Tướng Cao Kỳ “mê” gà giống Tả quân Lê Văn Duyệt

06:36, Thứ tư 14/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Dân mê gà nòi kể lại, không riêng gì ông Kỳ mà hầu như ai mê gà chiến cũng tường tận về Tả quân Lê Văn Duyệt

Giỏi và ngang tàng, tướng Nguyễn Cao Kỳ dường như chẳng biết sợ ai trong bộ sậu lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhiều lần bị chỉ trích về chuyện bỏ bê chính sự, thậm chí ham đá gà tới mức tự lái trực thăng vào “vùng Việt Cộng” để “cá độ”, ông tướng râu kẽm vẫn phớt ăng lê.

Dân mê gà nòi kể lại, không riêng gì ông Kỳ mà hầu như ai mê gà chiến cũng tường tận về Tả quân Lê Văn Duyệt. Đối với khoản “mê gà”, nhiều người còn cho rằng tướng Kỳ chính là bản sao của vị danh tướng triều Nguyễn này.

Người phải “học” gà!

Ðá gà xưa nay, trên nguyên tắc được coi như là môn thể thao. Người mê gà chiến ở bất kỳ nơi nào cũng coi môn này thể hiện tinh thần thượng võ. “Đạo” về đá gà con cao hơn nhiều môn khác như chọi trâu, đấu bò nhiều bậc.

Cũng “chiến trường đổ máu”, ra sân trồng cựa là một mất một còn - hoặc cả hai cùng chết dưới cựa của nhau nhưng môn đá gà vẫn không bị coi là dã man. Cùng bị chỉ trích về chuyện mê đá gà, trong khi tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ phớt tỉnh như không vì chẳng sợ ai thì Tả quân Lê Văn Duyệt lại tỏ ra “biết lỗi”.

Ông từng bị vua Gia Long khiển trách vì mê đá gà nên trễ nải buổi thiết triều.

Ông đã tự biện luận để giãi tội, khi đưa ra 5 đức lớn của gà là: Ðầu có mồng như đội mão là Văn; Chân gà có mang cựa nhọn như gươm giáo là Võ; Thấy kẻ địch trước mặt vẫn xông vào là Dũng; Khi kiếm được cái ăn, lập tức phân chia cho đồng loại là Nhân; Và ngày ngày cứ tới đúng giờ thì gáy là Tín.

 Ðây là năm đức tính chẳng những cần cho văn thần võ tướng trong sứ mệnh an dân trị quốc mà còn giúp cho thế nhân hành sử đúng đạo làm người.

Luận lý trước đó cũng đã được một tác giả vô danh, đề cập trong tác phẩm nổi tiếng “Lục súc tranh công” viết bằng chữ Nôm. Sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình gồm trâu, ngựa, chó, dê, gà, và lợn.

 Trâu thì rằng làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ; Chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; Ngựa thì rằng có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; Dê thì rằng có công trong việc tế lễ; Gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; Lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế. Sáu con cùng tranh luận, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên. Phần nói về con gà như sau:

“ … Trên đầu đội văn minh một mũ
Dưới chân đeo hai cựa thần thương;
… Một tiếng rằng, thiên nhựt tác thì
Hai tiếng rằng, quốc tộ tác xương
Ba tiếng rằng, nhơn gian tác lạc…”

Các nhà nho đương thời khi bình luận về vấn đề này đã có ý ví gà như biểu tượng đại diện cho Bộ Lại, là cơ quan quản trị văn võ bá quan, kể cả sự ban thưởng cho bá tánh khi lập được công trạng đối với nước nhà.

 Đối với tả quân Lê Văn Duyệt, gà được “nâng tầm” với những đức tính vừa kể ở trên. Đến thời Nguyễn Cao Kỳ, ông cũng là tay chơi gà được xếp vào hàng đệ nhất. Những “triết lý” về gà chiến vẫn không có gì thay đổi, tức gà vẫn thuộc hàng “văn võ toàn tài” khiến con người phải nể phục.

Nhiều tay chơi gà có tiếng nhận làm “sư kê” cho ông tướng râu kẽm còn quả quyết, ngoài năm đức tình “quý như vàng” (văn, võ, nhân, dũng, tín) thì con gà là bậc tổ sư của… nhẫn. Mà đâu chỉ con gà biết “nhẫn”, ngay cả người chơi gà cũng phải lấy chữ nhẫn mà thuộc nằm lòng.

 Câu “Nuôi quân ba năm dụng một giờ” quả là đúng với những con gà chiến. Thậm chí, nếu luyện được chiến kê vào hàng cao thủ võ lâm thì chỉ trong vài ba cú tung chân là đối phương đã ngã gục, khi ấy không phải “nuôi ba năm dụng một giờ” mà là “nuôi ba năm dụng… một phút”(!).

Triết lý này xem ra chỉ áp dụng được với gà, còn với người thì không, bởi gà của tướng Kỳ khi đã ra trận phần nhiều giành chiến thắng vẻ vang. Trong khi đó, quân tướng dưới trướng ông tướng râu kẽm hễ ra trận chỉ mong… bắn hết đạn rồi về chứ không có tinh thần chiến đấu.

Các “sư kê” từng làm việc trong trại gà cửa ông Nguyễn Cao Kỳ kể lại, gà trong “doanh trại” của ông được huấn luyện “ngon lành” hơn binh sĩ tập trận. Sau khi chọn giống, con gà được nuôi đúng chuẩn đến khi trưởng thành sẽ được đưa vào “trung tâm huấn luyện” kiểu như các trung tâm luyện vận động viên thể thao.

Khâu cơ bản phải cho con gà “chạy lồng”.

Một con gà mồi sẽ được nhốt trong cái bội tre, phía bên ngoài chụp thêm một cái bội tre lớn hơn để gà không thể mổ hay cắn lẫn nhau. Con gà bên ngoài sẽ chạy quanh bội gà vì tức khí và muốn tìm cách chui vào bên trong gặp đối thủ.

Phương pháp này có thể tập luyện cả giờ và giúp cho gà phát triển bắp thịt nơi đùi và chân. Cả gà bên trong lẫn gà bên ngoài đều gườm nhau, rồi chạy vòng tròn cho đến khi da… tươm mồ hôi y như võ sĩ ép cân. Đây là cách rèn thể lực cho gà mà không hại gì đến thân thể nó.

Chạy mệt, gà sẽ nằm thở, khi khoẻ lại đứng dậy chạy quanh lồng cho đến khi nào “sư kê” bắt ra thì thôi.

Tất cả gà chuẩn bị ra trường đều được vào nghệ có pha lẫn với các vị thuốc để giúp cho phần da lộ ra đỏ da thắm thịt mà còn giúp cho lớp da được chai sạn lại để chịu đòn cho khoẻ, kiểu như võ sĩ quyền anh phải biết hứng đòn và thật lỳ đòn.

Chân gà được ngâm vào một dung dịch thuốc pha với nước tiểu hay muối để giúp cho chân gà săn chắc lại gọi là “dầm cán”.

Có thể ngâm chân gà ngày hai lần sáng và tối mỗi lần 30 phút. Phương pháp này giúp cho các ngón chân và quản ống xương chân gà rắn chắc khi ra đòn đá đau và mạnh hơn.

Các sư kê tin của tướng Kỳ tin rằng sương buổi sớm mai tinh khiết giúp cho gà khỏe mạnh trong lúc tập luyện nên mỗi sáng khi gà cất tiếng gáy đầu tiên là gà được thả ra sân sớm trong lúc trời còn đang tờ mờ để vươn vai, đập cánh gáy đi lại trong sân khi sương chưa tan. Phương pháp này họ gọi là “quần sương".

Gà được tắm rửa và xông hơi hằng ngày bằng khăn ấm với một nồi nước nấu bằng các vị thuốc Nam như trà xanh, gừng, ngải cứu và rất nhiều loại thuốc bí truyền khác gọi là “om gà”.

 Có sư kê kể với đám đệ tử rằng, nếu không may có con gà nào của tướng Kỳ bại trận, họ sẽ cố xin cho được cái xác đem về nấu cháo đậu xanh tẩm bổ cho người già, người bệnh mới khỏi. Thịt những con gà được “om” bằng thuốc không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc cực kỳ tốt cho cơ thể…

Sau khi gà đã đủ sức khoẻ, các sư kê sẽ cho “xổ gà”. Gà được cáp với gà cùng chạng (đồng cân), cùng tuổi để “đá thử sức” và tập cho quen dần với cách giao nạp, nhập trận thế và cách làm nước của sư kê.

Mỗi lần xổ gà thường là một đến hai hiệp. Gà nòi có bộ xương rất lớn do đó muốn gà phát triển đúng mức cần phải có thời gian và đủ kiên nhẫn để gà lớn lên một cách bình thường.

Trung bình vào một năm tuổi là lúc gà đã cứng cáp và bắt đầu vào chương trình tập luyện chuẩn bị cho việc ra trường. Sau 6 tháng áp dụng những phương pháp huấn luyện trên, khi được 1 năm rưỡi là gà đã rắn chắc, sung mãn sẵn sàng ra trường đụng gà khác.

Các sư kê dầy dạn kinh nghiệm của tướng Kỳ thường nuôi và tập luyện gà đúng độ mới mang ra thi đấu, trong khi các tay chơi gà trẻ tuổi không có nhiều kinh nghiệm và háo thắng hay ép gà đá non chưa đủ lực thường chịu thảm bại dưới gà của tướng Kỳ.

Cuộc đời vị tướng “mê gà chiến”

Đương thời, nhiều tay chơi gà có tiếng ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Bến Tre được các “sư kê” của tướng Kỳ mời về trại huấn luyện làm “cố vấn” cho họ.

Những người được mời không nhận thù lao cố định mà thường được thưởng lớn sau mỗi trận thắng. Các “sư kê” cho rằng “đại cao thủ” gà đá chính là tả quân Lê Văn Duyệt nên họ sưu tầm tài liệu về nhân vật lịch sử này để… học nghề nuôi gà, huấn luyện chiến kê.

Theo tài liệu, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy đến Rạch Gầm thì được một người tên Lê Văn Toại giúp đỡ, cho tá túc. Ông Toại là thân sinh của Lê Văn Duyệt. Thấy Lê Văn Duyệt thông minh, lại là người bán nam bán nữ nên chúa Nguyễn Ánh tuyển dụng làm thái giám năm ông 17 tuổi (ông sinh năm 1763).

Nhờ có võ công và mưu trí hơn người nên “tiểu thái giám” Lê Văn Duyệt thăng quan tiến chức rất nhanh, thậm chí chẳng còn ai nghĩ đến chuyện ông là thái giám mà luôn nhìn ông với tư cách một võ tướng. Năm 30 tuổi, Lê Văn Duyệt làm chức Thuộc nội Vệ úy, vì "tuy sinh ra là người giám, nhưng là người mạnh dữ mà đánh giỏi, có công tùng chinh".

Kể từ đó, chúa Nguyễn thường bàn việc binh với Lê Văn Duyệt. Tháng Giêng năm 1801, Lê Văn Duyệt cùng chúa Nguyễn và các tướng là Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại. Khi lâm trận, tướng Võ Di Nguy bị trúng đạn chết, ông Duyệt càng gắng sức đánh, đốt phá gần hết binh thuyền Tây Sơn.

Trận ấy được khen là “Võ công đệ nhất”, uy tín của ông với nhà Nguyễn và binh sĩ càng lên cao ngút. Chỉ ba tháng sau, ông Duyệt theo chúa Nguyễn ra đánh Phú Xuân.

Tháng sau đó, đại binh vào cửa Tư Hiền, ông và Lê Chất phá được đồn quân Tây Sơn ở núi Quy Sơn (tức núi Linh Thái), bắt sống được Phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách.

Sau đó, chúa Nguyễn sai Tiết chế Lê Văn Duyệt (có Lê Chất đi theo) đem quân bộ vào Quảng Nam. Dọc đường, Lê Văn Duyệt đánh thắng nhiều trận, nhưng không kịp cứu Quận công Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu.

Vì lương hết, hai ông đều đã tuẫn tiết vào cuối tháng 5 năm 1801. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn phong Lê Văn Duyệt làm “Thần sách quân Chưởng tả dinh Đô thống chế Quận công” khi ông chưa đầy 40 tuổi.

 Đụng độ với quân Tây Sơn nhiều trận sau đó, trong khi nhiều tướng khác của nhà Nguyễn thường hao binh tổn tướng rất lớn thì Lê Văn Duyệt ít khi thất bại.

Tháng 3 năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Nghĩa, nay là Quảng Ngãi), được vua khen thưởng. Tháng 8 năm đó, cha ông Duyệt là Lê Văn Toại được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.

Năm 1808, lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy.

Ông Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên. Tháng 2 năm 1813, nhận lệnh vua, Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay).

 Tại đây, ông thấy quân Xiêm cứ dòm ngó Chân Lạp, bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở, đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh ở lại bảo hộ (Nguyễn Văn Thoại được cử ở lại).

Tất cả đều được vua nghe theo. Năm 1816, Lê Văn Duyệt được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái tử. Khi ấy, Nguyễn Huỳnh Đức thay ông làm Tổng trấn, và Trịnh Hoài Đức làm Hiệp trấn.

Sang tháng 5 dân thiểu số ở Vách Đá lại nổi dậy, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Vua Gia Long lại phải sai Lê Văn Duyệt đem quân tới dẹp loạn. Tháng Giêng năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận mệnh đi kinh lược các vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình).

 Vì các nơi ấy thường mất mùa, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được. Đến nơi, ông dâng sớ về triều “nói việc khổ của dân, xin tha thuế cho dân, lại phải lựa quan trấn để an tập dân”, được vua y cho .

Gà
 Gà giống Tả quân Lê Văn Duyệt


 Ở Thanh Hóa, ông nhận Lê Văn Khôi làm con nuôi. Ông Khôi nguyên là người ở Cao Bằng, vì khởi binh chống Nguyễn, bị quan quân đuổi đánh, phải chạy vào Thanh Hóa, gặp ông Duyệt đang làm Kinh lược ở đấy, bèn xin ra đầu thú.

Năm 1820, vua Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt vào Nam làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai, thay cho Nguyễn Huỳnh Đức vừa mất hồi tháng 9 năm 1819. Lúc bấy giờ, ở nước Chân Lạp có thầy tu tên Kế vận động dân nổi dậy, cướp phá nhiều nơi thuộc trấn Phiên An.

 Quan trấn là Đào Văn Lý cản ngăn không được. Khi ông Duyệt đến, bèn cử Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý đem quân đi đánh, đuổi quân Sư Kế chay về Chân Lạp.

Tháng 9 năm ấy, Sư Kế xua quân vây hãm thành Nam Vang, làm vua nước ấy phải đưa thư sang cáo cấp. Xem thư, Tổng trấn Lê Văn Duyệt liền sai Thống chế Nguyễn Văn Trí đem quân sang cứu viện, đến tháng 10 thì giết được Sư Kế và đánh tan quân nổi dậy.

Cũng vào tháng 9 năm đó, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc.

 Lê Văn Duyệt đem việc ấy tâu lên. Sau khi tra án, Huỳnh Công Lý bị kép vào vào tội chết. Năm 1823, Lê Văn Duyệt về kinh chầu, Phó tổng trấn là Huỳnh Văn Năng coi thay.

 Đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (tức 28 tháng 8 năm 1832), Chưởng tả quân lãnh Gia Định Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất tại chức, thọ 69 tuổi.

Sau đó, triều đình truy tặng ông chức “Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo quận công”, thụy là “Oai Nghị”.

Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định Thành, và đổi 5 trấn ra thành 6 tỉnh, là: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Lại đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, bố chính, Án Sát, Lãnh binh như các tỉnh ở ngoài Bắc.

Không chỉ có tài quân sự, Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị. Làm Tổng trấn Gia Định Thành hai lần, ông đã thực hiện chính sách trị an tốt, và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Đồng thời ông cũng có cách ứng xử khéo léo, rộng rãi đối với những người phương Tây đến buôn bán ở Sài Gòn. Bấy giờ, nhiều người kính phục, gọi ông là "Ông Lớn Thượng" hay “Đức Thượng Công”.

Một vài nước lân cận cũng tỏ ra kiêng nể ông. Lê Văn Duyệt là người ái nam ái nữ bẩm sinh chứ không phải tự hoạn để làm thái giám.. Thuở trẻ, ông thích đá gà, nuôi gà chọi. Người ta cho rằng ông có trại nuôi gà chiến lên tới 5000 con.

 Và ông cũng là người sáng tác ra bản Kê Kinh - quyển sách được coi là “gối đầu giường' cho dân mê gà đá. Ngoài ra, ông cũng là người sành thưởng thức hát bội và thường tự tay cầm chầu.

Sau này, do ông lập được nhiều công lao, khi lên ngôi, vua Gia Long đã gả một người cung nhân tên là Đỗ Thị Phẫn (hay Phấn)về làm vợ ông, dù ông là người yêm hoạn.

Cáp độ kiểu Nguyễn Cao Kỳ

Cách cáp độ gà ở Việt Nam rất khác nhau tùy theo từng địa phương. Tại miền Nam trước năm 1975, các tay chơi đá gà thường không dùng cân để cân trọng lượng của gà.

Tuy nhiên, cũng có sới dùng cân, tỷ như sới gà của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ thì có dùng cân khi qua cổng. Thường thì các tay chơi gà định lượng con gà đối phương bằng cách dùng mắt quan sát để cáp độ.

Những tay cáp độ gà sẽ mang gà ngồi vào bồ (vòng) có nơi đào lỗ sâu xuống đất để làm đấu trường, để so kè chiều cao và bề ngang của lưng gà để bắt chặng. Mỗi trường đá gà có những luật lệ riêng do chủ trường gà đặt ra.

 Có nơi cho phép chủ kê được đụng chạm, rờ tay trên con gà đối phương. Có nơi cấm không cho vì lý do an toàn cho gà của khách mang đến.

Trong những nơi cho phép chủ gà được phép lấy tay để đo lưng con gà đối phương để đoán chừng "mấy phân xương" lưng, còn được gọi là "cái ngang" tức là chiều ngang của lưng gà.

Những nơi không cho phép đụng chạm gà đối phương thì chủ kê phải dùng mắt để phỏng đoán chiểu ngang cũng như cân nặng của con gà kia.

Trong trường hợp này chủ kê có quyền yêu cầu chủ kê phía bên kia kéo cánh xuống để quan sát kích thước lưng của con gà đối phương.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ  mê gà giống Tả quân Lê Văn Duyệt
Tướng Nguyễn Cao Kỳ mê gà giống Tả quân Lê Văn Duyệt


Chiều cao của hai con gà được xem xét rất kỹ, thường thì hai con gà được chủ kê đâu lưng lại để so kè chiều cao và chiều ngang của lưng gà. Chủ trường sẽ đóng góp ý kiến thêm về cáp chặng để cho có độ gà đá.

Gà có chiều cao hơn thường có lợi thế khi ra đòn, do đó các tay chơi gà có câu "một phân vai bằng hai phân xương"; có nghĩa nếu con gà có 2 phân (2cm) lớn chiều ngang hơn vẫn không bằng con gà tuy kém 2 phân ngang nhưng hơn 1 phân về chiều cao.

Tuy nhiên trong vấn đề cáp độ, hai đơn vị đo lường về chiều cao và chiều ngang như thế bù qua xớt lại thì vẫn được coi là đồng chạng gà và có thể cáp độ được.

 Từ ngày có sới của ông tướng râu kẽ, dân chơi đá gà bắt đầu “học hỏi” và một số trường bắt đầu dùng cân để tính chạng cho gà. Cứ bỏ lên cân, xê xích nhau về trồng lượng thì bên nào năng cân hơn phải chấp tiền tuỳ theo thoả thuận…

Một phương pháp khác được gọi là "vô tay". Vô tay là thủ thuật dùng tay để nâng dưới lườn con gà đối phương lên để ướm chừng sức nặng.

Các sư kê có kinh nghiệm có thể đoán chính xác trọng lượng con gà trên tay bằng cách này. Khi vô tay, sư kê cũng có thể đoán biết được thêm về gân cốt và quá trình tôi luyện của gà cũng như sức chịu đựng của nó.

Thí dụ như một con gà có lườn dài và sâu hình chữ V (như lườn tàu đi biển) là loại gà có sức chịu đựng đứng trường bền bỉ. Nhưng phép vô tay không phải trường gà nào cũng cho phép.

 Sự cẩn trọng này rất cần thiết để đề phòng những kẻ ma giáo áp dụng xảo thuật điểm huyệt hãm hại gà đối phương trong lúc vô tay. Thường thì phép vô tay chỉ được áp dụng ở những trường gà mà mọi người đều là bạn bè thân quen.

Trong những trận gà ăn thua lớn phương pháp "vô tay" không được áp dụng.

Trước năm 1975, hầu hết các trường gà tại miền Nam đều giành riêng cho gà đòn hay gà cựa. Có rất nhiều trường gà nổi tiếng quanh Sai Gòn và các tỉnh lân cận. Các đại gia miền Nam thường thích đá gà cựa hơn vì có kết quả ăn thua nhanh chóng.

Các “cố vấn” và ‘sư kê” từng làm việc tại sới gà của tướng Kỳ cho biết, ông Kỳ là người đại kị chuyện gian lận trong việc cáp độ đá gà.

Chưa thấy ông “xử” tay gian lận nào nhưng dân mê gà đồn rằng, nếu kẻ nào gian lận bị ông Kỳ hoặc ác sư kê của ông phát hiện coi như phải bỏ luôn nghiệp đá gà và bị dân chơi gà khinh bỉ.

 Nhập gia tuỳ tục, khi vào trường gà của ông Kỳ thì phải theo luật của ông. Còn lại, các sư kê học thuộc nằm lòng luật lệ trường gà từ Bắc vào Nam mà không cần phải thông qua bất kỳ văn bản nào.

Ví như sới Yên Sở (miền Bắc), mỗi hiệp đấu được ấn định là 15 phút. Nghỉ và làm nước là 5 phút. Không có giới hạn mỗi độ gà là bao nhiêu hiệp.

 Số hiệp của độ gà có thể được thỏa thuận giữa hai chủ kê. Các chi tiết như khớp mỏ, chắp lông, may mắt v.v. có thể khác biệt giữa các trường gà.

Tại tỉnh Bình Định, mỗi một hiệp được ấn định là 20 phút. Gà ra hiệp làm nước cho nghỉ 5 phút.

Gà nòi ra trường cáp độ được phân loại theo sức nặng như sau cung như võ sĩ quyền anh: Hạng nặng trên 3.5 ký; Hạng trung từ 3 đến 3.5 ký; Hạng nhẹ dưới 3 ký. Các trận đá gà thường được tổ chức vào dịp trước Tết và tiếp tục cho đến tháng Tư.

Tại Sài Gòn, mỗi hiệp là 15 phút, làm nước nghỉ cũng 5 phút như các nơi khác. Các tay chơi gà thường dùng chữ "chặng" (đọc trại thành chạng) để phân loại gà thành 3 cỡ như sau: Chặng Nhất trên 4 ký; Chặng Nhì từ 3 đến 4 ký; Chặng Ba dưới 3 ký.

Trong khi phép phân chặng và cáp độ của gà đòn rất mất thời gian thì hiện nay chuyện cáp độ của gà cựa đơn giản và cực kỳ tốc độ để… né công an. Các tay chơi gà cựa thường dùng cân để cân trọng lượng của cả 2 con.

Thường thì gà được cân tại nhà và cả hai bên đều đồng ý cáp gà qua điện thoại sau đó mang gà đến điểm hẹn để xem lại lần chót trước khi vào độ. Nếu cả hai bên đồng ý họ sẽ mang gà đến một điểm hẹn khác được dùng làm “trường gà”.

  • Bảo Bảo

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc