(Phunutoday) - 20 năm chung sống, không một lần mặc áo cưới, không có một tờ hôn thú, ba lần mang thai là ba lần người đàn bà này phải rũ bỏ thiên chức làm mẹ vì chưa chồng. Tất cả những yêu cầu của chồng đều được người đàn bà này chấp nhận để mong được tiếp tục chung sống, dù là kiếp “vợ hờ”.
Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Lợi trước vành móng ngựa |
Đó là bi kịch của người phụ nữ 39 tuổi, Huỳnh Thị Ngọc Lợi (ngụ tỉnh Bến Tre) vừa bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm trong thời gian gần đây. Còn người chồng hờ là Nguyễn Thọ Tuấn (ngụ tỉnh Trà Vinh, tạm trú quận 10, TP.HCM). Phiên xử thu hút khá đông người dự khán.
Lợi là em út trong một gia đình có bảy anh em ở một làng quê nghèo tỉnh Bến Tre. Gia cảnh nghèo khó nên Lợi chỉ học đến lớp 2 đã phải nghĩ giữa chừng để phải bươn chải cùng chị em buôn gánh bán bưng để kiếm sống. Lớn lên một chút, Lợi đi ở đợ rồi quen biết với Tuấn. Để có tiền trang trải, Lợi tất bật với nghề làm bánh đem bán dạo. Năm 1999, sau một thời gian dài quen biết Lợi nảy sinh tình cảm và chấp thuận về chung sống với Tuấn như vợ chồng dù không có hôn thú.
Gia đình nhiều lần khuyên nhủ, muốn Lợi kết hôn đàng hoàng, vừa để Lợi có danh phận, vừa để gia đình yên tâm. Nhưng với Lợi tất cả đều chẳng đáng gì, Lợi không màng tới vì yêu và tin Tuấn.
Một năm sau, do cuộc sống ở quê thiếu thốn trăm bề, công việc không ổn định nên cả hai lên Sài Gòn kiếm việc. Ở Sài Gòn, cả hai thuê phòng trọ tại phường Tân Hưng, quận 7 để sống cùng nhau. Sau gần một tháng ròng đi xin việc, Tuấn được nhận vào làm công nhân trong một công ty vật liệu xây dựng, còn Lợi ở nhà làm bánh, tiếp tục với nghề bán rong, kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống của đi vợ chồng “hờ” cứ thế trôi qua, Lợi nhiều lần nhắc Tuấn đi làm đăng ký kết hôn nhưng đều nhận được sự trấn an: “Vợ chồng sống với nhau cốt là tình nghĩa, một tờ giấy đăng ký kết hôn có nghĩa lý gì đâu”. Tin lời chồng, Lợi lại vui vẻ sống kiếp gia đình “hờ”.
Nhưng rồi ba lần mang bầu, Lợi đều đứt ruột vứt bỏ vì lý do: “Anh chưa muốn có con lúc này, chờ vợ chồng mình có điều kiện kinh tế vững chắc hẵng sinh con”. Tin tưởng chồng, Lợi lại nhắm mắt làm theo để chồng được vui lòng. Nhưng rồi, dần dần cuộc sống gia đình không còn ấm cúng như xưa. Tuấn thường xuyên đi sớm về muộn, hay nhậu nhẹt rồi bỏ bê gia đình. Lợi góp ý để mong chồng sửa đổi thì bị chồng mắng: “Cô là gì mà giáo huấn tôi”. Mâu thuẫn giữ hai người bắt đầu nhen nhóm.
Cuối năm 2009, Tuấn dọn về sống với mẹ ruột là bà T.T.O ở đường Lê Hồng Phong, quận 10 mà không hề nói lý do với vợ. Thấy chồng bỏ đi, Lợi đã nhiều lần gọi điện thuyết phục chồng quay lại nhưng không thành. Cũng nhiều lần, Lợi hỏi lý do chia tay thì Tuấn chỉ im lặng không nói. Cho rằng mình bị phản bội, năm lần Lợi tìm đến cái chết nhưng bất thành.
Có lần, Lợi uống thuốc sâu tự tử nhưng được chị gái phát hiện kịp thời nên đưa đi cấp cứu, lần khác, Lợi lại nhảy cầu tự vẫn nhưng được người dân phát hiện. Được mọi người khuyên ngăn, động viên, Lợi đã tự nhủ sẽ chấp nhận số phận để sống tiếp. Nhưng rồi, vì yêu Tuấn, đêm nào Lợi cũng khóc và lại tìm tới thuyết phục Tuấn quay lại sống tiếp với nhau dù là kiếp “vợ hờ”.
Tuy nhiên, không những thẳng thừng từ chối mà Tuấn còn nói với Lợi rằng mình đã có vợ khác. Có lần, Lợi gọi điện thoại thì Tuấn đưa điện thoại cho một phụ nữ nghe máy và nói đang sống cùng Tuấn. Đau khổ, căm phẫn cùng cực, Lợi đã nảy sinh ý định giết chết Tuấn và kết liễu đời mình để kết thúc chuỗi ngày đau khổ và cũng để rửa hận kẻ bạc tình.
Và chuyện gì đến cuối cùng cũng đã đến. Bao nhiêu dồn nén không còn âm ỉ mà đến lúc bùng phát. Cái ngày kinh hoàng đó là một buổi trưa kỷ niệm gần 20 năm ngày chung sống của Lợi và Tuấn.
Ngọn lửa oan nghiệt thiêu chết người mẹ già bại liệt
Tại tòa, Lợi khóc nức nở cho rằng mình không hề có ý định giết người. Lợi tâm sự trong nước mắt: “Tôi yêu anh ấy hết lòng, anh ấy bỏ đi không một lời giải thích. Nghĩ rằng bị bội bạc, tôi đau lòng, tủi phận và xấu hổ nữa. Tôi đã không thiết sống và nghĩ tới cái chết nhưng được mọi người can ngăn. Nhiều lần, tôi cầu xin anh quay lại nhưng anh không màng tới tôi, anh coi tôi như chiếc áo thay ra rồi là bỏ luôn. Dù đã gắng chấp nhận sự thật, nhưng lòng tôi vẫn như bị một nhát dao cứ vào lòng nên tôi không còn thiết tới sự sống nữa. Tôi muốn giết anh và tự sát để kết thúc chuỗi ngày đau buồn này”.
Ngọn lửa oan nghiệt thiêu chết người mẹ già bại liệt
Tại tòa, Lợi khóc nức nở cho rằng mình không hề có ý định giết người. Lợi tâm sự trong nước mắt: “Tôi yêu anh ấy hết lòng, anh ấy bỏ đi không một lời giải thích. Nghĩ rằng bị bội bạc, tôi đau lòng, tủi phận và xấu hổ nữa. Tôi đã không thiết sống và nghĩ tới cái chết nhưng được mọi người can ngăn. Nhiều lần, tôi cầu xin anh quay lại nhưng anh không màng tới tôi, anh coi tôi như chiếc áo thay ra rồi là bỏ luôn. Dù đã gắng chấp nhận sự thật, nhưng lòng tôi vẫn như bị một nhát dao cứ vào lòng nên tôi không còn thiết tới sự sống nữa. Tôi muốn giết anh và tự sát để kết thúc chuỗi ngày đau buồn này”.
Và chính vì những suy nghĩ tiêu cực như thế nên Lợi đã ra tay.
Trưa ngày 4/1/2010, Lợi đi mua một chiếc xô nhựa để đựng bột làm bánh. Dọc đường đi, Lợi vẫn không nguôi suy nghĩ bị chồng bỏ rơi, căm phẫn trong đầu cứ như sôi sục, Lợi nghĩ ngay tới việc dùng xăng đốt chết Tuấn để trả thù cho 20 năm dang dở chạy theo người đàn ông bạc tình, cạn nghĩa.
Nghĩ sao làm vậy, Lợi đón xe ôm đi mua 2 lít xăng đựng vào xô nhựa. Sau khi mua được xăng, Lợi đã tìm đến nhà mẹ đẻ của Tuấn với mục đích gặp cho bằng được Tuấn để giải quyết một lần cho xong. Tới nơi, nhìn thấy “chồng hờ” đang ngồi trong nhà, không nói không rằng, tức thì, Lợi hắt xô xăng vào nhà Tuấn rồi bật quẹt lửa…
Ngọn lửa, bùng bùng bốc cháy. Phát hiện thấy lửa cháy, Tuấn chạy ra và nhìn thấy Lợi đang đứng trong đám lửa nên lao tới lôi Lợi chạy ra ngoài. Cả hai bị cháy sém một phần cánh tay nhưng không nguy hiểm. Khi cả hai thoát ra ngoài được rồi, Tuấn mới sực nhớ trong phòng còn người mẹ già hơn 70 tuổi bị bại liệt đang nằm trên võng. Hốt hoảng, Tuấn lao vào để cứu mẹ… sau một hồi vật lộn với lửa, Tuấn cũng kịp đưa mẹ ra ngoài và đưa tới bệnh viện. Nhưng đau lòng thay, do bị phỏng quá lớn nên mẹ của Tuấn đã không qua khỏi.
Còn Lợi, sau khi phóng hỏa, cũng bị lửa táp vào người và bỏ chạy khỏi hiện trường. Về đến phòng trọ, Lợi ra cầu Rạch Đỉa, quận 7, nhảy xuống sông tự vẫn nhưng số phận trớ trêu, ông trời không cho Lợi chết một cách dễ dàng, như bao lần trước người đàn bà này được người dân phát hiện ngăn cản kịp thời
Và hôm ấy, tại phiên tòa, đứng trước vành móng ngựa, Lợi càng đau lòng hơn khi đối diện với tội ác mà mình gây ra. Lợi nói rằng, điều làm cô đau đớn hơn cả là, người chết không phải là kẻ cô muốn giết mà là một người mẹ già 72 tuổi mà cô cho rằng, mình hết lòng kính trọng. Lợi tâm sự: “Mẹ cũng rất thương tôi, tôi kính trọng mẹ vô cùng, mẹ chết rồi, lòng tôi đau lắm”.
Còn người con trai của bị hại, tức Tuấn thì dù vẫn luôn miệng nói còn tình nghĩa với Lợi nhưng vẫn thẳng thừng: “Tôi không thể tha thứ cho kẻ giết chết mẹ tôi”. Lúc phiên tòa giải lao, người đàn ông đó chia sẻ, ông đã từng hết lòng yêu thương Lợi, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên cả hai thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Lợi nóng tính nên hay cằn nhằn khiến Tuấn mệt mỏi. Tuấn còn cho biết thêm: “Tôi bỏ nhà chỉ để dọa cô ấy, để mong cô ấy sửa đổi tính nết chứ không hề có ý định bỏ rơi cô ấy lại”.
Nhưng phép thử của Tuấn đã mang đến một kết cục đầy bi thảm. Mẹ chết, tình cảm của Tuấn cũng chết, và người vợ hờ lãnh án tù. Tại tòa, Tuấn thẳng thừng nói với Lợi: “Tôi đã hết tình với cô rồi”, đồng thời, Tuấn cũng không xin tòa giảm án cho người từng đầu gối tay ấp với mình mà còn yêu cầu tòa xử thỏa đáng.
Còn phía Lợi, suốt phiên tòa Lợi chỉ biết khóc và… khóc. Nước mắt đã chảy quá nhiều nên ánh mắt thâm quầng, sưng húp, Lợi xin tòa cho mình được chết. Lợi nói: “Tôi sống cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Mẹ không có tội gì hết nhưng tôi đã giết chết mẹ rồi. Tòa hãy để tôi được lãnh án tử hình, chỉ có cái chết mới giúp tôi thanh thản”. Nói rồi Lợi lại ôm mặt khóc trước vành móng ngựa.
Sau khi nghiên cứu, hồ sơ HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo là hết sức nguy hiểm, trực tiếp xâm hại tới tính mạng, sức khỏe của người khác. Bị cáo dùng xăng châm lửa đốt là táo bạo, liều lĩnh, có khả năng giết chết nhiều người. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh bị cáo khó khăn nên tòa tuyên bị cáo mức án tù chung thân về tội giết người, một năm tù về tội hủy hoại tài sản. Mức án chung bị cáo phải thi hành là tù chung thân.
Không đồng ý với mức án này, Lợi quay lên nói vọng: “Xin tòa cho con chết”. Thấy vậy, HĐXX giải thích: “Cái chết không phải là sự đền đáp tội lỗi, cũng không phải là cách trả thù. Bị cáo đã sai lầm khi nghĩ rằng, có lấy cái chết mới chuộc lại lỗi lầm, đó lại là sai lầm nối tiếp sai lầm mà thôi. Bị cáo cần biết rằng, chỉ có sự hối lỗi, ăn năn để tu tâm dưỡng tính mới là cách chuộc lại lỗi lầm tốt nhất”.
Phiên tòa kết thúc, Lợi tra tay vào còng theo xe giải phạm về trại, dáng Lợi nhỏ thó, cong queo hắt xuống cái nắng của sân tòa. Chỉ kịp đi vài bước, Lợi đã khuỵu ngã dưới sân, còn Tuấn thì thản nhiên đi qua như một người xa lạ.
- Phương Linh