Vì sao gọi là thời bao cấp?
Thời bao cấp hay còn được người gân gọi nôm na là thời tem phiếu, thời đặt gạch xếp hàng. Người ta gọi thời kỳ đó là "bao cấp" đơn giản là do tất cả đều được Nhà nước đứng ra "bao hết" về các mặt, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm hằng ngày... Trong giai đoạn này, hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra theo mô hình tập trung do Nhà nước chỉ huy.
Đối với nhiều người trẻ ngày nay, thời bao cấp chỉ là tên gọi nhưng đối với nhiều thế hệ trước đó, đây chính là giai đoạn lịch sử mãi ghi dấu trong ký ức với nhiều kỷ niệm khó quên.
Thời bao cấp là giai đoạn nào, kéo dài bao lâu?
Thời bao cấp diễn ra từ những năm 1964-1975 ở miền Bắc và giai đoạn năm 1976-1986 trên cả nước.
Trong ấn tượng của nhiều người, đây là thời của những cửa hàng mậu dịch với chế độ tem phiếu. Tháng 01/1955, các cửa hàng lương thực ở Hà Nội quyết định bán gạo theo phiếu. Từ tháng 3/1955, Hà Nội cấp phiếu gạo chính thức cho người dân. Chế độ tem phiếu này được đưa ra không phải do thiếu hụt nguồn cung mà là cách đối phó với hoạt động đầu cơ gạo trong thời kỳ lúc đó (đây là gợi ý cho chế độ tem phiếu sau này được áp dụng với nhiều mặt hàng khác). Trước năm 1960, trừ gạo có lúc được bán bằng tem phiếu, các mặt hàng khác vẫn được bán lẻ thông thường.
Đến năm 1963, do dân số tăng lên khoảng nửa triệu người mỗi năm và việc công nghiệp hóa khiến lao động từ nông thôn đến các xí nghiệp, khu công nghiệp làm ngày càng nhiều, thương nghiệp buộc phải cung cấp lương thực bằng "sổ gạo".
Đây được coi là thời điểm khởi đầu của thời bao cấp.
Theo đó, các mặt hàng được bán bằng tem phiếu dược bổ sung liên tục, không chỉ dừng ở gạo nữa mà mở rộng ra với cả trứng, sữa, nước mắm, đường, chất đốt, vải, quần áo... Trong thời kỳ này, chế độ tem phiếu được áp dụng nhằm cung cấp sản phẩm theo định lượng hạn chế cho từng người. Ví dụ, công nhân sản xuất thời kỳ đó được 15 kg gạo/người/tháng; nhân viên hành chính sự nghiệp được 13 kg gạo/người/tháng; công nhân viên chức được vải 5m/người/năm; nhân dân thành thị được 4m/người/năm...
Những báu vật xa xỉ của thời bao cấp
Các câu chuyện về thời bao cấp đối với người trẻ đều là nghe qua lời kể, những câu chuyện vụn vặt của ông bà, cha mẹ. Đó là những ngày tháng khó khăn của đất nước, nhiều gia đình chỉ có tóp mỡ và khoai độn cơm; là thời nhiều người phải chờ đến Tết để được ăn miếng giò, miếng thịt trong mâm cơm...
Nhắc đến thời kỳ này, người ta có thể nhớ đến những món đồ mang tính đặc trưng, đại diện cho một thời kỳ lịch sử khó quên.
- Tivi đen trắng
Thời đó, chiếc tivi đen trắng có giá trị lên tới 7-10 chỉ vàng. Đây là một trong những món đồ dùng thười bao cấp có giá bằng cả gia tài mà chỉ có những gia đình có điều kiện thời bấy giờ mới mua được. Thời điểm đó, cả xóm chỉ có 1-2 nhà có điều kiện mua tivi vi đen trắng nên cứ tối đến là người dân trong xóm lại kéo nhau đến nhà có tivi để xem phim hoặc xem thời sự.
- Xe đạp Thống Nhất, xe đạp Phượng Hoàng
Bên cạnh tivi đen trắng, xe đạp Thống Nhất, xe đạp Phượng Hoàng cũng là một vật dụng đặc trưng và có giá trị cao vào thời đó. Chiếc giá đẹp có giá lên tới nửa cây vàng. Đây là số tiền quá lớn so với thu nhập của nhiều gia đình thời bấy giờ. Nhiều cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được phân phối xe đạp Thống Nhất nhưng không dám đi vì đây được coi là vật rất quý, chỉ dám treo xe lên để trong nhà.
- Quạt con cóc, quạt tai voi
Ngày nay, với nhiều người, quạt điện là vật dụng quá quen thuộc, giá thành rất rẻ, hầu như ai cũng có thể mua được. Thế nhưng, ở thời bao cấp, chiếc quạt con cóc nhỏ xinh lại được coi là vật phẩm xa xỉ. Đây là một trong những sản phẩm hiếm hoi được Việt Nam sản xuất vào thời bấy giờ. Quạt con cóc thời đó có giá bán khoảng 35 đồng. Ngoài quạt con cóc, quạt tai voi là sản pẩm cao cấp hơn, giá có thể cao cấp 10 lần là 350 đồng. Trong khi đó, ở thời bao cấp, lương nhân viên mới đi làm chỉ rơi vào khoảng 60 đồng.
- Bàn là
Vào những năm 1970-1980, những chiếc bàn là xách tay từ Liên Xô về cũng là món đồ xa xỉ mà chỉ có những nhà có điều kiện mới có thể sở hữu.
- Chăn con công
Chăn con công cũng được coi là vật phẩm đắt giá ở thời bao cấp. Thời đó, người ta hay dùng loại chăn này để làm quà cưới cho các cặp đôi. Trên chăn có họa tiết đôi công âu yếm nhau hoặc bốn con công múa. Những gia đình có chăn con công thường được xem là khá giả.