Dân gian xưa thường có câu "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa". Thế nhưng vị vua này không phải xuất thân con vua, và cũng lại chỉ là một cậu bé được gửi lớn lên từ nhà chùa. Đó chính là vua Lý Công Uẩn hay còn gọi Lý Thái Tổ, trị vì từ năm 1009-1028.
Xuất thân kỳ bí
Nói về xuất thân của vua Lý Công Uẩn có những tương truyền và ghi ghép khác nhau nhưng đều không phải xuất thân quan lại phủ chúa cung vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép về xuất thân của vua Lý Công Uẩn rằng: “Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Người mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thân, sau đó về có chửa, sinh Vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ năm (947), thời Đinh”.
Trong khi đó sách Việt sử thông giám cương mục viết: “Mẹ ngài là Phạm Thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm giáp Tuất, Thái Bình thứ năm (947), thời Đinh”.
Sau này nhiều nhà khảo cứu nghiên cứu chùa Tiêu ở huyện Tiêu Sơn, Bắc Ninh tìm ra những thông tin nói rằng mẹ vua Lý Công Uẩn tên thật là Phạm Thị Ngà, là người làng Hoa Lâm, làm thủ hộ của nhà chùa, chuyên quét sân, làm vườn và lo nhang đèn…
Dân gian tương truyền câu chuyện về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn rằng một đêm, trời trong sáng lạ thường, có mây ngũ sắc xuất hiện, trụ trì chùa Ứng Tâm được báo mộng là sẽ được đón vua. Hôm sau thì bà Ngà đang trú ở chùa lại sinh ra một cậu bé. Đặc biệt lạ là trong tay cậu bé đã ghi 4 chữ sơn hà xã tắc đỏ như son.
Từ khi 3 tuổi, Lý Công Uẩn được gửi gắm ở chùa để học tập. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rằng khi 3 tuổi ông được mẹ bồng đến chùa Cổ Pháp gửi cho nhà sư Lý Khánh Văn và được nhà sư nhận làm con nuôi và cũng chính nhà sư đặt tên cho ông là Lý Công Uẩn.
Tuổi trẻ tài cao
Chuyện kể về Lý Công Uẩn rằng ngay từ nhỏ ông đã rắn rỏi tuấn tú khôi ngô. Ông được cha nuôi dạy dỗ tận tình và mới chỉ 6, 7 tuổi Lý Công Uẩn đã thành thạo kinh sử. Công Uẩn thuở nhỏ cũng là cậu bé tinh nghịch. Giai thoại dân gian kể rằng khi được sư sai mang oản lên bệ thờ Hộ Pháp thì Công Uẩn đã khoét ruột oản ăn vụng. Khi bị sư Khánh Văn trách mắng, Công Uẩn ấm ức còn viết vào sau lưng tượng mấy chữ “Đày ba ngàn dặm”. Đêm hôm đó, sư lại mộng thấy Hộ pháp đến ngỏ lời từ biệt rằng “Hoàng đế đày tôi đi xa, xin có lời chào ông”. Sáng hôm sau, sư lên xem pho tượng Hộ pháp quả thấy mấy chữ “Đày ba ngàn dặm” ở sau lưng.
Sau đó sư Khánh Văn gửi Công Uẩn sang học sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ và chính sư Vạn Hạnh là người đã tiến cử Công Uẩn vào triều. Công Uẩn làm võ tướng dưới thời Tiền Lê, giữ chức Điện tiền quân và giữ chức Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005- 1009).
Khi nói về vua Lý Công Uẩn, người ta cho rằng hơn 10 năm được sư Vạn Hạnh giáo dưỡng là giai đoạn quan trọng giúp Lý Công Uẩn tu tâm dưỡng tính, học tập để có trí tuệ, học vấn hơn người và là người yêu nước sâu sắc.
Từ phò mã thành vua
Trong thời gian làm việc ở triều đình, đến thời vua Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn đã được phong làm Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân vệ binh của vua). Đặc biệt trong thời gian làm quan, ông được vua Lê Đại Hành gả công chúa Lê Thị Phất Ngân (con gái vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga), ông trở thành phò mã triều Lê.
Đến khi Vua Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được sự ủng hộ của Phật giáo và quân binh, Lý Công Uẩn được suy tôn làm vua. Ông là một trong những minh quân được lịch sử ca ngợi được đời sau ca ngợi.Tháng 7/1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho Việt Nam.
Lý Công Uẩn trị vì 20 năm từ khi lên ngôi tới khi băng hà. Ông cũng là vị vua đặc biệt có nhiều hoàng hậu nhất. Tổng số ông lập 9 vị hoàng hậu nhưng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì trong số đó chỉ có đích phu nhân là hoàng hậu Lập Giáo được ban xe kiệu, y phục khác hẳn những người còn lại.