Đời sống) – Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, việc các hãng mũ bảo hiểm đồng loạt giảm giá bán là tín hiệu rất tốt, đúng mục tiêu của chương trình đổi mũ bảo hiểm “giả” lấy mũ “xịn”.
[links()]
Ủy ban ATGT quốc gia đang thực hiện việc bán, đổi mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng lấy mũ thật với giá ưu đãi giảm từ 30 - 70 ngàn đồng (tùy loại) trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên, khi tìm hiểu thị trường, chúng tôi ghi nhận giá mũ đã được ưu đãi không khác mấy giá các loại mũ khác, và nhiều hãng khác cũng đã thực hiện giảm giá từ rất lâu. Điều này đặt ra lo ngại về giá trị thật của chương trình trên.
Trả lời chúng tôi chiều 24/3, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, chương trình đổi mũ giá ưu đãi nà là do các doanh nghiệp sản xuất mũ đảm bảo chất lượng tự bỏ kinh phí để làm, Ủy ban chỉ bảo trợ thông tin chứ không hỗ trợ về mặt kinh phí.
Người dân Hà Nội đi đổi mũ bảo hiểm giả lấy mũ xịn. Ảnh: Thể thao văn hóa. |
So sánh với chương trình đổi mũ giá 50.000 đồng/chiếc tại TP. Đà Nẵng, ông Hiệp cho biết, chương trình đang áp dụng ở Hà Nội khác Đà Nẵng. Đà Nẵng là thành phố bỏ tiền ra để hỗ trợ doanh nghiệp mở xưởng sản xuất sau đó bán lại cho người dân trên địa bàn với giá thấp trong 2 năm, nên giá bán thấp, còn Hà Nội là các doanh nghiệp từ làm. Các doanh nghiệp mở điểm bán không qua đại lý sẽ tiết kiệm được 25% tiền hoa hồng trích cho đại lý, mức này tương đương với số tiền khoảng 30-70 ngàn đồng/mũ, bằng giá ưu đãi đang áp dụng.
Còn việc các hãng và các đại lý cũng giảm giá theo chương trình, theo ông Hiệp đấy là điều rất tốt. Vì mục tiêu chương trình là người tham gia giao thông có thể tiếp cận được hàng chính hãng mà lâu này nhiều người muốn mua cũng không biết mua ở đâu, với giá cả phù hợp.
Đồng thời, chương trình sẽ góp phần tác động làm bình ổn giá thị trường, vì có rất nhiều cửa hàng, đại lý lợi dụng chủ trương xử bắt buộc đội mũ bảo hiểm để tăng giá. Chương trình sẽ buộc các hãng, các đại lý muốn bán giá cao sẽ không bán được bắt buộc phải giảm giá.
Tuy nhiên, ông Hiệp cảnh báo người tiêu dùng, giá bán các sản phẩm không nằm trong chương trình trên đã đúng giá của nhà cung cấp chưa rất cần phải lưu ý, vì có thể giá cao là do cửa hàng đưa ra, sau đó họ làm đồng thái giảm giá, nhưng thực tế giá đó vẫn cao hơn giá của nhà sản xuất đưa ra (đã tính cả hoa hồng cho đại lý).
Ông Hiệp dẫn chứng, những hãng tham gia chương trình khi bán sản phẩm phải công bố và thông báo giá với Ủy ban ATGT quốc gia, Ủy ban sẽ giảm sát việc này. Nhưng đáng ngại nhất là ở các cửa hàng, cùng một loại mũ giá 200 ngàn đồng đó nhưng cửa hàng bán lại niêm yết giá là 300.000 đồng, rồi sau đó giảm giá xuống 220 ngàn hoặc 250 ngàn đồng chẳng hạn.
“Vấn đề người mua phải xem giá gốc là bao nhiêu, nếu không lại bị các cửa hàng làm giá, thu lợi bất chính. Chứ không phải lấy giá gốc của doanh nghiệp để giảm. Trước khi mua cần xem biểu giá có đóng dấu của nhà cung cấp. Nếu không, nhiều khi các cửa hàng tự dán giá lên mũ”, ông Hiệp cảnh báo.
Tại Hà Nội có hai hãng tham gia chương trình đổi mũ đảm bảo chất lượng giá ưu đãi, sau hai ngày thực hiện, mỗi ngày có khoảng 15.000 mũ được bán ra. Được biết, chương trình đổi mũ tại các điểm di động sẽ được thực hiện trong 3 ngày (từ 23-25/3), và chủ yếu là để tuyên truyền cho người dân biết về chương trình. Sau đó, từ ngày thứ 3 (ngày 26/3), các hãng sẽ có vài trăm cửa hàng trên toàn địa bàn Hà Nội thực hiện chương trình trong 3 tháng. Các cửa hàng này sẽ Ủy ban ATGT quốc gia thông báo rộng rãi cho người dân biết để tìm mua.
Chương trình này kéo dài 3 tháng vì theo Ủy ban ATGT quốc gia, chừng ấy thời gian nếu người dân tới đổi thì mũ không tốt cơ bản cũng hết, lúc đó thị trường sẽ bình ổn lại. “Sau 3 tháng nếu nhu cầu người dân còn cao sẽ tiếp tục thực hiện chương trình”, ông Hiệp cho biết thêm.
Về quản lý thị trường mũ bảo hiểm, theo ông Hiệp, nếu lực lượng quản lý thị trường làm chặt thì nguồn cung cấp, các điểm bán mũ kém chất lượng, mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ không còn. Tuy nhiên, quản lý thị trường không thể rải quân 24/24 được, nên người dân cũng cần tham gia giám sát cùng. Nếu khi mua, hoặc trên đường người dân phát hiện ở đâu bán mũ kém chất lượng, không phải mũ bảo hiểm có thể phản ánh lên báo chí hoặc báo lên Ủy ban ATGT quốc gia, Ủy ban sẽ thông tin lại cho quản lý thị trường để xử lý.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ 15/4, Cảnh sát giao thông sẽ ra quân thực hiện cao điểm xử lý người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải mũ bảo hiểm.
Sự thật về đổi mũ bảo hiểm xịn ở Hà Nội? |
- Lê Việt