Số phận của những người trong gia đình vua Thành Thái

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) -Trở thành thành phần đối chọi với thực dân Pháp, cuộc đời vua Thành Thái và vợ, con, cháu chắt đã trải qua những biến cố lớn từ lúc bị lưu đày ở đảo Reunion cho đến khi trở về Việt Nam và sống trong nghèo túng.


Vị vua đa tình
Vua Thành Thái những ngày bị đày trên đảo
Vua Thành Thái những ngày bị lưu đày
Vua Thành Thái có rất nhiều cung phi và con cái. Đến giờ trong gia phả của Nguyễn Phước Tộc cũng chỉ nói chung chung chứ không có con số chính xác về các vị cung phi cũng như hoàng tử, hoàng nữ của vua Thành Thái. Bên cạnh là một vị vua yêu nước, vua Thành Thái cũng nổi tiếng là một vị vua đa tình. Đó là lý do ông có rất nhiều vợ.
 
Có lần nghe đồn trên Kim Long, con gái rất xinh đẹp, dễ thương, lại hầu hết xuất thân từ những gia đình có văn hóa, nền nếp, vua Thành Thái đã quyết định vi hành lên Kim Long đúng ngày mùng 1 Tết, với hi vọng tìm được một Quý phi. Đến nơi, nhìn mãi mà không thấy ai vừa ý, Vua Thành Thái thất vọng liền cho đò quay về. Nhưng đúng lúc đó thì bất ngờ có một cô gái tuổi chừng đôi mươi, tuy mặc áo vá vai và đang chèo đò nhưng đôi má ửng hồng và ánh mắt long lanh, vua lập tức thấy lòng xao xuyến, rộn lên một niềm cảm mến kỳ lạ.
 
Vua liền hỏi: “Ni, o tê! O có muốn lấy vua không để tôi làm mối cho”. Cô gái lái đò ban đầu nói đến vua thì sợ phạm tội khi quân nên lắc đầu sợ hãi, thế nhưng được sự động viên của những người ngồi trên đò và sự khuyến khích của vị vua vi hành, cô đã gật đầu đồng ý. Đến lúc đó, vua Thành Thái liền nói: “Vậy Quý phi hãy ngồi nghỉ để trẫm chèo cho”. Nói xong vua Thành Thái liền thay vị Quý phi tương lai chèo đò, trước con mắt ngạc nhiên của những vị khách có trên đò.
 
Ngay cả bà Quý phi Nguyễn Thị Định (thân mẫu vua Duy Tân) cũng được tuyển vào cung trong một trường hợp gần gần như thế. Chuyện là khi vua Thành Thái tập trung một số thợ đúc đồng lành nghề ở các nơi về Kinh đô để đúc đồ ngự dụng và đúc vũ khí chống Pháp, những người thợ lành nghề nhất ở phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định đã được vua Thành Thái gọi vào kinh đô. Một trong những người đó là ông Nguyễn Văn Phương, người làng Kim Châu, thuộc tổng Nhơn Nghĩa, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.
 
Để tiện cho sinh hoạt của gia đình, ông Nguyễn Văn Phương đã nhờ cụ Thượng thư Đào Tấn (cũng người cùng quê Bình Định) giúp đỡ và đưa cả vợ con gia đình về sống ở đây. Vì đời sống kinh tế khó khăn, ông Nguyễn Văn Phương gửi người con gái lớn là Nguyễn Thị Định (sinh năm 1883) rất xinh đẹp làm con nuôi trong một gia đình quan đại thần. Một lần tình cờ gặp Nguyễn Thị Định, vua Thành Thái lập tức đem lòng cảm mến và đòi tiến cung. Cô gái thường dân nghiễm nhiên trở thành Quý phi của vua Thành Thái. Bà sinh được cho vua Thành Thái 2 hoàng nam, một hoàng nữ, trong đó có hoàng tử Vĩnh San (sau này là vua Duy Tân).
 
Cuộc sống vất vả trên đảo Reunion
Thứ phi Nguyễn Thị Định
Quý phi Nguyễn Thị Định
Khi vua Thành Thái giả điên để nuôi chí chống thực dân Pháp, bà Nguyễn Thị Định cũng như nhiều cung phi khác thường xuyên bị vua đánh để che mắt bọn thực dân. Nhưng cuối cùng vua vẫn bị chúng giam vào lãnh cung một thời gian, rồi bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến năm 1916, khi vua Duy Tân bị thực dân Pháp phát hiện liên hệ với Quang Phục hội để chống Pháp, vua Thành Thái cùng bà Nguyễn Thị Định và một số hoàng nam, hoàng nữ cũng bị thực dân Pháp đưa đi đày sang đảo Reunion cùng vua Duy Tân.
 
Tuy hai cha con vua Duy Tân và vua Thành Thái cùng bị đi đày trên một hòn đảo, nhưng sau một thời gian ngắn sống chung, vì có những mâu thuẫn trong quan điểm, vua Duy Tân đã dọn ra sống riêng và ít khi trò chuyện với vua cha Thành Thái.
 
Khi mới sang đảo Reunion, thực dân Pháp bố trí cho vua Thành Thái ở trong một biệt thự Pháp nhỏ cùng với gia đình. Thực dân Pháp đảm bảo việc cấp chi phí sinh hoạt cho gia đình vua một cách đầy đủ, với điều kiện đi kèm là vua Thành Thái không được tự ý ra các bến tàu, sân bay và mỗi khi có vật dụng nào trong nhà hỏng hóc thì nhất định phải báo cho đại diện của thực dân Pháp ở Reunion đến sửa chữa. Không chấp nhận cách đối xử đó của thực dân Pháp, vua Thành Thái đã tìm mọi cách phản kháng.
 
Sau 2 năm ở trong ngôi biệt thự mà thực dân Pháp cấp cho, vua Thành Thái đã đưa vợ con ra khỏi đó và thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis. Hành động của vua Thành Thái khiến cho thực dân Pháp giảm bớt tiền trợ cấp cho ông và gia đình, khiến cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn.
 
Khác với vua Hàm Nghi, vị vua đầu tiên bị lưu đày, cuộc sống của cha con vua Thành Thái khá chật vật. Các bà cung phi đi theo vua Thành Thái, vì không hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đảo Reunion nên thường xuyên bị đau ốm, thêm vào đó vua Thành Thái lại quá đông con cái, nên cuộc sống của vua Thành Thái và vợ con luôn khá chật vật, nheo nhóc.
 
Có lần vua Thành Thái còn bị chủ nhà đòi tiền thuê nhà và bị các chủ nợ tìm mọi cách để bức nợ. Khoản tiền trợ cấp mà thực dân Pháp cấp cho vua Thành Thái chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình vua. Nhưng vì lòng tự trọng, vua Thành Thái không bao giờ mở miệng xin người Pháp. Vì không chịu được cuộc sống khó khăn, chật vật ở đảo Reunion, cũng vì khí hậu khắc nghiệt, nên bà Nguyễn Thị Định đã quyết định về nước, giảm bớt phần nào gánh nặng cho vua Thành Thái.
 
Ở đảo Reunion, vua Thành Thái không cho con cái đến học ở trường Pháp, không cho chơi với người Pháp. Vua cho các hoàng tử đi học nghề thợ nề, thợ mộc và hàng ngày chỉ được giao tiếp với người bản xứ, người Trung Quốc. Vua Thành Thái còn bắt vợ con phải tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt, trong đó có việc phải mặc quốc phục trong các dịp lễ Tết, phải giữ gìn bản sắc dân tộc và nhất là phải nói được tiếng Việt.
Vua Thành Thái
Chân dung Vua Thành Thái
Vua Thành Thái vẫn dạy con cái tiếng Việt và các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn cò. Ông tự phân công cho tất cả những người con từ nhỏ đến lớn đảm nhận công việc trong gia đình. Các công chúa phụ mẹ việc bếp núc, làm vườn. Các hoàng tử, người làm cận vệ cho vua Thành Thái, người đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa. Để kiếm thêm thu nhập, vua Thành Thái cũng đích thân lao động. Ông dạy các con nghề làm yên ngựa và cùng với các con làm yên ngựa để bán cho khách. Khách Tây rất thích những cái yên ngựa mềm và giá cả phải chăng của vị vua một thời của xứ An Nam.
 
Khi vua Khải Định lên ngôi, nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của vua Thành Thái, vua Khải Định đã gửi một khoản tiền lớn biếu Thành Thái, đồng thời đều đặn gửi tiền trợ cấp sang Reunion. Tuy có sự giúp đỡ của vua Khải Định, cuộc sống của vua Thành Thái cùng gia đình cũng chỉ bớt đi được một phần khó khăn trong những ngày tháng bị lưu đày tại Reunion.
 
Những người con của vua Thành Thái được sinh ra trên đảo Reunion là những người con chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tiếng là công chúa, hoàng tử, nhưng cuộc sống của họ chưa từng trải qua một ngày nhung lụa. Hoàng tử Vĩnh Giu, con trai vua Thành Thái từng kể rằng thời còn sống ở Reunion, có lần đi dạo trên đảo cùng cha, vua Thành Thái đã nắm tay Hoàng tử Vĩnh Giu và nói: “Khi nào trở lại Việt Nam, con sẽ biết Thành Thái và Duy Tân là ai. Rồi lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận và chứng minh cho con biết”.

Hậu duệ vua Thành Thái và cái nghèo đeo bám
 
Đến năm 1947, sau khi vua Duy Tân qua đời một thời gian, nhờ sự vận động của vợ chồng bà công chúa thứ 16 Lương Nhàn và ông luật sự Vương Quang Nhường, vua Thành Thái cùng gia đình được hồi hương và sống tại Vũng Tàu. Tuy đến đây và sống trong một biệt thự Pháp ven biển Vũng Tàu, nhưng mỗi lần Quốc trưởng Bảo Đại cùng tướng Pháp ghé qua, vua Bảo Đại đã tặng rất nhiều quà và tiền cho Vua Thành Thái nhưng ông đều từ chối thẳng thừng. Ông bảo cháu hãy giữ nó để dùng tiền giúp nước giúp dân.
 
Tuy cho vua Thành Thái về Việt Nam, nhưng thực dân Pháp bằng mặt mà không bằng lòng, tìm mọi cách gây khó khăn cho gia đình vua Thành Thái. Hoàng tử Vĩnh Giu, con vua Thành Thái tuy được thực dân Pháp cho đi làm, nhưng bị chúng bắt làm những công việc vất vả, khổ sở nhất. Có thời, hoàng tử Vĩnh Giu được đưa đi coi những tù chính trị, lại có lúc bị đưa đi làm cầu đường ở Cần Thơ. Mục đích của thực dân Pháp là muốn mượn tay Cách mạng giết chết vị hoàng tử này, hoặc đày đọa hoàng tử Vĩnh Giu trong khổ ải cho đến chết.
 
Năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu lấy vợ. Sau khi lấy vợ, chính quyền bảo hộ luôn tìm cách gây khó khăn để con cái Hoàng tử Vĩnh Giu không được ăn học đến nơi đến chốn. Để có tiền nuôi con, hoàng tử Vĩnh Giu còn phải chơi nhạc trong các quán bar để kiếm thêm tiền. Chính vì thế mà các hậu duệ đời sau của vua Thành Thái đều không có công việc ổn định, phải làm những việc tay chân để kiếm sống.
 
Những người con của hoàng tử Vĩnh Giu, là cháu nội của vua Thành Thái đến giờ vẫn sống chật vật, khó khăn ở Cần Thơ. Nghề nghiệp của hầu hết trong số họ đều là xe ôm. Cả gia đình hậu duệ vua Thành Thái sống trong một khu xóm nghèo ven thành phố Cần Thơ, ngôi nhà tạm bợ, không có gì quý giá. Sau này, nhiều người biết về cuộc sống kham khổ của hậu duệ vua Thành Thái mới tìm cách giúp đỡ, giúp cuộc sống của hậu duệ vua Thành Thái bớt khó khăn.
 
Trong số những hậu duệ vua Thành Thái, hoàng thân Bảo Tài (sinh năm 1964) là một người có số phận vất vả nhất. Năm 2004, ông Bảo Tài mới lấy vợ và sinh được một người con gái là Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Nhưng con gái ông Bảo Tài từ khi sinh ra đã bị bệnh tật. Đi khám bác sĩ thì được biết là bệnh suy não. Vì ảnh hưởng căn bệnh, cô bé thiếu khả năng tư duy và đi lại, thi thoảng bé lại co giật, té ngửa.
 
Đáng lẽ ra phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, đồng thời tìm cách đưa con đi chữa chạy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh quá vất vả, vợ chồng ông Bảo Tài đành nén lòng nhìn con mình chịu khổ. Có lần để mua thuốc cho con, vợ chồng ông Bảo Tài còn phải cầm cố đồ đạc trong nhà rồi sau đó dành dụm tiền chuộc lại.
 
Rất nhiều người đã bất ngờ về cuộc sống nghèo khó của ông Bảo Tài, nên gia đình ông đã được nhiều nhà hảo tâm quyên tiền giúp đỡ để xây một ngôi nhà khang trang hơn, đồng thời thỉnh thoảng hỗ trợ tiền nuôi dưỡng, mua thuốc chữa bệnh cho con gái ông.
 
  • Nguyễn Đắc Xuân

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn