(Đời sống) - Bức xúc và lo lắng trước tình trạng nhà máy chưa hoạt động đã phải đóng cửa, bà Liêu Cát Phương Thảo, Giám đốc Công ty Phương Thảo, đã viết đơn cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trong đơn có đoạn: “Công ty chúng tôi chuyên đầu tư lĩnh vực xử lý rác thải. Là một chủ doanh nghiệp nên tôi mơ ước được đầu tư một nhà máy xử lý rác ngay tại quê hương của mình.
Rác chất thành núi nhưng nhà máy... không có rác để xử lý |
Cách đây 4 năm, tôi vui mừng khi nhận được thông tin UBND tỉnh Vĩnh Long có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải để góp phần làm môi trường xanh - sạch - đẹp hơn, ít ô nhiễm hơn.
Sau một thời gian xây dựng, nhà máy xử lý rác được hoàn thành nhưng không được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận đưa rác vào xử lý. Từ 15 tháng 11 năm 2012 đến nay công ty chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh Vĩnh Long xin được sự hỗ trợ cũng như ký hợp đồng để đưa rác vào xử lý nhưng sự việc cứ bị kéo dài từ tháng này qua tháng khác.
Thời hạn UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc báo cáo là vào cuối tháng 1/2013, tuy nhiên từ đó đến nay mọi cam kết của Vĩnh Long không được thực hiện và không trả lời cho doanh nghiệp. Mặc dù mấy tháng nay đã có nhiều báo, đài phản ánh về vụ việc này nhưng đến nay doanh nghiệp chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều khổ sở và chắc có lẽ sẽ chết vì nhà máy không có rác để hoạt động”.
Theo Dân Trí, ngày 3/1/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có cuộc họp với các ngành liên quan và Công ty cổ phần phát triển xây dựng Phương Thảo để thống nhất xử lý bãi rác lộ thiên Hòa Phú đang có khối lượng khoảng 400 ngàn tấn rác.
Theo đó, ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, giao Sở Tài chính nhanh chóng xác định khung giá để ký hợp đồng xử lý rác theo hình thức giao trọn gói đối với “núi” rác cũ và cân ký đối với rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày.
Tỉnh Vĩnh Long sẽ ứng vốn trước 20% trên hợp đồng xử lý bãi rác cũ và 1/3 đối với hợp đồng xử lý khối lượng rác mới trong một năm và sẵn sàng hỗ trợ vốn ưu đãi theo quy định hiện hành của nhà nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, những lời hứa đó đến nay đã rơi vào im lặng.
Công ty Phương Thảo thì chết dở sống dở vì mỗi tháng phải trả hơn 3 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay vốn xây dựng nhà máy.
Nhà máy "đắp chiếu", còn lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long thì thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp mặc dù trước đó tỉnh này tha thiết mời gọi đầu tư.
Trước đó, ngày 17/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng gửi Thủ tướng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hệ thống cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Trong bản kiến nghị, Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân cho rằng loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời đã thu hút nguồn lực to lớn từ xã hội đầu tư cho giáo dục và tạo thêm cơ hội học tập, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người.
Mặc dù vậy, một loạt trường ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, hoặc phá sản bởi số lượng tuyển sinh quá thấp, mà nguyên nhân quan trọng là do chủ trương tuyển sinh.
Trước kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT làm việc với Hiệp hội và thống nhất đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Trên cơ sở này, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm thống nhất đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo trước ngày 15/3/2013.
- Lê Nguyên (Tổng hợp)