TS. Alan Phan và Bộ trưởng Thăng, ai nghệ sĩ hơn?

13:32, Chủ nhật 02/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Ở tuổi 68, tiến sĩ Alan Phan vẫn còn rất hào hứng khi nói về tình yêu, thậm chí, cựu Chủ tịch của Quỹ đầu tư Viasa còn cho biết, mỗi lần ông thất tình, ông lại tìm thấy một cơ hội lớn để kinh doanh.

Ở tuổi 68, tiến sĩ Alan Phan vẫn còn rất hào hứng khi nói về tình yêu, thậm chí, cựu Chủ tịch của Quỹ đầu tư Viasa còn cho biết, mỗi lần ông thất tình, ông lại tìm thấy một cơ hội lớn để kinh doanh.


Trong suốt buổi nói chuyện kéo dài 2 giờ vào tối 31/5 với hàng trăm sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia), TS Alan Phan đã có khoảng hơn 50 lần nhắc đến những mối tình đã qua khi kể về những thành công và thất bại trong suốt 43 năm lăn lộn trên thương trường ở Mỹ và Trung Quốc – tờ Dân Việt tường thuật.

Điều thú vị, đó là mỗi lần bị phụ nữ cho “leo cây” (theo cách nói của ông), là mỗi lần ông tìm thấy một cơ hội kiếm tiền lớn.

TS Alan Phan hào hứng khi kể về những chuyện tình làm mình thành công hơn.
TS Alan Phan hào hứng khi kể về những chuyện tình làm mình thành công hơn. Ảnh: DV.

Câu chuyện đầu tiên là năm 1970, lúc đó ông còn trẻ và đang hẹn hò với một “cô đào”. TS Alan Phan kể: Có một lần, khi hẹn cô đào đến một quán cà phê ở Sài Gòn, ông ngồi chờ mãi, nhưng rốt cuộc cô đào đó đã không đến. Quá sốt ruột, ông ngồi nhìn quanh và thấy bên cạnh bàn mình ngồi có một người Mỹ đang loay hoay với tấm bản đồ Sài Gòn trên tay.

Chẳng có gì làm khi đang ngồi chờ người yêu, ông quay sang người Mỹ và hỏi: Anh cần tôi giúp gì không? Người Mỹ nọ nói rằng, ngày mai, ông ta cần đến Sở Tài chính Sài Gòn để giải quyết công việc làm ăn. Alan Phan lúc đó nói rằng: Chuyện nhỏ, tôi sẽ giúp anh, bởi người đứng đầu Sở Tài chính là bạn của tôi. Và câu chuyện với người Mỹ đó đã giúp Alan Phan “giết” thời gian bên ly cà phê khi bị cô bạn gái cho "leo cây" phũ phàng.

Hôm sau Alan Phan đã dẫn ông doanh nhân người Mỹ đến gặp người đứng đầu Sở Tài chính. Khi mở cửa bước vào, thấy cách nói chuyện “bỗ bã” của Alan Phan với người bạn chức quyền, doanh nhân Mỹ đã rất ấn tượng và thích thú với phong cách này của ông.

Dù buổi gặp đó cũng không giúp gì nhiều cho doanh nhân Mỹ này, nhưng sau đó, ông ta tìm đến với Alan Phan và nói: Anh có muốn làm việc cho tôi không? Ông Alan Phan hỏi: “Liệu anh có thể trả lương nổi cho tôi không?”.

Tưởng là một câu hỏi khó cho doanh nhân kia, vì trong đầu Alan Phan nghĩ rằng “cùng lắm thì anh cũng chỉ trả cho tôi được khoảng 50 hoặc 60 USD, trong khi tôi đang sống một cuộc đời độc thân vui tính và tiền rủng rỉnh vì những khoản làm ăn nho nhỏ của mình”. Tuy nhiên, khá bất ngờ, doanh nhân người Mỹ nói: “Tôi trả anh mức lương 2.000 USD nhé, liệu có ổn không?”.

Ông Alan Phan kể, vào thời điểm năm 1970, một mức lương 2.000 USD, ông không thể thốt nên lời.

Alan Phan đùa rằng, cái lần thất tình đó tôi nhớ rất kỹ, vì nó đã mang lại cho tôi một cơ hội làm ăn lớn.

Khi có người hỏi đùa rằng, nếu hôm đó, cô đào kia đến như lời hẹn, ông không gặp doanh nhân người Mỹ, không trở thành một ông chủ giàu có và một vị tiến sĩ danh tiếng như hôm nay, thì ông sẽ trở thành người như thế nào? Alan Phan dí dỏm: “Có thể, tôi sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng!”.

Câu chuyện thứ hai, TS Alan Phan chia sẻ, khi còn sống ở bên Mỹ, ông yêu một cô người bản xứ xinh đẹp và giỏi giang. Cũng từ ngày đó, ông làm việc ít lại, ngủ nhiều hơn và có xu hướng muốn tận hưởng cuộc sống. Ông nghĩ rằng cô gái kia đã chủ động đến thì không bao giờ chia tay ông trước, nhưng chính tính cách ỷ lại, lệ thuộc vào người khác đã khiến cô gái rời bỏ ông trong sự thất vọng.

Từ đó, ông nhận ra rằng, ỷ lại sẽ khiến mọi thứ dần quay lưng với mình, trong đó có thành công. Thế là ông lại lao vào công việc và liên tiếp mở những công ty lớn, làm ăn vươn ra tầm nước Mỹ.

Qua câu chuyện cuộc đời mình, TS Alan Phan nhắn nhủ với các bạn trẻ Việt Nam rằng, thất bại thực tế không phải là kẻ thù, mà người bạn để giúp ta thành công.

Những câu chuyện đầy chất nghệ sĩ của TS Alan Phan làm tôi liên tưởng tới một người, cũng thành công, nổi tiếng và cũng rất… nghệ sĩ, đó là Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Bộ trưởng Thăng từng giữ các vị trị trí quan trọng như: Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên – Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Dù là doanh nhân hay chính trị gia, dù ở cương vị nào Bộ trưởng Thăng vẫn giữ cho mình cái “chất nghệ sĩ”, ông cũng từng làm thơ, sáng tác nhạc, và đặc biệt ông có biệt tài đánh ghi ta cực hay.

Những ai đã từng làm việc trong ngành dầu khí Việt Nam chắc hẳn sẽ thuộc nằm lòng bài hát truyền thống: “Hành khúc những người đi tìm lửa”, lời hát đầy hào tráng, hào hùng do Bộ trưởng Thăng viết khi ông còn làm ở Tập đoàn dầu khí.

Bộ trưởng Thăng đệm đàn và hát cùng các chiễn sĩ Trường Sa Lớn.
Bộ trưởng Thăng đệm đàn và hát cùng các chiễn sĩ Trường Sa Lớn. Ảnh TPO.

Trong chuyến công tác đặc biệt tới đảo Trường Sa Lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hồi tháng 5/2012, trong lúc trời mưa to gió lớn, Bộ trưởng Thăng ôm đàn ghi ta cùng các cán bộ chiến sỹ Trường Sa cất cao tiếng hát.
 
Khi xem những hình ảnh Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ôm đàn ghita hát giữa biển đảo Trường Sa, NSƯT Thái Bảo cho biết Bộ trưởng có tâm hồn nghệ sĩ, thích hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca, cách mạng. Đặc biệt, NSƯT Thái Bảo còn tiết lộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng ôm đàn ghinta cất cao giọng hát khi thể hiện ca khúc “Thời hoa đỏ”.
 
“Anh là người thổi hồn nghệ thuật vào các cơ quan, các đơn vị mà anh đã từng làm việc. Là người thuộc rất nhiều bài hát và có một trí nhớ tuyệt vời”, NSƯT Thái Bảo nói về Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng.

  • P.V (Tổng hợp theo Dân Việt, Phunutoday)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc