Lễ hội mùa xuân Việt - Nhật 2013 được khai mạc sáng nay (20-4) tại Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).
[links()]
Lễ hội năm nay được tổ chức đúng vào dịp hai nước Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, chương trình được Hội Giao lưu văn hóa Việt - Nhật phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch tổ chức.
Vẫn như mọi năm, trong khuôn khổ lễ hội, các bạn trẻ đã hiểu được phần nào những nét đặc sắc về văn hóa của đất nước Nhật Bản như rước kiệu Omikoshi, diễu hành Yosakoi, trà đạo, triển lãm ảnh và búp bê Hina, ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là trình diễn các môn võ thuật Nhật Bản và các trò chơi truyền thống.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc của chương trình lễ hội năm nay là không có sự xuất hiện của những cây hoa anh đào thật như mọi năm. Thay vào đó, một cây hoa anh đào bằng nhựa được dựng lên tượng trưng ngay giữa không gian của lễ hội.
Công chúng Hà Nội chỉ còn cơ hội ngắm hoa anh đào nhựa. |
Nhiều người đã không khỏi thắc mắc vì sao trong lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật lại không có hoa anh đào tươi, biểu tượng của văn hóa Nhật Bản?
Trong buổi họp báo công bố, ông Vũ Khắc Liên, Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Trưởng BTC nói: “Lễ hội mang tên mùa xuân Việt - Nhật, bởi không thể mang hoa anh đào sang. Những năm 2007-2009, chúng tôi tổ chức khá thành công lễ hội hoa anh đào, nhưng vận chuyển hoa rất kỳ công và hoa cũng chỉ giữ được một ngày. Tại Việt Nam, chúng tôi thử ít nhất 3 lần trồng với quy mô lớn nhưng không thành công”.
Công chúng đến trung tâm triển lãm Giảng Võ 2 ngày hội chỉ có thể ngắm anh đào lụa. “Dẫu là hoa anh đào lụa nhưng cũng rất khó khăn vì phải mang từ Nhật sang, nên chúng tôi cố gắng làm một cây thật đẹp, thật giống đặt ở trung tâm sân triển lãm”, ông Liên giải thích.
Còn nhớ năm 2011, lễ hội Genki ít ra vẫn thắm sắc anh đào. Năm nay, người dân Quảng Ninh tưng bừng đón lễ hội hoa anh đào từ 11-13/4, với 100 cành anh đào đến từ tỉnh Okinawa, 5 cây của tỉnh Gifu, ngoài ra chính phủ Nhật tặng tỉnh 100 cây anh đào cho Quảng Ninh.
Vì vậy, đã có không ít người cho rằng do rút kinh nghiệm từ các chương trình được tổ chức tại Hà Nội trước đây, không muốn để việc cây hoa anh đào bị các bạn trẻ giành nhau bứt hoa, bẻ cành lặp lại nên ban tổ chức đã sử dụng hoa nhựa thay cho hoa thật.
Giải thích này được đưa ra cũng khá dễ hiểu bởi tại lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội năm 2008, trong khi nhiều người Nhật xếp hàng để vào cổng thì nhiều bạn trẻ Việt Nam công kênh nhau bật tường rào để vào. Rồi cả nam lẫn nữ ào ạt, xô đẩy nhau tranh nhau bứt hoa bẻ cành những cây hoa anh đào đã được người Nhật kỳ công ghép từ 300 cành hoa anh đào thật.
Phải chăng vì không muốn hình ảnh người Việt trẻ xô đẩy, giành nhau "thanh toán" hoa anh đào ở các năm trước lặp lại nên ban tổ chức đã sử dụng hoa giả thay cho hoa thật? |
Để mang hoa anh đào mỏng manh trước gió sang Hà nội đang nóng mà vẫn tươi sắc hồng, chắc hẳn phải kỳ công.Tuy nhiên, đáng tiếc, lễ hội chưa kết thúc thì người chiêm ngưỡng đã thi nhau vặt trụi và chia nhau 300 cành hoa.
Trong chớp nhoáng, những cây hoa anh đào bị "tiêu diệt" gọn. Bảy cây hoa anh đào giả, hoa làm bằng lụa cùng với đèn lồng được ban tổ chức bố trí các góc sân cũng bị bẻ trụi. Thậm chí những dàn lưới treo lơ lửng hoa anh đào cũng bị nhiều bạn kiệu nhau lên "thanh toán" nốt!
Một hành động không đẹp dù là tác phẩm của một bộ phận nhỏ các bạn trẻ thiếu ý thức nhưng hậu quả nó để lại dường như lại rất lớn. Không biết đến khi nào Hoa anh đào thật mới có thể quay lại với Hà Nội?
- Mai Mai (Tổng hợp từ TTO, TPO)