Sau nhiều lần suy nghĩ và cân nhắc thấu đáo, danh hài đất Bắc Vượng râu mới chính thức mở lòng nói về việc VTV3 phát sóng tiểu phẩm bé Quỳnh Sao với hình mẫu giống Quỳnh Anh, thí sinh của cuộc thi Vietnam’s Got Talent khiến dư luận phẫn nộ. Anh nói bằng cảm nhận của người làm nghề và chia sẻ những chiêm nghiệm về đích cuối cùng của tiếng cười.
[links()]
PV: - Là một danh hài, anh có theo dõi tiểu phẩm Thư giãn cuối tuần phát sóng ngày 25/2 trên kênh truyền hình VTV3?
Vượng râu: - Gần đây, tôi liên tục đọc những thông tin về bé Quỳnh Anh của Vietnam’s Got Talent và Quỳnh Sao của Thư giãn cuối tuần.
Tôi thấy các nghệ sĩ tham gia tiểu phẩm (diễn viên Công Lý, Tự Long-pv) về bé Quỳnh Sao là những người vô can, bởi họ là những người thực thi, có trách thì trách những người duyệt kịch bản. Người duyệt kịch bản là người cần phải xem xét lại.
Tuy nhiên, khi báo chí đưa tin một đồng chí lãnh đạo cấp cao của nhà đài nói rằng: chúng tôi chẳng liên quan gì, nội dung kịch bản cũng chẳng ảnh hưởng gì, rồi sự việc này nó đã xảy ra rất nhiều… Khi đọc xong những thông tin này, tôi nghĩ cái vị lãnh đạo cấp cao đó cần phải xem xét lại những câu nói của ông ấy!
Nhưng ngẫm ra mới thấy, họ nói thế cũng phải. Bởi, mọi người cũng quá hiểu vì sao họ lại có tên gọi “nhà đài”.
PV: - Ý của anh là?
Vượng râu: - “Nhà đài” có nghĩa là đài của nhà tôi, vì vậy tôi thích làm gì tôi làm!
Danh hài đất Bắc Vượng râu |
PV: - Phản ứng tức thời của bản thân anh như thế nào khi xem tiểu phẩm về bé Quỳnh Sao hát bài Tình Trai?
Vượng râu: - Vô tình, bữa đó tôi có xem chương trình này, khi xem xong tôi có nói luôn với cháu tôi rằng: chương trình này kiểu gì rồi cũng có chuyện.
Đúng như những gì tôi dự đoán, ngày hôm sau báo chí đưa tin khắp nơi về tiểu phẩm bé Quỳnh Sao thi hát giống bé Quỳnh Anh.
Chắc chắn sau khi xem tiểu phẩm bé Quỳnh Anh sẽ bị tổn thương rất nhiều. Bởi vì Quỳnh Anh chỉ mới 15 tuổi, chưa thể đứng vững để có thể chịu đựng được những chỉ trích của khán giả. Trong khi chính khán giả cũng chưa hiểu tường tận về Quỳnh Anh dự thi như thế nào?
Tôi khóc cho Phương Anh xương thủy tinh, Quỳnh Anh Got Talent”. Đây mới là bài báo tuyệt vời, phản ánh đúng trọng tâm của vấn đề.
PV: - Từ tác phẩm, đánh đánh giá thế nào về tay nghề đạo diễn kịch bản Thư giãn cuối tuần phát sóng ngày 25/2?
Vượng râu: - Cái tầm nhận thức của đạo diễn này không thể hôm nay thấy có người ngã xe ở ngoài đường, hôm sau đã mang ra làm trò cười được.
Cái cười nó ở chỗ nào, sự vật hiện tượng xung quanh đời sống xã hội này không thiếu.
Tôi ví dụ cụ thể, từ hai đám cưới của đại gia vung tiền vừa rồi, Tết năm nay tôi sẽ ra được một đĩa hài. Việc làm này tôi nghĩ, ai cũng sẽ ủng hộ. Bởi vì, chỉ cần bớt đi một chút tiền phung phí, lãng phí khoảng 1 tỉ đồng, chúng ta sẽ làm được công tác từ thiện nhiều ý nghĩa.
Việc làm đĩa về vấn đề này, kể cả không hay thì ai cũng sẽ ủng hộ. Đằng này, một hiện tượng quá bé, một sự việc của một cháu bé cũng còn quá bé mà lại đi đổ thêm dầu vào lửa như thế thì sự việc nó sẽ đi mãi, đi mãi.
Nghĩa là anh cười gì thì cười nhưng vẫn phải hướng thiện, hướng tới điều tử tế.
PV: - Vậy nếu đặt vào hoàn cảnh của anh, khi anh làm một chương trình mà bị hàng triệu người phản đối thì anh sẽ xử lý như thế nào?
Vượng râu: - Đương nhiên, khi làm một chương trình mà bị hàng nghìn, hàng triệu người phản đối thì tôi buộc phải xem xét lại phong cách biểu diễn của mình chứ!
Với trường hợp của “nhà đài”, tạm thời không bàn đến nội dung câu chuyện nhưng nó lại vô tình phát trong giai đoạn nhạy cảm nhất thì không nên.
Tôi biết, những người thực thi chỉ là những người vô tình thôi, còn những người cho phép phát sóng nội dung tiểu phẩm bé Quỳnh Sao cần phải xem xét lại.
Đương nhiên, với bản thân “nhà đài” thì không ảnh hưởng nhưng đối với xã hội thì có ảnh hưởng.
"Tôi không tìm hiểu nhiều về cuộc thi Vietnam’s Got Talent, nhưng tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang quá tin tưởng vào các chương trình truyền hình thực tế mà nó không thực tế. " |
PV: - Còn về chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Got Talent?
Vượng râu: - Tôi không tìm hiểu nhiều về cuộc thi Vietnam’s Got Talent, nhưng tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang quá tin tưởng vào các chương trình truyền hình thực tế mà nó không thực tế.
Tôi không bênh cho bé Quỳnh Anh bởi tôi không biết cô bé này là ai, mà tôi cũng không bênh cho bất kể ai. Vấn đề ở đây, là nhà đài cần phải cân nhắc, lựa chọn có nên làm tiểu phẩm Quỳnh Sao trong chương trình quá nhạy cảm hay không!
Thực ra, những thể loại này tôi đã làm nhiều rồi. Nhưng trong giai đoạn không nhạy cảm nó khác và trong giai đoạn chưa biết đúng sai thế nào nó cũng hoàn toàn khác.
PV: - Anh từng tham gia rất nhiều các chương trình, vậy anh đánh giá như thế nào khi ban tổ chức chương trình thường lấy lý do tôn trọng thực tế, đưa hình ảnh trung thực khách quan để giải thích các sự cố?
Vượng râu: - Mặc dù không phải là kiểm soát viên nhưng tôi dám khẳng định rằng: “Tất cả các chương trình, yếu tố không thật của họ có thể chiếm 50%”.
Vì vậy, từ người xem đến các nhà báo nhiều khi vẫn bị lòe bởi một vài lời phát biểu của những người có chức sắc, thành ra cứ đi theo chiều hướng tiêu cực.
Rất tiếc về trường hợp Quỳnh Sao – Quỳnh Anh có thể do trùng hợp hoặc ngẫu nhiên ngoại trừ các nghệ sĩ tham gia diễn trong tiểu phẩm thì những người có thẩm quyền cũng nên cân nhắc, xem xét lại. Chẳng thể ngẫu nhiên đến gần 100% như vậy.
Càng không thể giải thích: “Tôi là nhà đài, đài của nhà tôi, tôi thích làm gì tôi làm, không sao cả.”
Vượng râu: "Chắc chắn bé Quỳnh Anh sẽ bị tổn thương rất nhiều. Bởi vì Quỳnh Anh chỉ mới 15 tuổi, chưa thể đứng vững để có thể chịu đựng được những chỉ trích của khán giả. Trong khi chính khán giả cũng chưa hiểu tường tận về Quỳnh Anh dự thi như thế nào?" |
PV: - Nhà đài so sánh với trường hợp phản ánh các thực trạng xã hội, tương tự như chương trình Táo hàng năm chứ nhà đài đâu có nhắm đến một đối tượng cụ thể nào đâu?
Vượng râu: - Chương trình Táo nó hoàn toàn khác. Bởi chương trình Táo là chương trình mang tầm cỡ lớn và nó nói đến các vấn đề lớn của xã hội chứ không thể bây giờ cứ có một ai đấy, gặp một vấn đề gì đó lại mang ra phản ánh thì thành ra lại chợ búa quá!
Thậm chí, tôi dùng từ “hàng chợ” quá. Bởi vì “hàng chợ” nên gặp những khán giả có học thức một tí họ sẽ cảm thấy rất “rẻ tiền”.
“Rẻ tiền” ở đây có nghĩa là: cái gì “ông” cũng đưa lên được, đưa cái gì nó phải có tính chất nổi trội, nổi cộm mới cần đưa, chứ những gì nó không nổi, chưa tới tầm thì không nên đưa. Những gì tôi nói vừa rồi là dưới góc độ một khán giả xem truyền hình.
Thực ra, nội tình nó như thế nào thì những người làm nghề họ đều hiểu hết.
PV: - Về các nghệ sĩ tham gia tiểu phẩm, lãnh đạo nhà đài giải thích trước khi tham gia tiểu phẩm bé Quỳnh Sao tất cả các diễn viên đều không biết gì về câu chuyện bé Quỳnh Anh dự thi Vietnam’s Got Talent?
Vượng râu: - Tôi có đọc những thông tin này, tôi thấy không hài lòng một chút nào cả. Làm gì có chuyện những người làm báo đài mà lại không biết cô bé Quỳnh Anh là ai.
Ơ hay! Trên mạng đầy ra đấy. Toàn những người làm báo đài, tại sao lại không biết Quỳnh Anh là ai!
Đây là một câu nói thiếu trách nhiệm và thiếu cả kiến thức. Một người lãnh đạo cấp cao mà lại nói: “Tôi chả việc gì phải xin lỗi, tôi cũng chả sai!”
Đương nhiên là không sai, nhưng nó vào lúc không đúng thì nó phải sai, chứ không thể phát biểu là không sai được. Cái quan trọng ở đây nữa mà tôi muốn nói đến là tầm nhận thức của người đạo diễn.
PV: - Hiện nay, đài truyền hình phát sóng dày đặc các chương trình truyền hình thực tế: Vietnam’s Next Top Model, Vietnam’s Got Talent… Anh có thường xuyên theo dõi các chương trình này hay không? A
Vượng râu: - Tôi không phải là người tham gia những chương trình truyền hình thực tế nhưng tôi có thể khẳng định một câu: “Những chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam, hiện tại không có thực tế. Chắc chắn là diễn hết.”
Chính vì vậy mà trường hợp xảy ra dối trá là đương nhiên. Tiêu biểu trong giai đoạn này, có những người vẫn cài nhèm nhèm là Vietnam’s Next Top Model. Chỉ cần 3 đường là người ta biết ngay bà đó điêu toa nhưng bà ý cứ cãi.
Vậy thành ra nhà báo và khán giả cứ bị lừa. Thêm nữa, cô Hà Anh phát hiện ra vấn đề lại bị mang tiếng là mượn chuyện lăng xê. Nhưng nói thật ra, sự thật thường bị mất lòng, đến khi người ta nhận ra được sự thật thì mọi chuyện cũng đã quá muộn. Trường hợp này tôi nghĩ cũng cần phải rút kinh nghiệm.
Đặc biệt, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam, theo tôi cần phải xem xét và rút kinh nghiệm. Đó là những thú mua vui. Người Việt Nam ta bắt chước người nước ngoài nhưng nó lại không hợp với thuần phong mỹ tục và không hợp với con người Việt Nam.
Vì vậy, mình làm nó quá đi một chút thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai rất lớn đối với một em bé 15 tuổi.
"Đánh hội đồng” với một em bé là một việc làm hơi hèn" |
PV: - Các cháu của anh phản ứng như thế nào khi xem xong tiểu phẩm về bé Quỳnh Sao?
Vượng râu: - Tôi chưa có gia đình, chưa có con nhưng có mấy đứa cháu, chúng nó đều lớn hết rồi. Một đứa hiện đang học đạo diễn tại trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, xem xong tiểu phẩm nó có gọi điện về hỏi chuyện tôi để nó trắc nghiệm cái suy nghĩ của nó.
Tôi cũng nói chuyện với nó như vừa trả lời bạn. Cháu tôi nó có tâm sự: “Bọn cháu đang còn là sinh viên, nhưng việc làm vừa rồi cháu thấy không hợp lý lắm. Bởi vì trong giai đoạn này, cộng với việc nói đúng từ “đánh hội đồng” với một em bé là một việc làm hơi hèn.
Cháu biết, bây giờ nhà đài sẽ không bao giờ xin lỗi một em bé cả, xin lỗi là một sự vô lý. Vì dùng từ “nhà đài” có nghĩa: sai thì cũng là nhà tôi, cho nên để bố con tôi bảo nhau. Đã là con tôi thì sai tôi chửi hàng xóm chứ không bao giờ tôi chửi con tôi. Đấy là “nhà đài”.
Bây giờ, nếu làm một cuộc trắc nghiệm dư luận, chắc chắn sẽ không ai ủng hộ tiểu phẩm bé Quỳnh Sao ra đời vào thời điểm vừa qua, vào lúc em bé Quỳnh Anh đang bị dư luận chỉ trích như vậy.
Tôi nghĩ, rất cần những bài báo viết dưới góc độ công tâm hơn, nhân văn hơn, tìm hiểu sâu xa hơn về những cuộc thi thực tế để phần nào nguôi ngoai, bớt đi nỗi buồn bản thân bé Quỳnh Anh và gia đình đỡ bị tủi thân hơn.
Cám ơn anh về buổi trò chuyện!
Lãnh đạo VTV trả lời vụ bé Quỳnh Anh và Quỳnh Sao |
- Phương Trịnh