Vị tướng “Voi gầm” và chuyện tình với cô thợ chụp ảnh

07:43, Thứ hai 31/10/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chiến thắng Sông Lô không chỉ là bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, mà còn là dấu son trong cuộc đời Trung tướng Doãn Tuế. Bởi nhờ những mối duyên sau chiến thắng đó, mà ông đã có được tình yêu của một người con gái … #160;#160;#160;

Nên duyên nhờ “ông mối” Văn Cao
Vợ chồng Trung tướng Doãn Tuế và con
16 năm sau khi Trung tướng Doãn Tuế qua đời, bà Nguyễn Thị Xuyên - vợ ông -vẫn sống trong căn nhà ở khu tập thể 33B Phạm Ngũ Lão. Gặp tôi, bà nói: “Những chuyện về ông ấy, tôi có thể kể mấy ngày không hết. Nhưng những điều đẹp nhất đọng lại trong ký ức tôi về chồng mình chính là lòng chân thành, vui vẻ và luôn yêu thương tất cả mọi người xung quanh”.
 
Bà Nguyễn Thị Xuyên, vợ cố Trung tướng Doãn Tuế kể, bà gặp ông trong những ngày tản cư ở chiến khu Việt Bắc: “Ngày đó, tôi có một hiệu ảnh ở thị xã Tuyên Quang. Bố tôi đi làm nhiệm vụ cách mạng, nên một mình tôi ở thị xã nuôi mấy đứa em nhỏ. Con gái thời ấy hiếm ai làm nghề chụp ảnh như tôi, nhưng phần vì trách nhiệm nuôi cả đàn em nhỏ, phần vì gia đình có truyền thống với nghề nhiếp ảnh, tôi đã mua nợ hiệu ảnh đó và hẹn sau 2 năm sẽ trả toàn bộ tiền. Tôi vẫn nhớ thời đó, bán một gánh sắn chỉ được 1 đồng, nhưng chụp một bức ảnh phải mất 2,5 đồng. Hiệu ảnh của tôi nhanh chóng ăn nên làm ra, trở thành hiệu ảnh lớn ở thị xã Tuyên Quang. Nhờ hiệu ảnh này mà tôi đã nuôi cả gia đình trong suốt thời kỳ kháng chiến khó khăn”.
 
Ngày đó, bà vừa xinh đẹp, vừa tháo vát, giỏi giang nên được rất nhiều người theo đuổi. Nhưng cuối cùng, bà lại chọn ông - người Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 675, cũng là người có công lớn trong chiến thắng Sông Lô năm 1947. Và nhạc sĩ Văn Cao - người nhạc sĩ nổi tiếng với “Tiến quân ca” và “Trường ca Sông Lô” chính là “ông tơ bà nguyệt” se duyên cho vợ chồng Trung tướng Doãn Tuế và bà Nguyễn Thị Xuyên.
 
Chiến thắng Sông Lô năm 1947, Trung tướng Doãn Tuế khi đó là Đại đoàn trưởng đã cùng với đồng chí, đồng đội của mình lập công lớn, khi chặn đứng một mũi tiến công của địch lên Việt Bắc, phá vỡ thế “gọng kìm” và đập tan âm mưu của địch trong chiến dịch Thu - Đông 1947. Sau trận đánh này, Đại đoàn trưởng Doãn Tuế đã được tặng Huân chương “Chiến sĩ vẻ vang”.
 
Cái biệt danh “Voi gầm” cũng theo ông kể từ đó. Đến bây giờ, trong ngôi nhà của vợ chồng cố Trung tướng Doãn Tuế ở khu tập thể 33B Phạm Ngũ Lão, huân chương “Chiến sĩ vẻ vang” do chính đồng chí Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ ký, vẫn được treo trang trọng. Trên tấm Huân chương đó, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã gọi Trung tướng Doãn Tuế là “Voi gầm”. Chiến thắng Sông Lô năm ấy đã khiến tên tuổi của Trung tướng Doãn Tuế được rất nhiều người biết đến và trở thành một mốc son trong cuộc đời Cách mạng của ông.
 
Sinh thời, Trung tướng Doãn Tuế có mối quan hệ rất thân tình với gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Thân thiết với nhau như anh em, nên sau chiến thắng Sông Lô 1947, nhạc sĩ Văn Cao đã hẹn gặp ông, trò chuyện với ông suốt một đêm để nghe ông kể về trận đánh trên Sông Lô. Chất liệu để viết “Trường ca Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao chính là lấy từ cảm hứng của buổi trò chuyện đêm hôm ấy.
 
Trung tướng Doãn Tuế sinh năm 1917. Trước khi thoát ly theo Cách mạng, ông đã có một người vợ ở quê nhà và sinh được một cô con gái. Nhưng do ốm yếu, bệnh tật, vợ ông đã sớm qua đời, để lại một cô con gái nhỏ. Thương hoàn cảnh của ông còn trẻ đã sớm góa vợ, nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội đã bỏ nhiều công sức mối mai cho ông. Một trong những “ông mối” nhiệt tình nhất chính là nhạc sĩ Văn Cao.
 
Bà Nguyễn Thị Xuyên kể: “Nhạc sĩ Văn Cao chơi rất thân với bố tôi. Vì thế, khi biết tôi cũng theo gia đình đi tản cư ở vùng kháng chiến, chưa có chồng và đang mở hiệu ảnh ở thị xã Tuyên Quang, ông ấy đã nghĩ ngay đến việc giới thiệu tôi với ông nhà tôi, dù rằng ông nhà tôi hơn tôi tới 12 tuổi. Ngày đó chuyện chọn vợ, chọn chồng không phải cứ thoải mái yêu đương rồi đến với nhau như bây giờ. Chúng tôi yêu ai, cưới ai đều phải được sự đồng ý của tổ chức.
 
Ông Tuế nhà tôi là quân nhân, việc lấy vợ càng khắt khe hơn nhiều. Nhưng ông ấy rất tin tưởng nhạc sĩ Văn Cao. Nên khi được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu làm quen với tôi, ông ấy đã tỏ ra ưng ý. Chính tôi cũng vì tin vào lời giới thiệu của một người có nhân cách như nhạc sĩ Văn Cao nên đã chọn ông ấy, dù khi đó tôi được rất nhiều người theo đuổi. Sau này, hai vợ chồng tôi vẫn đùa nhau rằng, có lẽ ngày đó chúng tôi để mắt đến nhau sau lần đầu gặp gỡ, có lẽ cũng một phần vì “tin ông Văn Cao”.
Vợ và con Trung tướng Doãn tuế
Khi được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu, bà biết ông đã có một đời vợ và một đứa con riêng, nhưng bà vẫn quyết lấy ông ấy bằng được, bởi bà đã nghe nhiều người kể về trận đánh sông Lô của ông, về cái biệt danh “Voi gầm” mà mọi người dành cho ông.  Thời yêu nhau, ông ở trong rừng, bà ở ngoài thị xã, họa hoằn lắm mới được gặp nhau.
 
Đến lúc cưới, số lần gặp nhau cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên ông bà chủ yếu trò chuyện với nhau qua những lá thư gửi đi gửi lại, nhưng bà bảo, từ sau lần tận mắt nhìn thấy cái Huân chương “Chiến sĩ vẻ vang” mà ông được nhận sau trận đánh Sông Lô, bà đã có niềm tin rất chắc chắn vào ông. Chính niềm tin ấy đã khiến bà nhận lời làm vợ ông - một người lính cả đời bôn ba hết chiến trường này đến mặt trận khác.
   
Kỷ niệm không bao giờ quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ
 
Bà kể, khi biết hai ông bà yêu nhau, cả thị xã Tuyên Quang ai cũng bàn ra tán vào, thắc mắc này nọ. Có lần thấy bà đi ngang qua, có người bóng gió nói: “Tưởng lấy ai, hóa ra đi lấy anh Tuế “rừng””. Bà nghe thế chỉ cười, chẳng nói gì, nhưng trong thâm tâm, bà biết mình đã lựa chọn đúng.
 
Đám cưới của ông bà diễn ra vào tháng 10/1953, trước khi ông chuẩn bị lên đường chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ về đám cưới của mình, bà tủm tỉm: “Để đảm bảo tính bí mật của chiến dịch, nên ngày đó, ông ấy chẳng hề nói với tôi là sắp sửa phải tham gia một trận đánh lớn. Ông ấy chỉ đùng đùng về, bảo là muốn cưới tôi vì sắp phải đi làm nhiệm vụ dài ngày. Tôi cũng ý thức được đó có thể là nhiệm vụ quan trọng mà ông ấy không thể nói, nên cũng không gặng hỏi gì, chỉ lặng lẽ cùng ông ấy chuẩn bị đám cưới.
 
Đám cưới chúng tôi diễn ra ở một bãi đất trống lớn ở thị xã Tuyên Quang, trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Cô dâu chú rể mỗi người hát một bài. Sau bài hát đó là thành vợ thành chồng.
 
Sau 1 tuần trăng mật, ông đi chiến dịch, để lại bà ở thị xã Tuyên Quang với đứa con đầu lòng đã tượng hình trong bụng mẹ. Bà ở nhà vừa làm việc, vừa chăm sóc đứa con trong bụng, vừa ngóng đợi ông trở về: “Ngày đó, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của ông ấy. Thư ông ấy viết rất tình cảm, rất quan tâm, nhưng ông ấy tuyệt nhiên không nói ông ấy đang ở đâu, làm nhiệm vụ gì.
 
Sau này, đi các chiến dịch khác ông ấy cũng thế, chỉ nói một câu ngắn gọn là đi làm nhiệm vụ rồi đi luôn, chứ không bao giờ hé ra nửa lời với vợ con về công việc mà Cách mạng giao phó. Chính vì không biết nhiều thông tin về chồng, mà đã có lúc, vào đúng những tháng cuối của thai kỳ, tôi đã khóc đứng khóc ngồi vì tưởng chồng mình đã hy sinh.
 
Khi đó, có một người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trở về, có kể với tôi rằng họ đã tận mắt chứng kiến căn hầm nơi chồng tôi ngồi làm việc bị bom đánh nổ tung, cả con ngựa mà chồng tôi cưỡi đứng ngay gần đó cũng bị bay mất nửa cái mông. Nghe tin đó, tôi cứ đinh ninh là chồng mình đã hy sinh, nên cứ khóc hết ngày này sang ngày khác.
 
Thấy tôi khóc nhiều quá, mọi người trong gia đình phải xúm lại động viên, khuyên bảo tôi cố gắng kìm nén nỗi đau để giữ sức khỏe cho đứa con trong bụng. Bố tôi nói: “Đã lấy chồng bộ đội thời chiến thì phải chấp nhận những hy sinh và mất mát như thế. Vợ bộ đội không được khóc. Vợ bộ đội thì phải can đảm hơn vợ những người bình thường”. Nghe lời bố, tôi cũng gắng gượng dậy.
 
Nhưng đúng lúc đinh ninh chồng mình đã hy sinh, thì tôi nhận được thư của ông ấy, báo rằng ông vẫn an toàn, khỏe mạnh, đang tham gia chiến dịch. Bán tín bán nghi, tôi còn nhờ mấy đứa em tôi mang những bức thư cũ của ông ấy gửi trước đây ra so sánh với bức thư này xem nét chữ có khác nhau không. Lũ em tôi ngồi so sánh hai bức thư một lúc rồi nhanh nhảu nói: “Chữ “r” thì giống, chữ “o”, “c”… thì không giống, khiến tôi vừa mừng vừa lo.
 
Tôi chỉ sợ đồng đội của chồng mình đã thay ông ấy viết thư cho tôi, để tránh cho tôi một có sốc lớn trước lúc sinh nở. Nhưng nỗi lo của tôi dần tan biến, khi những ngày sau đó, tôi liên tiếp nhận được những lá thư của ông ấy gửi về từ mặt trận. Mỗi lá thư nhận được, niềm tin vào việc chồng mình còn sống, còn chiến đấu càng mãnh liệt hơn. Niềm tin đó giúp tôi có thêm sức mạnh, vượt qua kỳ sinh nở nhẹ nhàng, mẹ tròn con vuông.
 
Sau khi Điện Biên Phủ giải phóng, kháng chiến chống Pháp kết thúc thì chồng tôi trở về. Hỏi về chuyện hầm bị ném bom và chuyện con ngựa mất mông, ông ấy gật đầu xác nhận. Ông ấy bảo ngày hôm đó, sự sống và cái chết với ông ấy chỉ là tích tắc, là gang tấc. Nhưng ông ấy đã kịp chạy từ hầm của mình sang hầm chỉ huy nên may mắn thoát chết. Đến giờ, đó vẫn là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng chung sống của vợ chồng tôi”.
 
Suốt mấy chục năm sống với nhau cho đến tận khi ông qua đời năm 1995, tính cách mà bà quý nhất ở ông chính là sự giản dị, hóm hỉnh. Bà bảo, cả đời ông chẳng bao giờ biết đến chuyện tiền nong. Mỗi lần lĩnh lương xong, ông đều mang về đưa cả cho bà. Đến lúc cần đi gặp bạn bè, đi liên hoan, ông lại xin bà vài chục nghìn cầm đi. Là một người lính, đã quen với tính kỷ luật, nên ngay cả trong cuộc sống đời thường, ông cũng rất ngăn nắp, trái ngược với tính “hay bày bừa” của bà mà ông vẫn thường phê phán. Thỉnh thoảng, nhắc bà “gọn gàng, quy củ” không được, ông lại “trách yêu”: “Sắp tới tôi sẽ cho đóng tất cả đồ đạc trong nhà thành hình chóp nón, để bà không còn cơ hội bày bừa đồ đạc lung tung”.
 
Mỗi người một tính, nhưng bà bảo cả cuộc đời vợ chồng, ông bà chưa bao giờ to tiếng, nặng lời với nhau dù chỉ một lần - “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” - đó chính là bí quyết hạnh phúc của hai vợ chồng Trung tướng Doãn Tuế - vị tướng “Voi gầm” của Chiến thắng Sông Lô.
 
 
  • Hương Thảo Nguyên   
   
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc