TS Nguyễn Văn Huy: Bài văn gây sốc về đồng tiền là một phép thử xã hội...

14:07, Thứ hai 14/11/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cái quan trọng là từ một bài văn ấy, mỗi một người học được một suy nghĩ khác nhau và chúng ta cố gắng tìm ra những suy nghĩ khác nhau ấy để thấy được sự đa dạng của xã hội..

(Phunutoday) - “Chúng ta rất ít được tiếp cận những bài văn viết hay, viết sâu sắc như thế, tuy được viết ra bởi một học sinh nhưng nó lại là suy nghĩ của cả một thế hệ trẻ trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động hiện nay.” - PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia.
[links()]
PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh IE
PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh IE

Bài văn của Hiếu thể hiện một nét truyền thống, lòng nhân ái, tình hiếu thuận của người con đối với mẹ và gia đình. Đây là truyền thống rất là tốt, rất là quý của dân tộc ta. Truyền thống này nó tồn tại như thế ở người Việt Nam từ thời xưa cũng như thời nay.

Rất nhiều khi chúng ta suy nghĩ không đúng về lớp trẻ hiện nay. Rất nhiều khi, chúng ta cứ nghĩ rằng lớp trẻ hội nhập nhanh quá mà quên truyền thống, rồi mất gốc…Qua bài văn học trò này, chúng ta thấy rõ hơn rằng trong xã hội ta hiện nay, những cái thuộc về truyền thống, những tình cảm sâu đậm, đáng quý...vẫn tồn tại đâu đó trong giới trẻ và chúng ta phải tin tưởng vào họ. Chính lớp trẻ chủ động chọn lựa những gì tốt nhất, quý nhất để phát huy truyền thống.

Đương nhiên chúng ta hy vọng rằng xã hội chúng ta có nhiều em Hiếu như vậy. Điều đó thể hiện rất rõ ở những comment ở đằng sau bài viết. Và phần lớn đều là các bạn trẻ, đặc biệt là những độc giả gọi Hiếu là “anh” và xưng “em”. Đó là dấu hiệu là tín hiệu đáng mừng cho chúng ta. Bức thư này như một phép thử đối với xã hội chúng ta, đối với lớp trẻ và tín hiệu mà chúng ta thu nhận được là rất tốt.

 
- PGS.TS Nguyễn Văn Huy -
Bài văn của Hiếu còn là vấn đề người với người, con cái với bố mẹ và cả chuyện đối xử của xã hội. Cho nên em Hiếu nói rằng vừa ghét đồng tiền và vừa quý đồng tiền là thế. Mỗi một người, mỗi một hoàn cảnh khi nhìn vào bài văn đó đều cho ta một cái suy nghĩ khác nhau. Cái quan trọng là từ một bài văn ấy, mỗi một người học được một suy nghĩ khác nhau và chúng ta cố gắng tìm ra những suy nghĩ khác nhau ấy để thấy được sự đa dạng của xã hội trong cách đánh giá.

Qua bài văn cũng thấy một điều rằng giáo dục phải xem lại mình. Việc những khoa trường liên quan đến kinh tế, làm ăn...thì rất được chuộng còn những khoa, trường thuộc ngành nhân văn thì đang lép vế. Xã hội phải dạy cho con người rất nhiều kỹ năng mà việc mở những kỹ năng như thế là rất đúng, những bộ môn nghiên cứu đang quá ít thì cũng cần phải xem lại.

Trước hết phải xem lại mình đã, mình đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội chưa, chất lượng nghiên cứu của mình như thế nào chứ đừng phê phán xã hội, trước hết hãy xem lại tất cả các việc làm, cách giảng dạy, các nội dung phương pháp giảng dạy đã tốt chưa. Thực ra khoa học xã hội rất tốt, rất hay và rất cần rất nhiều những bộ môn mà bây giờ người ta thấy nhàm, người ta chán, không thích nữa.

Xã hội rất cần các thầy giáo, các cô giáo có đủ trình độ truyền tải kiến thức nhân văn đạt tới trình độ đúng với bộ môn khoa học đó. Đừng nhai đi nhai lại tất cả những cái cũ một cách sáo mòn, vô cảm. Tất cả những câu chuyện ấy chúng ta phải xem lại chứ đừng phê phán cái xã hội bây giờ rồi lớn tiếng đòi hỏi xã hội phải thế nọ, thế kia với bản thân mình.

Ví dụ, cách đây 5 – 10 năm có ai học kỹ năng sống, nhưng kỹ năng sống nó rất là cần, chính vì thế chúng ta phải rèn luyện. Trước đây chúng ta phải học thuộc lòng nhưng bây giờ phải học kỹ năng sống và học thì phải mất tiền. Người ta đi vào những điều như thế để mà dạy, để mà mở những cái dịch vụ như thế và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của xã hội mà trong khi đó lẽ ra trong nhà trường phải làm được như thế chứ không phải bắt học sinh phải đi học kỹ năng sống ở bên ngoài.

Xã hội rất thực dụng, thực dụng để đáp ứng được nhu cầu. Còn cái mà chúng ta đang làm trong nhà trường, ngành giáo dục hiện nay là không thực dụng. Ngành giáo dục phải rất thực dụng, phải rất linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thực dụng là phải đào tạo thế nào để học sinh ra trường phải đáp ứng được xã hội chứ không phải ra trường họ mới bắt đầu mò mẫn học từ thực tế. Vấn đề là ở chỗ đấy. Ngành giáo dục phải làm thế nào để thực dụng hơn, hiệu quả hơn chứ đừng “bay bổng” quá. Tất cả các thứ lý thuyết thiếu khoa học, chủ quan quy ý chí đều không thể tác động tới xã hội được. Như bắt học văn thì bắt học sinh phải học thuộc lòng, học sử thì phải nhớ hết trận đánh nọ, trận đánh kia với những ngày tháng cụ thể, địa danh cụ thể...Những thứ đó không hề có ích mà chỉ gây sự nhàm chán, đối phó mà thôi.

Thực dụng là học sinh học sử, họ rút ra được gì cho chính họ và cho xã hội; họ có cái nhìn riêng và phân tích được xã hội hiện nay. Bây giờ phải trao cho học sinh cái công cụ để phân tích, để mổ xẻ những vấn đề về xã hội thì tự nhiên học sinh sẽ thích thú, hào hứng với những vấn đề hay.

Cũng giống như hiện nay tôi đưa ra với các trường là: không phải cứ đưa học sinh đến thăm bảo tàng là để học kiến thức, đi vào bảo tàng để nghe thuyết minh... Vấn đề quan trọng nhất là dạy cho học sinh cách đến xem bảo tàng tại thực địa; các thầy giáo, cô giáo đến bảo tàng để giúp học sinh cách tiếp cận di sản như thế nào, cách phân tích di sản như thế nào, cách để hiểu các hiện vật như thế nào...chứ không phải hiểu bản thân cái hiện vật ấy.

Khi học sinh hiểu về các hiện vật thì đi đâu các em cũng làm được. Đến một di tích lịch sử nào, đến một ngôi chùa hay một tượng đài nào nó có thể phân tích được tất cả những câu chuyện liên quan đến cái đó. Hãy giúp cho học sinh tìm hiểu được thông tin chứ đứng bắt học sinh phải học thuộc lòng các sự kiện ấy. Đấy chính là cái thực dụng của cái giáo dục Mỹ, của xã hội tiên tiến.

Vấn đề là phải trao cho học sinh công cụ để học sinh có thể khai thác được cái gì đấy ở bất kỳ các lĩnh vực, làm toán cũng thế, làm văn cũng thế. Giáo dục là phải đưa ra công cụ để người ta suy nghĩ, người ta phân tích. Đó mới là giáo dục thực sự.
  • PGS.TS Nguyễn Văn Huy
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc