Việt Nam lãng phí:’Tôi lạnh run khi họp ở Bộ Công thương’

( PHUNUTODAY ) - Cách mở, đóng cửa như thế nào, cho ôxy nhiều quá điện năng tiêu thụ cũng cao. Nhân viên văn phòng phải biết cách đóng cửa như thế nào để không tốn điện năng tiêu thụ nhất.

(Đời sống)- Nhân viên văn phòng thà đắp chăn trong giờ làm việc giữa trời nắng trang trang còn hơn cho tăng nhiệt độ điều hòa bởi ai cũng nghĩ không phải tiền của mình bỏ ra. Không có cách nào tiết kiệm điện công sở bằng cách tuyên truyền ý thức của nhân viên văn phòng.
 
"Tôi cũng lạnh run người khi vào họp ở Bộ Công thương"
 
Khi nhắc tới vấn đề tiết kiệm điện ở công sở từ văn minh sử dụng điều hòa trong phòng làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải thốt lên rằng "khó lắm, từ trước đến nay tôi chỉ thấy người dân tìm mọi cách giảm tiền điện ở nhà mình chứ có ai tìm mọi cách giảm tiền điện ở cơ quan đâu".
 
Lý giải có sự ngược đời như thế này, TS Lợi cho biết vì ở nhà dân chạm đến hóa đơn tiền điện của bản thân họ nên người ta cố gắng hết sức để có thể tiết kiệm điện. Điều mà ai cũng thấy  là ở nhà ra vào tắt điện, tắt điều hòa, tắt quạt nhưng thật lạ, khi ở công sở thì chẳng ai để ý đến điều đó cả. Điều này rất dễ hiểu là do tâm lý sử dụng của chùa, Nhà nước trả tiền, không phải tiền của mình nên cứ dùng đến chán thì thôi.
 
"Họ cứ hạ nhiệt độ xuống, càng lạnh càng thích, họ không có ý thức nên là đối với công sở rất khó để đầu tiên phải nói về ý thức của người ta" - TS Lợi ngao ngán khi nhắc tới việc sử dụng điện chùa.
 
Lấy ví dụ về việc sử dụng điều hòa công, TS Lợi chia sẻ: "Nhiều lần tôi vào Bộ Công thương họp, dù tôi ngồi ở rất xa chiếc quạt điều hòa nhưng vẫn lạnh toát. Tôi tìm điều khiển điều hòa để cài đặt lại nhiệt độ lên 26 độ C. Nhưng khi tôi đi ra ngoài vài phút vào chỗ ngồi ấy lại lạnh quá. Tôi nhìn điều hòa thì nhiệt độ lại được ai đó cài xuống 18 độ C. Ở những nơi như công sở ai sợ rét thì chỉ còn cách chui vào xó xỉnh nào đó khuất gió mà ngồi". 

 

Càng lạnh, dân công sở càng thích vì tiêu tiền nhà nước
Càng lạnh, dân công sở càng thích vì tiêu tiền Nhà nước
 
Không chỉ có hội trường phòng họp ở Bộ Công thương, rất nhiều nơi chỗ nào tôi qua cũng thấy điều hòa công được sử dụng tối đa. Trong khi người ta cài điều hòa ở chế độ 26, 27 độ C thì dân văn phòng cố cho xuống 18 thậm chí 16 độ C để cho lạnh. Càng lạnh, họ càng thích mà quên đi rằng hóa đơn tiền điện Nhà nước cõng hàng tháng và chiếc điều hòa bị quả tải.
 
Bản thân TS Lợi cũng đã phản ánh việc sử dụng điện công với một vị đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội về việc sử dụng điện lãng phí ở công sở. "Tôi phản ánh với ông ấy những gì đang diễn ra rất thật, cơ quan lạnh toát và điều hòa chạy hết công suất sẽ nhanh hỏng, tốn tiền sửa chữa. Tuy nhiên, vị đại biểu này chỉ cười thôi vì thực sự ông ấy cũng không biết nên làm thế nào. Tôi đề xuất nên cử ra một ủy ban giám sát sử dụng điện năng".
 
Để dẫn chứng cho điều mình nói, TS Lợi cho biết, ngày trước ở Đức họ cũng làm rất tốt trong việc quản lý điện tiêu thụ trong khối cơ quan nhà nước. Mùa thiếu điện, người ta quy định một văn phòng chẳng hạn có 4 bóng điện chỉ được bật hai bóng, nếu phát hiện văn phòng nào bật hết bốn bóng điện, công an sẽ đến lập biên bản và yêu cầu nộp phạt. Chế tài xử lý rất nghiêm khắc nên ý thức sử dụng điện tiết kiệm của họ rất cao. Nói người lại nghĩ đến Việt Nam, TS Lợi buồn nói: "Khó, phải thay đổi ý thức thôi".
 
Một điều hòa cõng 10 số điện/ngày
 
Một phòng thiết kế một chiếc điều hòa 12000 BTU, công suất khoảng 1000W/h hoặc 1200W/h. Nếu cài đặt nhiệt độ ở dưới 20 độ C trong vòng 8 giờ (giờ hành chính) chiếc điều hòa sẽ phải chạy liên tục trong thời gian đó. Điện năng tiêu thụ tương đương khoảng 8 đến 9 số điện. Đó còn chưa kể đến giờ nghỉ trưa điều hòa vẫn bật mát lạnh. Một văn phòng còn chạy biết bao nhiêu thiết bị điện khác nữa. Nếu chỉ tính riêng tiền điện điều hòa mỗi tháng hóa đơn tiền điện cũng lên đến cả triệu đồng. Nếu cài đặt ở nhiệt độ 26 đến 27 độ C, cộng thêm có quạt điện điều hòa sẽ chạy trong khoảng 5 giờ vì có chế độ nghỉ. Như thế, sẽ tiết kiệm được 30 đến 35 % điện năng sử dụng.
 
Bàn về cách tiết kiệm điều hòa không khí phải tiết kiệm từ khâu xây dựng. Cách mở, đóng cửa như thế nào, cho ô xy nhiều quá điện năng tiêu thụ cũng cao. Nhân viên văn phòng phải biết cách đóng cửa như thế nào để không tốn điện năng tiêu thụ nhất.
 
Việc tiết kiệm điện năng ở điều hòa nhiệt độ, cơ bản là cài đặt nhiệt độ. Thông thường, cài đặt 26, 27, 28 độ C, nhiệt độ ngoài trời thấp đặt thấp.  Nếu nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C nên đặt điều hòa 26 độ C, nhiệt độ ngoài trời 32 độ Cđặt 27 độ C. Nhiệt độ lên 35 độ C có thể đặt 28, 29 độ C ở trong nhà. Có thể dùng quạt thêm có thể tăng nhiệt độ cài đặt trong nhà lên. Nếu tăng nhiệt độ trong nhà 1 độ thôi cũng có thể tiết kiệm được từ 3 đến 5 % điện năng. Điều kiện bắt buộc ở mỗi văn phòng là ra ngoài phải tắt máy điều hòa.
 
Còn một biện pháp khác có thể tiết kiệm điện năng đó là sử dụng điều hòa trung tâm. TS Lợi cho hay "Tôi đã liên hệ một số nơi lắp điều hòa trung tâm. Người ta bảo có thể khống chế được nhiệt độ. Họ điều khiển 26 độ C nhưng nếu trong phòng có muốn điều khiến xuống 16, 18 độ C cũng khó. Nấc 26 độ C do trung tâm điều khiển. Điều hòa đó chỉ có tác dụng cài từ 26 độ C trở lên chứ không cài dưới 26 độ C được. Nhưng phần lớn ở Việt Nam không có điều khiển trung tâm".
 
Còn một việc tiết kiệm điện năng tốt từ điều hòa nhưng hầu như không ai để ý. Theo TS Lợi nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa mà không ngắt aptomat thì điều hòa 9000 BTU vẫn mất 15W/h. Nếu mùa đông không tắt thì vẫn bị hao mòn điện của Nhà nước. Mùa hè tắt xong cứ để đó. Chỉ tính thế, mỗi ngày 24 tiếng điều hòa sẽ mất đến 0,3 - 0,4 số điện cho một máy điều hòa.
  • Bảo Trâm

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn