Dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi

( PHUNUTODAY ) - Ung thư lưỡi là một bệnh ung thư không phổ biến nhưng đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên rất ít người biết được những dấu hiệu nhận biết căn bệnh này. Hãy cùng Phụ nữ Today tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi nhé!

Ung thư lưỡi là gì?

Ung thư lưỡi là bệnh lý xảy ra khi có khối u ác tính phát triển trên bề mặt hoặc phía sau lưỡi gần với cổ họng và thường gặp ở những người viêm cận răng, vệ sinh răng miệng kém, những người nghiện rượu hay những người hay hút thuốc lá.

Dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi

1. Xuất hiện những mảng hoặc đốm màu trắng hay màu đỏ trên bất kỳ phần nào của lưỡi. Theo thời gian, những đốm này không lành mà ngày càng phát triển lớn hơn.

20160310150130-ung-thu-luoi

2. Phần trung tâm của các mảng hoặc đốm này thường mềm và dễ chảy máu, gây loét. Nguyên nhân gây chảy máu thường là do sự chà xát trong khi nhai hoặc nuốt thức ăn. Triệu chứng loét này là dấu hiệu phổ biến nhất, cảnh báo sớm bệnh ung thư lưỡi.

3. Đôi khi triệu chứng ung thư lưỡi có thể đi kèm với tình trạng đau cổ họng khi nuốt nước miếng hoặc thức ăn.

4. Lưỡi và miệng có cảm giác tê, thay đổi giọng nói, lưỡi trở nên khó khăn khi di chuyển và gặp trở ngại khi há miệng.

5 . Một số bệnh nhân ung thư lưỡi đôi khi cũng bị đau ở tai và có một vết sưng trên phần mặt sau của cổ họng.

Lưu ý: Một số trường hợp ung thư lưỡi có thể đi kèm với tình trạng sụt cân. Vì thế, trong trường hợp nhận thấy những dấu hiệu trên, đặc biệt là vết loét trên lưỡi không lành và tiếp tục phát triển sau hai tuần, bạn phải đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Chẩn đoán xác định

ung-thu-luoi-giai-doan-cuoi-1425290230516-56-0-362-600-crop-1425290253358

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng trong đó quan trọng nhất là xét nghiệm mô bệnh học: sinh thiết u để chẩn đoán xác định.

Các xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp Xquang xương hàm dưới, Xquang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương, PET/CT... để đánh giá tình trạng di căn.

Điều trị thế nào?

90% bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Xạ trị: có thể xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương.

Hóa chất: có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa chất hoặc phối hợp đa hóa chất. Hóa chất có thể dùng trước, sau phẫu thuật - xạ trị hoặc hóa chất điều trị triệu chứng. Điều trị hóa chất trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích giảm thể tích khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u, khu trú tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai... ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit.

Những biểu hiện trên có thể tái đi tái lại nhiều lần phải nghĩ đến ung thư lưỡi. Điều cần lưu ý là ở giai đoạn đầu rất nhiều bệnh nhân đã nhầm tổn thương ung thư lưỡi với nhiệt miệng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu bị loét lưỡi sau 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi cần khám chuyên khoa ngay. Để phòng bệnh ung thư lưỡi cần vệ sinh răng miệng tốt, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nhai trầu, hạn chế tối đa uống rượu. Tầm soát với người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn