Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội ngày 15/4 cho biết: "Sau gần 2 năm thực hiện phân làn đường ở 5 tuyến phố trong nội đô Hà Nội, hiện nay các dải phân làn đã xuống cấp. Sở GTVT Hà Nội chắc chắn sẽ có kế hoạch triển khai bảo trì, tu bổ lại dải phân làn ở 5 tuyến phố này".
Nguồn khác đền bù tai nạn do đường xấu ở đâu? |
Sau gần 2 năm thực hiện phân làn, nhiều dải phân cách đã hỏng |
Ông Tân cho biết thêm: Sắp tới Sở GTVT Hà Nội sẽ làm tờ trình lên UBND TP. Hà Nội để xin ý kiến trong việc phân bổ Quỹ bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT mới thu được trong quý I năm 2013 (1011 tỷ đồng - PV).
Sau khi được UBND Thành phố phê duyệt và được phân bổ tiền Quỹ bảo trì đường bộ thì Sở GTVT sẽ tiến hành bảo dưỡng, tu bổ những công trình giao thông.
"Hiện nay, đường xá ở trong nội đô vẫn đạt chất lượng tốt. Các tuyến đường huyết mạch dẫn vào trong thành phố đều mới được xây dựng và sửa chữa, đều đạt chất lượng cao so với các con đường khác trong cả nước. Chỉ có điều giải phân làn đường ở 5 tuyến phố Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng sau hai năm đi vào hoạt động chính thức đã xuống cấp và cần được sửa chữa. Dự tính trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành cải tạo và tiếp tục phân làn ở các tuyến phố khác trong thành phố Hà Nội, theo chủ trương của Bộ GTVT", ông Tân nói.
Ông Tân cho biết thêm: "Để thay đổi được ý thức của người tham gia giao thông thì phải cần đến một thời gian dài. Ở Nhật Bản, người ta còn phải mất đến 30 năm mới thay đổi được một thói quen nhỏ trong tham gia giao thông...".
Đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến dải phân làn giữa đường |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lại nói: “Việc cắm chốt của lực lượng chức năng cũng chỉ thực hiện được trong 15 ngày đầu. Khi đã tạo được thói quen cho người tham gia giao thông thì lực lượng này rút”.
Được biết, trước khi tiến hành phân làn đường vào tháng 9/2011, Thành phố Hà Nội đã có tất cả 3 đợt phân làn đường trước đó vào các năm 2003, 2006, 2009 với các tuyến đường: Chùa Bộc, Kim Mã, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt nhưng đều thất bại.
Theo tìm hiểu của PV, cả 3 lần thí điểm phân làn trước thời gian đầu việc phân làn được người tham gia giao thông chấp hành khá tốt do có lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông túc trực. Tuy nhiên, chỉ sau khi lực lượng này rút thì đâu lại vào đó.
Trong lần phân làn thứ 4, Sở GTVT Hà Nội đã chi ra gần 24 tỷ đồng sau hơn một năm thực hiện đặt các khối bê tông có thanh sắt nối và có biển báo ở...giữa đường để phân biệt 2 làn ô tô, xe máy.
Trong đó, tại 5 tuyến phố phân làn: phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Giải Phóng, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Xã Đàn kinh phí cho việc sơn kẻ đường, biển mới từ ngày 20/9/2011 tới 8/10/2011 Sở GTVT Hà Nội là hơn 4,6 tỷ đồng.
Kinh phí phục vụ hướng dẫn, cưỡng chế phân làn cho hai lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tới cuối năm 2011 dự tính khoảng 8 tỷ đồng.
Nhưng được một thời gian, các cọc biển báo trên cũng bị đâm đổ, gãy, các khối bê tông được người tham gia giao thông rẽ ra để tiện lấn đường… Sau gần 2 năm thực hiện phân làn lần thứ tư, tình trạng không cải thiện.
Một chuyên gia của ngành giao thông Việt Nam đã thẳng thắn nhận xét: "Khi thực hiện phân làn, cơ quan chức năng chưa tính hết đặc điểm các tuyến phân làn, bởi đây đều là đường đô thị, các phương tiện hỗn hợp cùng tham gia, trong đó nhiều phương tiện phục vụ cuộc sống của người dân sống 2 bên đường. Vì thế, mỗi khi người dân tạt vào hay xe buýt mỗi lần vào đón - trả khách gây xung đột dòng phương tiện. Tiếp đến, các tuyến phố này có nhiều ngõ, hẻm, mật độ người cùng phương tiện đông cũng đã tạo thành xung đột trên tuyến".
Trong văn bản trả lời báo Đất Việt vào sáng ngày 15/4, phía Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sắp tới Sở GTVT Hà Nội tiếp tục duy trì phân làn trên 5 tuyến và triển khai thêm trên các tuyến đường khác như Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Linh (QL5) và cầu Vĩnh Tuy.
- Đông Tẩu
[links()]