Trung Dân là ai?
Trung Dân tên thật là Nguyễn Trung Dân quê ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, Sài Gòn trong một gia đình sinh sống bằng nghề nông. Từ nhỏ, anh đã có lòng đam mê biểu diễn trên sân khấu nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung Dân đã nộp đơn thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và tốt nghiệp khóa diễn viên vào năm 1992.
Tiểu sử, sự nghiệp của nghệ sĩ Trung Dân
Ông được biết đến với vai "Mười hớt tóc" trong vở kịch "Dưới bóng cây bồ đề" được phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM. Ngoài ra, ông còn được biết đến với các vai như ông Đối (Tin ở hoa hồng), ông già keo kiệt (Anh chàng xỏ lá), ông già sợ bệnh (Thuốc đắng giã tật), ông cậu (Cậu Đồng), người cha (Thượng đế cũng nổi giận), nhân viên hậu đài (Bay trên cô đơn)...
Là một nghệ hài nổi tiếng nhiều năm nay trên sân khấu cả nước, đặc biệt là các sân khấu kịch tại TP. HCM cũng như trên các phim mà anh đã tham gia, nghệ sĩ hài Trung Dân đã tạo cho mình một phong cách diễn xuất khá riêng, khá đặc biệt và có thể nói là khá độc đáo, hầu như là không “đụng hàng” với bất cứ nghệ sĩ nào.
Anh luôn làm cho khán giả cười một cách rất thâm thúy với cách sử dụng đại từ mà chỉ có ở Trung Dân. Hình ảnh của một lão nông dân khó tính, hay chửi bứi, nói móc mỗi khi xuất hiện trên sân khấu đã trở thành thương hiệu rất riêng mà chỉ có ở Trung Dân.
Anh tâm sự, hồi học cấp 3 vì khá mê cách diễn của danh hài người pháp Louis de Funès mà ông luôn nuôi khát vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành một nghệ sĩ và sẽ có cách diễn tương tự danh hài này.
Giải thưởng đã đạt được:
"Cù Nèo Vàng" năm 2005.
"Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất" - Giải thưởng HTV Awards lần 2 năm 2008.
Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009.
Trung Dân - nghệ sĩ đa tài
Không nổi tiếng như Thành Lộc hay Hữu Châu, không phủ sóng nhiều chương trình như Hoài Linh nhưng Trung Dân có vị trí rất vững chắc trong làng nghệ thuật.
Đồng nghiệp nhắc tới anh là nhớ tới một nghệ sĩ chân chính, giản dị và khiêm nhường. Hơn tất cả, đó là sự trân trọng lớn lao dành cho tài năng và sáng tạo độc đáo của anh trên sân khấu.
Tên tuổi của Trung Dân gắn liền với nhiều vai diễn độc đáo trong các vở kịch nổi tiếng như Dưới bóng cây bồ đề, Tin ở hoa hồng, Anh chàng xỏ lá, Thuốc đắng giã tật, Bay trên cô đơn…
Mỗi vai diễn đều được anh thổi hồn với diễn xuất sinh động và những câu thoại hài hước, thâm thúy. Vì thế Trung Dân từng giành giải thưởng gồm Cù nèo vàng năm 2005, giải HTV Awards 2008 và huy chương vàng tại hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009.
Trên sân khấu nghệ sĩ Trung Dân hoạt ngôn và sáng tạo, còn ngoài đời anh là người chất chứa những suy tư về cuộc sống, nghề nghiệp. Không chỉ hết mình với từng vai diễn, anh còn đau đáu về kiếp sống khó khăn của người nông dân.
Anh nghĩ đến những vụ mùa thất thu, nỗi buồn khi nạn xâm lấn ở Đồng bằng sông Cửu Long... Phải có vốn sống, trải nghiệm cuộc sống phong phú mới giúp Trung Dân có những vai diễn sống động đến nhường ấy.
Không chỉ thể hiện tài năng trong vai trò diễn viên, Trung Dân còn là một cây bút sắc sảo, tinh tế. Anh từng viết nhiều vở kịch lấy nước mắt của khán giả như Lá sầu đâu, Bìm bịp kêu chiều, Tiếng vạc sành…
Những vở kịch của anh khai thác câu chuyện đời thường, gần gũi nhưng mang nặng tâm sự nhân tình thế thái, bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, tình người.
Trải lòng trong kịch chưa đủ, nghệ sĩ hài còn tìm niềm vui với những trang sách. Gia tài văn chương của anh hiện có thể đủ để in 4-5 tập truyện ngắn, tiểu thuyết.
Đó là những câu chuyện đời thường về người nông dân, văn hóa miền Tây khi anh chứng kiến khi đi diễn, làm việc. Đối với anh viết sách không nhằm mục đích trở thành nhà văn mà thỏa mãn và giãi bày nỗi lòng mình.