Chuyện trò với cô gái này không ít người phải giật mình với sự từng trải ghê gớm của cô. Một cô gái đang ở độ tuổi rực rỡ sức xuân nhưng đã có nhiều năm trôi dạt trong thế giới của những kẻ bụi đời đầu đường xó chợ. Nói về mình Thúy bảo rằng, mẹ sinh ra em trong trại giam nơi chỉ có tù và tội nên cái số em cũng chẳng ra gì cả…
Cuộc sống phiêu bạt
Nhà của Thúy nằm ngay phía sau cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhưng ngày mẹ sinh ra em lại đang ở trại 5 Thanh Hóa. Vì nhà ở vùng biên nên gia đình của Thúy sống chủ yếu bằng nghề buôn bán quanh khu vực biên giới. Nhưng trớ trêu thay mẹ của Thúy lại chọn nghề buôn bán ma túy để kiếm kế sinh nhai nên đã không thể có được cuộc sống vững bền. Ngày đang mang thai Thúy đến tháng thứ 5-6 thì mẹ em bị bắt vì tội buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Chỉ vài tháng sau khi đi trả án mẹ đã sinh ra Thúy ngay trong khu vực trại 5 trong sự cưu mang của những cán bộ quản giáo nơi đây. Được hưởng chế độ nuôi con nhỏ nên mẹ Thúy được tại ngoại nhưng chỉ đến khi em cứng cáp thì phải quay lại trả án nốt. Vậy là từ khi em còn chưa đứng được vững vàng em đã sớm phải sống xa hơi ấm tình thương của mẹ. Mẹ em phải trả bản án 17 năm tù nên mọi người cũng không muốn kể nhiều về bà mẹ tội lỗi khi Thúy đã đủ lớn.
Sống với bố cho đến năm Thúy lên 9 tuổi thì em trở thành mồ côi. Bản thân bố của Thúy là một con nghiện rất nặng từ những độ còn là thanh niên chưa vợ. Cho đến khi kinh tế gia đình suy sụp, vợ đi tù không có tiền mua thuốc để hút chích thì bố của Thúy trở nên tiều tụy, bệnh tật và sớm phải…đi sang thế giới cực lạc. Mẹ đi tù, bố thì chết anh em của Thúy phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người ông ngoại ở kế bên. Sống với người ông già và giữa một môi trường phức tạp hỗn độn nơi vùng biên, anh em của Thúy đã va chạm với những thói hư tật xấu ngay từ khi rất nhỏ. Bản thân Thúy tuy là con gái nhưng em cũng chưa từng biết sợ ai. Khi đang học ở lớp 1, chỉ vì cãi nhau với bạn ngồi cạnh bên về chỗ ngồi mà Thúy sẵn sàng cầm đá đánh bạn vỡ đầu. Cũng chính từ đây em đã bị trường đuổi học và từ đó không còn đến trường như những bạn bè cùng trang lứa.
Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng Thúy đã trải qua biết bao những nốt trầm bổng có thể đã vượt qua sự tưởng tượng của rất nhiều người. Lần đầu tiên Thúy lang thang ngoài đường khi em mới lên 5 tuổi. Khi đó trong một lần được người dì ruột đưa đến trại 5 để thăm nuôi mẹ. Bản thân Thúy lúc đó cũng không biết mình được dì đưa đi đâu và gặp ai. Tuy nhiên khi đến Trại 5 thay vì đưa vào gặp mẹ, người dì đã để Thúy và anh trai của mình ở cổng trại giam và bảo hai đứa tự tìm đường mà về nhà không thì ở luôn đây với mẹ chúng mày! Hai đứa nhỏ bơ vơ giữa chốn lạ lẫm mà trong đời chúng từ khi sinh ra chưa từng một lần đặt chân tới. Chúng hoang mang, sợ hãi như những con chim non nớt lạc mẹ giữa khu rừng rộng lớn. Không biết bấu víu vào ai, hai anh em Thúy đã gặp được người bán nước trước cổng trại giam đưa về tận nhà ở Lạng Sơn.
Đến 9 tuổi bố của Thúy đã mất sau một cơn sốc thuốc. Có lẽ từ khi em được sinh ra trên cõi đời này gánh nặng nuôi dạy dồn hết lên đôi vai gầy của ông ngoại nên việc bố mất hay mẹ đi tù cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của em. Sau khi bố mất được một thời gian, ông ngoại cũng mắc phải con đường lao lý khi mắc tội buôn lậu trái phép. Không còn người thân thích để nuôi dạy nên hai anh em Thúy đã phải vào cô nhi viện ở cho đến khi ông ngoại được mãn hạn tù. Nhưng cũng từ khi ông ngoại đi tù thì cũng là lúc Thúy cũng thường xuyên đi dạt.
Cũng chính vì không còn ông ngoại mà Thúy đã tự tìm cho mình cách sinh nhai. Vì nhà ở vùng giáp biên nên Thúy đã nghĩ ra cách vượt biên trái phép để mua pháo lậu sau đó mang trở về để bán. Mỗi lần như vậy số tiền kiếm được không nhỏ nhưng Thúy lại nướng vào quán game rồi những trò tụ tập đàn đúm với nhóm bạn mất nết. Dần dần những thói xấu tật hư vô lối của đám trẻ thiếu sự dạy bảo đã nhiễm vào người Thúy như một hệ quả tất yếu.
Trần Thị Thúy |
Đi dạt mãi ở khu vực Lạng Sơn nên nhóm của Thúy đã không còn hứng nên đã rủ nhau lên Hà Nội tìm không khí mới. Cả nhóm có đến gần chục người lên Hà Nội sống chui lủi trong những khu nhà ổ chuột dưới chân cầu Long Biên. Có lẽ cuộc sống nhơ nhớp như vậy lại tạo cho Thúy sự thích thú nên cô mê muội để cuộc đời mình trôi nổi bất định.
Thúy kể rằng, đã có nhiều lần em đã đi theo một số anh chị trong nhóm cùng đi dạt vượt biên trái phép mua vũ khí để mang về Việt Nam bán kiếm lời. Những người bạn của Thúy cũng giống như em miệng vẫn còn thoang thoảng hơi sữa mẹ nhưng đã dám những việc mà chỉ có những người có máu mặt trong giang hồ mới dám nghĩ tới. Cuộc sống của Thúy chìm đắm hoàn toàn trong bùn đen mà bản thân em không hề hay biết. Chỉ đến khi Thúy trở thành một học viên của Trường giáo dưỡng số 2 thì em mới biết được bến đỗ cho cuộc sống thả phanh là như thế nào…
Tương lai bất định
Đã có gần 1 năm sống trong môi trường giáo dục trong sáng, tâm hồn của Thúy cũng dần dần được gột rửa những lớp bùn đen nhơ nhớp trước kia. Em đã biết rằng, đúng là những suy nghĩ trẻ con khi trước thật điên dại và ngu ngốc. Thúy bảo rằng trước đây lúc nào em cũng nghĩ phải biết tự thân vận động tìm kiếm kế sinh nhai cho mình mới là một người đích thực. Nhưng đó là bồng bột điên rồ của tuổi thơ khi không được định hướng.
Thúy đã dần quên đi những tháng ngày lạc lối của mình trong quá khứ và đã có những toan tính cho tương lai. Nhưng thật buồn thay khi nghĩ về ngày được ra trường Thúy sẽ đi về đâu? Câu hỏi mà chính bản thân em cũng không thể giải thích nổi. Ông ngoại lại vào tù, anh trai cũng vướng lao lý. Duy chỉ có mẹ đã được mãn hạn án nhưng khi được trở về đã không tìm đến gặp hai anh em Thúy mà lại đi theo một người đàn ông khác. Ngay cả khi biết Thúy đã vào trường giáo dưỡng người mẹ kia cũng không một lần lên thăm nuôi em lấy một lần. Em kể rằng, ngày mẹ em được ra trại hai anh em mừng thầm rằng mẹ sẽ về nhà ở với mọi người. Nhưng cứ ngóng mãi chẳng thấy mẹ về rồi đến một ngày mẹ em bế theo một đứa bé bảo đây là con cùng với người đàn ông kia. Lúc đó em cảm thấy rất buồn và thất vọng vì khi mẹ được ra trại lại không về tìm gặp chúng em mà lại đi xây dựng gia đình với một người đàn ông khác…
Câu chuyện của Thúy cứ chồng chéo lên nhau khi nó được chắp nối bằng những kỷ niệm đau thương. Còn chuyện gì buồn hơn khi Thúy vẫn còn mẹ mà hai anh em phải dắt tay nhau vào cô nhi viện để lánh tạm. Rồi khi nghe thấy mọi người bảo rằng hai anh em thường xuyên chơi bời với đám bạn xấu tính, thay vì dạy bảo con, mẹ Thúy lại làm ngơ không hề bận tâm. Buồn đau hơn, Thúy bảo rằng từ nhỏ đến giờ chưa một lần mẹ ở nhà nấu một bữa cơm cho chúng em ăn… Những ký ức đó cứ lộn xộn khiến suy nghĩ của Thúy trở nên điên đảo từng hồi và cũng chính đây là nguyên nhân khiến em lạc lối khi bị dòng đời xô đẩy.
Vào trong trường giáo dưỡng có lẽ là một bước dừng cần thiết cho quãng đời trượt dốc của Thúy. Nhưng rồi khi Thúy đã biết nhìn lại và nhìn xa hơn thì em lại thất vọng bởi một tương lai bất định của bản thân mình. Khi vào trường em mới được cầm vào quyển sách, quyển vở nên cho đến khi 17 tuổi em vẫn chưa học hết chương trình lớp 5. Thúy bảo rằng, ở trong này còn có các thầy các cô bảo ban mỗi khi làm điều gì đó không phải. Chính vì vậy mà em hiểu được những hành động của mình. Thúy ước rằng, khi đã được ra trường chỉ cần một người nào đó ở bên cạnh em dạy bảo thậm chí là mắng chửi mỗi khi em tụ tập chơi bời học đòi theo những thói hư tật xấu. Nhưng khi nghĩ đến gia đình, người thân Thúy lại cảm thấy hụt hẫng vì chẳng còn ai?
Nghĩ về chặng đường sau khi ra trường Thúy bảo rằng, em cũng chẳng biết đi về đâu nữa. Ông thì lại đi tù rồi, anh trai cũng thế. Mẹ thì có cuộc sống gia đình riêng lại suốt ngày mê muội với mấy trò đỏ đen. Bạn bè thì đứa vào trại, đứa đi dạt rồi một số vào trường giáo dưỡng cùng với em. Thúy bảo rằng, thật sự em cũng không dám tin rằng mai sau em còn có thể giữ được nếp sống trong sạch như thời gian ở trường. Cuộc đời đối với Thúy bây giờ chỉ toàn màu đen xám xịt và không biết được liệu ý chí sức lực của một cô gái đang ở độ tuổi trăng tròn có thể khơi trong gạn đục được hay không.