Việt Nam học Thụy Điển phạt nặng khách mua dâm?

15:43, Thứ tư 10/07/2013

( PHUNUTODAY ) - Có lẽ, các cơ quan chức năng Việt Nam nên học hỏi cách làm của Thụy Điển đó là xử phạt nghiêm khắc những người mua dâm thì mới hy vọng xử lý được tận gốc tệ nạn mại dâm.

(Đời sống) Để giảm nạn mại dâm, năm 1999, Thụy Điển đã đi ngược luật pháp truyền thống trên thế giới khi ra luật phạt hình sự người mua dâm mà không phạt người bán dâm. Điều này đã khiến ngành kinh doanh mại dâm giảm 70% và sau đó có thêm Nauy, Iceland học theo.


Báo ANTĐ dẫn nguồn tin từ Independent cho biết những thành công trong chống lại nạn mại dâm của Thụy Điển khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Năm 1999, Thụy Điển quyết định đảo ngược quy định về tệ nạn mại dâm, trong đó xử lý hình sự những người mua dâm và cho rằng bắt phạt gái mại dâm là nhầm người. Sau khi luật chống mua dâm được thông qua, Chính phủ Thụy Điển đã chi 7 triệu krone (tương đương 1 triệu USD) cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia để thực thi luật. Nhân sự và phương tiện được cảnh sát tăng cường để giám sát các khu phố nổi lên nạn mại dâm.

Khi đó, luật mới của Chính phủ Thụy Điển gây tranh cãi khá nhiều. Người ta chỉ trích  luật sửa đổi của Thụy Điển sẽ làm cho hoạt động kinh doanh tình dục trở nên đáng lo ngại hơn. Tuy nhiên, Thụy Điển giữ  nguyên quan điểm khi luật được thông qua là đối với tệ nạn này, đàn ông mới là người có lỗi bởi họ bỏ tiền mua vui, còn những phụ nữ bị dồn vào “nghiệp” gái bán dâm qua điều tra từng bị lạm dụng tình dục hay có vấn đề về rượu và ma túy.

Điều tra viên cao cấp Kajsa Wahlberg, báo cáo viên quốc gia về buôn bán người nhớ lại, nhiều người Thụy Điển lúc đó tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của luật. “Trong giới cảnh sát có cả sự thất vọng và giận dữ, bên cạnh đó là khó khăn khi yêu cầu gái mại dâm phải khai báo hay làm chứng chống lại khách hàng của họ”. Chỉ trong năm đầu tiên, cảnh sát phát hiện 90 vụ nhưng chỉ có 6 đối tượng vi phạm bị bắt giữ và phạt tiền.

Nếu phạt kẻ mua dâm, chắc chắn sẽ không còn người đi tìm của lạ, nạn mại dâm hết đất sống
Nếu phạt kẻ mua dâm, chắc chắn sẽ không còn người đi tìm của lạ, nạn mại dâm hết đất sống


Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi luật có hiệu lực. Một cảnh sát chìm với 37 năm trong nghề cho biết, những gì xảy ra 14 năm trước thật bất ngờ. “Khi luật có hiệu lực, đường phố gần như vắng tanh trong 6 tháng”, ông nói. Dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng số gái “đứng đường” ở Thụy Điển hiện giờ không đáng kể. Thống kê mới nhất về tội phạm ở Thụy Điển năm 2011 cho thấy, chỉ có 11 người phạm tội môi giới mại dâm, trong khi 450 đối tượng đã bị kết án và bị phạt tiền vì mua dâm, trong đó có một số khách du lịch nước ngoài.

Ở Việt Nam, nạn mại dâm gây tranh cãi khá nhiều. Trong các cuộc truy quét mại dâm, những người bán dâm, môi giới bị xử phạt nặng còn người mua dâm được giấu tên và chỉ nộp phạt rồi đi về. Chính vì vậy, tình hình tệ nạn mại dâm ngày càng trở nên phức tạp. Rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên coi mại dâm là một nghề, đặc biệt khi Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2012 đã bỏ quy định đưa người bán dâm vào các cơ sở chữa bệnh, giáo dục.

Mới đây, dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Công an quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc. Mức phạt hành chính trên được cho là chưa đủ mức răn đe để "khách làng chơi" phải sợ.

Có lẽ, các cơ quan chức năng Việt Nam nên học hỏi cách làm của Thụy Điển đó là xử phạt nghiêm khắc những người mua dâm thì mới hy vọng xử lý được tận gốc tệ nạn mại dâm, đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

  • Trúc Linh (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc