(Đời sống) – Sau lời xin lỗi của các Bộ trưởng, lãnh đạo, showbiz tới tử tù, giờ tới lượt người dân cũng lên tiếng xin lỗi người đã nổ súng bắn con mình, quả là cuộc sống hiện đại khiến người Việt cũng trở nên văn minh, lịch sự hơn.
Cách nói lời xin lỗi của tử tù, showbiz và Bộ trưởng |
Sau khi xảy ra vụ việc đại úy Trần Ngọc Hoàng (Đội CSGT, Công an TP.Thanh Hóa) nổ súng bắn đạn cao su làm bị thương Lê Văn Ngọc (36 tuổi, giáo viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương) và Tô Thế Kỷ (47 tuổi, cùng quê xã Quảng Thái, Quảng Xương) vì vượt đèn đỏ, không cấp hành hiệu lệnh của CSGT còn cố tình bỏ chạy, xảy ra chiều 16/7, người nhà anh Ngọc đã lên tiếng xin lỗi đại úy Hoàng.
Đại úy Trần Ngọc Hoàng truy đuổi và nổ súng bắn Ngọc và Kỷ vì lỗi vượt đèn đỏ và bỏ chạy. |
Tờ VNE dẫn lời bà Đỗ Thị Huyền (mẹ anh Lê Văn Ngọc) nói: “Công bằng mà nói, việc này xảy ra là do cả hai bên đều sai. Thay mặt gia đình, tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới anh Hoàng và mong sự việc được giải quyết hợp tình, hợp lý”.
Chị Thơ (vợ anh Ngọc) đang chăm sóc chồng tại bệnh viện cũng nói: “Mấy ngày qua, nằm trên giường bệnh, anh ấy suy nghĩ rất nhiều và nói không cố ý. Vợ chồng tôi xin nhận lỗi với anh Hoàng (đại úy Trần Ngọc Hoàng – PV)”.
Diễn biến mới này xảy ra sau khi clip quay lại toàn bộ diễn biến quá trình truy đuổi và nổ súng của đại úy Hoàng vào anh Ngọc và anh Kỷ được tiết lộ, ai đúng, ai sai vẫn còn phải đợi kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra.
Về phần mình, sau khi xảy ra vụ việc trên, đại úy Trần Ngọc Hoàng đã đến gia đình các nạn nhân thăm hỏi và thương lượng. Đại úy Hoàng tâm sự: “Tôi cảm thấy day dứt vì đã nổ súng”.
Qua vụ việc trên chúng ta có thể thấy người Việt mình sống rất tình cảm, yêu thương, chia sẻ cùng nhau, khi bất kể sự việc gì xảy ra, lý do gì, ai gây ra, trước tiên đều phải xin lỗi, rồi sau đó mới phân rõ đúng sai. Chứ không hề có chuyện vô cảm, thấy chết không cứu, hay đã gây tai nạn thì chèn xe qua cho nạn nhân chết hẳn, khỏi phải mất công chăm sóc… như các bài báo đã rêu rao thời gian qua, có thì có đấy nhưng đấy chỉ là hy hữu, cá biệt ở một vài cá nhân, chứ xã hội cơ bản toàn người tốt, đa phần là người biết điều cả.
Quý vị hãy cứ nhìn vụ việc kể trên là rõ liền, trong khi người nổ súng vẫn chưa lên tiếng xin lỗi, mà đang bận “day dứt” thì người bị bắn đã lên tiếng xin lỗi trước, dù chưa biết ai đúng ai sai, khi sự việc còn đang được điều tra. Phải chăng nạn nhân và người nhà nghĩ rằng “lời xin lỗi đi trước là lời xin lỗi khôn” nên có hành động hơi ngược như trên. Nhưng xét cho cùng đây là một sự tiến bộ đáng ghi nhận của người Việt, khi đã dần quen hơn với việc nói lời xin lôi, dù cho lời nói đó được phát ra từ bên nào, người gây ra vụ việc hay là người phải gánh chịu hậu quả đều là tín hiệu tốt cả.
Trước đây lời xin lỗi trong xã hội kể ra cũng không nhiều lắm, nhưng thời gian gần đây, cùng với hội nhập kinh tế là văn hóa, xã hội, người Việt càng ngày càng thích nói lời xin lỗi hơn. Từ Bộ trưởng, lãnh đạo lên tiếng xin lỗi người dân tới showbiz, tử tù, giờ tới lượt nạn nhân cũng lên tiếng xin lỗi người gây ra vụ việc. Quả thực là khi người Việt không học hỏi thì thôi, đã học hỏi thì bao giờ cũng có sự chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện Việt.
Cũng không rõ ý xin lỗi cảnh sát đã nổ súng bắn mình của anh Ngọc và người thân có ý gì? Xin lỗi vì đã vi phạm luật còn chọc tức anh cảnh sát để anh phải nổ súng, xin lỗi khiến anh phải nổ súng để dẫn tới anh bị đình chỉ công tác và đối mặt với án kỷ luật, xin lỗi vì làm sự nghiệp của anh trở nên chông gai hơn, xin lỗi vì tôi vượt đèn đỏ làm anh phải nổ súng nên giờ vướng vào bê bối không cần thiết này, xin lỗi vì đã làm phí của anh viên đạn cao su, hay xin lỗi vì anh đã bắn tôi bị thương…
Nhưng dù xin lỗi vì lý do gì đi nữa, thì trên hết đấy là thể hiện tình cảm, sự nhận thức, tuy có hơi muộn mằn của người gây ra lỗi đầu tiên, dù lỗi đó nặng hay nhẹ, cứ có lỗi là phải xin dù cho đó có là lời nói cuối cùng đi chăng nữa.
- Phạm Thanh