Các bạn đã tháo chạy khỏi Nepal như nào?

09:30, Thứ hai 04/05/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mình thấy buồn hơn khi đoàn Hội chữ thập đỏ Việt Nam qua học kinh nghiệm ứng phó với động đất nhưng thấy động đất thì tháo chạy trở về.

Những ngày qua, ai cũng biết trận động đất kinh hoàng ở Nepal làm cả thế giới phải chấn động. Không ít người những bạn trẻ tạm gọi là "phượt thủ" qua Nepal leo núi cũng bị kẹt lại vì trận động đất này. Người thân của các bạn bàng hoàng, lo lắng. Đại sứ quán VN ở Ấn Độ cũng đã làm mọi cách để hỗ trợ những người Việt bị mắc kẹt. Gia đình chị Bảo ở Nepal cũng cố gắng giúp tất cả mọi thứ có thể.

Nhưng điều làm mình không hài lòng nhất là một số bạn đi phượt bị mắc kẹt lại ở Nepal cứ la làng lên kêu cứu. Hôm qua một anh bạn tag mình vào bài viết nhóm người Việt bị mắc kẹt. Mình giải thích trên FB anh rằng, các bạn ấy đang ở Namche là vùng an toàn, xuống thủ đô là tâm chấn của động đất có khi càng nguy hiểm hơn. Đoàn người lại là thanh niên trai tráng khỏe mạnh đi cùng nhau, lại còn thuê thêm cả guide đi cùng nữa, có gì đâu mà phải kêu cứu, cứu là cứu thế nào. Vì một vài hiểu lầm không đáng có, những người bạn của nhóm bạn này đã vào chỉ trích mình, như thể trách nhiệm giữ an toàn cho nhóm người bị kẹt trên núi là nhiệm vụ của mình vậy.

Các bạn có quyền chỉ trích, được thôi. Nhưng có một điều mình muốn các bạn "phượt thủ" sau này đi đâu nhớ suy xét thế này: Một là, các bạn đi chơi chứ không phải đi tìm đường cứu nước, nên rủi ro xảy ra trước hết phải tự tìm cách xoay sở, không được ngồi đó đổ lỗi cho người khác. Hai là, cả dân tộc Nepal đang gánh chịu cảnh đau thương, rất nhiều người bị kẹt dưới hầm thoi thóp chờ phao cứu hộ, mạng người ai cũg như ai, sao lại đi trách sao không thấy trực thăng Việt Nam qua cứu hộ. Mình nghe mà thấy chạnh lòng, ngày mình gặp bão tuyết, có trực thăng đến cứu, mình biết chỉ cần giơ cánh tay bỏng lên cho họ xem là họ có thể đưa mình về tận thủ đô. Nhưng lên chiếc trực thăng ấy làm gì khi mình có thể tự đi bộ xuống núi.

Một nhóm bạn người nước ngoài lên Dolakha xây trường cho học sinh – cũng là ngôi trường mà trước đây mình định sang làm tình nguyện viên. Sau khi cơn động đất đi qua, nhóm bạn này đi khắp làng tìm thi thể những nạn nhân xấu số để mai táng đồng thời cứu chữa cho những người bị thương nặng. Roman Gek – trưởng nhóm của nhóm bạn nước ngoài này đã viết vài dòng trên Facebook trước khi chiếc điện thoại hoàn toàn mất tín hiệu và nói rằng: Ai đó khi đọc được dòng tin nhắn này, hãy gọi đến đại sứ quán Nga ở Nepal và bảo với họ rằng chúng tôi vẫn an toàn, không có gì phải lo cả. Mình đọc dòng tin nhắn của Roman mà chảy nước mắt. Họ không yêu cầu một sự trợ giúp nào cả, ngược lại còn lo sợ đại sứ quán của nước họ lo lắng.

Mình thấy buồn hơn khi đoàn Hội chữ thập đỏ Việt Nam qua học kinh nghiệm ứng phó với động đất nhưng thấy động đất thì tháo chạy trở về. Mình không biết các bạn ấy tháo chạy trở về vì điều gì. Để kể lại cho người dân Việt Nam nghe rằng các bạn đã trải qua trận động đất kinh hoàng như thế nào chăng? Hay để nói với người dân VN rằng các bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháo chạy trở về đầu tiên?

Động đất ở Nepal: Chụp ảnh tự sướng trên đống đổ nát gây phẫn nộ
Hành vi chụp ảnh tự sướng của một vài người tại tháp Dharahara sau trận động đất kinh hoàng bị hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội.

Lúc trở về, một anh đại diện đoàn còn chia sẻ kinh nghiệm, “nếu đi xa vài ngày trở lên thì nên mua một gói 3G và sử dụng mạng có độ bao phủ mạnh nhất”. Mình bấm bụng cười vì nghĩ đến cảnh rồi đây anh sẽ đi tuyên truyền cách ứng phó với động đất, núi lửa, lũ lụt….cho tất cả trẻ em Việt Nam. Rằng hãy luôn cầm một cái điện thoại có 3G tốc độ cao trên tay để mà la làng người ta đến ứng cứu. Phải, cứ la làng thôi. La làng là ưu điểm mạnh nhất của người Việt mà.

Mình cũng nghĩ tới cảnh anh này được điều ra chiến trường cứu thương cho nạn nhân. Anh cũng cầm cái điện thoại có 3G tốc độ cao trên tay ấy. Gặp ai bị thương thì anh la làng đến cứu. Thế là xong. Nhiệm vụ của người làm công tác hội chữ thập đỏ là biết xài 3G. Chỉ cần thế thôi là đủ. Có gì đâu mà anh cần phải qua Nepal học kinh nghiệm ứng phó. Mình ước giá mà anh có thể dùng chiếc điện thoại 3G tốc độ cao của anh vào trang hội chữ thập đỏ Nepal để xem các tình nguyện viên của họ đã làm việc cật lực thế nào. 3 tình nguyện viên đã bỏ mạng trên đường đi thu gom máu cứu người dân Nepal, họ lăn xả đúng theo tinh thần và nghĩa vụ mà mà họ theo đuổi. Mình nghĩ giá mà, anh tháo chạy cũng được đi, nhưng trên đường tháo chạy, anh chạy lại hỏi tình nguyện viên nước bạn rằng, làm cách nào để tôi giúp nước bạn, tôi sẽ trở về đề xuất với chính phủ tôi. Nhưng hầu như anh đã không làm điều này.

Mình thấy báo chí Việt Nam cũng loạn cả lên, như thể làm sao giải thoát được những người Việt Nam trong cơn nguy kịch khi tất cả các bạn Việt Nam chẳng ai trầy xước một móng tay móng chân nào cả. Báo chí thế giới họ quan tâm, làm thế nào để giúp nước bạn, làm thế nào để đưa tình nguyện viên sang nước bạn, làm thế nào để góp máu cứu người dân nước bạn, làm thế nào để chuyển đồ ăn thức uống, thuốc men sang cho nước bạn. Nhưng mình chờ hoài chẳng thấy một tờ báo nào ở Việt Nam làm điều này, chẳng thấy một bài phỏng vấn nào hỏi các bác bên trên rằng, sao không thấy anh làm gì để thể hiện tình hữu nghị và tinh thần chia sẻ cho nỗi đau của nước bạn. Mình chỉ thấy những phóng viên chực chờ ai an toàn trở về để chạy lại phỏng vấn cho tin bài nóng hổi.

Một dân tộc đã ưỡn ngực tự hào trước tinh thần kiên cường, hiên ngang, bất khuất của cha ông. Và hôm nay, mình đã thấy các bạn tháo chạy như thế nào…

Cơn ác mộng Nepal và những trường hợp sống sót kỳ diệu
Người mẹ dùng tay không đào đất tìm con, phải uống nước tiểu của mình để sống hàng chục giờ đồng hồ... là những trường hợp sống sót kỳ diệu trong cơn ác mộng ở Nepal.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt