Sau khi uống thuốc cỏ tự tử vì không có 2,5 triệu đồng nộp phạt vi phạm giao thông, em Phụng (15 tuổi) đã trút hơi thở cuối cùng còn bạn em vẫn trong tình trạng nguy kịch.
[links()]
Chiều 1/5 gia đình đã thực hiện việc chôn cất Nguyễn Thị Như Phụng tại thôn 3, trong khi bạn cùng tuổi với là Dương Thị Thuỷ bên thôn 9 ở cùng xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Ông Nguyễn Văn Hai 48 tuổi, cha Phụng nghẹn ngào: Vợ chồng tôi sinh được 3 đứa con, cháu trai lớn vừa cưới vợ, Phụng là con giữa, chúng tôi làm thuê cho một chủ rẫy cà phê cách nhà hơn chục cây số, thường xuyên ở trong rẫy nên việc gia đình và chăm em đều do Phụng cáng đáng.
Hàng xóm sắp xếp bài vị cho cháu Phụng. |
Vì nhà quá nghèo nên năm lớp 6 cháu đành nghỉ học. Cách đây gần một tháng, Phụng nói muốn đi kiếm việc làm đỡ đần cha mẹ. Nghe người mai mối, cháu mượn xe máy của người bà con, chở Thuỷ đi Đức Cơ (Gia Lai) xin việc.
Ngày hôm sau, Phụng gọi điện về báo rằng hai đứa bị công an bắt xe, phạt 2,5 triệu đồng vì không có mũ bảo hiểm, không bằng lái, chưa đủ tuổi điều khiển xe.
Trong điện thoại, cháu nói công an đang giữ xe, hai đứa đã xin được việc phụ bưng bê cho một quán phở trên thị trấn Chư Ty. Để hết tháng, khi nhận lương, hai đứa sẽ chuộc xe về trả người thân. Chúng không dám về vì sợ cha mẹ và người cho mượn xe la rầy.
Ngày 21/4, vợ chồng tôi đang ở rẫy thì nghe tin Phụng và bạn nó uống thuốc diệt cỏ tại khu vực nghĩa trang xã, đang được cấp cứu. Chúng tôi chạy về bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sỹ bảo cháu bị suy gan, suy thận, khó qua khỏi.
Thấy con còn thoi thóp, nghĩ còn nước còn tát, nghe giới thiệu, chúng tôi đưa 2 cháu sang Đak Nông, bà thầy lang xem mạch nói đã vô phương, đành phải chở về. Đêm 29/4 thì cháu đi.
Căn nhà của gia đình cháu Thuỷ. |
Bà Phạm Thị Thu Hồng mẹ Phụng đau đớn kể: Trước lúc lâm chung, cháu lấy điện thoại di động của anh trai nhắn phím trăng trối: Em gửi cha mẹ lại cho anh chị, gắng phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc em gái, em bất hiếu… rồi trút hơi thở cuối cùng.
Theo hàng xóm và chính quyền địa phương, căn nhà tôn-gạch nhỏ nhoi của gia đình Phụng do chính quyền cấp đất và người dân đóng góp hỗ trợ. Vợ chồng ông Hai suốt ngày làm rẫy thuê, ít khi về nhà.
Vì hoàn cảnh phải thôi học sớm, Phụng vẫn ngoan ngoãn lễ phép, quán xuyến việc nhà, chăm sóc đứa em vừa mới vào tiểu học, đến mùa vụ việc nhiều lại giúp cha mẹ đi phụ nhổ cỏ, tỉa cành, bón phân cà phê. Hôm đám tang, hàng trăm người nức nở tiễn đưa.
Chúng tôi vượt gần 3 cây số đường đất gập ghềnh mới đến được nhà em Thuỷ , căn nhà tạm bợ làm bằng tôn-gạch nhỏ xíu, nằm cuối 1 bãi đất trống, lưa thưa người ở, đường vào là 1 lối mòn chật hẹp.
Thuỷ cùng cảnh ngộ như Phụng sớm thôi học, ngày xảy ra chuyện, bà con quyên góp được ít tiền làm lộ phí giúp cha mẹ Thủy đưa con sang thầy thuốc bên Đắk Nông xin cứu chữa. Bà nội Thủy than: Nghe đâu, mỗi ngày điều trị mất cả triệu đồng, con dại để cha mẹ gánh thêm nợ, chẳng biết sau này lấy gì trả!?
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 là trên 2.500 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2012 là gần 2.000 tỷ đồng. Theo quy định, 70% tiền tiền thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông được trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 10% cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương; 10% cho ban an toàn giao thông của tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; 10% cho các lực lượng trực tiếp khác trực tiếp tham gia vào công tác trật tự an toàn giao thông tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn. |
- (Theo TPO)