Vì sao Diệm, Nhu phải chết! (kỳ 6)

13:55, Thứ sáu 17/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Sau khi đã yên vị trong cái ghế thủ tướng của chính quyền Bảo Đại, ngày 6/10/1955, qua sự cố vấn của Lansdale, Diệm cho tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý”.

 


Đằng sau bức màn vở kịch trưng cầu ý dân

Cũng cần phải nhắc lại rằng, lúc này, Bảo Đại đang ung dung nghỉ mát ở Pháp và chắc mẫm anh em Diệm sẽ chung chi đủ số đô la thương lượng mua bán chức quyền. Bảo Đại không nhận được tiền mà chỉ nhận được hung tin Diệm đã soán ngôi.

Người ta đánh giá Diệm là người mưu toan bán nước ba lần: Lần thứ nhất bán cho Pháp, lần thứ hai cho Nhật và lần thứ ba cho Mỹ. Đó chỉ là “mưu toan”. Nhưng Diệm phản phúc 4 lần thì có đủ bằng chứng. Lần phản phúc thứ nhất và thứ hai Diệm dành cho triều đình và Pháp lúc tranh chấp quyền lực với Phạm Quỳnh rồi bị cách chức.

Lần thứ ba Diệm phản Bảo Đại. Lần thứ tư, Diệm phản bội các thế lực ủng hộ mình. Diệm không phản Mỹ mà chỉ không vâng lời. Như vậy, Diệm hội đủ bản chất: Phản chúa, phản thầy, phản bạn. Những thầy tướng số thuở ấy đều nhận xét như thế khi thấy cái dáng mập tròn, thấp lùn, đi lạch bạch và sắc mặt trắng bệt của ông ta.

Ngày 23/10/1955 các cơ quan công quyền của Diệm cho lính tráng, công an xua dân đi bỏ phiếu để “lựa chọn lãnh tụ” giữa Diệm và Bảo Đại. Một vai là quốc trưởng Bảo Đại - ông vua ăn chơi dòng nhà Nguyễn. Một vế là “chí sỹ thủ tướng toàn quyền kiêm tổng tư lệnh quân đội” Ngô Đình Diệm. Ngày đó, các bích chương ca ngợi Diệm được treo khắp đường phố. Các tờ rơi, áp phích tố cáo Đại được dựng, treo khắp nơi.
Với cách chơi gian lận, kết quả bầu cử được công bố ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm thắng cử với 5.721.735 phiếu (chiếm 98.2%).

Trước kết quả bầu cử đầy yếu tố gian lận đó các giáo phái lên tiếng kêu gọi tẩy chay Diệm. Bất chấp dư luận, Ngô Đình Diệm tự phong làm “tổng thống Việt Nam Cộng Hòa”.

Muốn biết Mỹ đã thò mũi vào chính trường Việt Nam lúc này như thế nào, cần nhắc lại một vài biến cố lịch sử.

Bảo Đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm chính trị của Pháp nhằm tái chiếm Đông Dương mang tên “Nam Kỳ Quốc tự trị”, “Tây kỳ tự trị”, v.. v... Để “vỗ béo” chính quyền Bảo Đại, Pháp gia tăng quân đội “quốc gia”, chấp nhận giao cho người Việt trách nhiệm quân sự, dưới sự chỉ huy của tướng Pháp.

Khi Pháp cuốn cờ tại trận Điện Biên Phủ, Mỹ rất lo lắng. Mỹ không dám tham chiến tại Đông Dương. Vì vậy, tổng thống Mỹ lúc đó là Eisenhower cam kết viện trợ 800 triệu đô la trong tài khóa 1954, 1955 cho Pháp để duy trì chiến trường Việt Nam.

Ngày 16/1/1954, Eisenhower thiết lập một Ủy Ban Đặc Biệt nghiên cứu về Đông Nam Á, gồm Tướng Walter B. Smith, Roger Keyes, Đề đốc Arthur Radford, Allen Dulles (CIA), và C.D. Jackson. Ủy ban này có nhiệm vụ đề ra kết hoạch xâm lược Việt Nam theo một lộ trình thích ứng từng diễn biến. Uỷ ban này yêu cầu Eisenhower bằng bất cứ giá nào cũng phải khống chế được một phần Việt Nam không trả lại cho người Việt Nam.

 Tại Paris, từ ngày 9 tới 11/5/1955 Hội nghị Bắc Đại Tây Dương họp bàn về tình hình Đông Dương. Trong cuộc họp hành lang của hội nghị đó, Mỹ và Pháp bắt tay nhau để cùng giải quyết quyền lợi trên đất nước Việt Nam.

Đại diện Mỹ nhấn mạnh Ngô Đình Diệm chính là “phương tiện duy nhất” (Từ chính xác của Dulles) chở Mỹ và Pháp trên con sông nhiều lợi ích – Việt Nam. Còn bảo Bảo Đại thì “Nếu có thể giữ lại được, chỉ còn khả năng làm lãnh tụ không quyền lực”. Mỹ yêu cầu, Pháp phải ra lệnh cho Bảo Đại yểm trợ Diệm.

Một đại diện khác nhận xét, Ngô Đình Diệm “không những thiếu khả năng lãnh đạo mà còn khùng” (nguyên văn). Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ quan điểm ủng hộ Diệm. Kết thúc cuộc họp đầy kịch tinh đó, Mỹ và Pháp cùng thống nhất quan điểm: Mỹ không tham gia hiệp định Genever nên có lý do tồn tại ở Việt Nam. Pháp rút chân khỏi Việt Nam nhường quyền cho Mỹ.

Ngay sau đó, ngày 12/5/1954, Dulles chỉ thị cho đại sứ Collins rằng Mỹ yểm trợ Diệm không điều kiện.

Bảo Đại không có khả năng làm quốc sự, lười biếng, chỉ thích gái và đánh bài làm cả Mỹ lẫn Pháp thất vọng. Trước uy tín của Hồ Chí Minh và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Bảo Đại và chính quyền Bảo Đại trở thành trò nhảm nhí.

Mỹ muốn có một người khá hơn Bảo Đại nhưng tìm mãi không ra.

Lúc này, sau chuyến đi quảng cáo thương hiệu cá nhân tại Vatican, anh em Thục, Diệm được Mỹ chấm điểm.

Nhờ Mỹ dàn xếp hậu trường, ngày 6/6/1954, chính phủ Pháp cho Ngô Đình Diệm thay Bửu Lộc - Thủ tướng của Bảo Đại. Ngày 12/6, Bửu Lộc lên tiếng từ chức để có cớ cho Ngô Đình Diệm lên thay. Thực ra, từ tháng 5/1954, Mỹ đã yêu cầu cho Bảo Đại về vườn nhưng một số quan chức Mỹ lẫn Pháp đều e ngại khả năng của Diệm nên chưa thực thi.

 Diệm quá nông cạn và tự phụ. Chính sách duy nhất của Diệm là xin Mỹ viện trợ tức khắc mọi lãnh vực, kể cả việc huấn luyện binh sĩ và trang bị vũ khí mà chẳng có giải pháp nào mang tính thông minh. Mỹ đánh giá Diệm chỉ có thể là một tổng trưởng nắm Bộ Nội vụ hay Quốc Phòng.

Tuy nhiên, nhớ mối hận cũ, dựa hơi Mỹ, Diệm bộc lộ thái độ bài xích Pháp lộ liểu nên tháng 8/1954, Pháp muốn đuổi Diệm về vườn để tay giang hồ Bảy Viễn làm thủ tướng. Mỹ không muốn Bảy Viễn. Một lần nữa, vào ngày 21/9/1954, bộ Ngoại giao Mỹ lại phải gửi công điện cho chính phủ Pháp khẳng định lập trường vỗ béo Diệm và chống việc đưa Bảy Viễn ra cầm quyền.

Một lần giữa tháng 09/1954, tướng Pháp Ely ép Diệm nhận Nguyễn Văn Tâm vào chính phủ với lời đe nếu không nghe lời, cái chức thủ tướng của Diệm sẽ được đếm ngược từng ngày. Mũc đích của Pháp là dùng Tâm không chế thái độ bài xích Pháp của Diệm. Diệm mách Mỹ. Mỹ lại phải lên tiếng doạ lại Pháp: Sẽ cắt viện trợ quân sự nếu Pháp chen vào chính sách của Diệm. Thừa thắng, Diệm đánh tiếng với “quốc trưởng” Bảo Đại: Mỹ sẽ không viện trợ cho ai cướp chính quyền trong tay Diệm.

Mỗi lần Pháp chê Diệm là thủ tướng gàn dở, Mỹ đều bênh: Tuy vậy nhưng Diệm biết vâng lời Mỹ.

Trong khi Diệm tự tung hê mình là “người nước Chúa sai khiến lãnh đạo miền Nam bằng tài năng” thì ngày 29/9/1954 Mỹ và Pháp lại bí mật hội đàm để ký một mật ước quyết định vận mệnh miền Nam. Theo đó, Mỹ tuyên bố ủng hộ Diệm. Pháp sẽ trả quyền tự trị cho Diệm. Pháp sẽ bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế cho Diệm đến cuối tháng 12/1954. Mật ước này là động thái chính thức chuyển giao quyền thực dân của Pháp cho Mỹ đối với đất nước Việt Nam. Pháp hết vai trò ở Việt Nam. Đại diện của Mỹ chính là Diệm. Đó là lý do ta gọi chính quyền Diệm là chính quyền Ngụy (giả tạo) do chính Mỹ lập nên chứ không phải do nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Chắc mẫm quyền lực trong tay, Ngô Đình Diệm viết một lá thư tay bằng tiếng Pháp gởi Bảo Đại với lời lẽ tận tuỵ giả tạo:

Kính gởi Hoàng thượng Bảo Đại
Quốc trưởng Việt Nam

Kính thưa Ngài,

Tôi thật vô cùng cảm kích trước những lời tin cậy và khích lệ đầy thương mến mà Ngài đã chỉ thị cho bào đệ Ngô đình Luyện truyền lại cho tôi.

Ngài đã biết rõ sự bất vụ lợi và lòng trung thành của dòng họ chúng tôi, trong quá khứ, đã phục vụ Tổ quốc và Hoàng triều như thế nào. Xin Ngài hãy tin tưởng rằng đến lượt tôi, tôi sẽ cố gắng tiếp tục phục vụ với tất cả sức lực và tâm hồn để xứng đáng với lòng tin cậy thân yêu mà Ngài đã dành cho.
Trong lúc có những giải thích đầy xuyên tạc của dư luận về sự mở rộng thành phần nội các đã gây cho tôi quá nhiều phiền muộn, tôi muốn nói lên đây lòng tri ân của tôi về sự tín nhiệm của Ngài vẫn dành cho tôi.

Thật ra hoài bảo thân thiết nhất của tôi là nhận được sự chấp thuận của Quốc trưởng trong các đại sự của quốc gia, về binh bị, ngoại giao, xã hội, tài chánh hay hành chánh.

Chỉ có sự chỉ đạo khôn khéo và chỗ dựa vững chắc ở quốc trưởng, tôi mới có thể thực thi được những quyền lực đầy đủ để giải quyết tất cả vấn đề có tầm vóc liên quan đến sự sống còn và tương lai của đất nước.

Những cải cách về Hiến pháp và Dân chủ phải được nhanh chóng thực thi theo đúng những lời tuyên bố của Ngài khi Ngài trở về sau chuyến lưu vong.

Nhưng quyền lực của Hoàng triều phải thật sự cứng rắn để bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, kỷ luật quân đội, tôn trọng quyền lợi và tự do của dân.

Trình Ngài, chính trong tinh thần nầy mà tôi đã nhờ bào đệ Luyện thỉnh cầu Ngài hồi loan càng sớm càng tốt, miễn là không trở ngại đến việc chữa bệnh của Ngài ở Pháp.

Tiếc thay khi được tin nầy thì những xáo trộn những âm mưu chính trị không tránh được khi đất nước bị chia cắt, đã tăng lên gấp bội, vì những tham vọng và quyền lợi riêng tư đó đã lo sợ sự hiện diện của Hoàng thượng và sự củng cố chánh quyền của Ngài.

Là người chủ xướng sự hồi loan nhanh chóng của Ngài, thế mà tôi phải đau lòng thỉnh cầu ngài dời hoãn ngày về nước để cho tôi có đủ thời gian cần thiết để san bằng những trở ngại khó khăn và đánh tan một vài thái độ mâu thuẫn.
……………
Để kết thúc, tôi xin đươc phép nhắc lại sự cảm tạ của tôi về sự tiếp tục tín nhiệm mà Ngài đã dành cho.

Tình trạng đất nước, bị xâu xé và tàn phá bởi cuộc chiến lâu ngày nầy đã gây quá nhiều lo âu cho tôi, vì vậy những bằng chứng về lòng tin tưởng thương yêu của Hoàng thượng sẽ là một niềm khích lệ vô giá đối với tôi.

Xin được phép nhắc Ngài rằng khi nhận chức Thủ tướng chính phủ, tôi đã có xin Ngài hứa cho là trong trường hợp chính sách của tôi, nếu xét có bằng chứng có thể phương hại cho Tổ quốc, thì Hoàng thượng sẽ không để những tình cảm tốt đẹp dành cho tôi chi phối, mà sẽ cương quyết chối từ chính sách đó để cứu quốc dân.

Xin phép Ngài cho tôi được tin vào lời hứa đó, vì tôi phải có một chính sách cứng rắn và dũng cảm để đối phó với các sự xáo trộn chính trị và các liên hệ chằng chịt quá phức tạp của những quyền lợi lớn của cá nhân hay ngoại quốc gây ra.

Tôi sẽ làm chuyện nầy với lương tâm thanh thản vì tôi biết trước, nếu trường hợp gặp thất bại, Ngài sẽ sẵn sàng điều chỉnh tay lái khi cần.

Tôi trao thư nầy cho bào đệ Luyện để đệ trình lên Ngài với lòng trung thành tôn kính và thâm sâu của tôi.
Sài gòn, ngày 10 tháng 11 năm 1954
Ký tên Ngô Đình Diệm

Tin lời Diệm, bà Nam Phương chuẩn bị khăn áo để về làm Phụ chánh. Cũng may, bà Nam Phương không về nước vì một vài người ngăn cản. Nếu không, bà sẽ nhận được sự nhục nhã do các thuộc hạ của Diệm đã chuẩn bị sẵn một màn biểu tình lăng mạ để chào đón bà tại sân bay.

Bảo Đại nỗi điên khi nghe tin này và chuẩn bị ra quyết định cách chức thủ tướng của Diệm. Diệm hoảng sợ. Khích lệ Diệm, ngày 28/09/1954, tổng thống Mỹ Eisenhower phải gởi một lá thư cho Diệm khẳng định Mỹ sẽ viện trợ trực tiếp cho Nam Việt Nam đồng thời huấn luyện đào tạo cho Diệm một đội quân.

Bảo Đại đành ngoan ngoãn lệnh cho lệnh Bảy Viễn hợp tác với Diệm. Bảy Viễn văng tục khi nhận được lệnh của Đại.
Để tăng thêm liều thuốc can đảm cho Diệm, ngày 8/11/1954 Mỹ cử tướng hồi hưu J. Lawton Collins sang Việt Nam làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Collins được giao nhiệm vụ đại diện tổng thống Mỹ cấp thời giúp đỡ trực tiếp cho Diệm. Đã có chỗ chống lưng, Ngô Đình Diệm tận dụng cơ hội ra tay với các giáo phái.

Một cuộc đảo chánh bất thành

Trở lại thời điềm đầu năm 1954. Các giáo phái ngu ngơ về chính trị không biết Pháp đã dần mất quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam. Các giáo phái đã tuyên bố thành lập “Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia” tạo liên minh ủng hộ Bảo Đại (tức Pháp), chống Diệm vào ngày 2/3/1954. Họ đã tự đưa đầu cho Diệm báng.

Ngay sau khi tướng Collins sang Việt Nam, việc đầu tiên Diệm làm là cần thanh trừng các lực lượng giáo phái để trả thù. Điểm đầu tiên là Bảy Viễn.

Lúc này Bảy Viễn đang nắm giữ ngành Cảnh Sát - Công An vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Sau khi loại bỏ được tướng Hinh, Diệm mới chỉ kiểm soát được ít khu phố ở Sài Gòn và các trại lính khoảng hơn 5000 quân.

Khởi sự gây hấn với Bảy Viễn, cuối năm 1954, Diệm ra lệnh rút hết giấy phép kinh doanh các sòng bạc và ổ mãi dâm của Bảy Viễn.

Tiếp tục, ngày 15/2/1955, Diệm lệnh đóng cửa sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới. Đồng thời rút hai đại đội từ Phan Thiết, tăng cường thêm 7 chiếc xe bọc thép về bảo vệ dinh Norodom. Một số đơn vị của tướng Trịnh Minh Thế cũng được điều về quanh Sài Gòn, bọc hậu Bình Xuyên.

Ngày 26/3/1955, Diệm chỉ thị phải đặt lực lượng cảnh sát của Bảy Viễn dưới quyền Nha Cảnh sát - Công an Đô thành (Tức Sài Gòn), đồng thời ra lệnh giải tán lực lượng Công an Xung phong Bình Xuyên. Chỉ thị đó khiến, Bảy Viễn nỗi điên. Bảy Viễn lệnh cho thuộc hạ nổ súng chiếm đoạt một số đồn bót cảnh sát. 

Diệm đã phải cử một đại đội dù ứng chiến.

Trưa ngày 28/4/1955, hai phe bắt đầu tấn công quyết liệt.

Bảy Viễn cho nã cối vào dinh Độc Lập. Quân Diệm phản công vào khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn đồng thời chiếm lĩnh các trụ sở của Bảy Viễn. Bảy Viễn cầm cự không lại đã cho phá cầu chữ Y rồi rút về rừng Sác.

Đang đánh Bình Xuyên đến hồi gay cấn thì Diệm nhận được điện của Bảo Đại yêu cầu phải sang Cannes trìmh diện vào ngày 9/5/1955.

Lansdale đánh hơi biết Bảo Đại chơi trò “điệu hổ ly sơn”. Vì cùng thời điểm ấy, Bảo Đại bí mật phong cho Nguyễn Văn Vỹ, đang trú tại Đà Lạt chức Tổng Tư lệnh quân đội. Đồng thời tướng Nguyễn Văn Hinh đang ở Pháp cũng được lệnh của Bảo Đại bay về Việt Nam. Nếu Diệm đi Cannes, tướng Vỹ sẽ nhảy vào chiếm ghế thủ tướng.

 Xác định, đây là động thái của một cuộc đảo chính, Lansdale yêu cầu Diệm ra tay hạ bệ Bảo Đại trước để chiếm ưu thế. Việc khẩn cấp phải làm lúc đó là theo dõi tướng Vỹ và thủ tiêu tất cả những chính khách ủng hộ Bảo Đại. Một cuộc bố ráp, thủ tiêu chính khách được Diệm bí mật ra lệnh cho thuộc hạ thi hành. Hầu hết nạn nhân chính trị đầu tiên của Ngô Đình Diệm đều mất tích bí ẩn.

Trong khi đó tướng Nguyễn Văn Vỹ vẫn không hay biết tình hình đã xoay chiều. Ông ta phong cho Lê Văn Tỵ chức Tham mưu trưởng quân đội. Ngày 30/04/1955, cả hai cùng với một đoàn xe mô tô hộ tống hùng hổ chạy thẳng vô dinh Độc Lập. Một cái lưới của Diệm đang chờ đợi Vỹ tại dinh Độc Lập.

Trước khi Vỹ xuất hiện, Ngô Đình Nhu đã triệu tập được một nhóm khoảng 200 người có máu côn đồ của cái Ủy ban Cách mạng Quốc gia (do Nhu đẻ ra trước đó). Ủy ban này tự xưng là đại diện của 16 đảng phái chính trị tại Việt Nam ủng hộ Ngô Đình Diệm làm quốc trưởng, truất phế Bảo Đại. Họ đang ngồi ở tòa Đô Chánh nóng chờ tướng Vỹ đến.

Tướng Nguyễn Văn Vỹ vừa bước chân vào tiền sảnh, chưa kịp làm gì thì bị đàn em của tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế chỉa súng ngắn vào đầu tước vũ khí và lột lon. Giữa lúc đám sỹ quan đàn em hung hăng như muốn nuốt sống tướng Vỹ, Ngô Đình Diệm vờ đứng ra can ngăn rồi dìu tướng Vỹ vào phòng làm việc của ông ta.

Cùng lúc đó, đám Ủy ban cách mạng Quốc gia ùn ùn kéo tới, miệng hô vang “Ngô Đình Diệm muôn năm! Đã đảo Bảo Đại!”. Thấy khí thế của đám đông to mồm, tướng Vỹ xanh mét mặt mày. Chờ có thế, Diệm chìa cho Vỹ tờ giấy và cây viết bảo: Muốn sống an toàn thì viết tờ cam kết ủng hộ và trung thành với chí sỹ Ngô Đình Diệm, ủng hộ truất phế Bảo Đại. Không còn đường thoát, Vỹ viết cam kết.

Trong thời gian đó, Trần Lệ Xuân dẫn đầu các đoàn biểu tình có thù lao đi vòng vòng Sài Gòn tung hê Diệm, kiếm ảnh Bảo Đại xé, dẫm đạp.

Đại tá Đỗ Cao Trí - Tư lệnh binh chủng dù, nghe tin Vỹ và Tỵ bị bắt giữ liền điện vào dinh. Diệm bắt máy. Đại tá Trí đe dọa Diệm: “Nếu không thả hai tướng Vỹ và Tỵ thì sẽ đưa quân đội tới giải vây”. Trước đe dọa của Trí, Diệm phải ra lệnh trả tự do cho Vỹ và Tỵ.

Sáng hôm sau, tướng Lê Văn Tỵ dẫn trung tá Dương Văn Minh và trung tá Trần Văn Đôn vào dinh Độc Lập tìm Diệm xin được phục vụ. Tướng Vỹ được sang Pháp tỵ nạn chính trị.

Thế là Diệm giao cho trung tá Dương Văn Minh tổng chỉ huy lực lượng chinh phạt Bình Xuyên, trong chiến dịch Hoàng Diệu.
 
d
Ngô Đình Diệm

Ngày 3/5/1955, Trịnh Minh Thế được cho là tử thương khi đang chỉ huy binh lính truy lùng tàn quân của Bảy Viễn ở khu Khánh Hội, Tân Thuận Đông. Trước khi bị nạn, tướng Thế yêu cầu Lansdale yểm trợ pháo binh. Lasdale đang ở trong dinh Độc Lập bảo Diệm ra lệnh đơn vị pháo binh giúp Thế nhưng Diệm từ chối. Diệm còn nói với Lansdale rằng, không việc gì phải quan tâm đến một kẻ thấp hèn như tướng Thế. Lansdale chưa kịp phản ứng thì Ngô Đình Nhu lạnh lùng bảo Thế đã tử trận. Cái chết bí ẩn của tướng Thế đến nay vẫn còn bí mật.

Chính quyền Diệm cho công bố tướng Thế bị tử thương bởi 1 viên đạn carbin găm vào đầu khi đang chỉ huy binh lính trên cầu Tân Thuận. Tuy nhiên, vợ tướng Thế là bà Nguyễn Thị Kim khẳng định, ông chết bởi 2 viên đạn súng ngắn bắn gần từ phía sau đầu. Sau đám tang của tướng Thế, mật vụ của Nhu đã đến tận nhà bà Kim đe dọa, cấm không cho bà tiết lộ chi tiết này.

Bà cũng không nhận được giấy báo  tử của chồng như bao nhiêu binh lính khác của Diệm tử trận. Có nguồn tin cho rằng, ông Thế bị người của Nhu ám sát.

Trịnh Minh Thế nguyên là đại tá của quân đội Cao Đài. Đầu năm 1954, vì lo ngại Ngô Đình Diệm sẽ tiêu diệt giáo phái, đại diện Cao Đài (Phạm Công Tắc), Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ) và Bình Xuyên (Bảy Viễn) bí mật liên kết với nhau bằng danh nghĩa kháng Pháp gọi là “mặt trận toàn lực thống nhất quốc gia”.

Thực ra, đó là một liên minh ủng hộ Bảo Đại, ủng hộ Pháp, chống Diệm. Để tạm giải tỏa mối lo ngại này, tháng 9/1954, Ngô Đình Diệm mời Nguyễn Thành Phương – Trung tướng tổng tư lệnh quân đội Cao Đài về làm Quốc Vụ khanh, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Để đề phòng bất trắc, trước khi ra hợp tác với Diệm, Nguyễn Thành Phương cắt cho đại tá Trịnh Minh Thế 2.500 quân. Trịnh Minh Thế tuyên bố ly khai với quân đội Cao Đài chính thống. Thế kéo quân ly khai vào vùng núi Bà Đen (cách tòa thánh Tây Ninh 15 km về hướng bắc để sẵn sàng tiếp viện Tòa Thánh khi có biến).

Tuy nhiên, qua sự thuyết phục của Lansdale, ngày 30/01/1955, Trịnh Minh Thế đồng ý kéo quân về qui thuận Ngô Đình Diệm với hàm thiếu tướng. Ngày 13/02/1955, Trịnh Minh Thế chính thức làm lễ qui thuận với 2.500 quân.
Bảy Viễn
Bảy Viễn

Khi Lansdale thuyết phục Thế kéo quân về phục vụ cho chính quyền Diệm, Ngô Đình Nhu rất lo ngại. Bởi lúc ấy, quân số của Trịnh Minh Thế chiếm 1/4 tổng quân số của “quân đội quốc gia”. Nếu Thế giả vờ qui thuận để cướp chính quyền thì toi vong công sức lê la cầu cạnh Mỹ.

Vì vậy, chỉ đến khi quyết định đánh lớn với Bình Xuyên, Ngô Đình Nhu mới dám cho Trịnh Minh Thế kéo hết quân “Cao Đài ly khai” về Sài Gòn. Khi chiến dịch Hoàng Diệu đến hồi chót, mối lo ngại về quân Bình Xuyên không còn nữa, Ngô Đình Nhu chuyển hướng lo ngại sang đám quân Cao Đài ly khai. Nếu chủ tướng Trịnh Minh Thế chết, 2.500 quân – Một con số đáng thèm thuồng – sẽ thuộc về quân đội quốc gia.
Vì vậy, Trịnh Minh Thế phải chết.

Ở Pháp, nghe tin Diện đã làm cỏ xong Bình Xuyên, Bảo Đại làm một điều dại dột cuối cùng là ra lệnh cách chức Diệm. Lệnh cách chức ấy chìm lỉm mất tăm hơi trong những trò giống trống thổi kèn của Lansdale, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ở Sài Gòn.

Ngày 23/10/1955, Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất Bảo Đại.
(Còn tiếp)

Hồ Khả Trân
[links()]
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc