1. Đăng tin giảm giá sốc để "hút khách"
Đây là 1 trong những chiêu lừa đảo khá mới và rộ lên trong thời gian gần đây. Chủ của những cửa hàng "ma" này sẽ lập ra một loạt các trang bán hàng, page riêng của shop và đăng tải những mặt hàng đang được nhiều bạn đam mê mua sắm săn lùng với mức giá khá "hữu nghị".
Kiểu lừa đảo phổ biến khác là lập nhiều tài khoản bán hàng online trên mạng xã hội, coppy hình ảnh các sản phẩm trên các trang bán hàng có uy tín rồi đăng thông tin giảm giá “sốc” để thu hút người mua, yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước để giữ hàng, nếu không sẽ hết. Chiêu trò giảm giá là cái bẫy phổ biến khiến nhiều người vội vàng chuyển tiền và bị đối tượng chiếm đoạt.
Do giá trị hàng không cao nên khi xảy ra chuyện bị lừa, phần lớn người mua đành ấm ức “ngậm bồ hòn” vì chỉ biết đối tượng trên mạng, không biết tìm ở đâu, và cũng ngại kiện cáo sẽ mất thời gian.
Khi bị lừa đảo, người mua không nên im lặng mà cần lên tiếng ngay trên các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho người khác cùng biết và gửi khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
2. Nhặt tiền rơi
Khi bạn đang đi trên đường, đột nhiên có một cậu bé chạy đến và nói rằng bạn làm rơi tiền. Dù bạn không thể nhớ mình đã làm rơi trong hoàn cảnh nào nhưng theo phản xạ bạn sẽ nhận lấy tiền và nói lời cảm ơn. Rồi đột nhiên cậu bé đó biến mất. Bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó không? Cha mẹ của cậu bé đó sẽ đến gặp bạn và cho rằng bạn đã đánh cắp tiền của cậu bé, yêu cầu bạn trả lại và bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần.
Bạn nên làm gì?
Hãy kiểm tra lại xem tiền của bạn có đúng là bị rơi hay không. Nếu không phải, hãy từ chối và rời đi nhanh chóng. Tuyệt đối không được lấy đồ của người khác đưa nếu nó không phải của bạn.
3. Trúng xổ số
Một ngày khi bạn đang đi ăn hoặc ở một chỗ công cộng nào đó. Có người đưa cho bạn một tờ vé số miễn phí. Khi về nhà bạn phát hiện ra mình trúng thưởng. Thế nhưng, để nhận giải, bạn phải gọi đến một số điện thoại đã được cung cấp sẵn, sau đó cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của mình để nhận giải. Thực tế đây là trò lừa đảo lấy thông tin cá nhân, và bạn sẽ chẳng bao giờ có được giải thưởng nào cả.
Vậy bạn nên làm gì?
Đừng nhận bất cứ cái gì miễn phí, nếu muốn tham gia, hãy mua vé số bình thường và chờ kết quả được thông báo trên truyền hình.
4. Sự cố thẻ ATM
Hacker thường sử dụng máy ảnh loại nhỏ và thiết bị đọc số thẻ để hack tiền của bạn tại ATM, hoặc bọn chúng sẽ đặt một miếng băng dính vào khe cắm thẻ và làm cho thẻ bị mắc kẹt trong đó, khiến bạn tưởng cây bị hỏng. Trong thời gian bạn lúng túng hoặc tìm người trợ giúp, bọn chúng sẽ đánh cắp thẻ của bạn.
Hãy rút tiền ở những cây đông người, hoặc tại trụ sở ngân hàng đó làm việc. Giả như bạn bị nuốt thẻ thật, hãy gọi cho ngân hàng để khóa giao dịch ngay lập tức.
5. Mẫu thử nước hoa miễn phí
Khi bạn đang đi trên đường, có một cô gái trẻ trung xinh đẹp đến hỏi bạn có muốn dùng thử mẫu nước hoa mới hay không. Cô ta làm như xịt nước hoa lên tay bạn nhưng lại cố tình xịt thẳng vào mắt bạn. Trong lúc bạn hoảng hốt thì một gã đàn ông sẽ chạy đến và giật túi xách của bạn.
Bạn nên làm gì?
Hãy nhớ rằng các nhân viên chỉ tiếp thị ở các quầy hàng của mình hoặc trung tâm mua sắm. Vì thế nếu nhận được lời đề nghị này, hãy lập tức từ chối và rời đi ngay lâp tức.
6. Chìa khóa xe
Bạn đang ngồi ở một quán cà phê đường phố, bỗng có một người đàn ông lạ mặt đi đến gần bạn và đánh rơi chìa khóa. Bạn ắt hẳn sẽ cúi xuống nhặt hộ theo phản xạ, ngay lập tức sẽ có kẻ nào đó xông lại giật túi của bạn. Tất nhiên, bạn sẽ không thể làm gì và biết bắt đền ai bây giờ.
Bạn nên làm gì?
Hãy chọn chiếc bàn phía trong, đừng sát vỉa hè quá. Nếu túi có dây hãy quàng dây vào vai hoặc chân ghế. Nếu gặp người lạ, đừng bao giờ nhặt đồ hộ họ.
* Những kinh nghiệm tránh bị lừa đảo khi mua hàng trên mạng:
Chọn cửa hàng uy tín và chất lượng
Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, khi mua hàng trên mạng xã hội người tiêu dùng nên chọn những cửa hàng có uy tín, được nhiều người biết như trang web chính hãng của sản phẩm, đại lý phân phối…
Ngoài ra, nếu có thời gian bạn nên trực tiếp đến cửa hàng để đảm bảo chất lượng và xem sản phẩm có phù hợp với mình không.
Chỉ trả tiền sau khi nhận và kiểm tra hàng
Đã có nhiều trường hợp không nhận được hàng sau khi đã thanh toán tiền trước cho những người bán hàng online. Để tránh bị lừa đảo người tiêu dùng nên chỉ thanh toán sau khi đã nhận và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Đối với những cửa hàng uy tín và bắt buộc thanh toán trước bạn cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch, đồng thời tránh để lộ thông tin cá nhân cho những người mà chưa xác thực có đáng tin hay không biết được.
Quan sát giao diện Facebook
Hàng chục trang web có giao diện giả mạo Facebook được lập ra hàng ngày khiến bạn có thể dễ dàng sập bẫy nếu như không quan sát kỹ. Địa chỉ chuẩn của mạng xã hội Facebook luôn ở dạng:https://facebook.com hoặc https://www.facebook.com. Nếu địa chỉ truy cập bị đổi thành faecbook.com hay fecabook.com hãy cẩn thận, đó là bẫy của những kẻ lừa đảo.