Truy tặng liệt sĩ cho anh Hiệp, ai nhớ em Nam?

06:55, Thứ năm 15/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Trước đó, các bài viết đăng tải trên báo chí về người anh hùng Trần Hữu Hiệp, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến nên phong tặng anh Hiệp danh hiệu liệt sĩ để ghi công tấm lòng của anh.

(Đời sống) - Trước sự hi sinh cao cả của thanh niên Trần Hữu Hiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất công nhận liệt sĩ với anh đề bù đắp những mất mát và hi sinh lớn lao của anh.
Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa chiều 14/8 cho biết, phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt vừa ký Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị công nhận liệt sỹ đối với anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, quê ở thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).
 
Nội dung công văn nêu rõ: "Anh Trần Hữu Hiệp - là công nhân Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Tiền Giang, đã có hành động dũng cảm hy sinh mạng sống, nhường áo phao cho một phụ nữ và cứu năm người trong vụ chìm ca nô H29- BP trên vùng biển huyện Cần Giờ, TP.HCM vào tối 2/8. Căn cứ vào quy định tại điểm e, khoản 1, điều 17, mục 3, Nghị định số 31/2013/NĐ- CP (ngày 9/4/2013) của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, anh Trần Hữu Hiệp đủ điều kiện công nhận liệt sỹ vì đã “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.
 
UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị có liên quan sớm hoàn tất các thủ tục báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sỹ và cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh Trần Hữu Hiệp; để địa phương tổ chức lễ truy điệu và trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sỹ vào dịp 49 ngày hy sinh của anh Trần Hữu Hiệp.
 
Hai tuần qua, dư luận cả nước ngậm ngùi xót thương cho người thanh niên anh hùng Trần Hữu Hiệp trong tai nạn lật ca nô tại biển Cần Giờ, TP.HCM. Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của anh và 8 người khác.
 
Điều khiến cả xã hội khóc thương cho anh là trong khi những người khác đang cố bám víu lấy mạn ca nô bị ngập nước để níu giữ sự sống, mong chờ phép màu lạ, một vài người may mắn được mặc áo phao để chống chọi với sóng lớn nơi biển cả, người thanh niên này đã dũng cảm nhường lại sự sống dù biết nó rất mong manh cho người khác. Trong một giây lát, anh không cần phân vân, suy tính. Trực giác mách bảo anh cần giúp đỡ người khác. Anh đã cởi chiếc áo phao để nhường cho người phụ nữ cùng công ty. Khi sóng đánh người khác ra xa mạn thuyền, anh đã bơi ra để kéo họ về phía mình. 
 
Truy tặng liệt sĩ cho Trần Hữu Hiệp
Truy tặng liệt sĩ cho Trần Hữu Hiệp

Nhưng sức người có hạn, cứu người anh đã quên đi mạng sống của mình. Dư luận cả nước đều nghiêng mình trước vong linh người thanh niên xấu số, người anh hùng giữa đời thường. Một con người dũng cảm, có tấm lòng cao cả, hy sinh mình vì sự sống của người khác, đất nước có nhiều con người như vậy thì tốt biết bao.
 
Sự hi sinh của anh đã được cả xã hội bù đắp bằng những tấm huy chương, bằng khen và cả nước cầu mong cho vong linh của anh về thế giới niết bàn. Người thanh niên anh hùng ấy ra đi mãi để lại cha mẹ già. Còn gì đau khổ hơn khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Hành động của anh xứng đáng được phong tặng liệt sĩ.
 
Trước đó, các bài viết đăng tải trên báo chí về người anh hùng Trần Hữu Hiệp, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến nên phong tặng anh Hiệp danh hiệu liệt sĩ để ghi công tấm lòng của anh cũng như phát huy truyền thống tấm gương Trần Hữu Hiệp.
 
Nhắc đến câu chuyện anh hùng Trần Hữu Hiệp, người viết lại nhớ đến em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7 trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An. Vào buổi chiều ngày 30/4, khi thấy 5 em nhỏ đang chới với giữa dòng nước, Nam đã quên mình nhảy xuống sông để cứu các em. Khi đẩy được 5 em nhỏ vào bờ an toàn cũng là lúc Nam đuối mình với dòng nước dữ.
 
Sự ra đi của Nam khiến cả gia đình và thế hệ tuổi trẻ như Nam bàng hoàng. Tấm gương anh hùng Nguyễn Văn Nam sau đó đã được Nhà nước phong tặng huân chương "Tuổi trẻ dũng cảm". Hình ảnh của em còn đi vào đề thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mọi sự đền đáp như thế dường như vẫn chưa đủ với chàng thanh niên trẻ cả tương lai tươi sáng phía trước.
 
Ông Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghê An cũng cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, xã Trung Sơn, về việc làm hồ sơ để truy tặng ở cấp cao hơn như công nhận liệt sĩ cho em Nam. Đã hơn 3 tháng trôi qua, danh hiệu đền đáp công lao cao nhất này vẫn chưa về với em Nam dù em đã sang thế giới bên kia.
 
  • Trúc Lâm
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc