Vị lãnh tụ Liên Xô không an táng tại Quảng trường Đỏ

10:01, Thứ hai 20/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong số tất cả các lãnh đạo cao cấp của Liên bang Xô Viết, chỉ có một mình Nikita Khrushov không được chôn cất tại Quảng trường Đỏ.

(Phunutoday) - Trong số tất cả các lãnh đạo cao cấp của Liên bang Xô Viết, chỉ có một mình Nikita Khrushov (đọc là Khơ-rút-xốp) không được chôn cất tại Quảng trường Đỏ, nơi an táng tất cả các lãnh đạo cao cấp của nước Nga Xô Viết. Khi còn sống, Khrushov từng nói rằng, ông không muốn nằm chung ở Quảng trường Đỏ với Stalin.

Leonid Brezhnev - người kế nhiệm Khrushov bằng một cuộc chính biến chính trị trong thời gian Khrushov đang đi nghỉ - cũng không đồng ý để người ta dựng tấm bia mộ của Khrushov tại nơi đây. Vì vậy, khi qua đời vì bệnh tim vào năm 1971, Khrushov đã được chôn cất ở một nơi vốn không thuộc về ông: Nghĩa trang Novodevichy…

1. Nghĩa trang Novodevichy nằm ở phía Tây Nam của Moscow, từ xưa đã là nơi an nghỉ của những người danh lưu, quý tộc. Vào thời kỳ sau Cách mạng tháng 10, vị trí của nghĩa trang Novodevichy chỉ xếp thứ hai sau bức tường Điện Kremlin.

Được chôn cất ở nơi đây đều là những người nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho dân tộc và đất nước Nga – Xô Viết. Tại đây, mỗi tấm bia mộ lại có một phong cách khác nhau, và mỗi con người nằm trong ngôi mộ ấy lại là một câu chuyện không hề tầm thường chút nào.

Trong số đó, có lẽ tấm bia mộ với hai màu đen trắng tương phản với độc một dòng chữ: Nikita Sergeyevich Khrushov là tấm bia dễ gây được sự chú ý nhất của mọi người khi đến nghĩa trang này.

Tuy nhiên, vì sao một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong suốt những năm 1953 – 1964 lại phải chôn cất ở một nghĩa trang “hạng hai” như Novodevichy chứ không phải là ở chân bức tường Điện Kremlin, nơi an táng những lãnh tụ của Liên Xô thì lại là câu chuyện ít người biết đến.
 

Nikita Khrushov
Nikita Khrushov


Nikita Khrushov sinh năm 1894 tại làng Kalinovka, tỉnh Kursk, nước Nga trong gia đình một người công nhân mỏ tên là Sergei Khrushov (người cha đã mất năm 1938) – và Ksenya Ivanovna.

Mùa đông, Khrushov đến trường học đọc, học viết, còn mùa hè thì đi làm mục đồng. Khrushov trông rất thông minh, tuy nhiên thời niên thiếu chỉ được đi học trong 2 năm và biết đọc biết viết thành thạo khi 12–13 tuổi.

Năm 1908, lúc Khrushov 14 tuổi, ông cùng gia đình chuyển tới mỏ Uspenskiy gần Yuzovka (bây giờ là Donetsk, thuộc Ukraina).

Khrushov trở thành học trò của người thợ nguội ở nhà xưởng, sau đó làm thợ nguội trong hầm mỏ và như người công nhân mỏ.

Trong Thế chiến thứ nhất, ông tham gia các hoạt động công đoàn và sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, ông gia nhập Hồng quân.

Vào năm 1918 Khrushov được kết nạp vào đảng của những người Bolshevik. Ông tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông làm công tác đảng và kinh tế.

Vào năm 1922, Khrushov trở về Yuzhovka và học ở khoa công nhân trường trung cấp kĩ thuật chuyên nghiệp Dontekhnikum, sau đó trở thành Bí thư Đảng của trường này. Vào tháng 7 năm 1925, ông được chỉ định làm lãnh đạo Đảng huyện Petrovo-Mar'inskiy vùng phụ cận Stalinskiy.

Tới năm 1929, ông vào học ở Viện công nghiệp Moscow, sau đó được bầu làm bí thư đảng ủy viện. Từ tháng 1 năm 1931, Khrushov trở thành Bí thư Ban chấp hành quận Baumanskiy, sau đó là quận Krasnopresnenskiy. Đến những năm 1932-1934, lúc đầu, Khrushov làm Bí thư thứ hai, sau đó là Bí thứ nhất Thành ủy Moscow, Đảng Cộng sản Liên xô.

Bước ngoặt lớn trong con đường trở thành lãnh đạo nước Nga Xô Viết của Khrushov là vào năm 1938 khi ông trở thành Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng Cộng sản Ukraina và là ứng cử viên vào thành viên Bộ chính trị Liên Xô.

Một năm sau đó, Khrushov trở thành thành viên Bộ chính trị BCH TƯ Đảng cộng sản Liên Xô.

Vào những năm diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Khrushov là thành viên các hội đồng chiến tranh của nhiều mặt trận quan trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông mang quân hàm trung tướng.

Trong giai đoạn từ 1944 đến 1947, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Ukraina, sau đó một lần nữa được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Ukraina. Từ tháng 12 năm 1949, một lần nữa ông làm Bí thư thứ nhất tỉnh Moskva và Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô.

Vào tháng 6 năm 1953, sau cái chết của Iosif Stalin, Khrushov là một trong những người khởi xướng chính việc cách chức và bắt giam Lavrentiy Pavlovich Beriya - Bộ trưởng Bộ An ninh và Cảnh sát Liên Xô - với tội danh gián điệp. Nhờ vậy, vào tháng 9 năm 1953, Khrushov được bầu làm bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1958, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

Khrushov nắm những chức vụ này cho tới ngày 14 tháng 10 năm 1964 khi Hội nghị toàn thể tháng Mười BCH TƯ được tổ chức với sự vắng mặt của ông. Khrushov nghỉ hưu, thôi các chức vụ Đảng và nhà nước với lý do về "sức khỏe". Từ đó, Nikita Khrushov sống bằng tiền lương hưu cho tới khi qua đời vào ngày 11 tháng 9 năm 1971 vì bệnh tim.

Với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Liên Xô trong suốt 10 năm từ 1953 tới 1964, theo thông lệ, sau khi mất, Khrushov phải được an táng dưới chân tường Điện Kremlin. Tuy nhiên, cuối cùng người ta lại quyết định đặt thi thể của Khrushov trong nghĩa trang Novodevichy.

Cho tới cuối những năm 80, nghĩa là gần 20 năm kể từ khi Khrushov qua đời, có người đã đề nghị đưa mộ của ông tới Quảng trường  Đỏ.

 Tuy nhiên, đề nghị này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của rất nhiều các nhân sĩ thuộc chính giới Nga lúc bấy giờ, nên mộ của Khrushov cho tới nay vẫn nằm ở nghĩa trang Novodevichy. Vì sao người ta lại không an táng Khrushov ở bức tường Điện Kremlin, nơi vốn thuộc về ông?

Cho tới nay, đây là câu hỏi vẫn còn nhiều dị nghị. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến Khrushov không được an táng tại Quảng trường Đỏ chính là vì sự phản đối của Tổng bí thư Leonid Brezhnev, người đồng chí thân cận và cũng là người kế nhiệm Khrushov.

2. Mối quan hệ giữa Brezhnev và Khrushov cho tới nay vẫn còn mang nhiều bí ẩn. Leonid Brezhnev sinh ngày 19 tháng 12 năm 1906 tại Kamenskoe (Dniprodzerzhynsk hiện nay) tại Ukraina. Giống như nhiều thanh niên khác trong những năm sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917, ông được giáo dục dạy nghề, ban đầu là quản lý đất đai và sau đó trong ngành luyện kim.

Ông tốt nghiệp Trường kỹ thuật Luyện kim Dniprodzerzhynsk và trở thành một kỹ sư luyện kim trong ngành công nghiệp sắt thép ở phía Đông Ukraina. Ông gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên Komsomol vào năm 1923 và vào Đảng năm 1931.

Một thời gian ngắn sau đó, Brezhnev gặp Nikita Khrushov và chính nhờ mối quan hệ này đã giúp Brezhnev trở thành người được Khrushov bảo trợ và tiếp tục thăng tiến trong các cấp bậc lãnh đạo. Giai đoạn 1935-36, Brezhnev thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau khi trải qua các khoá học tại một trường xe tăng, ông làm chính ủy tại một nhà máy xe tăng.

Sau này, vào năm 1936, ông trở thành hiệu trưởng Trường kỹ thuật Luyện kim Dniprodzerzhynsk nơi ông từng là học viên. Năm 1939, Brezhnev trở thành Bí thư Thành ủy Dnipropetrovsk, chịu trách nhiệm về các ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng của thành phố này.

Brezhnev thuộc thế hệ những người Cộng sản Liên Xô đầu tiên không có ký ức về nước Nga trước cuộc cách mạng, và từng quá trẻ để tham gia vào các cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo Đảng sau cái chết của Lenin năm 1924.

Thời điểm Brezhnev vào Đảng, Joseph Stalin là lãnh tụ không thể bị tranh cãi. Những người sống sót sau cuộc “Đại thanh trừng” của Stalin giai đoạn 1937-39 có thể được thăng tiến nhanh chóng, bởi cuộc thanh trừng để lại nhiều chức vụ trống ở các tầng lớp lãnh đạo cao trong Đảng và nhà nước.

Tháng 6 năm 1941, khi Phát xít Đức xâm lược Liên Xô, như hầu hết các quan chức hạng trung trong Đảng, Brezhnev ngay lập tức đăng ký vào quân đội. Ông là người đã tổ chức sơ tán các ngành công nghiệp tại Dnipropetrovsk về phía Đông Liên Xô trước khi thành phố này rơi vào tay quân Đức ngày 26 tháng 8, sau đó ông hoạt động như một chính ủy.

 Tháng 10, Brezhnev được bổ nhiệm làm Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị (tương đương Chính ủy Phương diện quân) cho Phương diện quân Nam, với cấp bậc Chính ủy lữ đoàn.

Năm 1942, khi Ukraina bị quân Đức chiếm, Brezhnev được gửi tới Kavkaz làm Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị Phương diện quân ngoại Kavkaz. Cấp bậc của ông cũng được chuyển thành đại tá. Tháng 4 năm 1943, ông trở thành Chính ủy Tập đoàn quân 18 với cấp bậc thiếu tướng.

Cuối năm ấy, Tập đoàn quân được phiên chế cho Phương diện quân Ukraina 1, khi Hồng Quân giành lại thế chủ động và tiến về phía Tây qua Ukraina. Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị của Phương diện quân là Nikita Khrushchev, người về sau trở thành người đỡ đầu chính cho sự nghiệp của Brezhnev.

Vào cuối cuộc chiến ở châu Âu, Brezhnev là Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị của Phương diện quân Ukraina 4 tiến vào Praha sau khi Đức đầu hàng.

Tháng 8 năm 1946, Brezhnev rời Hồng quân với cấp bậc thiếu tướng. Trong toàn bộ cuộc chiến, ông luôn làm chính ủy chứ không phải là một chỉ huy quân sự. Sau khi làm việc tại các dự án tái thiết ở Ukraina, ông một lần nữa trở thành Bí thư thứ nhất tại Dnipropetrovsk.

Năm 1950, ông trở thành Phó chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, cơ quan lập pháp cao nhất của Liên Xô. Cuối năm ấy, ông được chỉ định làm Bí thư thứ nhất của Đảng tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia.

Năm 1952, ông trở thành một thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và được giới thiệu như một ứng cử viên vào Bộ chính trị.

Sau cái chết của lãnh tụ Stalin vào tháng 3 năm 1953, dù Brezhnev không được làm một thành viên Bộ Chính trị, ông vẫn được chỉ định làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Hồng quân và Hải quân với cấp bậc trung tướng, một chức vụ rất cao cấp trong hệ thống chính quyền Xô Viết lúc bấy giờ.

Nhiều người cho rằng, ông có được chức vụ quan trọng này là do quyền lực mới của Khrushov, người đỡ đầu về chính trị cho ông, đã thành công trong việc lên thay thế Stalin để trở thành Tổng bí thư Đảng. Cũng từ đó trở đi, vị trí của Brezhnev ngày càng được nâng cao.

Nikita Khrushov  và Stalin
Nikita Khrushov và Stalin


Ngày 7 tháng 5 năm 1955, ông trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Kazakh, cũng là một chức vụ quan trọng. Tháng 2 năm 1956, Brezhnev được gọi về Moskva, đưa lên làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị và chịu trách nhiệm kiểm soát ngành công nghiệp quốc phòng, chương trình không gian, công nghiệp nặng và xây dựng thủ đô.

Khi ấy ông là một thành viên cao cấp trong bộ máy của Khrushov và vào tháng 6 năm 1957, ông ủng hộ Khrushov trong cuộc đấu tranh của ông này với nhóm thân Stalin trong giới lãnh đạo đảng, cái gọi là "Nhóm chống đảng" do Vyacheslav Molotov, Georgy Malenkov, Lazar Kaganovich cũng như Dmitri Shepilov đứng đầu. Sau khi đánh bại nhóm đảng viên già, Brezhnev trở thành một Ủy viên chính thức của Bộ chính trị.

Tháng 5 năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao, khiến ông được chỉ định làm nguyên thủ quốc gia dù quyền lực thực tế nằm trong tay Khrushov với tư cách Tổng bí thư.

Cho tới tận khoảng năm 1962, vai trò lãnh đạo của Khrushov vẫn vững chắc. Tuy nhiên, khi tuổi tác đã cao, tính tình ông trở nên thất thường và cách lãnh đạo của Khrushov khiến ông mất lòng tin trong giới lãnh đạo.

Các vấn đề kinh tế ngày càng nghiêm trọng của Liên Xô cũng làm gia tăng sức ép lên chức vụ lãnh đạo của Khrushov.

Bề ngoài, Brezhnev vẫn hoàn toàn trung thành với Khrushov nhưng vào năm 1963, ông tham gia vào một âm mưu loại bỏ Khrushov khỏi chính trường. Thậm chí nhiều người còn nói rằng, chính ông là người tổ chức âm mưu.

Năm ấy, Brezhnev thay thế Frol Kozlov, một người cũng được Khrushov đỡ đầu, làm Bí thư thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Vị trí này khiến ông trở thành người có khả năng kế nhiệm Khrushov.

Ngày 14 tháng 10 năm 1964, khi Khrushov đang đi nghỉ, những người âm mưu hành động. Brezhnev và Podgorny triệu tập Bộ chính trị, lên án Khrushov về những sai lầm trong kinh tế, buộc tội ông là người duy ý chí và có cách cư xử không đúng đắn.

Bị ảnh hưởng bởi những đồng minh của Brezhnev, các Ủy viên Bộ chính trị bỏ phiếu loại bỏ Khrushov. Brezhnev được chỉ định làm Bí thư thứ nhất của Đảng, Aleksey Kosygin được chỉ định làm thủ tướng, và Anastas Mikoyan trở thành lãnh đạo nhà nước.

Mặc dù đây chỉ là một giả thuyết, song nhiều người cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến Brezhnev phản đối việc an táng Khrushov ở Quảng trường Đỏ như những vị lãnh tụ đảng khác trước đó.

3. Cũng có nhiều người cho rằng, trên thực tế, nguyên nhân việc Tổng bí thư Khrushov được an táng ở nghĩa trang Novodevichy chứ không phải là Quảng trường Đỏ chính là do nguyện vọng của bản thân ông. Người ta nói rằng, khi còn sống, Khrushov từng tuyên bố rằng, sau khi chết đi, ông không muốn được chôn cất ở Quảng trường Đỏ, bởi vì ông không muốn nằm chung với người tiền nhiệm của mình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin. Vì sao Khrushov lại từ chối việc “nằm chung” với Joseph Stalin? Duyên cớ lại bắt đầu từ một câu chuyện khác.

Ai cũng biết, trong lịch sử Xô Viết, Khrushov là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tâm điểm của tranh cãi ấy chính là báo cáo bí mật của Khrushov tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Liên Xô vào ngày 14/2/1956. Vào ngày 24/2/1956, sau mười ngày thảo luận, đại hội tuyên bố kết thúc. Khi các đại biểu đã sắp xếp hành lý chuẩn bị ra về thì đột ngột nhận được thông báo, vào đêm hôm đó sẽ tổ chức một hội nghị quan trọng.

Dựa vào một loại giấy thông hành đặc biệt, những đại biểu Đảng Cộng sản nước ngoài bị từ chối tham gia. Khi các đại biểu đảng tới hội trường, Khrushov đã ngồi trên chiếc ghế chủ tịch từ khi nào. Hội nghị đưa ra quy định không được ghi chép.

Khi các đại biểu đã tới đầy đủ, báo cáo của Khrushov đã khiến những người có mặt trong hội nghị hôm đó không khỏi giật mình.

 Báo cáo của Khrushov có tên là “Về sự sùng bái cá nhân và hậu quả của nó”. Trong bản báo cáo này, Khrushov đã lên án sự sùng bái cá nhân đối với Stalin và chỉ ra nhiều chuyện bí mật đằng sau cuộc “Đại thanh trừng” đối với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô dưới thời Stalin cầm quyền.

Điều người ta thắc mắc chính là, dưới thời kỳ nắm quyền của Stalin, Khrushov là người rất ủng hộ vị lãnh tụ này và ngược lại, bản thân ông cũng rất được Stalin tín nhiệm, bồi dưỡng để trở thành người kế thừa mình.

Tuy nhiên, sau khi Stalin qua đời chưa được bao lâu, Khrushov lại quay ngược trở lại phản đối Stalin và những người ủng hộ ông.

Thậm chí, chính Khrushov là người chủ trương việc đưa thi hài Stalin ra khỏi Lăng Lenin để an táng ở ngoài bức tường Điện Kremlin. Điều gì đã khiến Khrushov “trở mặt” với Stalin như vậy? Cho tới nay, đó vẫn còn là một bí mật.

Theo những gì được ghi chép trong cuốn hồi ký của Vadim Ustinov, Phó Cục trưởng thứ nhất, Tổng Cục 2 thuộc tổ chức KGB của Nga thì nguyên nhân chính là vì con trai của ông.

Theo Ustinov, trong suốt nhiều năm, Khrushov luôn cố gắng xây dựng một hình tượng là một người chống lại chế độ tập quyền mà Stalin đã xây dựng và lãnh đạo.

Vì vậy, khi Khrushov trở thành người nắm giữ cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông đã thay đổi toàn bộ cơ cấu quyền lực cao nhất của Đảng và Nhà nước Liên Xô theo nguyên tắc, người đó có trung thành hay không với mình.

Nhiều người đã bị cách chức, bị bắt, thậm chí bị tử hình. Ustinov cho rằng, Khrushov làm tất cả những điều này là để trả thù cho con trai mình.

Quảng Trường Đỏ
Quảng Trường Đỏ


Theo lời của Ustinov thì người con trai cả của Khrushov là Leonid Khrushov, do dính vào tội trộm cướp nên bị xử tội tử hình. Tuy nhiên, Leonid lại là con trai của Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Xô Viết Ukraina, vì vậy đã thoát được án tử hình một cách thần kỳ.

Sau đó, Leonid lại xảy ra chuyện và lại bị bắt ở Kuybyshev. Và lần này, chính Khrushov đã nói với Stalin tha cho con trai của mình và Stalin cũng đã đồng ý. Vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh đang ác liệt, vì vậy, để lấy công chuộc tội, Leonid được đưa ra chiến trường với tư cách một phi công.

Trong lần đầu tiên chiến đấu, chiếc máy bay tiêm kích do Leonid điều khiển đã bay thẳng về phía quân Đức rồi biến mất. Sau đó, các cơ quan hành chính trung ương của Liên Xô và một số nhân viên KGB biết được rằng, Leonid đã bị quân Đức bắt làm tù binh và cuối cùng, anh ta đã đầu hàng quân Đức.

Sau khi Stalin biết chuyện, lập tức hạ lệnh, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa bằng được Leonid về Moscow. Những người được giao nhiệm vụ đã hoàn thành công việc vô cùng khó khăn này, đưa được Leonid về Moscow theo đúng chỉ thị của Stalin.

Theo những chứng cứ mà tổ công tác được giao nhiệm vụ đưa Leonid trở về thu thập được chứng tỏ Leonid đã thực sự đầu hàng quân Đức.

Tòa án quân sự Moscow vì thế đã tuyên án tử hình đối với Leonid. Ai cũng có thể tưởng tượng ra tâm trạng của Khrushov lúc này. Ông đã hai lần thỉnh cầu Stalin giơ cao đánh khẽ đối với con mình. Cũng vì thế, Stalin đã tổ chức một cuộc nghị của Bộ Chính trị để thảo luận về vấn đề này.

 Tại cuộc hội nghị lần đó, tất cả những người tham dự đều nói rằng, Leonid đã được tha thứ tới hai lần và lần này thì không thể tha thứ được nữa. Người phát biểu cuối cùng là Stalin. Tâm trạng lúc đó của ông cũng vô cùng nặng nề bởi lẽ người con trai lớn của Stalin cũng từng là tù binh của quân Đức.

 Stalin quyết định viết quyết định của mình vào bản án rồi đưa cho Khrushov xem. Trong quyết định của mình, Stalin viết: “Nên kiên trì và ủng hộ quyết định của các đồng chí. Nếu tình huống này xảy ra với con tôi, thì tôi cũng sẽ chấp nhận phán quyết này, dù rất đau lòng”. Sau hội nghị đó không lâu, Leonid bị tử hình.

Theo Ustinov, chính vì vụ án dẫn tới cái chết của người con trai cả của mình mà Khrushov mới trở nên thù hận đối với Stalin. Nhiều người cho rằng, đây chính là lý do khiến Khrushov “trở mặt” với Stalin.

Trong cuốn sách “Một đội cảnh vệ Điện Kremlin Moscow” xuất bản năm 1996, tác giả của cuốn sách, từng là Phó tổng cục trưởng, tổng cục Cảnh vệ của KGB tiết lộ rằng, trước khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956, Khrushov đã nói với những người thân tín của mình rằng: “Mặc dù Stalin nay chỉ còn là một bộ xương nhưng tôi sẽ để cho ông ta biết sự lợi hại của tôi”.

Chính vì vậy, trước khi qua đời vào năm 1971, Khrushov đã tuyên bố sẽ không an táng cùng với Stalin ở chân bức tường bên ngoài Điện Kremlin tại Quảng trường Đỏ.

Mặc dù tất cả những câu chuyện nói trên chỉ là những lời kể của một cá nhân và có thể nó không hoàn toàn là sự thực. Tuy thế, nó cũng cho người ta một giả thuyết thú vị để lý giải một điều bí mật được chôn giấu suốt hơn 30 năm qua.

Hà Phương
[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc