Vợ sướng còn không biết đường sướng

15:10, Thứ năm 26/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Lấy chồng được 10 năm, nhà có 2 mặt con nhưng bao giờ chuyện tiền nong trang trải trong gia đình chồng tôi luôn... nhường cho vợ. Việc lớn anh lo hết rồi, ba cái chuyện cỏn con mà khi nào cũng kêu ca.

Cuối năm, tết nhất sắp đến nơi rồi mà nhà tôi chẳng còn đồng nào hết. Nói ra thì ai cũng bảo là kêu ca nhiều. Hai vợ chồng công chức có lương thưởng hẳn hoi, vậy mà còn kêu thì người lao động tay chân có mà chết đói hết.

Thế nhưng có rơi vào hoàn cảnh tôi mới thấy cuộc sống lấy chồng ở thành phố mới cực khổ và ...oan ức làm sao. Lấy chồng được 10 năm, nhà có 2 mặt con nhưng bao giờ chuyện tiền nong trang trải trong gia đình chồng tôi luôn... nhường cho vợ. "Việc lớn anh lo hết rồi, ba cái chuyện cỏn con mà khi nào cũng kêu ca". Hễ lúc nào tôi hỏi đến tiền là chồng tôi lại trả lời tôi câu đấy!

vợ sướng mà không biết đường sướng

Mà việc lớn anh lo là cái nhà mà bố mẹ anh để lại cho vợ chồng tôi. Tám năm sống chung cùng bố mẹ chồng, lo lắng phục vụ thuốc men cho ông bà khi tuổi già sức yếu. Đến lúc ông bà mất để lại cho vợ chồng tôi căn hộ tập thể 30m2 làm chỗ chui ra chui vào của cả nhà. Anh hãnh diện cho rằng vợ chồng mình như thế là sướng lắm rồi. Khối người còn đang phải thuê nhà, cuối tháng lại nhăn nhó mặt mũi đóng tiền trọ đấy thôi.

Cho rằng việc lớn đã lo xong, tất thảy những việc cỏn con như cơm nước, sinh hoạt hằng ngày đến tiền nong học phí cho con, chồng tôi đều để cho vợ được tự lo. 

Dù rằng nhận lương chồng tôi cũng biết trích một khoản nộp cho vợ. Thế nhưng lương nhà nước cộng với các khoản phụ cấp các loại được gần 8 triệu đồng, anh đưa cho vợ 6 triệu, còn lại để chi tiêu cá nhân. Anh cho rằng từng đấy tiền đóng góp là vợ phải biết thu vén cho đủ.

Của đáng tội nếu chỉ có chi tiêu trong gia đình thì mẹ con tôi cũng phải biết cách bớt trước, xén sau cho đủ. Ai cũng biết là kinh tế ngày càng khó khăn, không dè xẻn chi tiêu thì làm sao mà đủ được. Nhưng sự thể đâu chỉ có vậy. Tổng tiền anh đưa hàng tháng cộng với tiền lương của tôi cũng được gần 14 triệu đồng. Tôi cũng phải chia 5 sẻ 7 để dành một ít nhỡ đâu đau ốm.

Thế nhưng cứ hễ nhìn thấy nhà có tiền là chồng tôi lại đưa cho đằng nội. Khi thì chị gái sửa nhà, em chồng muốn mua máy tính. Có lúc đến ngày đóng học phí cho con, tôi mở tủ thì phát hiện nhà chẳng còn đồng nào. Bực mình hỏi anh thì chồng tôi thản nhiên: "Thằng bạn thân của anh vợ nó phải mổ ở bệnh viện, anh đưa cho nó tiêu tạm, khi nào có thì nó trả sau". 

Chồng tôi không hề có khái niệm gì về việc chi tiêu trong gia đình. Nếu kêu anh ngồi cùng tôi để cho anh biết một tháng hết bao tiền để duy trì cái nhà này thì anh cáu kỉnh: "Anh có hẹp hòi gì với mẹ con em đâu. Có đồng thưởng nào là anh chẳng đem về nộp cho em còn gì!".

Còn khi mà anh chị em của anh cần đến tiền là kiểu gì anh cũng về nã đầu vợ. Đã có lúc tôi phải gào lên với anh: " Anh xem em có phải là con nợ của anh từ kiếp trước không? Sao cái gì cũng đổ lên đầu em hết vậy? Đấy, anh cứ cầm mấy đồng lương của anh mà lo cho cái nhà này xem anh trụ được bao lâu!"

Bây giờ tết nhất đến nơi rồi, đến một cái áo cho tử tế tôi cũng không dám mua cho mình để mặc. Đứa bé thì quanh năm mặc đồ thừa của chị. Nhìn thấy con cái người ta học hành cái này cái khác, tôi cũng thấy xót con mình. Nhà khó khăn nên không cho con học hành được tử tế cho bằng bạn bè. 

Thế nhưng chồng tôi không bao giờ hiểu điều đó. Nhiều lúc tôi cảm giác với anh chỉ cần thấy tất thảy mọi người vui vẻ thì mẹ con tôi chịu thiệt cũng không sao. Anh chưa bao giờ nghĩ cho mẹ con tôi hay thương vợ phải tằn tiện chắt bóp. Trong mắt anh, tôi chỉ là người đàn bà chỉ biết có tiền, ki bo mà thôi.

Mọi cuộc tranh luận về tiền nong trong nhà đều kết thúc bằng cãi vả, nên tôi trở nên chai lì. Giờ thu góp được đồng nào tôi gửi vào tài khoản và giấu biệt thẻ ATM không cho chồng biết. Tôi lo sợ một ngày nhỡ gia đình tôi gặp sự cố gì thì không có đồng nào để xoay xở.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải tôi lo quá nhiều nên lo mất hết cả phần chồng tôi không? Đàn ông người ta biết lo lắng kinh tế cho vợ con, chứ không phải như chồng tôi luôn gạt gánh nặng ấy sang vai vợ. Đã thế còn luôn miệng kêu vợ sướng còn không biết đường sướng. Được tự chủ lo mọi thứ rồi mà còn suốt ngày kêu ca!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự