Trung Quốc dùng chiêu gì để thỏa mãn cơn khát dầu?

05:54, Thứ năm 07/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông báo ngày 5/3 cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ về lượng dầu mỏ nhập khẩu mỗi ngày, theo báo Financial Times.

Số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông báo ngày 5/3 cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ về lượng dầu mỏ nhập khẩu mỗi ngày, theo báo Financial Times.

[links()]

Ngày càng 'khát' dầu

Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin cho biết, trong tháng 12/2012, Mỹ nhập khẩu khoảng 5,98 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi Trung Quốc nhập 6,12 triệu thùng mỗi ngày trong cùng tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số liệu này cần được xem xét cẩn trọng, do nhập khẩu của Mỹ có truyền thống giảm vào những tháng cuối năm vì lý do thuế.

Đồng thời, nhu cầu gia tăng các sản phẩm lọc dầu của Mỹ Latin từ Mỹ cũng được đưa vào các số liệu mua bán dầu và ảnh hưởng tới tổng lượng dầu nhập khẩu thuần. Tính cả năm 2012, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu dầu thuần lớn nhất thế giới.

Nhưng những con số vừa công bố cũng có ý nghĩa cột mốc cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.

Forbes dự báo, trong năm nay, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở nước này đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến có thể làm tăng nhu cầu nhiên liệu thậm chí cao hơn nhiều so với mức ước tính, nhất là khi doanh số bán xe hơi và các tài sản khác đang có xu hướng tích cực.

“Tương lai của công nghiệp dầu khí sẽ dựa trên nguồn nhập khẩu vào Trung Quốc” - Christopher Fix, giám đốc điều hành Dubai Mercantile Exchange, nhận định với FT.

Nhu cầu dầu nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng lớn
Nhu cầu dầu nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng lớn

Tranh chấp chủ quyền vùng biển có trữ lượng dầu lớn

Hiện Trung Quốc đang nỗ lực để chủ động hơn trong việc lựa chọn nguồn cung dầu cho nhu cầu trong nước của mình. Trong đó, mở rộng chủ quyền đối với các vùng biển, lãnh hải có nguồn dự trữ dầu lớn là một trong những biện pháp mà Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện, nhất là đối với vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với hàng loạt quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei…

Vừa qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ (EIA) công bố số liệu về nguồn tài nguyên khoáng sản dự đoán tại Biển Đông, được cho là rất giàu tiềm năng. Theo bản công bố này, vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam có một lượng dự trữ khí hydrocarbons khổng lồ, ước tính chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và dự trữ khoảng 900 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên.

Những dự đoán này của EIA thấp hơn nhiều so với dự đoán của cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, tính toán rằng khu vực Biển Đông có thể chứa đến 18 tỷ thùng dầu. Thậm chí phía Trung Quốc tính toán rằng Biển Đông có thể chứa đến gần 200 tỷ thùng dầu.

Hành động ngày càng ngang nhiên và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông như cử cảnh sát biển đuổi tàu đánh cá của các quốc gia có chủ quyền, cử đội tuần tra biển hùng hậu sục sạo trong khu vực, cho các đoàn khảo sát làm việc trên vùng tranh chấp. Hành động ngang ngược nhất là việc xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là những ví dụ cho mưu đồ thâu tóm nguồn dầu mỏ ở Biển Đông của Trung Quốc.

Dùng hàng hóa đổi 'vàng đen'

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách len lỏi vào các vùng sản xuất dầu lớn thông qua liên doanh và mua thâu tóm của những công ty dầu khí nhà nước ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin và cả Bắc Mỹ.

Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC) và Công ty dầu khí đại dương (COOC) đều có những hoạt động rất tích cực ở Iraq, Abu Dhabi (UAE) và nhiều vùng khác tại vùng Vịnh. Sự phụ thuộc vào nguồn dầu từ vùng Vịnh của Trung Quốc cũng có thể gây ra mâu thuẫn giữa nước này với Mỹ và phương Tây. Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu thô đều đặn từ Iran, một quốc gia bị Mỹ cấm vận.
 
Với 441.000 thùng dầu thô nhập khẩu mỗi ngày từ Iran, Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của đất nước này. Bên cạnh việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, Bắc Kinh cũng không quên thắt chặt mối quan hệ chiến lược với Iran trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất. Đây được coi là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.
 
Lợi dụng tình cảnh khó khăn của Iran khi bị các nước phương Tây gia tăng lệnh trừng phạt, khiến nước này khó có thể kiếm tiền từ các hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra một giải pháp kinh doanh truyền thống khác: trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, những sản phẩm “made in China” với lợi thế giá rẻ đã nhanh chóng xuất hiện tràn lan trên các kệ hàng ở Iran đẩy các doanh nghiệp nước này vào tình thế vô cùng khó khăn khi khó có thể cạnh tranh nổi với những mặt hàng rẻ tiền của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh tiền tệ mất giá đẩy chi phí vận chuyển cũng như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ở Tehran đành phải chọn nước tuyên bố phá sản vì không đủ khả năng để cạnh tranh với hàng hóa rẻ của Trung Quốc.

Mới đây Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vừa chính thức phê chuẩn dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở Iran với chi phí ước tính lên tới 1 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây có chăng cũng chỉ là một hình thức trao đổi hàng hóa mới của Trung Quốc khi nước này không dùng những mặt hàng tiêu dùng rẻ tiền để đổi lấy “vàng đen” của Iran nữa mà thay vào đó xây dựng các đường cao tốc, cầu, đập.

Chiêu bài trên cũng được Trung Quốc áp dụng với Pakistan khi mối lo ngại về an ninh năng lượng của nước này ngày càng tăng. Bắc Kinh muốn có một nơi đặt nền móng cho tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt từ vùng Vịnh. Đầu tháng 2 vừa qua, Pakistan đã đồng ý trao quyền vận hành, kiểm soát khu cảng nước sâu chiến lược Gwadar ở biển Ả rập, gần eo biển Hormuz cho công ty Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc có thể xây dựng các công trình như đường sắt, đường ống dẫn dầu tại đây. Thậm chí, phía Pakistan còn muốn Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở đó.

Gwadar nằm trên biển Ả rập và án ngữ vị trí trọng yếu trên tuyến đường từ Nam Á sang Trung Á và Trung Đông. Nó cũng nằm gần eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua mỗi năm.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã tài trợ gần như toàn bộ chi phí xây dựng khu cảng này, ước tính khoảng 200 triệu USD.

Một quan chức cấp cao của Pakistan tiết lộ với AP rằng ngoài số tiền trên, Bắc Kinh cũng đồng ý chi hàng trăm triệu USD để hoàn tất 900km đường nối khu cảng với trục cao tốc Bắc - Nam của Pakistan.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp việc vận chuyển trên bộ từ Gwadar tới Trung Quốc được thông suốt. Ban đầu tuyến đường đã được dự kiến hoàn tất trong năm 2012 nhưng hiện mới chỉ có 60% khối lượng công việc được thực hiện.

Ngoài ra tuyến đường sẽ cắt ngắn quãng đường khoảng 4000 km từ tỉnh Tân Cương ra bờ biển ở phía Đông Trung Quốc xuống còn chỉ 2000 km để tới Gwadar. Trong kế hoạch dài hạn, một tuyến đường bộ và đường sắt có thể được xây dựng nối Gwadar tới các quốc gia dầu mỏ ở Trung Á.

  • DL (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc