Thưa quý anh chị!
Tôi hơi ngạc nhiên sau lần ngồi nói chuyện với một người cao tuổi ở Ý. Bà than thở rằng, thanh niên Ý bây giờ nói “cảm ơn” và “xin lỗi” ít hơn nhiều thời của bà. Ngạc nhiên, vì bản thân vẫn thấy mọi người ở đây nói, hoặc thể hiện bằng cử chỉ những lời “cảm ơn” và “xin lỗi” nhiều lắm. Người ta cảm ơn người bồi bàn bưng ra tách cà phê, cảm ơn và chúc ngày tốt lành với cô bán hàng sau khi rời cửa hàng, cảm ơn một người đổ xăng, và người ta xin lỗi khi đụng nhẹ vào nhau trên đường mà có khi chẳng biết ai vô ý trước, xin lỗi khi vô tình lấn làn xe của người khác và xin lỗi công khai trên truyền thông vì một lỗi lầm nào đó gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng...
Từ khi nào ta đã quên "cảm ơn"? Ảnh minh họa. |
Mà thực ra, khắp châu Âu, đi đến đâu cũng thấy người ta chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi cứ như thể những cụm từ ấy nằm trong không khí mỗi ngày. Đối xử một cách tôn trọng nhau là điều hết sức bình thường của họ. Tôi nhận xét điều này với một người bạn, cậu ấy trợn mắt nhìn tôi, bảo: “Cậu cũng để ý đến cả điều này nữa sao?”.
Tôi cười, chỉ nghĩ rằng, mình đi từ một nơi đã từng lễ phép, lịch sự và đối xử tôn trọng lẫn nhau như thế và bây giờ thì ngỡ ngàng nhận ra, trong cuộc sống xô bồ của đời sống thị thành đổi mới, người ta chú ý nhiều đến cái ăn, cái mặc, đến việc phải cố gắng giẫm đạp lên nhau trong cuộc bon chen quyền và lợi, mà quên mất đến những điều nhỏ nhặt nhất trong cách ứng xử giữa người với người.
Ở quê tôi thì nếp ấy vẫn giữ nguyên. Mỗi lần về quê ăn cỗ có thể nghe thấy tiếng chào hỏi nhau râm ran từ đầu ngõ. Nhưng ở Hà Nội thì tiếng “cảm ơn” hay “xin lỗi” bây giờ dường như đã biến đâu mất. Người ta ngại nói điều ấy vì lý do gì, vì sợ “ngượng mồm”, sợ bị mang tiếng là “khách khí”, “sáo rỗng”, “giả dối”, “thiếu chân thành”, hay là vì cái gì?
Ngày tôi còn bé, mẹ dặn là khi cần nhờ ai đó làm gì thì luôn nói câu mở đầu với người nhiều tuổi hơn là “ông/bà/chú/cô/anh/chị làm ơn cho...” và sau đó, bao giờ cũng phải nói lời “cảm ơn”. Tôi chưa bao giờ quên những lời dặn ấy, và bây giờ, khi đã có con, vẫn dạy nó phải nói những điều tương tự trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả với bố mẹ nó. Nó học ở Ý, tiếp thu những điều hết sức giản dị ấy từ trường học và cuộc sống xung quanh mình.
Thời gian đầu trở về Việt Nam, con bé bị sốc khi một lần đi siêu thị, nó cảm ơn cô thu ngân sau khi trả tiền mua đồ xong mà cô kia cứ lặng im như không nghe thấy gì. Đến khi vợ tôi nhắc: “Con tôi cảm ơn chị đấy”, thì cô nàng mới ngẩng lên, lí nhí nói gì không rõ.
Không nói cảm ơn, hay không đáp lại một người nào đó khi được cảm ơn, xét cho cùng, chẳng khác gì nhau.
Có khi nào bạn tự hỏi: Từ khi nào ta đã quên nói lời “cảm ơn”?
Những "lời xin lỗi phiếm chỉ" Trên đường Nguyễn Trãi, đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao cũng trưng rất nhiều biển xin lỗi… Nhưng vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. |