Tân hai câu đối: “Giang hồ rẽ lối minh minh đức/ Hiếu nghĩa căng buồm nhật nhật tân”. Mất quá nửa đời người để nhận ra rằng “lấy nhân từ thắng quỷ ma/ lấy lao động để tránh xa nhục hèn”, cái giá phải trả đắt - rẻ thế nào, chắc chỉ một mình Đức Tân hiểu…

“Những phút giây ngoài vợ, ngoài chồng”

Bên cạnh những dòng thơ sám hối, người đọc còn thấy nồng nàn trong thơ Đức Tân những vần thơ về tình yêu nam nữ. Ông giải thích:

“Trong trại giam, khu nam và khu nữ tách biệt nhau, tình cảm thiếu thốn- đây chính là lý do mà tôi sáng tác nhiều thơ tình yêu nam nữ” -  “Có một nhà thơ đã từng viết “Ai cũng có những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”; vậy trong quãng thời gian thiếu thốn tình cảm này, đã bao giờ Đức Tân trải qua những giây phút đó?”- tôi chợt hỏi.

Ông dừng lại một chút chừng như xúc động rồi tâm sự: “Đã là con người thì ai cũng thế, tôi cũng không là ngoại lệ. Cô ấy là Phúc, biệt danh Phúc “nghiện”. Tôi biết cô ấy khi tôi đang làm công tác văn hóa - tư tưởng trong trại giam”.

Đây là một phạm nhân rất “đầu gấu”, bất trị, thường xuyên gây gổ, đánh nhau đến nỗi nhiều cán bộ trại giam phải lắc đầu, khoanh tay. Nhưng một lần trong lúc làm nhiệm vụ, chàng thi sĩ tù nhân Đức Tân chợt bắt gặp những dòng thơ tâm sự của Phúc “nghiện”, và chàng thi sĩ chợt vỡ lẽ “ai cũng có một nỗi niềm riêng giấu kín”.

Thì ra cô gái đẹp nhất nhì vùng Kinh Bắc này, ngày xưa cũng đã từng mơ ước có một gia đình hạnh phúc “chồng tài con ngoan”. Ngờ đâu “số kiếp đoạn tràng”, lẽ đời hồng nhan bạc mệnh nên cô gái gặp toàn họ Sở. Đàn bà nông nổi, bị lừa hết lần này đến lần khác, phẫn chí, Phúc lao vào con đường nghiện ngập để quên sầu.

Biết được sự tình, Đức Tân sáng tác ngay bài thơ “Gửi Thương Thương” để tặng Phúc “nghiện”. Đọc được những dòng thơ như soi thấu tâm can mình, lửa ngông cuồng trong con người Phúc “nghiện” chợt tắt.

Phúc như con thú hoang giờ biết run sợ, biết yêu thương, biết khóc và quay đầu hoàn lương. “Gần 60 năm có mặt trên cõi đời này, có lẽ đây là việc làm tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất cho cuộc đời!” - Đức Tân bùi ngùi nói rồi tiếp tục dòng hồi tưởng.

Quen nhau chưa được bao lâu thì Thương Thương (bút danh của Phúc “nghiện” từ sau bài thơ của Đức Tân) bất ngờ chuyển trại. Hai người bạn thơ không kịp gặp nhau lần cuối. Thương Thương đành để lại bài thơ “Nhắn vội cùng anh” như một lời từ biệt với tri kỷ của mình.

Cay đắng cho số phận trái ngang của mình, cô Thương Thương chỉ còn biết thở than với chàng thi sĩ Đức Tân rằng: “Tình đời cay nghiệt đã đành/ Tình thơ sao nỡ em - anh chia lìa?!”. “Được một thời gian thì tôi nghe tin Thương Thương mất do nhiễm HIV. Sau này khi ra trại, năm nào tôi cũng đến thắp nén nhang cho cô ấy đỡ cô quạnh…”

Chia tay chúng tôi, ông ngậm ngùi nói: “Giờ ốm đau thế này, tôi cũng chẳng trách ai cả. Đây là cái giá mà tôi phải trả vì những lỗi lầm trong quá khứ của mình”.

Còn tôi, tôi nghĩ, luật đời là công bằng; có thể Đức Tân đang phải chịu nỗi đau bệnh tật, nhưng bên cạnh ông vẫn luôn có người vợ hiền sẵn sàng sát cánh bên ông trong mọi hoàn cảnh.

  • Trần Vĩnh Ninh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc