Bảo hiểm xe máy có mấy loại?
Bảo hiểm bắt buộc: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải tham gia nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
Bảo hiểm tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm xe máy tự nguyện.
Nếu tham gia bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Người dân tham gia bảo hiểm xe máy được quyền lợi gì?
Người dân khi mua bảo hiểm xe máy sẽ đền bù đối với người đi đường nếu như xảy ra tai nạn mà gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong trường hợp mà xe hỏng từ 75% trở lên thì bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ số tiền.
Theo thông tư 04/2021/TT-BTC: Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Đối với bảo hiểm xe máy tự nguyện, quyền lợi chủ xe nhận được phụ thuộc vào nội dung hợp đồng, thỏa thuận giữa bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Người mua có thể lựa chọn bảo hiểm cho chủ xe hoặc bảo hiểm cho chính chiếc xe...
Đề xuất bãi bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc?
Cụ thể, chị Trần Thu Minh , ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Với mức phí nộp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy từ 55.000 - 60.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo dung tích xi lanh); ô tô không kinh doanh vận tải từ 437.000 - 1.825.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo số lượng chỗ ngồi); ô tô kinh doanh vận tải từ 756.000 - 4.813.000 đồng/xe/năm (tuỳ theo số lượng chỗ ngồi) thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe cơ giới đang mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy loại hình bảo hiểm này có tỷ lệ bồi thường thấp nhất trong các loại bảo hiểm do thủ tục bồi thường phức tạp.
Cụ thể như khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn,... cùng các thủ tục bồi thường quá phức tạp, gây khó khăn cho người thụ hưởng.
Mức phạt lỗi không có bảo hiểm xe máy thế nào?
Bảo hiểm xe máy là cái tên quen thuộc được sử dụng để chỉ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cấp cho phương tiện là xe máy. Theo điểm d khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Do đó, người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông nhất định không được quên mang theo bảo hiểm xe. Nếu bị Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ mà không xuất trình được bảo hiểm xe máy, người lái xe sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Tiến hành phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Như vậy, nếu không có bảo hiểm xe máy, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.