Trung tướng Nguyễn Thành Đức- người con rể tài ba của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công

07:24, Thứ sáu 16/09/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutooday) - Là con rể của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, cũng là người được cố Chủ tịch nước dành nhiều sự quan tâm, yêu thương, Trung tướng Nguyễn Thành Đức nói rằng: “Tôi, vợ tôi, cũng như các anh em trong nhà đều chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ của ba trên con đường sự nghiệp, nhưng luôn nhận được ở ba tình yêu thương và những bài học về cách đối nhân xử thế..."

(Phunutoday) - Là con rể của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, cũng là người được cố Chủ tịch nước dành nhiều sự quan tâm, yêu thương, Trung tướng Nguyễn Thành Đức nói rằng: “Tôi, vợ tôi, cũng như các anh em trong nhà đều chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ của ba trên con đường sự nghiệp, nhưng luôn nhận được ở ba tình yêu thương và những bài học về cách đối nhân xử thế. Hơn tất cả, ba chính là người đã se duyên cho tôi, giúp tôi tìm được một người bạn đời mà tôi có thể gắn bó, tin tưởng và yêu thương suốt bao nhiêu năm qua”.

Nỗi day dứt suốt đời của một vị Tướng
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Đức
Trung tướng Nguyễn Thành Đức (nguyên Chính ủy Quân khu 5) sinh ra trong một gia đình cách mạng ở Quảng Nam. Cha ông bị thực dân Pháp bắn chết khi ông mới hơn 1 tuổi. Cả mẹ và 2 người anh trai của ông cũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau này, mẹ ông đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngay trong đợt đầu năm 1994.
 
Ông kể: “Mẹ tôi sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Tôi là con áp út. Cha tôi bị giặc Pháp bắn chết, nên mẹ tôi rất căm thù giặc Pháp. Bà tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, truyền cho các con tình yêu nước và lòng căm thù giặc. Khi đến tuổi đi bộ đội, 2 anh trai lớn của tôi đều từ biệt mẹ lên đường vào chiến trường.
 
Theo bước các anh, năm 1966, khi vừa tròn 16 tuổi, tôi cũng nằng nặc đòi đi bộ đội. Ngày đó 2 anh đi chiến đấu chẳng có tin tức gì. Hai chị gái cũng ở tận Sài Gòn, nhà chỉ còn tôi và một cô em út. Dù rất muốn tôi ở lại, nhưng mẹ vẫn nuốt ngược nước mắt tiễn tôi đi. Tôi không ngờ lần từ biệt mẹ vào căn cứ năm 16 tuổi ấy là lần cuối cùng tôi được gặp mẹ.
 
Suốt 2 năm đầu đi bộ đội, tôi không hề nhận được bất cứ tin tức gì từ gia đình, người thân. Cho đến một ngày cuối năm 1968, tôi tình cờ gặp được một người cùng quê Điện Bàn ở trong căn cứ. Tôi mừng rỡ chạy lại hỏi: “Các anh có biết mẹ tôi ở nhà sao rồi không?”. Họ bảo: “Cậu không biết gì sao? Mẹ cậu bị giặc bắn chết trong trận càn lớn năm 1967 rồi”.
 
Ông kể, vào cái ngày nhận được tin mẹ mất, ông đã ra một góc rừng ngồi khóc như một đứa trẻ vì nỗi đau quá lớn ấy. 18 tuổi, ông đã mất cả cha lẫn mẹ. Những người làng gặp ông ở căn cứ đã kể lại rằng, mẹ ông hy sinh trong một trận càn của địch. Là cán bộ cách mạng địa phương, khi biết địch chuẩn bị đến càn, bà cùng với hơn 100 người khác ở lại đấu tranh với địch.
 
Không ngờ hôm đó địch đã dùng súng bắt chết tất cả những người đấu tranh chống lại chúng. Vụ thảm sát ở Điện Bàn - Quảng Nam năm 1967 với hơn 100 người đã chết thật đau lòng. Tất cả được chôn vào một ngôi mộ tập thể ở Điện Bàn.
 
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Thành Đức còn phải nhận thêm giấy báo tử của hai người anh trai. Ông trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình. Từng có quãng thời gian làm Trưởng phòng Chính sách của Quân khu, Trung tướng Nguyễn Thành Đức đã góp công tìm ra rất nhiều ngôi mộ liệt sỹ bị thất lạc, cả ở Việt Nam và Campuchia.
 
Nhưng điều ông ân hận và day dứt nhất là mộ của mẹ và 2 anh trai - 3 người thân yêu nhất đối với ông - đến tận bây giờ ông vẫn không tìm được. “Sau chiến tranh, tôi đã không ít lần đi tìm mộ hai anh trai. Nhưng tất cả những chuyến đi đó đều thất bại. Chỉ có mẹ là tôi biết được bà nằm đâu. Nhưng tôi vẫn đành bất lực vì không thể tìm ra mẹ trong ngôi mộ tập thể đó. Tôi chỉ còn cách thắp hương cho tất cả những người xấu số trong trận càn năm xưa. Đến bây giờ, không tìm được mộ mẹ và hai anh, vẫn là nỗi đau lớn nhất cuộc đời tôi”.

“Cha nuôi là ân nhân lớn nhất của vợ chồng tôi”
 
Trung tướng Nguyễn Thành Đức giờ đã nghỉ hưu và có một cuộc sống yên bình ở Đà Nẵng, bên cạnh người bạn đời của mình - bà Đoàn Võ Kim Ánh - con gái nuôi của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công.
 
Những ngày vừa qua, khi Chủ tịch nước Võ Chí Công vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 100, rất nhiều phóng viên các báo mới ngỡ ngàng nhận ra những thông tin về cố Chủ tịch Võ Chí Công mà mình có vô cùng ít ỏi. Tôi có may mắn được gặp vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Đức (nguyên Chính ủy Quân khu 5) và bà Đoàn Võ Kim Ánh khi viết bài về cố Chủ tịch nước Võ Chí Công. Lần đó, bà Đoàn Thị Kim Ánh đã nói: “Vợ chồng tôi đều mang ơn cha nuôi.
 
Cả hai chúng tôi đều sớm mất cha, mất mẹ trong chiến tranh. Chính cha nuôi đã cưu mang chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ, tác thành cho chúng tôi nên vợ nên chồng và yêu thương chúng tôi như những đứa con ruột thịt. Cha tôi cả đời không bao giờ thích kể về mình, vì thế khác với những nguyên thủ khác, không tin về cha tôi vô cùng ít ỏi.
 
Rất nhiều phóng viên đã đến đề nghị viết về cha tôi, về câu chuyện ông nhận nuôi tôi và tác thành cho vợ chồng tôi nhưng tôi đều khất lần. Đến tận hôm nay tôi mới quyết định kể câu chuyện này, khi cha tôi đang ở trong những ngày tháng cuối của cuộc đời. Tôi muốn dành nó như lời cảm ơn mà vợ chồng tôi dành cho cha trước lúc ông ra đi mãi mãi”. Lời dự đoán của bà Đoàn Võ Kim Ánh đã thành sự thật sau gần 2 tháng, khi Chủ tịch nước Võ Chí Công vừa trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/9 vừa qua.
 
Trung tướng Nguyễn Thành Đức gặp cố Chủ tịch nước Võ Chí Công tại khu căn cứ phía Tây Quảng Nam nằm trên dãy Trường Sơn. Ngay từ lần đầu gặp, vì có cảm tình với người lính có gương mặt trong sáng, lại biết hoàn cảnh mất mát, thiệt thòi của Nguyễn Thành Đức, cố Chủ tịch nước Võ Chí Công đã xin Nguyễn Thành Đức đi theo, rồi tạo điều kiện cho ông được đi học tiếp sau này. Không chỉ thế, cố Chủ tịch nước còn tác thành ông cho cô con gái nuôi Đoàn Võ Kim Ánh.
 
Đến giờ, Trung tướng Nguyễn Thành Đức vẫn vô cùng biết ơn người cha vợ về điều đó: “Tôi và Kim Ánh có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng tôi đều quê Quảng Nam, đều mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha Kim Ánh, cũng như cha mẹ tôi, đều bị giặc giết chết. Kim Ánh được ông nhận nuôi, còn tôi được ông giúp đỡ, cưu mang. Có lẽ vì nhận ra quá nhiều điểm chung của chúng tôi, mà cha nuôi tôi đã tác thành cho chúng tôi, dù ông biết tôi chỉ là một anh lính nghèo”.
 
Khi kết hôn với bà Đoàn Võ Kim Ánh, Trung tướng Nguyễn Thành Đức mới chỉ là chuẩn úy, lương 3 cọc 3 đồng, còn bà Kim Ánh dù gì cũng là con gái nuôi của một cán bộ cách mạng cấp cao, được rất nhiều gia đình danh giá đến dạm hỏi. Nhưng chính cố Chủ tịch nước Võ Chí Công đã động viên con gái nuôi mình lấy Nguyễn Thành Đức, vì ông tin ông không bao giờ nhìn nhầm người.
 
Những ngày mới lấy nhau, cuộc sống của vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Đức vô cùng vất vả. Dù là con nuôi của Chủ tịch nước Võ Chí Công, nhưng hai ông bà vẫn phải trải qua những khó khăn thời bao cấp như bao người bình thường khác. Thời còn sống ở tập thể, vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Đức vừa phải đi làm, vừa phải nuôi cả chục con lợn để kiếm thêm thu nhập, có thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
 
Nhưng bao nhiêu năm, kể cả khi hai vợ chồng phải lọc cọc xe đạp đi lấy rau về nuôi lợn, hay khi Trung tướng Nguyễn Thành Đức phải trải qua cơn thập tử nhất sinh khi bị liệt nửa người, phải nằm viện suốt 1 năm trời, hai vợ chồng ông bà vẫn sát cánh bên nhau. Bà Đoàn Võ Kim Ánh kể: “Chồng tôi không phải là người lãng mạn. Cả đời ông ấy chẳng bao giờ biết tặng vợ một bó hoa nào trong những ngày lễ. Mãi sau này con cái lớn lên, bị chúng “bắt ép”, ông ấy mới biết đường tặng hoa cho vợ.
 
Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. Chồng tôi tuy không ngọt ngào, nhưng hết lòng yêu thương vợ con. Tôi biết ông ấy là con trai duy nhất trong gia đình, nên hẳn ông ấy vô cùng khao khát có 1 mụn con trai. Nhưng ông ấy chưa bao giờ nói điều đó với tôi, chưa bao giờ đòi hỏi tôi, chưa bao giờ phiền muộn khi tôi sinh cho ông ấy cả 3 đứa con đều là gái. Điều đó làm tôi vô cùng biết ơn ông ấy”.
 
Là con rể của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, Trung tướng Nguyễn Thành Đức từng chịu không ít áp lực khi có người nghĩ rằng ông tạo dựng được sự nghiệp đều là nhờ sự ảnh hưởng của cha nuôi. Nhưng Trung tướng tâm sự: “Vợ chồng tôi đều biết tính cha. Ông coi con đẻ và con nuôi như nhau, yêu thương như nhau. Cả con đẻ lẫn con nuôi, ông đều không thiên vị, không nâng đỡ trong sự nghiệp.
 
Ông luôn muốn chúng tôi tự đi lên bằng chính đôi chân mình, tự khẳng định mình bằng chính năng lực bản thân. Và chúng tôi đã làm theo tất cả những lời ông dặn. Khi vợ chồng tôi gặp khó khăn về kinh tế, về chỗ ở, về công việc, khi tôi được điều động lên Tây Nguyên, nếu có một sự can thiệp nhỏ của ông, mọi việc sẽ thay đổi.
 
Nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận mọi việc, để xứng đáng với lòng tin và sự bảo ban, dạy dỗ mà cha nuôi dành cho chúng tôi. Đến giờ, khi đã nghỉ hưu, tôi có thể tự hào nói rằng, việc tôi trở thành Chính ủy Quân khu là chính do nỗ lực của bản thân tôi, hoàn toàn không hề có sự giúp đỡ của cha nuôi. Khi mới biết tin tôi đã lên chức Chính ủy, tôi nhớ ông cụ cứ ngồi cười mãi và rất vui mừng, vì ngày xưa ông cụ cũng là Chính ủy của quân khu”.

Hải Anh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc